fbpx

Y tế tư nhân – động lực cho y tế số Việt Nam

Về mức chi tiêu, thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam chia đều cho y tế tư và công, nhưng mức chi tiêu trên mỗi giường bệnh của y tế tư nhân cao hơn nhiều. Thế mạnh về nguồn vốn và kỹ thuật khiến y tế tư nhân đang trở thành động lực cho thị trường y tế số Việt Nam.

 

Tiềm năng thị trường y tế số (digital healthcare) đang mang lại cơ hội cho tất cả các bên tham gia, từ bệnh viện công, phòng khám tư, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe truyền thống đến các công ty khởi nghiệp y tế, theo báo cáo nghiên cứu thị trường y tế số Việt Nam do Med247 công bố tháng 11.2020.

Dự báo chi tiêu cho y tế tư nhân đạt 9,7 tỉ USD vào năm 2021, tăng gần 45%, từ 6,7 tỉ USD năm 2016. Trong đó, điểm sáng nổi bật là chi tiêu của y tế tư nhân tính trên mỗi giường bệnh cao hơn nhiều so với y tế công. Mức chi tiêu này chiếm 50,5% tổng chi tiêu trong ngành y tế dù chỉ đóng góp 6% tổng số giường bệnh.

y-te-tu-nhan
Nguồn: báo cáo thị trường y tế số Việt Nam của Med247

Quá trình số hóa ngành y tế tại Việt Nam đang trở nên sôi động hơn nhờ sự gia tăng thu nhập và kỹ năng số của khách hàng sử dụng dịch vụ y tế. Hiện ngành y tế số đã sử dụng nhiều công nghệ điện tử từ đơn giản như ứng dụng điện thoại di động đến phức tạp như trí tuệ nhân tạo (AI) và robot, đem lại lợi ích cho bệnh nhân, nhà cung cấp dịch vụ y tế, nhà quản lý hệ thống y tế và dữ liệu.

Tính đến giữa năm 2019, 14 bệnh viện công đã ứng dụng thành công hệ thống bệnh án điện tử (EMR). Riêng thị trường thiết bị đeo theo dõi sức khỏe trong nước được dự báo sẽ tăng trưởng 33% mỗi năm để đạt tổng giá trị 65 triệu USD năm 2020.

Đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 càng góp phần gia tăng sự phát triển của y tế số. Đơn cử, ứng dụng điện thoại Bluezone dựa vào bluetooth để truy vết người mắc bệnh thu hút hơn 21 triệu lượt tải chỉ sau 4 tháng ra mắt. Các nền tảng khám chữa bệnh từ xa (telemedicine) cũng được sử dụng rộng rãi phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Các “người chơi” hiện tại trong thị trường y tế số được chia thành 3 nhóm là bệnh viện – phòng khám tư, công ty cung cấp thiết bị y tế và nhóm công ty khởi nghiệp y tế. Trong đó, bệnh viện và phòng khám tư nhân lớn được đánh giá có lợi thế về nguồn lực tài chính và kỹ thuật nhờ nguồn vốn ngoại dồi dào. Nhờ đó đầu tư mạnh vào y tế số để không chỉ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân mà còn tối ưu hóa vận hành.

Những cái tên tiêu biểu như bệnh viện Hoàn Mỹ, VinMec, City, hệ thống phòng khám Victoria… đã phát triển hệ thống thông báo sự cố HM115 để giảm tỷ lệ tử vong do các sự cố, triển khai trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh… Tuy nhiên, các đơn vị thuộc nhóm này vẫn phải đối diện thách thức đến từ chi phí khám chữa bệnh cao và độ tin cậy thấp hơn so với các bệnh viện công lớn.

Nhóm thứ hai là các công ty cung cấp thiết bị y tế cũng có nhiều cơ hội hơn từ sự phát triển của y tế tư nhân, đặc biệt ở các bệnh viện tư cấp cơ sở, làm gia tăng nhu cầu về các thiết bị y tế hiện đại và phức tạp. Thị trường thiết bị y tế được dự đoán sẽ đạt tổng giá trị 1,8 tỉ USD năm 2022 và tiếp tục phát triển với mức tăng trưởng kép hằng năm 9,6%.

Còn với nhóm startup y tế ở Việt Nam, nhìn chung vẫn có quy mô nhỏ và còn non trẻ. Tương tự các bệnh viện và phòng khám tư, thách thức lớn nhất của nhóm này bao gồm độ tin tưởng thấp của người bệnh, song song với nhận dạng thương hiệu kém.

y-te-tu-nhan
Nguồn: báo cáo thị trường y tế số Việt Nam của Med247

Tuy nhiên, thế mạnh vận hành tinh gọn giúp họ triển khai ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh dễ dàng hơn, xoay quanh các dịch vụ giúp tăng sự tiếp cận y tế như telemedicine, ứng dụng chăm sóc sức khỏe và giao thuốc đến nhà.

Đầu tư vào công ty khởi nghiệp y tế năm 2019 mới xấp xỉ 7 triệu USD, rót vào các startup như eDoctor, Med247, Jio Health, Doctor Anywhere, BuyMed… Con số đầu tư khiêm tốn này cho thấy thị trường vẫn có nhiều khoảng trống để phát triển, cho cả những startup hiện tại lẫn những tay chơi mới.

Mặc dù các nhóm “người chơi” trên đang tạo ra các giá trị khác nhau cho thị trường, mỗi nhóm lại chỉ hoạt động độc lập trong thị trường ngách của mình, nghiên cứu nhận định. Do đó, việc tăng cường hợp tác giữa các nhóm này sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả trong vận hành và nâng cao trải nghiệm của bệnh nhân Việt Nam.

Để khuyến khích sự phát triển của y tế tư nhân, chính phủ Việt Nam đã từng bước nới lỏng các luật và quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài cho y tế tư nhân.Các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia khác cũng mở ra cơ hội thuận lợi cho đầu tư nước ngoài vào y tế tư nhân. Nhờ đó dòng vốn ngoại dồi dào đã rót vào y tế tư nhân, chủ yếu dưới hình thức hợp tác công-tư (PPP) hoặc hợp tác/sáp nhập.

Bích Trâm

Theo Forbes Vietnam

 

Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/y-te-tu-nhan-dong-luc-cho-y-te-so-viet-nam-14089.html

CÙNG CHUYÊN MỤC