Vụ ô nhiễm nước: Vẫn bỏ ngỏ câu hỏi ai chịu trách nhiệm cho sức khỏe người dân
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, hiện nay, vụ ô nhiễm nước ở Hà Nội mới được khởi tố hình sự theo góc độ môi trường còn những vấn đề khác vẫn đang phải xem xét chưa được làm rõ. Người dân là bị hại đầu tiên và câu hỏi “Ai sẽ phải chịu trách nhiệm với sức khỏe người dân, chịu đền bù thiệt hại cho người dân?” vẫn đang bỏ ngỏ.
Tại buổi tọa đàm Thị trường hóa dịch vụ công nhìn từ nước sạch sông Đà, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rằng, người dân đã uống nước bẩn, ảnh hưởng sức khỏe rồi thì UBND Hà Nội và công ty mới đưa ra khuyến cáo. Như vậy phản ứng với sức khỏe người dân, sinh mệnh khách hàng của mình rất chậm.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, chưa biết việc đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước có phải là hành vi cố ý hay không, hay có chuyện cạnh tranh giữa các công ty cung cấp nước sạch hay không nhưng có thể thấy dịch vụ công nếu để tư nhân cung cấp sẽ là miếng bánh hết sức béo bở. Bởi vì nhu cầu uống cà phê có thể có hoặc không nhưng nhu cầu về điện, về nước thì không bao giờ thay đổi.
Ông Dũng cho rằng, vấn đề dịch vụ công do tư nhân cung cấp vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều nước, vì tư nhân chạy theo lợi nhuận nhưng hơn nhà nước ở chỗ rất hiệu quả. Rất nhiều nước nghĩ đến chuyện tư nhân cung cấp dịch vụ công.
“Tư nhân vì lợi nhuận có thể bỏ qua những cái khác để có được lợi nhuận. Nếu không có cạnh tranh về chất lượng thì rủi ro của chuyện không bảo đảm rất nhiều, như nước, điện, chất lượng sẽ bị bỏ xuống hàng dưới và sự việc xảy ra như nước sông Đà có thể lặp lại vô tận” – TS Dũng lo ngại.
Do đó, theo quan điểm của ông Dũng, với các dịch vụ công, vai trò của chính quyền rất lớn dù trực tiếp cung cấp hay không. Dù gì cũng liên đới về quản lý chất lượng và phản ứng trước cách thức cung cấp dịch vụ công.
“Tôi có cảm nhận rằng dường như ở vụ việc này đây, chính quyền chậm hơn cả doanh nghiệp. Vụ việc này cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi mang tính chất trách nhiệm”, ông Dũng nói.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đặt câu hỏi: Liệu có ai trong những người bị ảnh hưởng bởi sự cố nước sông Đà kiểm tra lại hợp đồng mua nước của mình và tìm trong hợp đồng có điều khoản nào về việc bảo vệ người dân trong tình huống vừa rồi không?
“Thực tế, dựa vào hợp đồng, người dân khó kiện công ty cấp nước. Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì không cần căn cứ theo hợp đồng, miễn là người tiêu dùng sản phẩm nào đó gây hại thì người dân có thể kiện. Chúng ta còn có luật về bảo vệ sức khỏe của nhân dân, theo đó quy trách nhiệm cho nhà nước”, ông Lập nói.
Theo luật sư này, Luật này được ban hành từ năm 1989 và rất giống với Hiến pháp về sức khỏe nhân dân. Trong đó, tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan, các bên đều phải có trách nhiệm chăm lo bảo vệ sức khỏe của người dân. Liên quan đến nước có Điều 8 nói rằng, đã cung cấp nước cho nhân dân thì phải cung cấp nước vệ sinh, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Lập, hiện nay, vụ việc mới được khởi tố hình sự theo góc độ môi trường còn những vấn đề khác vẫn đang phải xem xét chưa được làm rõ. Người dân là bị hại đầu tiên và câu hỏi “Ai sẽ phải chịu trách nhiệm với sức khỏe người dân, chịu đền bù thiệt hại cho người dân?” vẫn đang bỏ ngỏ.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối, theo quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng có thể thấy rằng tồn tại giữa người tiêu dùng và công ty nước sạch Sông Đà là hợp đồng sử dụng nước sạch.
“Người dân chính là người tiêu dùng. Công ty nước sạch đã bán hàng không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, theo luật sư này, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của nhà nước và toàn xã hội” (khoản 1 Điều 4). Trên cơ sở đó, Luật này cũng quy định về chính sách của nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng: “Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chủ động tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” (khoản 1 Điều 5).
Theo đó, tổ chức xã hội thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ được tham gia hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.
Căn cứ Điều 28, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng thực hiện những nhiệm vụ như hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu; Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng; Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Cùng với đó là độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, sự việc ô nhiễm nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống nhiều hộ dân ở Hà Nội. Hội kêu gọi Công ty nước sạch Sông Đà phải có trách nhiệm đền bù cho người dân bằng cách miễn tiền nước sinh hoạt trong nhiều tháng.
“Các hộ dân bị thiệt hại có quyền khởi kiện trong trường hợp này, theo Luật tố tụng dân sự 2015. Tuy nhiên, số lượng hộ dân bị thiệt hại trong trường hợp này rất lớn, khiến cho quy trình, thủ tục phức tạp”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, việc chứng minh thiệt hại đến sức khoẻ của người dân cũng phải rõ ràng mới đủ điều kiện để khởi kiện. “Trước hết, chúng tôi thay mặt người tiêu dùng, yêu cầu Công ty nước sạch Sông Đà bồi thường thiệt hại cho người dân bằng việc miễn phí tiền nước trong nhiều tháng, thậm chí cả năm”, ông Hùng cho hay.
Lam Thanh
Theo nguoidothi.net.vn