Thức xuyên đêm làm web cứu hộ miền Trung
Kỹ sư Việt từ khắp nơi trên thế giới cùng chạy đua với thời gian để xây dựng hệ thống cứu trợ trực tuyến cho miền Trung trong bão lũ.
Ngày 18/10, mạng xã hội tràn ngập lời kêu cứu từ đồng bào vùng lũ và người thân. Đặng Hải Lộc, trưởng dự án Cứu hộ miền Trung, nhận thấy các thông tin cần cứu trợ đang tản mác khắp nơi, không được tổng hợp và phân tích.
“Có quá nhiều người đăng thông tin cần được giúp đỡ. Nhưng khi người cứu trợ đến nơi, những người này đã được nhóm khác hỗ trợ, vô tình gây lãng phí nguồn lực, trong khi người dân chỗ khác cũng cần. Trường hợp thứ hai là những thông tin kêu cứu này sẽ nhanh chóng bị ‘chìm’ giữa biển thông tin trên mạng xã hội và sẽ không được cứu trợ kịp thời”, Hải Lộc nói.
Ý tưởng ban đầu về dự án Cứu hộ miền Trung là sử dụng một trang web nhập liệu tập trung để giải quyết vấn đề thông tin bị phân tán, trùng lặp và thiếu xác minh. Website chủ yếu vận hành theo mô hình Crowdsource (tương tự Wikipedia), tận dụng sức mạnh của cộng đồng để cung cấp, xác minh, cập nhật thông tin qua đầu số và website.
Phiên bản đầu tiên của cuuhomientrung.info được lập trình ngay trong đêm 18/10. Sau đó đưa lên cộng đồng và kêu gọi mọi người cùng tham gia. Dự án lập tức nhận được sự ủng hộ của hàng chục kỹ sư trong nước và cả những người đang làm việc tại các công ty lớn như Google, Facebook ở nước ngoài. Họ cùng tham gia đóng góp ý kiến và hoàn thiện trang web. Nhiều kỹ sư trước đó làm việc trong các công ty “đối thủ”, giờ cùng ngồi lại với nhau, chung tay vì cộng đồng.
Đỗ Thanh Lan, kỹ sư phần mềm đang làm việc tại văn phòng Facebook ở London (Anh), chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của đội lập trình là thời gian, mọi người phải chạy đua nước rút, làm nhanh nhất có thể để cứu trợ người dân. Vì mọi người làm việc xuyên biên giới nên việc sắp xếp thời gian chung khá khó khăn. Nhiều bạn phải làm việc nguyên đêm hoặc chỉ ngủ vài tiếng để kịp tiến độ”.
Bước đầu, nhóm dự định làm một trang web tổng hợp tất cả thông tin kêu cứu để “không ai bị bỏ lại”. Trên đây, mọi người có thể tự nhập nội dung, như vị trí, tình trạng khẩn cấp và thông tin liên lạc. Tất cả được hiển thị theo thời gian thực và cập nhật liên tục. Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên của dự án cũng sẽ “quét” thông tin trên mạng xã hội, liên lạc với những người cần hỗ trợ và nhập vào hệ thống. Dự án cũng bổ sung thêm tổng đài trực 24/7 để tiếp nhận thông tin cứu trợ của người dân gọi đến vì không phải ai trong vùng lũ cũng có smartphone và lên mạng để kêu cứu.
Tuy nhiên, sau khi tổng hợp thông tin, nhóm phát hiện ra một vấn đề khác là phải xác thực thông tin. Có những người đăng tin kêu cứu và đã được hỗ trợ, có những người không để lại địa chỉ liên lạc cụ thể. Để giải quyết vấn đề này, một nhóm tình nguyện viên được lập ra để gọi điện, xác thực nội dung và cập nhật chi tiết từng trường hợp đang ở đâu, cần những gì, tình trạng lương thực, sức khoẻ hiện tại như thế nào, độ nguy cấp đến đâu để phân loại. Thông tin xử lý sau đó được hiển thị trên trang chủ của hệ thống và xuất dữ liệu đầu ra rồi gửi đến cơ quan chức năng.
Những dữ liệu này sẽ gần như vô nghĩa nếu chỉ nằm lại hệ thống. Nhóm quyết định liên lạc với địa phương, trình bày về mục đích, cách thức hoạt động của dự án. Cuối cùng, Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống lụt bão của Quân khu IV đặt tại Thừa Thiên Huế là đơn vị đầu tiên đồng ý tiếp nhận thông tin đầu vào cho công tác điều phối cứu hộ.
Khi kết nối được thông tin người cần giúp đỡ với Sở chỉ huy tiền phương, mọi người nhận thấy có rất nhiều đoàn cứu trợ từ khắp nơi đang hướng về miền Trung. Nhiều trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp nhưng đoàn cứu trợ địa phương chưa thể tiếp cận, trong khi một nhóm khác đang ở gần đó có thể ứng cứu ngay. Vì vậy, hệ thống đã bổ sung thêm thông tin của các đoàn cứu trợ để mọi người có thể liên lạc, chia sẻ để giúp đỡ được nhiều người nhất có thể.
Vận hành dự án là 40 chuyên gia, nhà quản lý trong nhiều lĩnh vực từ khắp nơi trên thế giới cùng hơn 2.500 tình nguyện viên trên cả nước với đủ mọi ngành nghề, lứa tuổi. Hiện tại, số thành viên vẫn tăng lên theo cấp số nhân.
800 tình nguyện viên hoạt động thường trực được chia làm 5 nhóm: đội công nghệ có nhiệm vụ xây dựng và phát triển hệ thống; đội truyền thông chia sẻ thông tin để người dân biết đến dự án; đội nhập liệu tìm kiếm và thu thập thông tin các gia đình và hộ dân cần cứu trợ để đẩy lên hệ thống dữ liệu; đội trực tổng đài phụ trách tiếp nhận thông tin qua tổng đài 1800 6132. Đội kết nối có nhiệm vụ quan trọng nhất – xác minh thông tin và kết nối người cần cứu trợ với đội ứng cứu.
Dự án Cứu hộ miền Trung chính thức được Sở chỉ huy tiền phương phòng, chống lụt bão của Quân khu IV và tỉnh đoàn Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh đồng ý tiếp nhận thông tin làm nguồn dữ liệu cho công tác điều phối cứu nạn, cứu trợ tại địa phương. Các tỉnh đoàn cũng xác nhận và cập nhật thông tin về tình hình thiên tai và nạn nhân thuộc tỉnh lên hệ thống.
Đến ngày 29/10, dự án đã kết nối dữ liệu đến nền tảng cứu trợ inhandao.vn, bản đồ cứu hộ sosmap.net... Các chuyên gia phân tích dữ liệu cũng hỗ trợ dự án xây dựng biểu đồ thống kê nhanh tình hình cứu nạn, giúp các đơn vị điều phối cứu hộ có thể xác định nhanh các khu vực cần cứu nạn trọng điểm và danh sách cứu nạn theo từng huyện, xã theo mức độ cần ứng cứu khẩn cấp để điều phối tốt hơn.
Tính đến 28/10, tròn 10 ngày ra mắt, dự án Cứu hộ miền Trung đã đưa được hơn 2.000 thông tin hộ dân cần cứu trợ lên hệ thống. Hơn 1.160 đội cứu trợ từ khắp đất nước được kết nối và sẵn sàng tiếp nhận thông tin ứng cứu. Gần 700 hộ dân được xác minh và phân luồng đến các đội cứu trợ. Khoảng 300 trường hợp khẩn cấp đã được cứu trợ thành công.
Sáng 29/10, hệ thốngcuuhomientrung.info đã ghi nhận 2.365 tin kêu cứu của người dân vùng lũ. Riêng cơn bão số 9, có trên 60% tin báo được xác nhận tình trạng đã an toàn hoặc đã qua tình trạng nguy hiểm. Nhóm tiếp tục nâng cấp hệ thống, tiếp nhận thông tin cứu trợ sau bão số 9 và chuẩn bị cho cơn bão số 10 sắp tới.
Khương Nha
Theo VnExpress
Link nguồn: https://vnexpress.net/thuc-xuyen-dem-lam-web-cuu-ho-mien-trung-4184298.html