WB nâng hạn mức tài trợ thương mại với doanh nghiệp Việt lên 294 triệu USD
Tổng hạn mức mới dành cho bốn ngân hàng thương mại Việt Nam từ công ty Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB) được nâng lên 294 triệu USD, nhắm tăng tài trợ thương mại đối với các doanh nghiệp Việt giữa bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Bốn ngân hàng thương mại được tăng mức tài trợ bao gồm ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Tổng hạn mức mới 294 triệu USD sẽ cho phép các ngân hàng nâng cao năng lực đảm bảo rủi ro thanh toán khi tài trợ thương mại cho các công ty Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sáng kiến của IFC hưởng ứng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng thương mại khi các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi dịch vi-rút corona mới – đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng và thương mại.
“IFC nhắm hỗ trợ các ngân hàng trong nước tăng tài trợ thương mại đáng kể cho nhiều công ty xuất nhập khẩu, trong đó có những công ty gặp khó khăn về tín dụng phải dựa vào các khoản tài trợ của ngân hàng để bảo đảm dòng tiền và mua nguyên liệu đầu vào,” ông Hàn Ngọc Vũ, tổng giám đốc VIB nhận định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong đánh giá ảnh hưởng của Covid-19 lên phát triển kinh tế 2020 hôm 12.2 đã nhận định dịch bệnh sẽ tác động lớn nhất lên ngành chế biến chế tạo do đây là ngành sản xuất – xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên vật liệu và phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc cũng như nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất ở Việt Nam.
Nối tiếp công cụ tài trợ thương mại, IFC cho biết sẽ cân nhắc các can thiệp mở rộng khác để tiếp tục hỗ trợ giảm thiểu tác động của Covid-19 và giúp duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
IFC có mặt Việt Nam từ năm 1994, được biết đến là một định chế tài chính quốc tế tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân thông qua cung cấp các khoản vay trung – dài hạn, đầu tư cổ phần, bảo lãnh, quản lý rủi ro và các dịch vụ tư vấn.
Theo báo cáo thường niên 2018, tổ chức này cam kết khoản đầu tư dài hạn vào khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Việt Nam nằm trong top ba quốc gia nhận vốn nhiều nhất từ IFC trong khu vực với 1,17 tỉ USD, xếp thứ hai sau Trung Quốc (3,8 tỉ USD) và nhỉnh hơn so với Indonesia (1,1 tỉ USD). Đáng chú ý giá trị phân bổ của IFC vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2019 tăng 13,5% so với cùng kỳ trong khi giá trị danh mục IFC tại Trung Quốc giảm 10% và Indonesia gần như không tăng.
Giang Lê
Theo Forbes Vietnam
Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/wb-nang-han-muc-tai-tro-thuong-mai-voi-doanh-nghiep-viet-len-294-trieu-usd-9387.html