fbpx

Những bức ảnh nổi tiếng về Bùi Xuân Phái

Hôm nay (1/9), kỷ niệm 100 năm sinh danh họa Bùi Xuân Phái, Công ty Tem Việt Nam phát hành tại 130 quốc gia con tem kỷ niệm dịp đặc biệt này.

anh-noi-tieng-ve-bui-xuan-phai
Chân dung họa sĩ Bùi Xuân Phái năm 1988, sau này được gia đình dùng làm ảnh thờ.

Đó là bức ảnh mà bạn bè và gia đình Bùi Xuân Phái đặt tên là Thiên vấn, tiền cảnh là danh họa Bùi Xuân Phái với gương mặt gầy hiền từ, đôi mắt sáng quắc ngước nhìn lên và hậu cảnh là bức tranh Phố Phái.

Bức ảnh lâu nay rất quen thuộc với công chúng trên báo chí, cũng là bức ảnh trên logo giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội.

Chính bức ảnh này được phóng lớn treo trong căn phòng lưu niệm danh họa của gia đình ở phố Thuốc Bắc. Ngôi nhà còn có bức ảnh quan trọng là bức ảnh trên ban thờ danh họa.

Cả hai bức ảnh đều do cùng một tác giả chụp, nhưng không mấy ai biết người tạo nên những bức ảnh để đời này chính là nhà nhiếp ảnh Trần Chính Nghĩa – con trai của “người khắc ghi lịch sử văn nghệ kháng chiến”, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu.

anh-noi-tieng-ve-bui-xuan-phai
Bức chân dung họa sĩ Bùi Xuân Phái năm 1984 được mọi người đặt tên Thiên vấn.

Hai cha con cùng chụp Bùi Xuân Phái

Trong căn nhà hẹp đầy kỷ niệm tại phố Hàng Bông, Hà Nội – nơi được gọi là “Gác Lưu xá”, “ngôi đền văn hóa” những năm 1970 – 1980 ở Hà Nội bởi thường diễn ra những cuộc tụ họp của văn nhân, nghệ sĩ tiếng tăm lúc bấy giờ; ông Trần Chính Nghĩa để mặc cho ký ức về những ngày tháng đầy ân tình đẹp đẽ trôi về.

Là con trai của nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu, lại theo nghiệp của bố và say mê chụp ảnh chân dung các văn nghệ sĩ như bố mình nên ông Trần Chính Nghĩa may mắn được “hầu rượu” những tên tuổi lớn nửa cuối thế kỷ 20 như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Vũ Đình Liên, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ, Phùng Quán… trong những cuộc tụ họp văn nhân nơi căn nhà nhỏ của gia đình ông ở 11 Hàng Bông.

Cũng chính vì vậy, ông Chính Nghĩa có cơ hội được chụp rất nhiều ảnh chân dung các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Trong đó, người ông chụp nhiều nhất là họa sĩ Bùi Xuân Phái – người bạn thân thiết như anh em ruột của bố mình.

anh-noi-tieng-ve-bui-xuan-phai
Họa sĩ Bùi Xuân Phái và tùy viên văn hóa Pháp trong cuộc triển lãm duy nhất của danh họa năm 1988.
anh-noi-tieng-ve-bui-xuan-phai
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản và họa sĩ Bùi Xuân Phái tại Gác Lưu xá 11 Hàng Bông trước năm 1980.

Về bức ảnh mà nhiều người đặt tên Thiên vấn (Hỏi trời), ông Nghĩa kể đó là năm 1984, trước triển lãm đầu tiên và duy nhất của mình, ông Bùi Xuân Phái đã mời khoảng 6 – 8 người chụp ảnh có tiếng lúc bấy giờ đến nhà ông ở 87 phố Thuốc Bắc chụp ảnh chân dung ông để ông chọn in phía trên phần tiểu sử họa sĩ treo tại triển lãm. Cuối cùng họa sĩ chọn bức ảnh do Trần Chính Nghĩa chụp.

“Tôi chỉ là hàng con cháu, không dám nhận là thân với ông, nhưng tôi rất hiểu ông nên khi chụp đã nắm được giây phút bấm máy quan trọng, lúc mà sự truyền cảm của người chụp và mẫu gặp nhau trong một tích tắc” – ông Nghĩa giải thích về việc mình đã ghi được bức ảnh để đời.

anh-noi-tieng-ve-bui-xuan-phai
Họa sĩ Bùi Xuân Phái và các văn nghệ sĩ tại nhà 11 Hàng Bông của ông Trần Văn Lưu. Trần Chính Nghĩa đứng giữa. (Ảnh đặt chụp tự động)

Trái tim nghệ sĩ đẹp đẽ

Nói về danh họa của những con phố Hà Nội, ông Trần Chính Nghĩa rưng rưng, rằng Bùi Xuân Phái là một nghệ sĩ lớn không chỉ bởi tài năng mà còn ở cốt cách đáng kính nể, một trái tim nghệ sĩ đẹp đẽ. Ngoài tài năng lớn đáng ngưỡng mộ, ông là một người rất nhân hậu, chí tình và rất tinh tế.

Trong lần Bùi Xuân Phái mời một nhóm nhiếp ảnh gia đến chụp ảnh chân dung, danh họa muốn trả tiền công cho Trần Chính Nghĩa nhiều hơn những người khác, nhưng ông không làm thế trước mặt mọi người. Ông khéo léo đưa tiền cho những người kia và nói vui là “khất nợ” Trần Chính Nghĩa. Kỳ thực sau đó ông kín đáo trả ông Nghĩa thù lao gấp hơn hai lần những người khác.

Với cha ông Nghĩa, Bùi Xuân Phái rất mực yêu thương giúp đỡ, đùm bọc những khi khó khăn hoạn nạn. Danh họa được rất nhiều lời mời vẽ tranh vào dịp chuẩn bị đón năm mới, nhưng ông thường từ chối tiền bạc mà đến nhà ông Lưu để vẽ tặng bạn.

anh-noi-tieng-ve-bui-xuan-phai
Một buổi gặp gỡ văn nghệ, nghe hát ca trù của các văn nghệ sĩ một thời ở “Gác Lưu xá” 11 Hàng Bông của ông Trần Văn Lưu.
anh-noi-tieng-ve-bui-xuan-phai
Họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Dương Bích Liên tại nhà Bùi Xuân Phái, số 87 phố Thuốc Bắc năm 1984.
anh-noi-tieng-ve-bui-xuan-phai
Họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Văn Cao và hai người bạn ở Gác Lưu xá.

“Ông Phái là người rất nhân hậu, bạn bè 10 người thì cả 10 người đều công nhận điều đó. Người ta nói ông có gương mặt của Chúa Jesus. Ông không bao giờ nói lời chê một ai, kể cả người đó không đúng.

Ông chỉ nói cậu gần tốt, chứ không bao giờ nói cậu xấu” – ông Nghĩa nói. Ngược lại, ông cũng không dùng lời tâng bốc với ai. Ví như những bức ảnh ông Nghĩa chụp mình, họa sĩ Bùi Xuân Phái không bao giờ khen ảnh rất đẹp, ông chỉ từ tốn nói: “Nghĩa chụp mình rất ưng”.

Cũng bởi tín nhiệm tài chụp ảnh chân dung của con trai người bạn thân, năm 1988, khi dự cảm ngày từ biệt trần thế không xa, họa sĩ đã gọi Trần Chính Nghĩa đến chụp cho mình bức chân dung với ý định là sẽ dùng làm ảnh thờ, nhưng ông chỉ nói với nhà nhiếp ảnh trẻ: “Nghĩa chụp cho tôi ảnh chứng minh thư để dán vào y bạ”.

Hôm đó ông Nghĩa chọn nền là bức tranh Chèo của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nhận bức ảnh, danh họa đang những ngày bệnh trọng vui mừng nói: “Mình rất ưng, ảnh này chụp khi mình rất gầy nhưng trong ảnh lại không bị gầy quá”.

Vợ của danh họa sau đó đã chọn bức ảnh làm ảnh thờ chồng. Bà nhiều lần nói cảm ơn ông Nghĩa vì “cháu chụp được bức ảnh có hồn, khiến bác nhìn vào đó luôn nghĩ ông như vẫn còn sống”…

Gia tài ảnh chụp Bùi Xuân Phái mà ông Trần Chính Nghĩa còn giữ được đến nay lên tới hàng trăm bức.

Không chỉ chụp Bùi Xuân Phái ở nhà danh họa, ở “Gác Lưu xá”, ông còn theo chân họa sĩ đi vẽ ở Văn Miếu, ở công viên Thống Nhất, ở triển lãm… Trong đó nhiều ảnh gia đình Bùi Xuân Phái cũng không có.

Thiên Điểu – Ảnh: Trần Chính Nghĩa

Theo Tuổi Trẻ Online

 

Link nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-buc-anh-noi-tieng-ve-bui-xuan-phai-20200901091924933.htm

CÙNG CHUYÊN MỤC