Sản lượng gạo Việt Nam đang dư hay thiếu?
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp cùng lúc với hạn mặn diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người lo lắng về việc bảo đảm an ninh lương thực tới đâu và liệu sản lượng gạo Việt Nam đang dư hay thiếu.
‘Thừa để xuất khẩu’
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gạo tại Long An, được báo Dân Trí dẫn lời: “Từ năm 2008 đến nay, gạo Việt Nam luôn trong tình trạng thừa để xuất khẩu và xuất khẩu với giá “cực rẻ”. Ngoài việc dùng trong ngành chế biến, sản xuất bia rượu và thức ăn chăn nuôi thì người dân trong nước chỉ ăn hết một nửa, nửa còn lại bán ra nước ngoài với giá rất bèo bọt. Năm nay, hạn mặn khốc liệt ven biển Tây Nam, nông dân trồng lúa điêu đứng nhưng lúa gạo cả nước làm ra vẫn “dư sức” cung cấp cho nhu cầu trong nước.”
“Tôi thấy nhiều người dùng cảm xúc để hoan hô việc cấm xuất khẩu gạo, bởi trong tình hình này, ai cũng lo lắng là lẽ đương nhiên. Nhưng với một quyết sách ảnh hưởng đến hàng triệu nông dân, xin đừng dùng cảm xúc,” bà Dung nói.
Cùng thời điểm, theo báo Nông Nghiệp dẫn nguồn Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, dự kiến kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó, vụ Đông Xuân sản lượng ước đạt trên 20 triệu tấn thóc, sẽ kết thúc thu hoạch trước ngày 30/6/2020.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn sẽ mua tăng 3.500 tấn hạt giống lúa đưa vào dự trữ quốc gia, trong đó miền Bắc mua tăng 1.500 tấn, miền Trung 800 tấn, miền Nam 1.200 tấn hạt giống lúa các loại.
Dự báo nêu trên cũng cho hay, nhu cầu tiêu thụ thóc trong nước là 29,96 triệu tấn, trong đó, tiêu thụ của người dân: 14,26 triệu tấn thóc (96 triệu người x 96,6kg gạo/người/năm = 9,27 triệu tấn gạo). Nhu cầu phục vụ chế biến 7,5 triệu tấn thóc, chăn nuôi: 3,4 triệu tấn thóc, dùng làm giống, giống dự phòng 1 triệu tấn thóc, dự trữ trong nước, 3,8 triệu tấn thóc.
Mạng xã hội nói gì?
Bà Vũ Kim Hạnh, người khởi xướng chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao, nêu ý kiến: “Sản lượng gạo Việt Nam năm nào cũng dư 6 – 7 triệu tấn để xuất khẩu. Năm nay cũng vậy. Hạn, mặn làm giảm sản lượng lúa Đông Xuân nhưng Đồng bằng sông Cửu Long vào vụ Đông Xuân từ trước Tết nên tháng 2, 3 là đoạn cuối. Nhìn chung, vụ Đông Xuân 2019-2020 tuy thiệt hại nhưng tổng thể vẫn thu được nhiều lúa.”
“Lúa trong kho còn. Doanh nghiệp cần đảo kho, Nông dân cần trả nợ ngân hàng, chuẩn bị vụ mới; lúa được giá, không thiếu gạo, và vụ Hè Thu chỉ 100 ngày nữa đã có lúa mới, sao đột nhiên dừng xuất khẩu gạo? Nghe dừng là giá lúa rớt liền và nước mắt nông dân rớt theo vì họ biết, rồi đây vụ Hè Thu, giá lúa càng sẵn trớn rớt tiếp. Xem lượng gạo xuất đầu năm 2020, thấy thấp hơn những năm trước, và người làm lúa biết rằng, không xuất được mới đáng lo.”
Facebook Hưng Phạm Ngọc bình luận: “Chúng ta sống nhờ nông dân, nhưng ủng hộ cấm xuất khẩu khác gì bảo họ tiếp tục đóng kiếp bò kéo xe chở nỗi lo hết gạo của mình?”
Bộ Công Thương hôm 24/3 đề nghị Thủ tướng cho phép tạm dừng việc thực hiện hoãn xuất khẩu gạo để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp. Việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu, theo đó vẫn tiếp tục thực hiện bình thường. |
Thiệu Kiệt
(tổng hợp)