“Sao lưu” ký ức cuộc đời trong thời đại số
Mùa Hè năm 2018, khi Yahoo tuyên bố chính thức đóng cửa ứng dụng trò chuyện Yahoo Messenger, người dùng Việt Nam đổ xô vào tải về toàn bộ dữ liệu chat của họ, dù chắc cả chục năm rồi chẳng có lấy một lần online. Đến lúc chúng sắp mất đi, người ta mới giật mình nhận ra hình như hàng nghìn dòng chat chit những hôm “sáng nick” thâu đêm ấy quan trọng hơn mình tưởng. Hình như chúng là cả vùng trời ký ức của một “thuở hàn vi”.
Ký ức: Analog Vs. Digital
Tôi lớn lên trong tình trạng “chân đạp hai thuyền”: một cuộc sống truyền thống, đậm chất analog và một cuộc sống trực tuyến, kỹ thuật số thời đại mới. Là một thiếu niên đặc biệt… hoang tưởng, tôi tin rằng mọi thứ mình tải lên Internet đều có thể đột ngột bị một quản trị viên web bí ẩn, quyền lực hơn người xóa sạch tùy ý. Tôi sợ nếu quá phụ thuộc vào công nghệ, toàn bộ ký ức quan trọng có thể mất hết lúc nào chẳng hay.
Những năm 1990, đầu 2000, lưu giữ các loại đồ lưu niệm vật lý, cầm nắm được là chuyện bình thường. Tôi viết nhật ký vào sổ tay, rửa ảnh để cài vào album và thu thập hàng đống các loại vé, giấy tờ, hóa đơn. Khi những ký ức muốn lưu giữ dần xuất hiện trên nền tảng trực tuyến, tôi sẽ chụp màn hình các bình luận của chàng trai mình thích, nhiều đoạn chat thú vị và trang web mình thiết kế. Giữ bên người một phiên bản “offline” giúp tôi thấy yên tâm và chân thực hơn, dù còn hàng triệu kỷ niệm khác đành chịu cảnh biến mất vào không gian ảo.
Những người trẻ mới trưởng thành là thế hệ đầu tiên sở hữu phần lớn ký ức tập thể (collective memory) được lưu trữ dưới dạng trực tuyến. Ký ức tập thể là khối kiến thức, thông tin được chia sẻ chung giữa các thành viên trong một cộng đồng. Chúng ta may mắn vì những điều mình muốn nhớ, cần nhớ được ghi lại dưới cả dạng số lẫn dạng vật lý. Tuy nhiên, với đặc điểm hành vi ngày càng dựa dẫm vào điện thoại thông minh, lưu trữ vật lý đang dần biến mất, thay vào đó là những “dấu vết” được để lại khắp nơi trên Internet.
Nguy cơ “mất trí nhớ” thường trực
Hết lần này đến lần khác, sau khi đổ dồn công sức và tâm huyết vào những trang web, blog cá nhân, sản xuất nội dung liên tục trên tài khoản mạng xã hội, ta vẫn phải đối diện với nguy cơ đánh mất toàn bộ thành quả và ký ức quý giá do website đóng cửa, chuyển máy chủ, đánh cắp dữ liệu, hay đơn giản là sự bất cẩn của bản thân. Những tài khoản lập ra từ thời đi học rồi bị bỏ quên đâu đó trong góc sâu tâm trí, quên sạch từ tên đăng nhập đến email, mật khẩu.
Các trang web có nghĩa vụ lưu trữ kỷ niệm của bạn không? Năm 2012, DailyBooth – trang cho phép người dùng tạo blog ảnh kỷ niệm, với slogan “Your life in pictures” (cuộc đời của bạn qua ảnh) – đã đóng cửa vĩnh viễn. Trước khi biến mất, DailyBooth đã thông báo sòng phẳng với người dùng và cho họ cơ hội tải xuống các dữ liệu cần thiết. Không nhiều trang web tử tế được như vậy, dù Ian Mulligan – nhà sử học chuyên về lưu trữ web – tin rằng đó là trách nhiệm của họ, đặc biệt với những trang “tồn tại và kiếm lợi nhuận dựa trên dữ liệu người dùng đăng tải”.
Mạng xã hội Instagram có cho người dùng lựa chọn trích xuất dữ liệu nếu cần. Bạn chỉ cần nhấp vào lựa chọn “Tải dữ liệu xuống” (Request download) trong mục cài đặt “Bảo mật và quyền riêng tư” (Privacy and security settings). Bạn sẽ phải sàng lọc qua kha khá, nhưng ít ra vẫn còn dữ liệu để mà sàng lọc. Twitter và Facebook cũng cung cấp dịch vụ tương tự, dù kết quả tải xuống không được thẩm mỹ và trực quan cho lắm.
Ngoài ra, cách quan trọng nhất để lưu trữ ký ức có lẽ là sao lưu toàn bộ ảnh, video trong điện thoại vào máy tính hay ổ cứng và sắp xếp chúng thành hệ thống đàng hoàng. Bạn cũng có thể chụp màn hình lại các tin nhắn, email quan trọng để đỡ tốn công ngồi “lội” lịch sử nhắn tin dài bất tận về sau.
Lưu đi, trước khi quá muộn !
Hãy bắt đầu suy nghĩ về viễn cảnh một ngày đột nhiên mất điện thoại, hay Instagram bỗng dưng biến mất. Chừng nào chúng vẫn còn, chừng đó chúng ta còn cơ hội “bảo tồn” những ký ức trực tuyến của mình.
Elizabeth Minkel – cây bút chuyên viết về hệ thống lưu trữ và cộng đồng trực tuyến – gợi ý bạn nên bắt đầu từ việc xem xét kỹ càng toàn bộ dữ liệu trên điện thoại, máy tính, iPad… của mình và tiến hành sàng lọc. Đâu là những thứ thực sự quan trọng? Mình có cần giữ tất cả các đoạn hội thoại hay không? Có cần thiết phải nhớ tất cả các lượt like, share trên mạng xã hội? Thói tiếc rẻ cùng suy nghĩ “tất cả mọi thứ đều đáng lưu giữ” sẽ chỉ khiến bạn mắc kẹt với một núi thông tin khổng lồ, nặng nề trong tương lai.
Chúng ta nên tránh thói quen tích trữ tất tần tật các loại tệp tin, dữ liệu một cách vô tội vạ. Thay vào đó, hãy đảm bảo việc lưu trữ của mình là hành động có tính toán, có chủ đích. Hiểu mình thực sự cần lưu gì và tại sao là việc khó nhưng cần thiết. Nó không chỉ khiến số ít kỷ niệm được bạn chọn lưu giữ trở nên quý giá hơn mà còn giúp công việc tổ chức, sắp xếp trở nên dễ chịu hơn rất nhiều.
Khi bạn đã quyết định xong những gì muốn giữ, vấn đề kế tiếp là bạn nên lưu trữ chúng ở đâu để đảm bảo an toàn. Có lẽ ai cũng đoán được câu trả lời: cách tốt nhất để lưu trữ dữ liệu là lưu chúng ở tất-cả-mọi-nơi-có-thể, từ USB, ổ cứng cho đến các dịch vụ lưu trữ đám mây như Drive, Dropbox, iCloud… Bằng cách đó, nếu xui xẻo dữ liệu lưu chỗ này bị mất thì bạn vẫn còn bản dự phòng lưu ở chỗ khác. Tuy nhiên, gửi gắm ký ức nơi những “ông lớn” công nghệ như Apple hay Google vẫn an tâm hơn phần nào so với các ổ cứng có nguy cơ đánh mất, hay bị quét sạch bong một ngày đẹp trời vì nhiễm virus.
Riêng lượng thông tin, kỷ niệm chúng ta tích lũy trên mạng Internet trong một năm cũng đã đủ vượt xa – theo cấp số nhân – lượng thông tin của một người sống hồi vài thập kỷ trước. Ngày nay, đôi lúc những ký ức, dấu vết ta để lại trên nền tảng trực tuyến lại là minh chứng duy nhất cho hành trình sống ta đã đi qua. Món “quà lưu niệm trực tuyến” ấy quan trọng không kém gì những kỷ niệm trong đời thực, nên bỏ công sức lưu trữ, sắp xếp dữ liệu số cá nhân sẽ luôn là một nỗ lực đáng giá.
Lược dịch: Thùy Anh
Theo Tạp chí Phái đẹp ELLE