Người say mê với sản phẩm du lịch đặc trưng Hội An
>> Văn hóa làm nên du lịch Hội An
Dù không được sinh ra bên dòng sông Hoài, phố Hội nhưng với “máu nghệ sĩ” sẵn có cùng với việc thừa hưởng “gen” của con nhà buôn và may mắn được trưởng thành ở Hội An – mảnh đất có truyền thống văn hóa, hội thủy, hội nhân – mối duyên ấy khiến ông gắn bó cuộc đời mình với việc xây dựng, phát triển những sản phẩm văn hóa du lịch, liên tiếp tạo ra sự nở rộ của những sự kiện văn hóa tầm quốc gia và quốc tế khiến Hội An được bạn bè năm châu mệnh danh là “mảnh đất của lễ hội”.
Ông là Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh – Truyền hình thành phố Hội An.
Hơn 30 năm làm lãnh đạo ngành văn hóa, rất nhiều lễ hội của Hội An được ông xây dựng, phát triển thành sản phẩm văn hóa – du lịch. Xin ông chia sẻ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công việc này?
Trước hết, tôi luôn tâm niệm một điều, khi phát triển, cần trả lại không gian văn hóa và đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch. Không phải dễ dàng gì mà gần như tất cả các lễ hội của một địa phương lại ngày càng nở rộ, trở thành sản phẩm văn hóa thu hút sự tham gia của du khách đến từ năm châu. Bạn bè trong nước và quốc tế đều nhìn Hội An như một mảnh đất màu mỡ của lễ hội, tạp chí Wanderlust vinh danh Hội An là “thành phố lễ hội”.
Các sản phẩm lễ hội dân gian có thể kể đến như: Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán, lễ hội cầu ngư, giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng, giỗ tổ nghề may, giỗ tổ nghề gốm, lễ hội cầu bông…; các sự kiện như Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản (sắp tổ chức lần thứ 17), Những ngày văn hóa Hàn Quốc (sắp tổ chức lần thứ 3), Hợp xướng quốc tế (sắp tổ chức lần thứ 5), Lễ hội lồng đèn tại Đức (sắp tổ chức lần thứ 2), nơi đăng cai 4 kỳ thi hoa hậu trong nước và quốc tế… đến các đề án như Phố đi bộ, Phố đêm, Sông xưa – thuyền cổ…
Sự nở rộ các lễ hội truyền thống và các sự kiện văn hóa thế giới tại Hội An như vừa kể trên đã khẳng định Hội An biết cách tạo ra nét riêng biệt trong việc xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch để hấp dẫn du khách.
Động lực nào khiến ông không ngừng nỗ lực trong việc sáng tạo, xây dựng thêm các sản phẩm mới?
Có lẽ tôi được thừa hưởng “gen” của con nhà buôn từ bố tôi, một ông chủ lò in và buôn chiếu. Tôi xác định, làm du lịch là đi buôn. Lĩnh vực này luôn luôn bắt mình phải mới, phải thay đổi liên tục để thu hút khách và cũng là để tạo cảm hứng cho bản thân, cho anh chị em văn nghệ sĩ chứ làm mãi một sản phẩm sẽ chán. Động lực đó khiến tôi tiến hành tổ chức các buổi biểu diễn – trải nghiệm, rồi lập đoàn văn nghệ Foco, phát huy rạp hát, xây dựng kế hoạch bán vé tham quan khu phố cổ, đề án Phố đêm, rồi Đêm phố cổ thu nhỏ cùng các dịch vụ khác để vừa tạo thêm sản phẩm và tạo thu nhập cho anh chị em nghệ sĩ.
Một động lực rất lớn khác khiến tôi thấy luôn cần phải nỗ lực đó là niềm tin của lãnh đạo thành phố đối với cá nhân tôi cũng như với tập thể trung tâm khi giao phó các việc lớn. Còn nhớ, trước năm 1995, việc đi tìm một cách thức bán vé tham quan cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Hội An khác Huế, khác Mỹ Sơn ở chỗ Hội An là một di tích sống, một “bảo tàng sống” vì người dân vẫn gắn bó, cộng sinh với di tích, cuốn hút du khách “sống” với di tích. Giao cho ai, giao cho đơn vị nào quản lý văn phòng hướng dẫn tham quan cũng là một lựa chọn không dễ đối với các anh lãnh đạo lúc bấy giờ. Cuối cùng, Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An được giao nhiệm vụ này với lý do đây là đơn vị đang hoạt động văn hóa, đang “thực hành văn hóa”, vẻ đẹp của kiến trúc sẽ mãnh liệt hơn khi nó được phả lên phần hồn bởi văn hóa phi vật thể. Lúc bấy giờ, lãnh đạo thành phố tin rằng, ngoài việc “độc lập” làm công tác hướng dẫn, trung tâm có khả năng tổ chức tốt các hoạt động phụ trợ, tổ chức và xây dựng các đề án làm cho phố cổ càng ngày càng thu hút du khách hơn. Nhìn lại hiệu quả của các sản phẩm du lịch diễn ra trong suốt gần 30 năm qua, bản thân tôi và Trung tâm Văn hóa Thể thao có thể tự hào với niềm tin mà lãnh đạo thành phố trao gửi.
Còn những khó khăn, vất vả?
(Cười) Những khó khăn, vất vả à? Nhiều lắm, thôi nhớ gì nói nấy vậy. Có lẽ nhớ nhất là dấu ấn từ lễ hội Trung thu năm 1997. Đó là Trung thu đầu tiên thực hiện “đi bộ” trong khu phố cổ. Chỉ có một đêm cấm các loại xe lưu thông mà “dậy sóng” phản ứng trong cộng đồng cư dân phố cổ. Thật ra, ý tưởng phố đi bộ tôi đã nghĩ đến từ năm 1995. Khi ấy thấy xe máy phát triển nhiều gây ồn ào khu phố cổ, tôi đã nhờ anh em phóng viên vào ghi hình cảnh ồn ào trong phố bởi xe máy và làm một phóng sự truyền hình dài tới 5 phút với nhiều câu hỏi đặt ra, rằng có nên cấm xe máy vào phố để thực hiện phố đi bộ trong khu phố cổ hay không? Phóng sự ấy nhận được sự trả lời đồng thuận của một số người dân có uy tín và cực kỳ yêu phố cổ. Nhưng mãi 9 năm sau – năm 2004, đề án phố đi bộ mới chính thức đi vào thực hiện theo lộ trình tăng dần thời gian, mở rộng dần tuyến phố. Đề án Phố đêm, những ngày đầu thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn thậm chí ảm đạm. Nhiều ý kiến chưa thống nhất, các hộ dân không mặn mà với việc tham gia buôn bán hàng lưu niệm, hàng ẩm thực vào ban đêm dù đã có cơ chế hỗ trợ. Nhớ sao là nhớ những ngày đầu thực hiện đề án Phố đêm. Trong một thời gian khá dài, gần như tối nào vợ chồng tôi và gia đình một số anh lãnh đạo, anh chị em của trung tâm cũng không ăn tối ở nhà để đi “ăn hỗ trợ” cho các gia đình tham gia gian hàng ẩm thực của Phố đêm vì ế quá. Ăn cho họ chứ kẻo tội. Rồi phải bù lỗ nữa, vì khách tham quan buổi tối vắng teo, mỗi đêm chỉ bán được chừng 70 vé tham quan. Gần 100 nhân viên và diễn viên của trung tâm phục vụ hàng đêm nhưng hôm nào chừng chín giờ tối mà máy bộ đàm thông tin chốt vé được khoảng 100 vé là anh chị em mừng lắm. Rồi việc tổ chức hô hát bài chòi trong phố cổ, những đêm đầu tiên cũng thất bại một cách thê thảm. Trước khi tổ chức hô hát bài chòi, trung tâm cũng cho xe cổ động đi “loan tin” khắp đầu làng, cuối phố nhưng cũng chỉ lèo tèo vài người đến coi, khách ế tới mức nghệ nhân hô hát bài chòi leo lên bàn ngủ là chuyện bình thường…
Còn nhiều chuyện “vạn sự khởi đầu nan” như vậy lắm. Nhưng niềm vui cũng rất nhiều. Vui vì những thành quả đạt được. Đặc biệt, tôi rất vui vì đã biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể như việc phát triển nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền với lực lượng diễn viên nhạc công của dàn nhạc dân tộc hầu như không có ai là người Hội An. Bởi vì, Hội An không phải mảnh đất của dân ca. Nói đến dân ca, phải nói đến Điện Bàn, Duy Xuyên hay Hòa Vang… Nhưng hiện nay, Hội An đã trở thành một trung tâm thu hút lực lượng diễn viên dân ca nhạc công nhạc cụ dân tộc từ Thanh Hóa đổ vào, từ Bình Định đổ ra. Nhờ việc tạo ra những giá trị đặc trưng, anh chị em diễn viên, nhạc công của Trung tâm không chỉ có “đất diễn” ngay ở Hội An mà còn “mang chuông đi đánh xứ người” ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, ở 8 quốc gia với 15 chuyến lưu diễn.
Trong các sản phẩm văn hóa du lịch, hiện ông dành tình yêu cao nhất với sản phẩm nào?
Hiện tại, tôi đang dành tâm huyết cho việc thực hiện đề án Hội An – nhân tình thuần hậu. Đây là một đề án được tôi ấp ủ từ khá lâu. Chúng ta đều thấu hiểu nếp sống của cư dân một điểm đến cũng là một sản phẩm du lịch đặc trưng mà du khách bốn phương đều mong muốn tìm hiểu, tiếp cận. Có lẽ được giao lưu, giao thương với thế giới từ nhiều thế hệ trước, cộng với nền tảng văn hóa đạo đức và bề dày truyền thống nên cốt cách người Hội An vừa văn minh vừa lịch thiệp, nhanh tiếp thu cái mới nhưng lại vừa nhân ái, nhân văn, thuần hậu, trọng nghĩa nhân, trọng tôn ti trật tự, trọng tình người. Khác với các sản phẩm văn hóa trước đây, sản phẩm này không dễ nhìn thấy ngay, mà nó trầm lắng trong mỗi người dân, mỗi cộng đồng; phải khơi dậy theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đi vào đánh thức các giá trị đạo đức còn đang tiềm ẩn trong từng con người. Tôi tin rằng, đề án này không chỉ là sản phẩm du lịch đặc trưng mà còn là một sản phẩm tinh thần vô cùng quan trọng trong việc khôi phục và phát huy phẩm chất tốt đẹp của người Hội An vì sự nghiệp bảo tồn di sản giữa trào lưu thế giới ngày càng hiện đại, trong một xã hội, một đất nước đang hội nhập phát triển. Hiện nay, đề án Hội An – nhân tình thuần hậu đang chứng minh được tính lan tỏa trong cộng đồng với sự thay đổi hành vi, nhận thức của học sinh sau khi được tiếp xúc với các hình thức tuyên truyền của đề án. Một số doanh nghiệp trong thành phố Hội An chủ động tham gia đề án bằng việc tự bỏ tiền thực hiện những clip tuyên truyền hoạt động của đề án, mời anh chị em của trung tâm đến tận doanh nghiệp để giới thiệu nội dung đề án và biểu diễn chương trình văn nghệ tuyên truyền cho đề án. Đây là điều mới lạ và lý thú vì thông thường, từ trước đến nay, để tuyên truyền, chúng ta đều phải tự chi trả cho kinh phí phục vụ truyền thông.
Một con người gắn bó gần như trọn đời mình với việc phát triển văn hóa du lịch Hội An, nếu có thể chia sẻ những “giá như” để Hội An được phát triển tốt hơn nữa, ông sẽ nói gì?
Hội An đang báo động ở chỗ bảo tồn “chạy” theo không kịp phát triển vì phát triển đang là con số áp đảo, là số đông mà dừng việc phát triển để bảo tồn thì đổ bể. Do đó phải động viên, có quy định – thậm chí xử phạt những hành vi phá hỏng hồn phố. Các cơ quan ban ngành cần phải chung tay, phối hợp để giữ hồn phố cổ nguyên sơ, rút bớt những màu xanh đỏ tím vàng của lồng đèn, của bảng hiệu trong phố, giảm tiếng ồn ào nơi công cộng và đặc biệt, các địa phương cần chủ động bỏ việc treo băng rôn, khẩu hiệu trong phố cổ. Trước đây, tôi đã đề xuất bỏ hệ thống loa phường trong khu phố cổ, thay những nội dung thông tin, thông báo của loa phường bằng những bản nhạc giao hưởng để mang đến những cảm xúc nhẹ nhàng cho du khách khi tản bộ trong phố. Để giữ cho hồn phố được nguyên sơ, rất cần những “giá như” trong việc cùng chung tay, phối hợp của các ban ngành.
Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của ông về công việc ông đã gắn bó hơn nửa cuộc đời. Chúc cho những sản phẩm văn hóa du lịch, đặc biệt sản phẩm Hội An – Nhân tình thuần hậu ông đã xây dựng ngày càng phát triển để hình ảnh Hội An trở nên đẹp hơn trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.
Uyên Nguyên (thực hiện)
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh