fbpx

Tòa nhà Bưu điện TP.HCM: Cốt đây, hồn đã bay đi mấy phần!

Tòa nhà Bưu Điện TP.HCM, một công trình kiến trúc tuyệt đẹp giữa trung tâm Sài Gòn luôn nườm nượp khách vào ra mỗi ngày, nhưng phần lớn không phải đến giao dịch, mà chỉ để tham quan. Tòa nhà vẫn lộng lẫy đấy, nhưng hồn vía đã bay đi ít nhiều.

Tòa nhà nằm ở vị trí rất đặc biệt của trung tâm Sài Gòn. Cả khu quảng trường Công xã Paris chỉ có 2 địa chỉ, đều là di tích kiến trúc đặc biệt của Sài Gòn. Số 1: Vương cung thánh đường – Nhà thờ Đức Bà. Số 2: Tòa nhà Bưu Điện TPHCM.
Tòa nhà do vị kiến trúc sư tài năng M. A. Foulhoux – người đang giữ cương vị Kiến trúc sư trưởng, giám đốc xây dựng dân dụng thành phố đương thời, xây dựng từ 1886 đến năm 1891.
Qua khỏi cửa chính tòa nhà là có thể nhìn thấy hai tấm bản đồ được gắn hai bên vòm trần. Bên phải là bản đồ Sài Gòn và vùng xung quanh năm 1892, bên trái là bản đồ đường dây điện báo của Việt Nam và Campuchia năm 1936.

 

Đây là tấm bản đồ gây bão cư dân mạng thời gian qua vì sau khi trùng tu, quần đảo Côn Lôn đã bị xóa, sau đó được “phục hồi” trở lại. Và tấm hình chụp ngày 20/5/2019 này vô tình thành bằng chứng cho một hành động ẩu tả với tòa công thự cổ kính này.
Bên trong tòa nhà là hệ thống vòm cung sát cửa chính và vòm cung dài bên trong. Vòm cung lớn được chống đỡ bởi bốn trụ sắt nằm bốn góc, mỗi cột chống đỡ bốn kèo sắt tỏa ra bốn phía.
Những lá sách lấy sáng và thông gió bên trên cửa ra vào tòa nhà.
Dãy tường thấp và bàn đá cẩm thạch không ngờ hơn trăm năm sau lại lâm cảnh đìu hiu vắng khách đến giao dịch thế này.
Dãy bàn đá này còn gắn tấm bảng tiếng Pháp, cho biết cả công trình bằng đá cẩm thạch và công ty cung cấp đá ở 90 đường Massiges, tức là đường Mạc Đĩnh Chi hiện nay.
Tòa nhà được trùng tu sơn mới năm 2015 và gây phản ứng dư luận vì màu sơn quá khác, sau đó cũng đã được thay lại màu sơn. 5 năm cũng kịp làm bức tường bên trong xỉn màu, nhưng nền gạch trăm năm thì không.
Nền gạch tòa nhà với nhiều loại gạch bông khác nhau, vẫn rất bền màu rõ nét dù cả trăm năm rồi, hàng triệu triệu bước chân đã đi qua chúng.
Tả hữu tòa nhà còn 2 dãy buồng điện thoại bằng gỗ quen thuộc với người Sài Gòn bao nhiêu năm qua. Đây là nơi dùng để đăng ký gọi điện thoại đường dài, điện thoại quốc tế, rất được ưa chuộng ở những thập niên trước, đặc biệt những năm 80-90.
Buồng điện thoại sau một thời gian ế ẩm, có lúc được trưng dụng làm trụ ATM. Rồi cũng bỏ. Nhiều buồng trở thành cái kho mà người ta nhét đủ thứ vào đấy không buồn dọn.
Những chiếc đồng hồ tính cước điện thoại này đã nghỉ hưu từ rất lâu, người ta cũng quên mất sự hiện diện của nó từng một thời quan trọng như thế nào đối với những cuộc điện thoại đường dài đắt đỏ.
Điều này trái ngược với các quầy hàng lưu niệm từ nhiều năm nay đã được bày ra ngay vị trí trung tâm đẹp nhất của tòa nhà.
Quầy lưu niệm chiếm hầu hết diện tích sử dụng chính của tòa nhà, khiến người ta dễ nhầm đây là nơi tham quan mua sắm chứ không phải là văn phòng làm việc của Bưu điện trung tâm TP.HCM. Lắm lúc lượng nhân viên ở đây còn nhiều hơn lượng khách đến giao dịch bưu điện.
Những chiếc bàn quen thuộc dành cho người viết thư, bây giờ chủ yếu là nơi để xé bao bì, gửi thiệp. Và hầu như chỉ có khách nước ngoài. Hai lần tôi ghé tìm cụ Ngộ – người viết thư thuê cuối cùng của bưu điện này, đều không gặp ông. Nhân viên tòa nhà bảo ông đi loanh quanh đâu đó rồi. Có lẽ nhu cầu quen thuộc những thập niên trước giờ đã là thú vui xa xỉ.
Được ưa chuộng giao dịch nhất là các hình thức gởi postcard. Nhưng không phải ai cũng có nhu cầu đang trở thành “cổ điển” này.
Con tem nhỏ xíu xưa kia, nay chủ yếu làm đồ lưu niệm bày bán cho khách du lịch, như nhắc nhớ rằng một phần quan trọng của các giao dịch ở bưu điện từng phụ thuộc rất nhiều vào con tem này.
Hàng sứ cách điện bên hông tòa nhà đã không còn sử dụng lâu rồi, như nhắc nhớ về sự cao tuổi của một trong những công trình kiến trúc đặc biệt nhất của Sài Gòn.
Cuối ngày làm việc, những người khách cuối cùng rời bưu điện là một nhóm khách người nước ngoài tranh thủ chụp tấm cuối trước khi người bảo vệ đóng hẳn cổng.

Bài & ảnh: Sơn Trà

CÙNG CHUYÊN MỤC