fbpx

Nhà thơ Du Tử Lê – Người đã muôn trùng chia xa…

Nhà thơ Du Tử Lê, tác giả của nhiều thi phẩm nổi tiếng: Khúc Thụy Du; Đêm, nhớ trăng Sài Gòn; Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển… vừa qua đời lúc 8 giờ 6 phút tối thứ Hai, ngày 7/10, tại nhà riêng ở California (Mỹ), hưởng thọ 77 tuổi.

Nhà thơ Du Tử Lê (1942 - 2019). Ảnh: TLGĐ
Nhà thơ Du Tử Lê (1942 – 2019). Ảnh: TLGĐ

Du Tử Lê tên thật Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana (1969). Ông khởi sự làm thơ rất sớm, từ năm 1953 tại Hà Nội, với nhiều bút hiệu khác nhau, trong đó bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai.

Ông là một trong bảy nhà thơ miền Nam, được nhà văn Mai Thảo chọn là “Bảy vì sao Bắc đẩu” của nửa thế kỷ thi ca Việt Nam, cùng với: Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên. Cho đến ngày qua đời, Du Tử Lê là tác giả của trên 70 tập thơ, văn xuôi đã xuất bản. Thi phẩm đầu tiên ông ra mắt năm 1964 và được nhận Giải thưởng văn chương toàn quốc tại Sài Gòn năm 1973 (tập Thơ tình Du Tử Lê 1967 – 1972).

Du Tử Lê là nhà thơ châu Á từng được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Mỹ: Los Angeles Times (1983) và New York Times (1994). Thơ ông cũng được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu tại một số đại học ở Mỹ và châu Âu.

Năm 1993, giáo sư Neil L. Jaimeson chọn dịch và phân tích một bài thơ của Du Tử Lê in trong cuốn Understanding Vietnam, xuất bản bởi liên đại học Berkeley, UCLA, London, là sách giáo khoa về văn học Việt Nam cho nhiều đại học tại Hoa Kỳ và Âu Châu.

Từ năm 1981, nhà thơ Du Tử Lê cũng đã có nhiều buổi thuyết trình tại một số đại học ở Mỹ, Pháp, Đức, Úc… Riêng với đại học Harvard, hai lần ông được mời nói chuyện về thơ của mình.

Nhà thơ Du Tử Lê trong một lần hội ngộ nhà thơ Hoàng Cầm ở Hà Nội, 2008. Ảnh: H.T
Nhà thơ Du Tử Lê trong một lần hội ngộ nhà thơ Hoàng Cầm ở Hà Nội, 2008. Ảnh: H.T

Du Tử Lê là một trong sáu nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ 20 có thơ được chọn in trong tuyển tập Thi ca thế giới từ thời thượng cổ tới hôm nay / World Poetry – An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time do nhà xuất bản W.W. Norton New York ấn hành năm 1998.

Nhiều thi phẩm của ông cũng được một số đại học dùng giảng dạy cho sinh viên. Ký giả Jean Claude Pomonti, một nhà báo hàng đầu của tạp chí Le Monde đã chọn một bài thơ của Du Tử Lê dịch sang Pháp ngữ và bình luận trong tác phẩm La Rage D’Être Vietnamien, do nhà xuất bản Seuil de Paris ấn hành năm 1975.

Ông cũng là nhà thơ có nhiều tác phẩm danh tiếng được phổ nhạc: Khúc Thụy Du (nhạc sĩ Anh Bằng); Đêm, nhớ trăng Sài GònKhi tôi chết hãy đem tôi ra biển (nhạc sĩ Phạm Đình Chương); Tình sầuNhư xa miền yên vui (nhạc sĩ Phạm Duy); Trên ngọn tình sầuGiữ đời cho nhau (nhạc sĩ Từ Công Phụng); Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời (nhạc sĩ Trần Duy Đức)…

Nhà thơ Du Tử Lê và bài viết trên Người Đô Thị tháng 8.2019, kể lại kỷ niệm trong lần gặp đầu tiên với nhà thơ Phan Vũ tại Sài Gòn. Ảnh: HT
Nhà thơ Du Tử Lê và bài viết trên Người Đô Thị tháng 8/2019, kể lại kỷ niệm trong lần gặp đầu tiên với nhà thơ Phan Vũ tại Sài Gòn. Ảnh: HT

Sau nhiều năm định cư và viết cho truyền thông hải ngoại, Du Tử Lê đã có cuộc tái ngộ nhiều cảm xúc với báo chí Việt Nam bằng một bài viết riêng cho giai phẩm Người Đô Thị Tết 2018, và tiếp đó là những bài viết khác của ông về văn nhân, phố thị…

Một số tác phẩm của ông gần đây cũng đã được xuất bản ở Việt Nam: tuyển thơ Giỏ hoa thời mới lớn (2/2014); trường khúc Mẹ về biển đông (4/2017); tập tùy bút Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời (6/2017); tuyển thơ Khúc Thụy Du (6/2018); tập tùy bút Giữ đời cho nhau (6/2018); tiểu thuyết Với nhau, một ngày nào và tùy bút Trên ngọn tình sầu (7/2018); tập thơ Chúng ta, những con đường (6/2019)

Nhà thơ Du Tử Lê trong một dịp về Sài Gòn, năm 2018. Ảnh: NĐT
Nhà thơ Du Tử Lê trong một dịp về Sài Gòn, năm 2018. Ảnh: NĐT

Trong bài viết về tập thơ mới nhất của nhà thơ Du Tử Lê: Chúng ta, những con đường do Phanbook phát hành ở Việt Namnhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã có những lời khắc họa:

Thi ca Du Tử Lê vẫn chọn “con đường” giãi bày những thao thức bằng một thứ ngôn từ thao thức nhưng không buông rời mỹ cảm lãng mạn chủ nghĩa. Vẫn sự chăm chút cho nhạc tính từng cú pháp, dù ẩn sâu trong thi pháp là dấu chỉ của rạc rời hoài niệm, thổn thức truy vấn…
Thơ ông như loài thiên di hát về đường bay sinh tử ly hương đã qua, về những cái chết thảng thốt giữa không trung trên hành trình tìm nắng ấm và cả bóng hình lung linh trong niềm tín thác sẽ mang theo về cõi thiên thu...”

Song Nguyễn

Theo nguoidothi.net.vn

* Tựa bài 24hsongxanh đặt lại

Thơ và tranh Du Tử Lê

Trong giai phẩm Người Đô Thị Tết 2019, nhà thơ Du Tử Lê đã chọn cách tham gia khá đặc biệt: tuyển chọn một số bài thơ và tranh trong gia tài tác phẩm còn nhiều ẩn mật của ông để gửi đến độc giả. Trước hung tin ông ra đi đột ngột tại Mỹ, Người Đô Thị giới thiệu lại những tác phẩm này, để độc giả hiểu hơn về lẽ tử – sinh trong dự cảm của ông.

Đêm, treo ngược tôi: dấu chấm than!

mưa chưa đi khuất, ngày chưa tới
đêm, treo ngược tôi: dấu chấm than!
mùa hoen đôi mắt, như vừa khóc
gọi hết tàn phai, gõ một lần.
.
trời đem mây xuống neo chân sóng
gió hú đường bay ngang ngọn cây.
tử / sinh vốn dĩ như hình / bóng.
linh hồn nào còn quẩn quanh đây?
.
nến tôi cháy đỏ mùa chia, biệt
người ghé qua rồi, cũng bỏ đi
những con dế sớm khan, khô tiếng:
cũng tự chôn mình theo tiếng ve.
.
sương nhìn tôi xa dần sớm mai.

Cảm ơn phần đời riêng

thương tích đầy thân, tâm
ai chết còn trợn mắt?
cảm ơn phần đời riêng
người tặng tôi cuối kiếp.

Lẻ loi từng hạt bụi

oan, nghiệt như đám mây
chuyển, lưu theo thời tiết
nỗi buồn như nhựa cây
ẩn mình trong góc khuất.
.
một lần người qua đây
đìu hiu chiều, ai khóc?
tôi nhìn tôi: rơi. rơi.

lẻ loi từng hạt bụi.

 

Và, ai?

cơn bão rút / chơi vơi rừng / thinh lặng.
như người về gợi ký ức căm căm.
chiều thải nốt chút hoàng hôn ngây, dại
ngày mang thai /đêm/ khổ lụy, lên đường.

 

Và, tôi

mưa dắt tôi trở lại tìm chiếc bóng
thấy hiên xưa đang vẽ dáng em ngồi.
tóc một thuở nuôi thơm thời thiếu nữ.
bên kia đường nấm mộ ngoái trông tôi.

 

Chim trời còn xao xuyến nụ hôn, sâu

tay úm lửa những mùa đông quá khứ.
mẹ chưa từng nguôi nỗi nhớ thương cha.
em chớ bỏ tôi đi ngày nước lớn.
chim trời còn xao xuyến nụ hôn, sâu.

Em cho tôi mãi nhé:
ấu thơ mình

nghìn năm nữa, tôi vẫn là đứa trẻ,
cần bàn tay của mẹ thuở lên năm.
như mưa / nắng rất cần cho cây, trái;
em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình.

Bài h.t. tháng giêng, khác 

gió – tôi thổi, ngược chiều quay trái đất,
về môi người: ngọn nến thuở lên năm.
tay thương – quá những ngày mơn tóc, lá
em lên mười, tôi nhớ thuở mưa, xanh.
chiều – tôi ngược dốc đời thơm kỷ niệm.
người hiện ra, thay mẹ bón tôi, vui.
vai thiên sứ, gánh đời ai vụn, nát (?)
tôi trong thơ, thổn thức những đêm, ngời.
mưa – tôi lạnh, rúc áo người ấm áp
vết thương buồn, em đắp bột trăm năm.
tôi già khốc vẫn đợi, chờ chăm sóc.
người không quên tôi bé dại vô cùng.
như truyền – thuyết – tôi – riêng: em huyền thoại:
dĩ vãng nào thành di sản gom chung (?)
nghìn năm nữa tôi vẫn còn muốn nói:
– cảm ơn người tâm – thượng – đế bao dung. 

 

Thơ của người vừa bước vào tuổi 75

khi thương, nhớ rơi nghiêng 75 độ.
khổ, đau sum suê,
như những cây me thả lá lề đường Gia Long, Saigon, cũ
nối vỉa hè và, những con đường quẩn quanh, bế tắc.
vài chiếc lá vội giấu nỗi ngậm ngùi riêng,
vào đôi mắt nhuộm đen bóng tối của người con gái,
sớm đi qua cuộc đời này!!!
đó cũng là lúc tôi hát:
“trở về mái nhà xưa” / “thuyền viễn xứ” ,
dù tôi đâu còn mái nhà xưa nào, để trở về
mẹ tôi cũng hết lâu rồi thời viễn xứ.
(và) những giọt lệ nhuộm đen
tìm nhau nghìn năm sau (?!?)
khởi từ ngưỡng cửa của người đàn ông
vừa bước vào tuổi 75.
.
khi thương, nhớ rơi nghiêng 75 độ,
buộc khổ, đau nằm ngang,
nghe căn phòng mùa đông khản giọng với
những bài hát như kinh…
em động lòng, trải thêm chăn cho tôi đắp.
(để) nhớ mẹ?
buổi sáng tỉnh dậy,
tôi thấy mình hốt hoảng phóng những mũi tên tỏ tình với bình minh.
sau khi đã chểnh mảng để nắng tọng tiếng còi xe đầy buồng phổi.
(và), khói nhà máy khỏa thân giải phóng âm khí nhà mồ
một điều gì giống như nỗi buồn:
vẽ trong tôi cảnh tượng người con gái:
buổi tối. nghĩa trang Gò Vấp.
mồng Một Tết.
(rồi), cũng em,
cho tôi một chân trời mới:
(để) giọt lệ sẽ tìm được nhau / nghìn năm sau.
dù thương, nhớ có thể đã rơi theo một chiều kích khác.
buộc khổ, đau nằm ngang,
nghe đoạn đường từng được rửa sạch bằng máu của tôi,
ngân nga ai điếu, muộn.
(mà), hàng khuynh diệp chẳng thể làm gì khác hơn!
nhìn bóng mình dúm dó!.!
như thể đó mới chính là hình ảnh tôi (?!?)
buổi tối. cuối năm:
– rơi nghiêng 75 độ. 

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC