Việt Nam có trên 96 triệu người: dân số vàng, nhưng tốc độ già hóa đang tăng nhanh
Tổng dân số của Việt Nam là 96,2 triệu người, là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới với tuổi thọ trung bình hơn 73 tuổi.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được Tổng cục Thống kê công bố sáng 19/12.
Ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết với tổng tỉ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ, Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua.
Xu hướng mất cân bằng giới tính, già hóa dân số
Tỉ số giới tính của dân số là 99,1 nam/100 nữ. Năm 2018 là 114,8 bé trai/100 bé gái và năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái.
Người Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 73,6, liên tục tăng từ năm 1989 đến nay. Trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71 và nữ giới là 76,3 tuổi.
Mặc dù dân số liên tục tăng nhưng di cư đang có dấu hiệu giảm về số lượng và tỉ lệ. Người di cư có xu hướng lựa chọn điểm đến trong phạm vi quen thuộc, trong đó Đông Nam bộ là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư khi có tới 1,3 triệu người đến.
Gần 88% dân số trong độ tuổi từ 25 – 59 tham gia lực lượng lao động, trong đó có gần 40% tốt nghiệp trung học phổ thông; đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên là 23,1%.
Lao động làm việc trong khu vực dịch vụ lần đầu tiên vượt qua khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019, đưa khu vực dịch vụ và công nghiệp sớm đạt ngưỡng 70%. Tuy nhiên, lao động giản đơn thu hút nhiều nhân lực nhất trong nền kinh tế với 33,2%.
Tổng điều tra nhà ở cũng cho thấy đa số các hộ dân đều có nhà ở và đang sống tại các ngôi nhà kiên cố, bán kiên cố. Tuy nhiên, vẫn còn 1.244 hộ không có nhà ở, tương đương với 4.108 người sống ở ghe, thuyền. Có 310 người lang thang cơ nhỡ tại 10 tỉnh, thành trực thuộc trung ương đã được thu thập thông tin, không có nhà ở.
Diện tích nhà ở bình quân là 23,2m2/người, tăng 6,5m2/người so với năm 2009. Có 11,7% hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà/căn hộ đi thuê/mượn, đặc biệt tại địa phương đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp.
Điều kiện ở và sinh hoạt của hộ dân cư được cải thiện rõ rệt, 99,4% hộ sử dụng điện thắp sáng; nguồn nước hợp vệ sinh là 97,4%; hơn 91% hộ sử dụng tivi, điện thoại và hơn 30% hộ có máy tính…
Bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp quốc tại Việt Nam, cho rằng dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh, từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019, nên Việt Nam cần giải quyết thách thức già hóa dân số.
Giải quyết thách thức già hóa dân số
Tuổi thọ bình quân tăng là minh chứng thành tựu phát triển xã hội và chăm sóc sức khỏe con người của Việt Nam, song bà Naomi Kitahara bày tỏ lo ngại khi tỉ lệ mất cân bằng giới tính đang có xu hướng tăng.
“Có nhiều khả năng do sự lựa chọn giới tính thai nhi vì ưa thích con trai, một phần do văn hóa truyền thống. Do đó, từ quan điểm bình đẳng giới, hệ lụy mất cân bằng giới tính, việc lựa chọn giới tính theo giới cần phải dừng lại. Phải tăng cường thực hiện khung pháp lý và chính sách hiện hành, ngăn chặn lựa chọn giới tính và bình đẳng giới” – bà Naomi Kitahara nói.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp điều tra chính xác, kịp thời, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách.
“Việt Nam đang giai đoạn dân số vàng, cứ 1 người phụ thuộc có 2 người đi làm nhưng tốc độ già hóa đang tăng nhanh, tỉ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên ở mức cao, chỉ số già hóa 48,8%, tăng 2 lần so với năm 1999. Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ngọc An
Theo Tuổi Trẻ Online
Link nguồn: https://tuoitre.vn/viet-nam-co-tren-96-trieu-nguoi-dan-so-vang-nhung-toc-do-gia-hoa-dang-tang-nhanh-2019121910014933.htm