Người trẻ tiên phong chống dịch: ‘Không có gì đáng sợ, mẹ đừng lo’
Nhiều tình nguyện viên đã lên đường từ những ngày đầu tiên khi dịch Covid-19 quay trở lại. Họ gạt bỏ công việc, gia đình và nỗi sợ hãi, tiên phong tiến về những “thành lũy” chống dịch.
Họ là những nhân viên y tế tại các phòng khám, những giáo viên trẻ, sinh viên, lao động phổ thông… đã không chần chừ lao vào “điểm nóng”.
Mẹ ơi đừng khóc!
Bên chiếc bàn nhận bệnh nhân xét nghiệm ở Bệnh viện 199 Bộ Công an (đóng quân tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ngày cuối tuần, Trần Thị Bích Cẩm (23 tuổi, quê Gia Lai) tập trung làm thủ tục, hướng dẫn bệnh nhân lấy mẫu xét nghiệm.
Đã một tuần kể từ khi dịch Covid-19 quay lại hoành hành ở thành phố Đà Nẵng. Sự khắc nghiệt, nguy cấp hơn lúc nào hết được các y bác sĩ ở đây báo trước ngày Cẩm bước vào cánh cổng bệnh viện này. Nhưng Cẩm nhẩm tính chắc chắn khi các ca bệnh được phát hiện ở những bệnh viện lớn của thành phố thì những bệnh viện khác lượng bệnh nhân đổ về là rất đông. Vậy là không chút ngần ngại, cô gái trẻ nhấc máy gọi đến đây và thiết tha xin được vào phục vụ hỗ trợ các y bác sĩ.
Đang làm việc tại một phòng khám ở Đà Nẵng, cô gái trẻ quyết định nghỉ ngang rồi xách theo hành trang cá nhân vội vã chạy thẳng đến bệnh viện.
Cẩm tâm sự trước khi nhận công việc, cô đã xác định tâm lý rõ ràng rằng sẽ tiếp xúc với các bệnh nhân có nguy cơ nhiễm cao. Những ca dương tính đầu tiên được công bố từ người dân rồi đến nhân viên y tế mắc bệnh khiến không ít lần Cẩm thấy rùng mình.
“Tôi nghĩ mình còn trẻ và cũng được đào tạo chuyên môn. Lúc này cả thành phố, rồi cả khúc ruột miền Trung đang oằn mình chống dịch, tôi lại chưa có nỗi lo gia đình, con cái nên không cho phép mình đứng ngoài cuộc. Dù chỉ góp chút sức nhỏ bé tôi vẫn quyết làm” – Cẩm bộc bạch.
Công việc mỗi ngày của Cẩm là tiếp nhận bệnh, lấy mẫu xét nghiệm người nghi nhiễm COVID-19 và hỗ trợ những công việc trong khoa cùng các y bác sĩ. Cô điều dưỡng trẻ cũng khá bỡ ngỡ khi lần đầu tiên làm việc trong đồ bảo hộ kín mít, áp lực công việc khác xa ở phòng khám ngày thường.
Hơi thở làm nhòe lớp kính cận, lan cả ra mặt kính bảo hộ khiến cô gái cuống quýt nhưng chỉ vài hôm sau là đã quen.
Mấy ngày đầu sau giờ làm việc, trải tấm chiếu ngả lưng nước mắt cô gái lại lăn dài. Quyết định vào bệnh viện hỗ trợ, Cẩm giấu hết gia đình, nhưng khi biết tin, mẹ cô đã gọi điện khóc rất nhiều.
Cẩm chỉ biết động viên mẹ: “Mẹ ơi đừng khóc, không có gì quá đáng sợ nên mẹ đừng lo, con vẫn ổn và sẽ trở về an toàn“. Cẩm hiểu rằng mẹ thương và lo lắng. Bao nhiêu nỗi lo sợ khác của một người mẹ khi biết con mình lao vào điểm nóng.
Tình nguyện viên không màu áo
Không chỉ nhân viên y tế xung phong lên tuyến đầu, ngay khi các bệnh viện đăng thông tin quá tải, đã có hàng trăm bạn trẻ sẵn sàng tham gia phục vụ những công việc hậu cần nặng nhọc trong các bệnh viện.
Nguyễn Thị Kim Thoa (sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế Đà Nẵng) quyết định không về quê “trốn dịch” mà ở lại thành phố để tham gia chống dịch. Thoa đăng ký phục vụ hậu cần các công việc tại bộ phận nhiễm khuẩn của bệnh viện. Mỗi ngày công việc của cô là vệ sinh, giặt giũ quần áo bệnh nhân, drap trải giường bệnh…
Nhiều người nói Thoa bao nhiêu chỗ an toàn không đi lại vào chỗ nguy cơ lây nhiễm cao vậy. Thoa bảo thấy mọi thứ bình thường, không có ghê gớm như nhiều người vẫn nghĩ.
“Đồng nghiệp” của Thoa là cô giáo trẻ Trần Thị Mỹ Lợi. Những ngày dịch nghỉ công việc ở trường mầm non, cô đã không chần chừ đăng ký để mong làm một việc gì đó có ích cho thành phố nơi mình sinh sống. Chị Lợi bảo rằng chỉ mong dịch nhanh qua để mọi người quay trở lại cuộc sống bình thường.
Với những bạn nam, công việc hậu cần bưng bê hàng hóa, phục vụ nước nôi ở các bệnh viện cho họ những trải nghiệm khó quên. Mỗi ngày một tình nguyện viên nam có thể bê vác vài trăm thùng hàng liên tục đến các khoa, phòng. Đêm đến, các bạn xin ngủ lại bệnh viện vì không muốn mang nguy hiểm ra ngoài.
Nhiều người không “chịu được nhiệt” phải xin nghỉ ngang, nhưng không ít bạn đã cố gắng gồng mình cùng nhân viên y tế giữa lúc thành phố đang cần.
Bác sĩ Võ Thị Hồng Hướng – trưởng khoa phục hồi chức năng Bệnh viện 199 – cho biết: “Thật cảm phục tấm lòng của các bạn trẻ là công dân của Đà Nẵng. Công việc ở bệnh viện lúc này dù là hỗ trợ lấy máu xét nghiệm, giao thức ăn hay làm vệ sinh… đều phải cần sự dũng cảm và chịu khó mới có thể dám nhận, dám đảm đương. Những sự đáp ứng kịp thời từ các bạn trẻ không qua bất kỳ tổ chức, đơn vị nào là những sự giúp đỡ đáng quý, đáng trân trọng lúc này“.
Hôm giao ban, nhiều người nói vào đây mức độ nguy hiểm rất cao, các bạn tình nguyện viên phải xác định rõ ràng vì đợt dịch này mạnh hơn các đợt dịch trước rất nhiều, nguy cơ nhiễm bệnh là khó lường trước được. Là y sĩ đa khoa công tác tại phòng khám tư ở Đà Nẵng, chàng trai Lâm Văn Hạnh (27 tuổi, quê Bình Định) đã lần thứ 2 tham gia tăng cường ở bệnh viện chống dịch. Hạnh tham gia trực tiếp vào công việc điều trị, chăm sóc các ca bệnh nặng trong khu điều trị và các bệnh nhân nghi nhiễm. Bệnh nhân được chuyển về liên tục từ sau ngày 3 bệnh viện lớn của Đà Nẵng phong tỏa. Áp lực công việc cũng tăng lên gấp 4-5 lần. Ngoài công việc chuyên môn, Hạnh còn hỗ trợ thêm việc phát cơm, chăm sóc bệnh nhân. |
Đoàn Nhạn
Theo Tuổi Trẻ Online
Link nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-tre-tien-phong-chong-dich-khong-co-gi-dang-so-me-dung-lo-20200804110056421.htm