fbpx

Người đàn bà nhìn về phía biển

Nắng xối lửa xuống khoảng hè phố trước nhà. Cây phượng yếu ớt mới trồng vài tháng trước cửa nhà không có nổi một bóng mát nhỏ nhoi. Bà kêu thằng nhỏ: Đẩy xe cho Nội ra biển. Nhưng giờ này còn nắng quá mà Nội, đợi lát nữa đi con đưa Nội ra. Bà thở dài.

Dãy nhà đối diện đóng cửa im ỉm. Nhà thì đi làm hết. Nhà có người cũng đóng chặt cửa mở máy lạnh. Mới đầu Hè mà đã ngột ngạt chịu không nổi. Hồi còn nhà cũ, ở sát bên lối xuống biển, giờ này gió lộng lộng thổi vô. Sau thành phố giải tỏa để làm con đường ven biển và cây cầu bắc ngang qua biển lớn nhất thành phố, nhà bà được chuyển về khu tái định cư này. Những ô ngang ô dọc đều tăm tắp xây chặn hết gió biển vào nhà. Lúc mới phân nhà, bà xin cho bà ra sát biển như cũ nhưng không được. Giờ là con đường đẹp nhất chạy sát biển, những lô đất đó biến thành đất vàng để người ta kiếm tiền, nhà bà lui vào ba dãy phố, bị chắn bởi các lớp nhà bê tông nên suốt ngày nóng hầm hập. Chiều nào bà cũng kêu cháu đẩy xe cho bà ra biển. Từ ngày chuyển nhà về đây bà bị tai biến và một năm sau thì gắn với chiếc xe lăn này. Mọi thứ u uất của đời sống cứ như đợi đúng thời điểm đổ hết xuống bà. Chỉ còn lại biển…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bà vốn con gái xứ ruộng. Con ông hương giàu có trong làng nhưng là con của bà hai nên chẳng mấy khi được để ý. Lúc sinh ra bà bị một cái tật ở cột sống khiến lưng còng xuống, nhưng bà vẫn là một cô gái đẹp dịu dàng. Bà làm mọi việc trong nhà như một người ở. 16 tuổi cha bà nói bà như vậy khó gả chồng trong vùng. Dưới miệt biển mới có người mai mối cho một người đàn ông vừa góa vợ có hai đứa con riêng. Bà theo chồng cứ như bước theo thân phận của mình, không oán trách, không khóc lóc. Nhưng bà sợ. Từ nhỏ đến lớn bà chưa hề bước chân ra khỏi làng.  Bà không biết miệt biển người ta sống thế nào. Người xứ biển mà bà biết, chủ yếu qua lời kể là những người đàn bà bán cá ở chợ, hung hăng, dữ dằn, sẵn sàng chửi bới đánh lộn. Bà sẽ trở thành người trong số họ? Nghĩ tới thôi bà cũng rùng mình.

Những ngày đầu tiên về nhà chồng cũng chỉ quanh quẩn trong nhà. Nhà ngay trên lối xuống biển nên bà nghe mọi thứ âm thanh từ biển vọng lại. Bà nghe tiếng sóng biển đập vào bờ rào rào cả ngày cả đêm, lạ lẫm. Mùi biển mặn chát. Những hạt cát nhỏ li ti theo gió bám vào da thịt. Chồng bà là bạn ghe đánh xa bờ, thường đi cả mười ngày nửa tháng mới về. Bà ở nhà chăm lo cho hai đứa con riêng. Chúng cũng ngoan ngoãn, dễ thương. Lần đầu tiên bà bước ra biển là cái buổi chiều sau một tuần ru rú trong nhà. Bà nhớ nhà quá. Nhớ mọi thứ ở xứ ruộng của bà. Nhớ những cơn gió mát rượi từ đồng lúa. Nhớ tiếng mưa đêm lộp độp trên tàu lá chuối. Nhớ căn bếp nồng mùi khói trấu. Bà ra khỏi cửa và bước theo tiếng cười nói của những người phụ nữ dưới bãi biển.

Bà ngợp. Nước mở tràn ra khỏi tầm mắt của bà, mênh mông, tít tắp. Nếu không có những chiếc tàu như những chấm nhỏ ngoài kia bà không biết mắt mình sẽ neo vào đâu. Cát mềm dưới chân, bà cứ thế bước tới đến khi bà có cảm giác nước liếm vào hai bàn chân, xõa bọt trắng xóa. Bà cứ đứng vậy cho tới khi đêm phủ xuống và biển còn lại một màu đen với vài chấm sáng ngoài tít tắp. Biển đã lau nước mắt cho bà, đã xoa dịu nỗi nhớ nhà trong bà, đã an ủi nỗi buồn con gái của bà và bà nghĩ mình có duyên phận với biển từ buổi chiều hôm ấy. Lúc rảnh việc, lúc vui, lúc buồn, lúc không vui không buồn, bà đều ra với biển.

Sau khi lần lượt sinh hai đứa con, bà trở về quê theo cái cách của người đàn bà xứ biển…

Hàng tuần, cũng có khi hai ba tuần bà gánh cá về làng cũ bán quanh cho bà con rồi đi một vòng vài làng quanh đó, ở lại nhà một đêm. Gánh cá của bà một đầu là cá tươi, một đầu là cá hấp, cá khô. Vào những mùa cá nục, cá chuồn, rẻ, bà còn kho sẵn trong những nồi đất nhỏ với đủ gia vị mà bếp quê thường thiếu, nên gánh cá của bà đi tới đâu thơm lừng tới đó. Dân quê phần nhiều đổi cá bằng gạo hoặc những thứ cây trái có trong vườn nhà, có khi không còn gì để đổi bà bán chịu, tới mùa lúa lấy nợ. Với bà đó không chỉ là công việc mà còn có niềm vui, được về quê, được nhìn thấy bà con trong làng háo hức ngóng gánh cá của bà, mấy đứa nhỏ chạy quanh hít hà khi bà mở nắp vung nồi cá kho, có khi bà nghe cả tiếng reo khi chưa bước vô đầu làng, bà Chín, bà Chín về rồi mẹ ơi… Cả làng ai cũng nghèo nên luân phiên nhau mua cá của bà. Cũng có lúc bà phải ở lại 2, 3 ngày mới bán hết gánh cá. Thương quê là vậy nhưng đêm nằm trong căn nhà bà lớn lên mà cứ nôn nao khó ngủ vì thiếu tiếng sóng, nên thi thoảng bà hay nói vui, con gái gả chồng như bát nước đổ đi, cha mẹ bà đổ bà ra biển rồi!

Gánh cá đó nuôi hai đứa con của bà lớn lên, rồi thành gia lập thất, bà vẫn gánh, gánh như một thói quen, không bỏ được. Có dạo bà yếu, gánh không nổi, kêu đứa cháu đi theo gánh cho bà. Cho tới khi bà không đi nổi nữa mới chịu ở nhà. Con trai bà cũng theo nghiệp cha đi biển, con dâu chạy chợ. Hàng ngày bà vô ra bến cá coi người ta mua mua bán bán cho khuây khỏa.

Vậy mà mấy tháng nay ghe lưới nằm bờ hết. Biển nhiễm độc. Cá chết dạt đầy vô bờ cát. Đàn ông mắc võng nằm đưa qua đưa lại ngóng phía thăm thẳm xanh ngoài kia mà không biết tới bao giờ mới lại ra khơi. Đàn bà chạy chợ cũng treo thúng. Bao nhiêu nỗi lo trước mắt. Vợ chồng đứa lớn bắt đầu cắn đắng nhau khi con sắp tới mùa nhập học. Bữa ăn gì mà không có chút cá, bà nuốt không vô. Bà nói cô con dâu, tau già rồi, ăn cá mực vô có nhiễm cái gì cũng không tới phiên tụi nó làm tau chết. Cô con dâu giãy nảy, mẹ ăn rồi mấy đứa nhỏ lại thèm, đòi ăn thì biết làm sao. Bà thở dài. Cả đời bà chưa bao giờ chứng kiến cảnh này. Những gia đình mấy đời bám biển đã tính chuyện chuyển nghề, bỏ xứ đi kiếm sống. Mấy đứa thanh niên đã đi trước rồi…

Chiều vừa khép nắng trên bãi cát. Gió lồng lộng. Sóng ào ạt vỗ bờ. Mùi biển bám rít vào da thịt. Cứ như mọi thứ vẫn vậy, không có gì thay đổi. Đưa tay rờ rẫm vành chiếc thuyền thúng đang nghiêng ngửa trên bờ, bà với tay vào lòng thúng, trong một khoảnh khắc, cái khoảng không quen thuộc đó bỗng dưng khiến bà chới với như rớt vào miền hoang vắng vô tận…

Thi Niệm

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

CÙNG CHUYÊN MỤC