Nhặt nhạnh từ 20 nghìn, cụ bà 69 tuổi “nuôi lợn” dành tiền làm từ thiện
Năm nay đã 69 tuổi nhưng có lẽ nhờ đi nhiều, nói nhiều mà gương mặt bà trông còn rất trẻ, tác phong nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng.
Bà Chử Thị Xuyến được người dân trong khu gọi vui là người chuyên đi “xin tiền”. 20 năm nay, bà làm việc trong Hội Phụ nữ của phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Bà bảo, đã xin nghỉ mấy lần mà lãnh đạo phường vẫn tín nhiệm, thuyết phục bà cố gắng làm tiếp. Bà lại mủi lòng làm công việc “vác tù và” cho đến tận bây giờ.
Nhiều khi chẳng phải vì trách nhiệm công việc nhưng tính thương người nên bà nổi tiếng là người chuyên đi “xin tiền” cho dân nghèo. Cũng không ít lần bà bỏ tiền túi ủng hộ thêm vài chục suất quà cho các hộ khó khăn trong địa bàn mình phụ trách. “Ngày xưa mình cũng nghèo khổ nên mình biết thiếu ăn là như thế nào. Bây giờ mình có đủ cơm ăn, mình giúp được cho người ta là mừng rồi”.
Khi được hỏi đến chuyện 2 gia đình vẫn đang được bà giúp đỡ hàng tháng, bà kể: “Một gia đình ở Thanh Trì có 2 vợ chồng với 6 đứa con. Chị vợ còn đang mang bầu đứa thứ 7. Hai vợ chồng chỉ ở nhà nuôi lợn, gia cảnh rất vất vả“.
Bà quen biết gia đình này đã gần 20 năm nay khi anh chồng đến tận khu nhà bà xin nước gạo, đồ ăn thừa chở về cho lợn ăn. Thấy 2 vợ chồng chăm chỉ, thật thà nhưng nhà đông con quá, thương bọn trẻ thiếu ăn nên mỗi tháng bà vẫn cho 20kg gạo ngon, vài thùng mỳ, thêm 500 nghìn mua thức ăn.
“Mấy đợt lợn bị dịch bệnh, họ cũng mất mát nhiều, đã nghèo còn nghèo hơn nên tôi cũng thương. Vợ đang mang bầu đứa thứ 7 vẫn lặn lội đi chở nước gạo bằng xe máy. Mấy bom nước gạo cao quá đầu người. Hôm trước, tôi thương quá, mới bảo anh chồng là ‘thôi cho vợ ở nhà, để đẻ xong khoẻ mạnh rồi hẵng đi làm. 2 tháng ở nhà, bà cho mỗi tháng 2 triệu thuê người đi lấy nước gạo về cho’. Nói thế, nó ậm ừ mà không biết có nghe không”.
Một trường hợp khác thì ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Hỏi bà quen gia đình này như thế nào, bà bảo: “Tôi xem chương trình ‘Lá lành đùm lá rách’ trên tivi đấy. Họ chiếu nhanh quá, xem đi xem lại mấy lần mới ghi đủ được cái địa chỉ. Hôm thì ghi được tên huyện, hôm ghi tên xã, hôm ghi được cái số điện thoại”.
Thế là bà cũng lần mò để gửi tiền và gạo tới đúng địa chỉ cho gia đình này được gần 2 năm nay. “Nhà này có 2 vợ chồng với 3 đứa con. Đứa thì bị bệnh tim, đứa thì khuyết tật. Hai vợ chồng cũng đau yếu, không khoẻ mạnh như người ta“, bà kể.
Ban đầu, bà gửi cho mỗi tháng 20kg gạo và 200 nghìn đồng. Nhưng sau, cô vợ gọi cho bà đề xuất: Ở dưới quê, gạo rẻ hơn. Bà cứ cho xin tiền để chị tự đi mua. Từ đó, bà gửi cho gia đình chị mỗi tháng 500 nghìn đồng.
Bà kể, ngày xưa bà làm công nhân nhà máy gạch, cũng may bây giờ có chút tiền lương hưu, cộng với ít tiền lương chế độ của ông nhà trước là bộ đội, giờ đã mất. Mỗi tháng vị chi bà có 4,1 triệu đồng. “Ngoài tiền lương, bà còn có 4 phòng trọ cho sinh viên thuê nên cũng gọi là đủ ăn“.
“Bà nuôi con lợn nhựa tiết kiệm, mỗi năm mổ một lần. Lần nào cũng được 1, 2 chục triệu. Bà lấy tiền đấy để đi làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình”.
“Tiền tiết kiệm bà nhặt nhạnh từ đủ thứ, từ tiền công quét dọn nhà văn hoá, dọn dẹp cỗ bàn. Người ta chê vất vả không làm thì bà nhận làm, mỗi tháng được vài ba trăm. Rồi những lần đi múa hát, văn nghệ ở phường, đi họp được 20 nghìn tiền chế độ, bà cũng nhét cả vào con lợn. Nhiều lần con gái mua gạo, mua thức ăn mang sang cho mẹ, bà lại tiết kiệm được một khoản. Khoản ấy bà cũng ‘nuôi lợn’ để cuối năm lấy ra, mua tặng các gia đình khó khăn mấy suất quà hay vài cân gạo“.
Bà khoe, cuối năm vừa rồi bà không “mổ lợn”. Đợt Covid-19 vừa qua bà mới mang lợn ra ‘mổ’ thì được 14 triệu 700 nghìn đồng. Bà trích ra trong số đó vài triệu để tặng quà cho người dân. Mỗi gia đình bà tặng 100 – 200 nghìn đồng, cũng có nhà thì bà tặng gạo, mỳ tôm…
Hơn 20 năm làm công tác trong hội phụ nữ, bà bảo “lương trách nhiệm chỉ có 250 nghìn đồng/tháng nhưng công việc thì vất vả, phức tạp. Nhiều người cứ bảo mình ‘ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’ là vì thế“.
Bà tâm sự: “Nhiều khi đi phát quà từ thiện mà phải giấu giấu giếm giếm đấy cháu ạ. Quà của các đơn vị gửi về, mình phải chọn ra gia đình nào khó khăn nhất, đáng được hỗ trợ nhất để trao tặng. Nhưng quà thì chỉ có giới hạn, tặng người này thì người kia tị nạnh“.
Trong câu chuyện, bà hay nhắc tới nhà bà Ly cách nhà bà chỉ có mấy bước chân. Bà Ly hiện đang sống trong căn nhà chưa đến 10 m2 cùng 3 đứa cháu. Cả 3 đứa đều là cháu ngoại bị bố mẹ bỏ rơi, để cho bà nuôi. 1 đứa trong số đó mắc bệnh Down. Cả 3 đứa đều không được đi học.
Bà thương hoàn cảnh vất vả nên lần nào có chế độ gì bà cũng đăng ký tên bà Ly. “Nhưng nhiều người không hiểu, lại bảo bà ưu ái cho gia đình ấy nhiều quá“.
Không ít lần bà đi vận động các gia đình ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn, nhiều người giận bà, nói ra nói vào. “Họ còn bảo nếu họ là con bà thì không cho bà đi làm cái việc cứ phải đi xin tiền cho người khác thế này“.
Nhưng, rất may là các con đồng hành và “chiều mẹ”. “Thằng con trai đang ngủ, mẹ giục dậy đi chở gạo cũng phải đi ngay. Có lần thằng con rể chở mẹ xuống xưởng gỗ ở tận Chương Mỹ để mua cái giường tặng người nghèo, tiết kiệm được 500 nghìn so với mua ở Hà Nội. Thỉnh thoảng cần tiền ủng hộ, tôi lại kêu các con gái bù thêm cho mẹ. Lúc nào chúng nó cũng sẵn sàng“.
“Tôi cũng bảo các con, cho đi không phải là mất, mà của cho đi là của để dành“.
Chị Nguyễn Thu Hà – Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: ‘Nhắc đến cô Xuyến ở phường Trung Văn ai cũng biết, vì cô là người tham gia tích cực vào các hoạt động hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong khu vực. Thỉnh thoảng, cô lại gửi tôi một vài trăm mà cô gom góp được cho những gia cảnh nghèo trên địa bàn phường. Những hoàn cảnh khó khăn nào xây nhà, cô cũng tặng 1 chiếc giường, rồi kêu gọi bà con thêm chút tiền để tặng chăn chiếu và các vật dụng khác. Cô Xuyến là một tấm gương điển hình về việc chia sẻ với các gia đình nghèo trên địa bàn phường Trung Văn’. |
Nguyễn Thảo
Theo vietnamnet.vn
Link nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/nhat-nhanh-tu-20-nghin-cu-ba-69-tuoi-nuoi-lon-danh-tien-lam-tu-thien-639906.html