fbpx

Những nữ quản lý chuyên nghiệp năm 2019

Chưa quá 40 tuổi, đang tự hoàn thiện bản thân và kỹ năng quản lý, những gương mặt nữ quản lý chuyên nghiệp có những điểm chung: được tiếp nhận một nền tri thức đầy đủ, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp có mức độ cạnh tranh cao và từng bước họ tạo được dấu ấn cá nhân.

Phạm Thị Vân Hà – 39 tuổi, chủ tịch kiêm tổng giám đốc TNR Holdings Việt Nam

Ảnh: Internet

Tham gia tập đoàn TNR từ năm 2012, với chức danh phó giám đốc khối quản lý bất động sản, năm 2013, Vân Hà trở thành chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc điều hành TNR Holdings Việt nam. Sau năm năm làm việc, TNR Holdings Việt nam đưa ra thị trường 15.000 căn hộ trung và cao cấp, sở hữu hơn 100.000 m2 sàn cho thuê ở Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, công ty phát triển các dự án bất động sản mang thương hiệu TNR Star.

Năm 2018, Hà được bổ nhiệm phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh tập đoàn TNR bao gồm các mảng kinh doanh bất động sản (TNR), kinh doanh văn phòng và trung tâm thương mại (TNL), kinh doanh cho thuê khu công nghiệp (TNI), kinh doanh cho thuê khách sạn, khu nghỉ dưỡng (TNH)…

Phạm Thị Vân Hà từng học tiến sĩ tại trường Copenhagen Business School. Trước khi gia nhập TNR, Hà làm việc tại Vingroup, chức danh phó giám đốc đầu tư.

Nguyễn Hương Quỳnh – 38 tuổi, giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam và Campuchia

Ảnh: Internet

Nguyễn Hương Quỳnh, 38 tuổi, hiện là giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam và Campuchia. cô gia nhập công ty Nielsen Việt Nam 14 năm trước. Nhờ sự am hiểu sâu sắc về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và kinh nghiệm làm việc với các nhà bán lẻ Việt Nam, Quỳnh được đánh giá cao trong ngành. cô là một trong 30 tài năng vùng của Nielsen vào năm 2015 và sau đó nhận giải “chiến lược tốt nhất toàn cầu”, đưa cô trở thành giám đốc điều hành người Việt Nam đầu tiên của Nielsen Việt Nam.

Quỳnh có bằng MBA chương trình CFVG. Cô vừa được đề cử là một trong 23 thành viên của hội đồng Tương lai toàn cầu về tiêu dùng của diễn đàn Kinh tế Thế giới. Quỳnh đồng thời là một thành viên cố vấn của AIESEC, hiệp hội Sinh viên Quốc tế.

Nguyễn Linh Chi – 36 tuổi, giám đốc mảng kỹ thuật số Havas Media

Ảnh: Internet

Nguyễn Linh Chi hiện đang giữ chức giám đốc điều hành, phụ trách mảng kỹ thuật số tại Havas Media, bộ phận truyền thông của tập đoàn tiếp thị và truyền thông toàn cầu Havas, một tập đoàn truyền thông quảng cáo lớn trên thế giới.

Tốt nghiệp ngành Kinh tế đối ngoại, đại học Ngoại thương, Chi có tám năm làm việc tại tập đoàn Unilever và từng giữ vị trí quản lý truyền thông của tập đoàn này. Với sáu năm làm việc tại Havas Media, Chi là quản lý cấp cao tại đây. Ngoài công việc, Chi đam mê môn thể thao chạy bộ và là nhân vật nổi bật trong cộng đồng chạy bộ tại Việt Nam. Chi là người Việt Nam đầu tiên hoàn thành giải chạy 100km trong hệ thống UTMB ở Mont Blanc (Thụy sĩ).

Trần Thị Thanh Định – 38 tuổi, phó chủ tịch Ericsson Việt Nam

Ảnh: Internet

Trần Thị Thanh Định là nữ giám đốc duy nhất khối khách hàng của Ericsson, ở khu vực Đông Nam Á, châu Đại Dương và Ấn Độ. Ở vị trí phó chủ tịch Ericsson Việt nam, Định dẫn dắt nhóm làm việc cùng với mình tại công ty Ericsson Việt Nam mở rộng kinh doanh và thị phần.

Thanh Định tốt nghiệp cử nhân Viễn thông tại học viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia Lyon (INSA), Pháp. cô làm việc tại Amadeus với vai trò kỹ sư phát triển, chịu trách nhiệm thiết kế các giải pháp kỹ thuật, thực hiện các nghiên cứu khả thi và các thẩm định để hoàn thiện sản phẩm.

Năm 2007, cô trở về Việt Nam, gia nhập Alcatel – Lucent và giữ nhiều vị trí khác nhau, từ quản lý dự án đến giám đốc dịch vụ bảo trì, rồi giám đốc phụ trách khách hàng của Alcatel – Lucent trước khi gia nhập Ericsson vào năm 2015. Tại Ericsson, cô quản lý các khách hàng lớn và đạt tăng trưởng tốt nhất, theo thông tin từ Ericsson. Cô được bổ nhiệm vị trí giám đốc khách hàng, sau đó là phó chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào vào năm 2016.

Nguyễn Thị Ngọc Bích – 40 tuổi, quản lý bộ phận dịch vụ khách hàng khu vực Thái Lan, Malaysia, Singapore của hãng tàu A.P. Moller – Maersk.

Ảnh: Internet

Đầu năm 2019, Nguyễn Thị Ngọc Bích được bổ nhiệm chức vụ quản lý bộ phận dịch vụ khách hàng khu vực Thái lan, Malaysia, Singapore của hãng tàu vận chuyển A.P Moller –Maersk làm việc tại Singapore. Từ 2016 – 2018, cô góp phần đưa sản lượng và doanh thu khu vực Đông nam Á của Moller – Maersk lần lượt tăng trưởng 31% và 18%. A.P Moller – Maersk là một trong các hãng tàu lớn nhất thế giới với lượng hàng hóa vận tải đường biển mỗi năm khoảng 675 tỉ USD.

Trước khi làm việc tại A.P Moller – Maersk văn phòng Singapore, Bích là tổng giám đốc của Maersk Line Việt Nam. Thành tích đáng chú ý của tổng giám đốc người Việt đầu tiên của A.P Moller – Maersk là khai thác tuyến hàng hóa đi thẳng từ Vũng Tàu đến bờ Tây nước Mỹ.

Ngọc Bích bắt đầu sự nghiệp tại Maersk từ năm 2002 khi được chọn vào chương trình đạo tạo quản lý của Maersk có tên là Mise. Sau khi hoàn thành chương trình này, Ngọc Bích được cử đi làm việc tại Singapore. Cô trở thành CEO Maersk Line Việt Nam năm 34 tuổi.

Tôn Nữ Tường Vân – 35 tuổi, giám đốc thương hiệu nước xả vải toàn cầu của Procter & Gamble (P&G) tại Geneva (Thụy Sĩ)

Ảnh: Facebook cá nhân

Tôn Nữ Tường Vân hiện đang phụ trách nhãn hàng xả vải toàn cầu của Procter & gamble. Cô đầu quân cho P&G tại Việt Nam, sau đó lần lượt giữ các vị trí cao hơn trong tập đoàn. Vân là người phát triển thương hiệu Olay thành công tại Việt nam. Cô tham gia tái cấu trúc hai nhãn hàng lớn Febreze và Lenor tại Nhật Bản, góp phần đưa doanh số tăng nhanh hàng trăm triệu đô la Mỹ/năm. Giai đoạn 2016 – 2018, Vân làm việc tại P&G singapore, tham gia chiến lược đổi mới cho Downy và Lenor, các nhãn hàng nước xả vải hàng đầu tại toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Vân làm việc tại trụ sở châu Âu của P&G từ tháng 8.2018, chịu trách nhiệm ngành nước xả vải toàn cầu, một trong những danh mục ngành hàng lợi nhuận và tăng trưởng cao nhất của P&G gồm nhiều thương hiệu: Downy, Lenor, Gain, Unstoppables. Cô phụ trách các thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới. Ngoài ra, cô cũng chịu trách nhiệm tuyển dụng, huấn luyện những tài năng mới tuyển dụng của P&G tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thúy Hằng – 35 tuổi, phó giám đốc phụ trách đầu tư và phát triển kinh doanh Seedcom.

Ảnh: Internet

Đỗ Thị Thúy Hằng là giám đốc vận hành của Scommerce, công ty mẹ của Giao Hàng Nhanh và Ahamove. Trước đó, Hằng là phó giám đốc phụ trách đầu tư và phát triển kinh doanh tại Seedcom, tập đoàn sở hữu và vận hành nhiều công ty trong lĩnh vực bán lẻ, logistics, công nghệ và nông nghiệp với các thương hiệu như giày nữ Juno, The Coffee House, Cầu Đất Farm, Giao Hàng Nhanh.

Trước Seedcom, Hằng là giám đốc điều hành website đặt khách sạn trực tuyến iViVu.com. Năm 2012, cô là thành viên sáng lập nhóm Global Shapers tại TP.HCM, một sáng kiến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhằm khuyến khích hoạt động xã hội trong nhóm các lãnh đạo trẻ dưới 30 tuổi.

Hằng tốt nghiệp Oberlin College và nhận bằng MBA từ Harvard Business School (Mỹ). Cô đại diện cho giới trẻ Việt Nam trò chuyện với cựu thủ tướng Anh Tony Blair tại Myanmar 2013 và với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại TP.HCM năm 2016.

Nguyễn Ngô Vi Tâm – 40 tuổi, CEO công ty Vĩnh Hoàn

Ảnh: Internet

Đầu quân cho Vĩnh Hoàn từ năm 2003, sau 13 năm Nguyễn Ngô Vi Tâm được bổ nhiệm CEO Vĩnh Hoàn, công ty xuất khẩu cá tra lớn nhất thị trường nội địa. Ở tuổi 40, với ba năm kinh nghiệm ngồi trên chiếc ghế nóng, Vi Tâm đang chịu trách nhiệm chung về hoạt động trước 8.000 lao động, hoạt động vùng nuôi 600 héc ta, nhà máy công suất chế biến 1.000 tấn cá/ngày. năm 2018 doanh thu xuất khẩu của Vĩnh hoàn đạt gần 400 triệu đô la Mỹ.

Cô bắt đầu làm việc tại Vĩnh Hoàn với vị trí nhân viên kinh doanh, sau đó được cất nhắc lên các chức vụ quản lý trung cao cấp. Tại công ty, Tâm để lại dấu ấn trong các mảng phụ trách: đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, thành lập văn phòng tại Mỹ, sát cánh cùng chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh tham gia các vụ kiện chống bán phá giá… Mang tư tưởng quản trị hiện đại nhận được sự ủng hộ của nhà sáng lập Vĩnh Hoàn, Tâm đang cố gắng đưa công ty phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Tâm có bằng cử nhân Luật và thạc sĩ Quản trị kinh doanh.

Lê Hoàng Uyên Vy – 33 tuổi, CEO của ESP Capital

Ảnh: Internet

Lê Hoàng Uyên Vy từng lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam năm 2015. Cô hiện là General Partner của ESP Capital, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Hiện tại trên cương vị quản lý ESP Capital, Uyên Vy xác định mục tiêu rót vốn vào các doanh nghiệp có thể tạo ra những tác động sâu sắc trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và sử dụng hiệu quả đổi mới công nghệ để phát triển thị trường.

Ở tuổi 13, Uyên Vy từng thành lập TmSpeed Network, công ty chuyên kinh doanh thiết kế website và cho thuê nơi lưu trữ (hosting). Năm 2009, sau khi du học về nước cô thành lập Chon.vn và giữ vai trò CEO, phát triển website thành một trong những kênh mua sắm sản phẩm thời trang trực tuyến phổ biến tại Việt Nam thời điểm đó. Giai đoạn 2015 – 2017, cô trở thành giám đốc điều hành của Adayroi.com, nền tảng thương mại điện tử của Vingroup.

Uyên Vy tốt nghiệp thủ khoa trường kinh doanh McDonough thuộc đại học Georgetown, Hoa Kỳ.

Theo Tạp chí Forbes Việt Nam 

CÙNG CHUYÊN MỤC