fbpx

Ngó nghiêng coi người ta giàu

Phải nói ngay cảm nhận sự sang giàu ấy chẳng ở đâu xa, mà ngay trên các đường phố, các mảng xanh đô thị hiếm hoi. Có đến xứ sở nằm giữa sa mạc ấy mới thấy người ta vung tay không tiếc tiền để tìm kiếm và giữ màu xanh cho mình như thế nào.

Cung điện Hồi giáo.
Thánh đường Hồi giáo.

Lâu nay nhiều người hay lầm tưởng đi Dubai là chỉ có… Dubai, nhưng thực ra hành trình các tour từ Việt Nam sang đây đều chọn điểm đầu là Dubai và kế tiếp là Abu Dhabi hoặc ngược lại. Đây là 2 tiểu vương quốc có 2 thành phố đông dân nhất của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất – UAE. Đồng thời là hai thành phố giàu có nhất của cả vùng Trung Đông.

Phải nói ngay cảm nhận sự sang giàu ấy chẳng ở đâu xa, mà ngay trên các đường phố, các mảng xanh đô thị hiếm hoi. Có đến xứ sở nằm giữa sa mạc ấy mới thấy người ta vung tay không tiếc tiền để tìm kiếm và giữ màu xanh cho mình như thế nào. Nhìn những cây xanh họ vun trồng được, chăm bẵm chúng trong vùng đất chỉ có cát sa mạc này mới thấy quả phải lắm tiền mới có thể lo được. Như đường ống phun nước tưới cho các thảm cây, cỏ trồng dọc các lối đi, đường phố, căn hộ hay khách sạn, resort… Không chỉ là lắp ống theo từng quãng rồi tới giờ phun định kỳ như ở xứ ta, mà nó là cả một hệ thống đường ống dẫn nước như một mạng lưới chằng chịt, đều đặn, có thể xem như những tấm lưới đan đều mà cây cỏ chính là thứ giăng mắc trên đó. Và chỉ tuôn nước ra đúng gốc cây. Ở xứ sa mạc, nước hiếm, cây khó mọc, chỉ có chăm bẵm kiểu này mới may ra có thêm tí màu xanh.

Thánh đường Hồi giáo.
Thánh đường Hồi giáo.

Thoải mái trả giá ở chợ vàng

Có bao giờ bạn nghĩ mình vào tiệm vàng mà trả giá để mua không? Ở Việt Nam thì điều này dễ bị cho là… hâm! Thường khi đi mua sắm, nhất là ở chợ, bạn dễ có thói quen trả giá, không nhiều thì ít, nhưng ngay khi bước vào tiệm vàng bên cạnh, bạn tự động mất phản xạ đó ngay, mà chỉ xem giá vàng, tỉ giá vàng hôm nay là bao nhiêu để quyết định mua hay để hôm khác. Nhưng ở Dubai thì bạn vẫn có thể thoải mái trả giá vàng. Chợ vàng Gold Souk có hơn 200 tiệm vàng trưng bày đủ loại trang sức từ cổ xưa đến hiện đại.

Chợ vàng.
Chợ vàng.

Điều đáng nói là Dubai không có vàng và vàng hiện có được nhập về để chế tác nữ trang các loại. Nhưng khách du lịch khắp nơi đổ về đây đều thích mua. Nghe nói trữ lượng ở xứ này khoảng 5 tấn, nên bạn cứ thoải mái mua sắm. Khác với hình dung của tôi, chợ bán nữ trang đắt tiền chắc phải an ninh, camera này nọ cảnh giác ghê lắm, chợ vàng Dubai gây ấn tượng mạnh cho du khách như tôi, là nó giống như nhiều cái chợ khác ở nơi này, trông dễ gần dễ mua dễ… chạm, sờ thử xem đeo và trả giá. Cho dù đó là cái nhẫn vàng to nhất thế giới chưng ở đầu chợ hay áo làm bằng vàng lộng lẫy ở cuối chợ mà mức độ đẹp đẽ của nó khiến du khách nào đi qua cũng muốn chụp hình chung hay đơn giản là chiếc nhẫn hình hoa hồng chạm rất tinh xảo ở giữa chợ. Vàng ở đây nhiều như… rau và bạn tha hồ chọn rồi… kỳ kèo mặc cả.

Chợ vàng.
Chợ vàng.

 Bạn tôi mua một tờ tiền 100 AED – đơn vị tiền của UAE, làm bằng vàng. Sau 20 phút trả tới trả lui, giá chỉ còn gần phân nửa so với giá “đề nghị”. Ông chủ tiệm vàng còn niềm nở bảo mày muốn mua bất cứ cái gì trong shop tao, vòng, nhẫn, dây chuyền… đều sẵn sàng giảm ngay so với giá niêm yết. Điều này cũng góp phần khẳng định suy nghĩ của tôi, ở Dubai, cái gì mua cũng có thể trả giá, và thường thì nhiều khi chỉ 1/3 giá mà thôi. Vàng cũng không ngoại lệ.

Thánh đường tráng lệ nhất vùng Trung Đông

Đây là nơi ai cũng phải đến, cũng phải đề nghị có trong tour du lịch Dubai. Có thể bạn không có nhiều thời gian cho Abu Dhabi, nhưng với đại thánh đường trứ danh này thì rất nên đến, cho dù không phải tín đồ đạo Hồi. Vì quá đẹp. Mà để xây dựng được thánh đường, chỉ cần nhìn thôi cũng đủ hình dung sự tốn kém.

Thánh đường Hồi giáo.
Thánh đường Hồi giáo.

 Đại thánh đường Sheikh Zayed được hoàn thành năm 2007 sau 3 năm xây dựng, là ngôi thánh đường đẹp nhất Trung Đông và là một trong những thánh đường lớn nhất thế giới. Đại thánh đường có 82 mái vòm bằng đá cẩm thạch trắng tinh khiết. Bốn góc của sân là 4 ngọn tháp cao chót vót được lấy cảm hứng từ 3 phong cách tạo hình từ 3 nền văn minh: trên mặt đất là khối Mamluk của Ai Cập, ở giữa là hình lục tứ giác Fatimd – phong cách từ Bắc Phi và trên cùng là ống trụ – phong cách kiến trúc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. Nói như người bạn đồng hành là dân kiến trúc thì thánh đường Sheikh Zayed là sự phối hợp hài hòa của 3 khuynh hướng Hồi giáo Ả Rập, Morocco và Pakistan.

Sân chính của thánh đường là một khoảng không gian màu trắng lấp lánh có sức chứa tới 3000 người, cùng khuôn viên rộng lớn có những họa tiết hoa lá từ hàng ngàn viên đá ghép lại, như một bức tranh khổng lồ trên nền trắng. Có lẽ bức tranh quá đẹp nên để giữ gìn nó, bạn chỉ có thể ngắm từ các hành lang chung quanh, tuyệt đối không được bước lên những hoa lá từ đá ấy.

Nếu như bên ngoài tả hữu hành lang thánh đường, tôi còn được làm mát một chút so với nhiệt độ ngoài trời bởi không gian cẩm thạch đi rất êm chân, thì vào trong thánh đường, sẽ được phủ lạnh hoàn toàn bởi toàn bộ không gian rộng lớn ấy đều dùng máy lạnh. Cũng màu trắng chủ đạo, nhưng là một không gian khác, sang trọng, mỹ lệ hơn. Nơi đây rộng lớn với tổng sức chứa 10.000 người và được khảm bằng đá cẩm thạch lớn nhất thế giới với kích thước 55.000m2. Có 96 cây cột được phủ bằng đá cẩm thạch Macedonia dát với vỏ ngọc trai và các loại đá quý khác. Bên trong mỗi cột là một hệ thống điều hòa không khí kích thước tương đương sử dụng trong một xe minibus. Các bức tường được trang trí những họa tiết hoa văn cầu kỳ, nổi bật trên nền tường màu trắng. Trên trần thánh đường, có 2 chiếc đèn chùm pha lê khổng lồ 7 ngọn, nặng khoảng hơn 8 tấn, mỗi chiếc gắn 40 triệu viên pha lê lấp lánh muôn màu khiến ai vào đây cũng phải dừng lại rất lâu để xem và chụp hình.

Đi tham quan nơi này, tôi không chỉ mỏi cổ vì ngước lên chiêm ngưỡng mà sau đó còn dán mắt vào dưới chân mình. Bởi cả thánh đường cầu nguyện được trải một tấm thảm len lớn nhất thế giới có diện tích 5.700m2, phủ trọn bên trong thánh đường. Và rất đẹp. Mà để có tấm thảm kỷ lục này,  12.000 nghệ nhân dệt lão luyện đã thực hiện trong suốt 16 tháng trời ròng rã.

Xin lỗi bạn đọc, nhưng tôi phải viết thêm rằng bạn nên dành thời gian trải nghiệm nhà vệ sinh ở đây. Không chỉ máy lạnh mát mẻ, mà không gian kiến trúc được thiết kế và trang trí không kém bất cứ một khách sạn sang trọng nào, khiến tôi, dù đã được chỉ dẫn cặn kẽ và có hẳn dòng chữ restroom gắn ở đó, vẫn ngần ngại không biết mình có đi nhầm chỗ hay không!

Vài điều cần nhớ

Thời gian tốt nhất để đi du lịch Dubai, Abu Dhabi là từ tháng 11 cho đến tháng 4 hàng năm, vì khí trời mát mẻ thuận tiện cho việc tham quan. Tuy nhiên, kiếng mát, kem chống nắng, dù… là những thứ luôn nên có trong hành lý. Hành trình khám phá sa mạc ở đây không phù hợp cho du khách yếu tim hoặc sức khỏe không tốt, hay say xe. Gia đình có trẻ nhỏ cũng hạn chế. Đơn vị tiền tệ của UAE là dirham (AED), một AED tương đương khoảng 0,272 USD. Bạn nên mang theo USD để đổi qua AED ở Dubai. Người theo đạo Hồi không ăn thịt heo, uống rượu. (Nhưng ở Desert Safari có bia). Hút thuốc, xả rác nơi công cộng có thể bị phạt. Khi vào các chốn tôn nghiêm, như thánh đường chẳng hạn, tuyệt đối không mặc quần ngắn trên mắt cá chân. Xin lưu ý là chỉ cần trên mắt cá chân là không được. Và điều này được thực hiện rất nghiêm. Các chuyến bay đến Dubai từ Sài Gòn, Hà Nội đều bay thẳng với 2 hãng hàng không là Emirates, Etihad. Giá trung bình của Etihad Airways khoảng 780 USD,  Emirates 900 USD/vé khứ hồi.

Bài & ảnh: L.M.Hạ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

CÙNG CHUYÊN MỤC