fbpx

Thuở ấy có một dòng sông…

Có lẽ những triết gia, những nghệ sĩ vào một thời rất xưa, rất xa, sau khi chiêm nghiệm lẽ đời đã chọn dòng sông để biểu thị sự trôi chảy “một đi không trở lại” của dòng thời gian miên viễn.

Họ đúc kết sự đổi thay trong từng thời khắc sống “không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Và có lẽ cũng từ đó – dòng sông trở thành biểu tượng về thời gian, đúng hơn là thời gian đã và đang trôi mất. Tú Xương từng có những câu thơ như giấu tiếng thở dài của lòng yêu nước về một dòng sông Lấp “sông kia giờ đã nên đồng – chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai – đêm nghe tiếng ếch bên tai – giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Trong một bài hát của “người hát rong” Trịnh Công Sơn có một câu (trong bài hát cùng tên) mà lẽ thường có nhiều cách hiểu khác nhau, đó là câu “có một dòng sông đã qua đời”. Dòng sông đã “chết” một cách hữu hình, hữu thể hay “chết” trong tâm tưởng, vô hình, và, hay dòng sông đã/từng đi “qua đời” tôi/em… Dù sao ca từ cũng nhắc nhớ một ký ức đã qua, một mất mát đã thực, một kỷ niệm đã thành… trong mối giao cảm của tấm lòng người hát, người nghe.

Một đoạn sông Cổ Cò chảy qua Đà Nẵng. Ảnh: internet
Một đoạn sông Cổ Cò chảy qua Đà Nẵng. Ảnh: internet

Dòng sông ấy với tôi là dòng Cổ Cò – Lộ Cảnh Giang cùng với Trường Giang hợp nước với Thu Bồn miền hạ du trước khi ra biển Cửa Đại. Thời thơ bé, tôi hỏi mẹ, vậy thì chỗ nào là “cổ” của con cò, mẹ tôi bảo, vì sông chạy dọc biển nên nhiều đoạn uốn lượn giống cổ con cò, mà mỗi vùng gọi tên sông cũng khác, từ Cẩm Lệ, Non Nước vào người ta gọi là sông Cổ Cò, từ Quảng Lăng, Cẩm Sa vào Gia Lộc, Hà Lộc, Hà My gọi là sông Hà Sấu, đoạn Thanh Hà gọi là sông Bến Trễ, thông với đầm Trà Quế đoạn Đại An, Phước Trạch, Thanh Châu gọi là sông Đế Võng… Tôi không có tuổi thơ bên dòng sông nhưng ký ức ngày khôn lớn theo chú bác, anh chị về quê nội Gia Lộc hay về Cồn Động, Phước Trạch – nơi có nhà thờ phái tộc để dự chạp mã hàng năm thì không thể phai mờ. Đó là dòng nước mát lành im vắng nằm bên những triền cát trắng chạy dọc biển, bên những hàng dương xanh đêm ngày lao xao với gió, những bờ cỏ lác cao hoang hoải thời chiến tranh. Dòng sông đoạn chảy, đoạn bồi lấp như ký ức đứt gãy về những làng cũ dọc sông suốt mấy chục năm chiến tranh kẻ còn, người mất. Cho đến khi tuổi không còn trẻ, bắt chước người xưa, hay hỏi han, tìm hiểu ngọn nguồn mọi sự có liên quan đến hành trạng tiền nhân, nhất là tiên tổ ông bà, riêng với tôi – các cụ tổ, lớp người “khai cơ” của làng Gia Lộc (nay thuộc Điện Dương, Điện Bàn) – như gia phả ghi – không làm nghề nông mà lại buôn tơ lụa. Vậy thì bốn trăm năm trước hẳn sông Hà Sấu gắn với cảng thị Hội An, với “con đường tơ lụa trên biển”. Thì đây, giáo sĩ người Ý Cristophoro Borri trong bản tường trình Xứ Đàng Trong năm 1621đã ngỡ ngàng khi thấy “… về hải cảng thì thật lạ lùng, chỉ trong khoảng hơn một trăm dặm một chút mà người ta đếm được hơn sáu mươi hải cảng, tất cả đều rất thuận tiện để cập bến và lên đất liền. Là vì ở ven bờ có rất nhiều nhánh biển lớn. Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam (Hội An). Người ta cập bến bằng hai cửa biển: một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi là Pullociambello (Hội An). Các cửa biển cách nhau chừng 3 hay 4 dặm, kế đó biển chia thành hai nhánh đi sâu vào đất liền chừng 7 hay 8 dặm, làm thành hai con sông luôn tách rời nhau để rồi cuối cùng gặp nhau và đổ vào một con sông lớn”. Như vậy Hội An nằm ở phía bắc Thu Bồn, hàng hóa từ Turon, Vu Gia, Vĩnh Điện theo sông Cổ Cò xuôi nam, từ Thăng Hoa, Tư Nghĩa theo sông Trường Giang ngược bắc, tất thảy hội tụ tại đây rồi giao thương với rộng dài thế giới. Nhà sư Thích Đại Sán đến Đàng Trong vào những năm 1694 – 1696 có thuật lại trong ký sự – Hải ngoại kỷ sự (Viện Đại học Huế, 1963) – hành trình từ Huế vào Hội An – một đêm thu vượt biển từ đầm Cầu Hai vào vũng Hàn – thuyền chèo suốt đêm “Chợp ngủ chừng nửa giờ, đã thấy phương đông sáng bạch.Khoác áo choàng ngồi dậy, thấy sóng yên nước lặng, té ra thuyền đã vào vũng, ở trong vòng núi bao quanh. Dọc bờ biển, đá lèn lởm chởm, trên cây vượn trắng nhảy nhót từng bầy; trái đồi hoa núi, xanh đỏ sum suê. Xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít, hỏi ra mới biết đó là đoàn thuyền chở lương, đậu chờ gió tại cửa Hội An vậy”. Như vậy, vào giữa thế kỷ XVII Thích Đại Sán đã gọi Cửa Hàn là cửa Hội An – đúng hơn là cửa để vào Hội An – qua sông Cổ Cò, vì ăn sáng xong, thuyền đi đến núi Tam Thai “Bỗng chốc đã thấy núi Tam Thai trước mắt. Nghìn đồi quanh co đều bằng đất, hai hòn lớn day mặt ra nước, còn một hòn hơi nhỏ hơn… Trước núi có một cái gò, trước gò trèo lên chừng trăm bước có một ngôi chùa cổ”.Nhà sư đã dừng lại ngao du tại đây cho đến lúc “ăn trưa xong” mới vào Hội An, trú ở chùa Di Đà – nay là vị trí Minh Hương Phật tự (chùa Quan Âm), bên cạnh Quan Công Miếu – lúc bấy giờ – thuyền vào đậu ngay trước cửa chùa. Chừng một thế kỷ  sau, John Barrow (1764 – 1848) trong tập ghi chép Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 – 1793) (NXB Thế giới, Hà Nội 2008) đã viết nhiều về vịnh Turon, về đời sống cư dân miền duyên hải Nam Hà thời Tây Sơn sụp đổ, Gia Long dựng nghiệp nhà Nguyễn. Barrow không giấu tham vọng của nước Anh về cảng Đà Nẵng – nếu nước Anh có được một chỗ đứng chân ở xứ Nam Hà. Trong sách Barrow có kể về chuyện một sĩ quan tàu Lion “vì rất nhiệt tình muốn thăm dò dòng sông dẫn đến Faifo… đã bị bắt vào lúc ban đêm, bị giam vào một loại pháo đài nhỏ”, về sau được trả tự do kèm theo lời khiển trách của nhà cầm quyền.Đoàn người Anh của Barow ở Turon được xem hát bội, được chiêu đãi những món ăn Nam Hà và đặc biệt J. Barrow có vẽ một bức tranh in trong sách A voyage to Cochinchina in the years 1792 – 1793 (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong các năm 1792 – 1793) mang tên Cochinchina Shipping on the River Faifo (Thuyền bè trên sông Faifo (Hội An)) cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi, có người cho rằng cảnh ấy trên sông Chợ Củi (Sài giang – tên cũ của sông Thu Bồn) – đoạn Dinh Chiêm, có người cho rằng cảnh đó là cảnh vịnh Hàn – vịnh Turon. Theo kỷ sự của Thích Đại Sán và J. Barrow thì chắc chắn sông Cổ Cò thời ấy được các thương nhân, giáo sĩ nước ngoài gọi là sông Hội An, sông Faifo. Trong tranh Barrow, cảnh núi ngọn to ngọn nhỏ sát liền bên sông, trước hết không thể là cảnh trên sông Chợ Củi, cho dù hiện tại những nhà nghiên cứu địa lý cũng chưa xác định thật chính xác cảnh ấy nằm ở đoạn nào của vũng Turon. Chỉ mấy mươi năm thôi mà có nơi còn đổi thay chóng mặt hà huống hơn hai trăm năm làm sao hiểu hết lẽ dâu bể chuyển dời “sông kia rày đã nên đồng” của một nhịp cầu, một dòng sông…

 Sách Đại Nam nhất thống chí (quyển 5, Văn hóa tùng thư SG – 1964) chép rằng từ hai, ba thế kỷ trước Cửa Đại nằm ở vị trí xã Đại An (nay là phường Cẩm An), sát biển có cảng Thanh Hà “là nơi tàu thuyền lui tới” và nước từ nguồn Quảng Lăng, đầm Như Quế hợp lưu sông Bến Trễ, Cổ Cò, chảy ra biển Đông một thời náo nhiệt toàn vùng Cửa Đại. Theo một số nhà nghiên cứu thì người Hoa ban đầu từ Thăng Bình đến Thanh Hà, rồi mới đến Hội An (hiện nay). Cụ Nguyễn Bội Liên – nhà địa phương học quá cố – bình sinh cho rằng Thăng Bình là chỉ cảng Trung Phường – trước thuộc Thăng Bình – sau này người Hoa đến  vùng Trà Nhiêu – Hồng Triều rồi mới đến Hội An ngày nay chứ không có “thời kỳ Thanh Hà” vì theo cụ “với sự kiện dời một thành phố đến 2,3 nơi trong vòng một thời gian 60,70 năm là một việc đáng ngờ” (Nghiên cứu lịch sử địa phương QN – ĐN số 2). Tuy vậy cụ vẫn nhắc đến lý cứ mà học giả Trần Kinh Hòa viện dẫn – đó là văn bia chùa Bà Mụ “Vào năm Bính Dần (1626) đời Hy Tông, Hiếu Văn Hoàng đế có xây cất hai cung Cẩm, Hải từ đất Cẩm Phô, giáp Thanh Hà mà dời về đây… cung Cẩm Hà thờ Bảo Sanh đại đế,cung Hải Bình thờ Thiên Hậu thánh mẫu (Bia dựng năm Khải Định thứ 7) mà theo Trần Kinh Hòa – “khi phố được dời đến Thanh Hà, có cất một ngôi nhà thờ chung gọi là Cẩm Hà cung”.

Cuộc tranh luận cho đến giờ vẫn chưa ngã ngũ và các nhà nghiên cứu đều đã ra người thiên cổ, cả dòng sông cũng ngưng trệ vì bồi lấp, khó có thể tìm thấy những lưu vết của cảng thị một thời vang bóng. Dọc đôi bờ Bến Trễ ngày nay, những chiếc trễ – một loại xuồng nhỏ đan bằng tre, trét dầu rái, bề ngang chỉ độ 4 – 5 tấc dài khoảng 5 – 6 mét, bên tay phải chiếc trễ có cài một hàng nan tre, khi sử dụng, người đánh bắt tôm đẩy trễ (sõng) lướt tới, các nan tre cào xuống đáy nước, sát đất, tôm nghe động búng, nhảy vào trễ – cũng không còn mấy chiếc. Có lẽ niềm tự hào của người làng Thanh Hà – là nơi đây đã sinh ra chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu – lãnh tụ Cần Vương cuối thế kỷ XIX, và dọc sông Hà Sấu có trường học của cụ cử Lê Tấn Toán – thầy dạy của những nhà yêu nước Nguyễn Duy Hiệu, Châu Thượng Văn… dọc sông cũng là quê hương của nhạc sĩ tài hoa Lê Trọng Nguyễn với ca khúc Nắng chiều. Còn chăng ở phía bến thuyền cũ là những phần mộ người Hoa, người Nhật nằm dọc vùng sông, trên cánh đồng Trà Quế và đặc biệt, sông Cổ Cò – Bến Trễ cũng có thể gọi là dòng sông Phật giáo vì dọc đôi bờ sông là những ngôi chùa Tam Thai, Linh Ứng, Vạn Đức, Phước Lâm, Chúc Thánh – những ngôi cổ tự có hàng trăm năm tuổi. Chùa Chúc Thánh Hội An là tổ đình của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh của nước Việt, kể từ “vùng đất mở rộng về phương Nam” đến cực Nam. Đặc biệt, trên bờ bắc sông Đế Võng có ngôi đình làm toàn bằng đá (nay rất tiếc chỉ còn là một phế tích, thiếu sự quan tâm phục dựng, tu chỉnh) – đó là đình đá An Bàng. Người xưa bằng cách nào để vận chuyển những khối đá lớn như vậy nếu không vận chuyển trên sông Lộ Cảnh Giang và những người thợ xưa, bằng kỹ thuật trác tuyệt trong đục đẽo, chạm khắc đá là thợ làng đá Quán Khái – Non Nước bên sông Cổ Cò hay là thợ được mời từ Ninh Bình, Thanh Hóa, và những bậc khai cơ của làng An Bàng xưa vì lý do gì có sự “độc sáng” khi chọn đá để làm đình mà ngay ở làng đá Quán Khái các nghệ nhân của làng không chọn để xây đình – là những câu hỏi còn bỏ ngõ. Tôi – khi lang thang quanh phế tích, nhìn đá nằm ngổn ngang với những hoa văn câm lặng cạnh những bông dừa cạn rực tím cuối ngày, cứ tự hỏi Kazic đã đến đây chưa, rồi tự trả lời chắc là chưa, nếu đến, Kazic chắc chắn sẽ có một cứu vãn, bởi vì ông là “hiệp sĩ của những đền đài”. Dấu vết của một thương cảng cổ – nếu có – theo những nhà nghiên cứu văn hóa Chăm “… cho đến thế kỷ XVIII, sông Thu Bồn từ khoảng cầu Câu Lâu ngày nay tách thành hai nhánh bọc lấy đất Thanh Chiêm, nhánh phía bắc chảy vào đầm Thanh Hà trước khi chảy ra Cửa Đại… chung quanh hai cái đầm lớn là đầm Trà Quế và đầm Thanh Hà đều có nhiều di tích Chăm, quanh đầm Thanh Hà có 3 vết tích kiến trúc, 3 tác phẩm điêu khắc, 4 cái giếng, đầm Trà Quế có 1 giếng lớn, phía nam sông Đế Võng có 1 tác phẩm điêu khắc trong lăng Bà Lồi… có niên đại từ thế kỷ XII – X, đây có thể là những bến lớn cho thương thuyền nước ngoài đậu lại để mua bán và lấy nước ngọt” (Kỷ yếu hội thảo về đô thị cổ – 1990)Làm thế nào để hình dung thế núi, hình sông, “cây đa bến cộ” một thời xa lắc xa lơ, nhưng những vết tích xưa đủ minh chứng Lộ Cảnh Giang từng có một độ vàng son, rực rỡ.

Sông đã cạn dòng vào thời nào? Theo nhà sư Thích Đại Sán lần đi vào Hội An bằng sông Cổ Cò đã phải gặp đoạn bồi, lại tránh luồng thông vì thuyền chở lương đi ngược nên thuyền của nhà sư phải cho người xuống đẩy (1695-1696). Cũng sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn, SG 1964) cho rằng “Lộ cảnh giang ở cuối hai huyện Diên Phước và Hòa Vang, sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía Bắc đến phía Tây núi Tam Thai (Non Nước) nhập với sông Cẩm Lệ, nay (nửa sau thế kỷ XIX) nước sông cạn, ghe thuyền không đi được”. Năm 1902 – theo người Pháp- tàu thuyền đi lại trên sông đã khó khăn, năm 1904 thực dân Pháp đặt một con đường sắt Hội An – Đà Nẵng khởi từ phía Tây bán đảo Tiên Sa, chạy men theo hữu ngạn sông Hàn, ngang qua vùng Ngũ Hành Sơn vào Hội An. Vậy thì câu hát “Thiếp gặp chàng giữa đàng xe lửa – chàng mà gặp thiếp trước cửa ông Robert…” của người Hội An cũng có tròn trăm năm tuổi, vì cho đến ngày 27/10/1916 sau một cơn bão lớn, đường sắt mới ngưng trệ vì hư hỏng nhiều đoạn. Sông đã từ nương dâu hóa ra bãi bể hay bãi bể hóa nương dâu cũng dài hơn thế kỷ, mang nỗi đau mấy chục năm binh lửa “những sớm mưa bom những chiều ly tán”.

Trong nhiều năm qua, chính quyền hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng ấp ủ một dự án khơi thông sông Lộ Cảnh Giang để phục vụ cho tham quan du lịch. Nếu ý tưởng ấy trở thành hiện thực thì quả là một vận hội hồi sinh cho dòng sông tưởng đã thành phế tích. Tôi cứ hình dung một kết nối tuyệt vời giữa danh thắng Ngũ Hành Sơn với phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn và cả vùng sông Trường Giang vào tận Kỳ Hà, Chu Lai, Dung Quất, những dòng sông lại đồng hành cùng con đường hơn trăm cây số dọc biển khi cầu Cửa Đại nối đôi bờ sông Thu. Du khách có thể ngao du vùng Hải Vân – sách xưa gọi là núi Ngãi Lãnh “vào tháng hai đến tháng ba hoa ngãi nở, trôi ra  biển, cá ăn hoa ấy hóa rồng” (Sách Dư ký),  thăm Cổ Viện Chàm, bán đảo Sơn Trà, thăm Ngũ Hành Sơn, đi dọc “dòng sông Phật giáo” thăm những ngôi cổ tự, thăm mộ cụ Hường Hiệu, mộ nhạc sĩ La Hối – tác giả của ca khúc Xuân và tuổi trẻ, thăm làng rau Trà Quế, đình đá An Bàng, thăm làng yến Thanh Châu, đô thị cổ Hội An, thăm làng mộc Kim Bồng, làng gốm Nam Diêu, làng đúc Phước Kiều, Mỹ Sơn, Đại Bình, Hòn Kẽm…

Phùng Tấn Đông

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

CÙNG CHUYÊN MỤC