Những ngôi mộ voi con ở Đăk Lăk
30 năm qua, không có voi con nào sống sót sau khi sinh, chúng được chủ chôn cất như một thành viên trong gia đình.
Vào buổi chiều đầu tháng 12 ở xã Yang Tao, huyện Lăk, nài voi – anh Y Yô Ni (21 tuổi) chạy xe máy vượt qua đoạn đường lầy lội, hướng nghĩa địa buôn Bhôk. Ai hỏi, anh bảo đi thăm mộ Thông Nang – tên con voi con chết hồi đầu năm.
“Chúng tôi thay phiên nhau hô hấp cho nó, nhưng bất lực“, anh Ni thốt lên khi ngồi cạnh nấm mộ voi duy nhất, xây hình chữ nhật phẳng phiu, không tên tuổi, nằm giữa khu mộ chôn người rộng một ha. Thỉnh thoảng anh lấy tay nhặt nhạnh vài chiếc lá khô và nhổ đám cỏ mọc ở quanh mộ.
Đến bây giờ, chàng thanh niên này vẫn không lý giải được nguyên nhân khiến con Thông Nang chết khi vừa lọt lòng, nhưng theo kinh nghiệm, anh đoán một phần do voi mẹ quá già, môi trường sống bị thu hẹp và làm du lịch quá sức.
Năm năm trước, lúc anh về làm rể ở xã Yang Tao, đã thấy bố vợ cho con voi Băk Khăm (40 tuổi) chở khách du lịch. Một thời gian sau, khi biết con Băk Khăm mang thai, sợ ảnh hưởng đến voi con, cả gia đình quyết định đưa lên núi chăn thả. Anh Ni được bố giao nhiệm vụ chăm sóc voi đang mang bầu trong suốt hơn hai năm.
Sáng 1/2 năm nay, có linh cảm không hay, anh Ni lên núi sớm hơn thường lệ. Tới nơi, anh thấy con voi cứ rống liên hồi, hai chân sau khụyu xuống, chán ăn…, đó là biểu hiện voi sắp sinh. Anh mừng rỡ gọi về nhà thông báo, bố anh rủ ba người trong gia đình, nhanh chóng có mặt, họ hồi hộp chờ voi đẻ.
Đến tối, Băk Khăm bắt đầu sinh. Nhưng vừa ra khỏi bụng mẹ, voi con cứ nằm bất động trong nhau thai, mọi người xúm lại, thay phiên ngậm vòi Thông Nang được hô hấp. Gần 30 phút sau, họ vẫn không thấy động tĩnh gì. Lúc ấy, trong bóng tối, có tiếng cất lên “nó chết rồi”, tất cả mới chịu buông tay. “Bố em ôm con voi co nặng gần một tạ, khóc thành tiếng“, anh Ni nhớ lại.
Theo quan niệm của đồng bào M’nông, voi được xem là một thành viên trong gia đình, chúng cùng sống và sinh hoạt với nài voi. Hôm sau con Thông Nang được chủ voi chôn cất tử tế trong nghĩa địa buôn Bhôk, cạnh mộ ông bà tổ tiên.
Nài voi Y Vinh, 34 tuổi, ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk kể, bốn năm trước, anh cùng các chuyên gia bảo tồn voi mất nhiều tháng nghĩ cách tạo cơ hội để voi đực trong vùng được gần gũi, làm quen với bốn nàng voi cái ở xã Yang Tao và nàng voi H’Ban Nang (40 tuổi).
Duy chỉ con voi H’Ban Nang là có kết quả. Hơn hai năm voi mang bầu, Y Vinh được giao nhiệm vụ vận chuyển đồ ăn, theo dõi sức khỏe của hai mẹ con H’Ban Nang trong rừng.
Để không xảy ra sự cố đáng tiếc, cận ngày voi H’Ban Nang sinh, các nhân viên cùng chuyên gia luôn trực tiếp có mặt gần khu vực voi mang thai, quan sát những sự thay đổi dù nhỏ nhất của voi mẹ. Nhưng cuối cùng con voi con Y Băk Nô, nặng 90 kg cũng chết lưu trong bụng mẹ, vào giữa tháng 10/2017.
Hôm sau chủ voi đưa con voi Băk Nô ra nghĩa địa chôn cất. “Nhiều người dân trong buôn đã theo sau đưa tiễn“, anh Y Vinh nói.
Cách mộ Thông Nang khoảng một km, phía bên kia hồ Lăk, khu du lịch buôn Lê có bảy con voi đang bị xích chân, sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
Vừa bước xuống ôtô, hai người phụ nữ đến từ Hà Nội vội vàng leo lên ngồi trên lưng con voi già, họ tươi cười và tranh thủ lấy điện thoại chụp hình cho nhau suốt hành trình 30 phút. Ra mé hồ, con voi có vẻ mệt mỏi, không di chuyển thì bị nài voi dùng gậy đánh liên tục.
Cứ 15 phút chủ voi nhận được 100.000 đồng; 30 phút 250.000 đồng. Dịp lễ, một ngày chủ voi có thể kiếm hơn một triệu đồng. “Do không đồng ý mức giá trên, hơn một tháng nay, tôi đã đưa con voi Băk Khăm ở luôn trong rừng, không cho nó làm du lịch nữa“, nài Y Yô Ni nói.
Theo anh Y Yô Ni, hợp tác xã du lịch hiện có khoảng năm con voi, chỉ khi nào khách đông, họ mới kêu thêm voi của người dân. Voi chở khách từ 8h đến 15h. Trong thời gian nghỉ ngơi, voi mới được chủ cho ăn thân chuối, cỏ, mía…
Ông Huỳnh Trung Luân – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk cho hay, trong vòng 30 năm qua, voi nhà có ba con mang thai nhưng đều chết lưu trong bụng mẹ, riêng đàn voi hoang dã gần 100 con sinh được bốn con voi con. Nguyên nhân có thể do môi trường sống bị thu hẹp, nguồn thức ăn bị nhiễm độc, đặc biệt voi bố mẹ bị “bóc lột” làm du lịch…
Giai đoạn 1980 – 1990, số lượng voi nhà ở Đăk Lăk trên 500 con, nay còn 45 con. “Đó là con số đáng báo động“, ông Luân nói và cho biết, để cứu vãn tình thế, nhiều năm qua, khu bảo tồn đã phối hợp với nài voi ở Buôn Đôn và huyện Lăk tạo không gian để voi “yêu” nhau, thường xuyên theo dõi, lấy máu xét nghiệm những con voi mang thai.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có chủ trương hỗ trợ 650 triệu đồng cho chủ con voi sinh sản thành công; voi con sinh ra bị chết được hỗ trợ 171 triệu đồng. “Nhưng cuối cùng đều thất bại, voi con toàn chết lưu trong bụng“, ông Luân thông tin. Mới đây, lần đầu tiên, khu bảo tồn đã cho thả bán hoang dã tám con voi nhà vào rừng quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn), trên diện tích gần 200 ha.
Tháng 11/2019, Công viên khảo cổ Angkor ở Siem Reap (Campuchia) tuyên bố cấm cưỡi voi vào đầu năm 2020. Hai trong số 14 con voi ở đền Angkor Wat được chuyển đến khu rừng Bos Thom gần đó. Giới chức địa phương không muốn thấy những con vật này bị khai thác cho các hoạt động du lịch nữa và mong muốn chúng được sống trong môi trường tự nhiên. Năm 2016, một con voi tên Sambo chết tại Angkor. Cái chết của con voi được cho là do say nắng và kiệt sức vì phải chở khách liên tục. Hai năm sau, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố quần thể voi châu Á đã giảm 50% chỉ trong ba thế hệ. |
Trần Hóa
Theo VnExpress
Link nguồn: https://vnexpress.net/thoi-su/nhung-ngoi-mo-voi-con-o-dak-lak-4020349.html