Nghệ sĩ Thành Lộc: Làm gì có “thời” mà “đã qua”?
Sau đợt giãn cách xã hội lần thứ nhất, em nó nhắn tin “Người rảnh không? Em muốn gặp người…”, “Có chuyện gì không người em?”, “Là em nhớ người, em muốn gặp vậy thôi…!”.
Vậy là anh em gặp nhau trong một tiệm trà vắng khách, dù cho lệnh giãn cách lần một đã thu hồi nhưng cũng không nhiều người dám ra đường nếu không có việc cần, trên lầu tiệm trà nhìn xuống phố thưa thớt xe cộ qua lại, khách bộ hành cũng lác đác trông như phố xá thị thành vào những ngày đầu tết, chỉ khác là ẩn sau những chiếc khẩu trang đeo trên mặt của bất kỳ ai xuống phố là những đôi mắt không thanh thản, không vui tươi như mọi năm!
Hai anh em ngồi đối diện nhau, trên bàn trà là những hũ thức ăn khô, ăn vặt nhiều loại khác nhau được niêm kín vệ sinh với bao bì nhãn hiệu khá tươm tất, đẹp mắt, lại thấy trên nhãn hiệu có chân dung của chính đứa em cười toe toét dán trên từng món hàng tinh tươm, nhìn chuyên nghiệp lắm!
Sân khấu bị đóng cửa vì dịch, nó chuyển qua bán quà ăn vặt online để có đồng ra đồng vô, ai dè được khán giả thương yêu ủng hộ nên nó sống được và hôm nay nó đem những thứ nó bán mời thằng anh đồng nghiệp này ăn lấy thảo…
– Anh có theo dõi thấy em rao bán trên mạng sao mà giỏi quá, anh nể! Làm cái gì cũng phải có năng khiếu mới dễ hay, cái này anh dở nên anh không làm được, anh thua….
– Nhưng không lẽ em sẽ chuyển qua đi bán hàng vầy luôn sao anh ơi…?
Nghe nó nói vậy liền nín ngay không dám khen gì tiếp nữa.
Sau cặp kính mát đen sẫm, hai giọt nước mắt chảy dài đọng luôn dưới cằm thằng hậu bối.
– Em nhớ sân khấu, em nhớ mọi người lắm! Biết tới chừng nào sân khấu mới được cho diễn lại đây, lẽ nào con đường nghệ thuật của em bị đứt ngang rồi rẽ sang con đường buôn bán luôn hay sao?
Nó hỏi vậy mình không biết phải trả lời sao đây, mà có khi chính mình mới là người than vãn “Mầy còn rẽ sang được đó, chứ thằng anh mầy thì thôi thua luôn rồi, anh mầy mới là đứa như con cá bị quăng lên bờ thiệt rồi đây em ơi…!”. Hai anh em dừng câu chuyện, cứ nhìn ra cửa sổ xuống đường mà khó nói thêm với nhau được câu gì nghe cho hay hơn, vui hơn…
*
Đà Nẵng bùng dịch lần hai và thành phố đó gần như phải phong tỏa, Sài Gòn cũng lao đao xính vính, nhưng may là lần này sân khấu không có lệnh phải ngưng nên người Sài Gòn mộ điệu yêu nghệ thuật diễn xuất vẫn còn có nơi để đến và nghệ sĩ còn có nơi để đánh phấn thoa son, lăn lê bò toài mà kiếm tiền chợ, tiền điện nước, tiền trả nợ ngân hàng…
Mỗi tối khi hai cánh màn nhung mở ra, ta nhìn thấy dưới khán phòng vẫn đầy ắp người với hàng trăm chiếc khẩu trang sáng rực cùng những đôi mắt dán chặt lên sân khấu mà dõi theo và hòa vào từng cảm xúc khóc cười của những câu chuyện thân phận con người trên sàn diễn thật vô tư, thật hồn nhiên…
Người Sài Gòn là vậy, cho dù hoàn cảnh khách quan của dịch bệnh đôi khi có làm hạn chế nhiều thói quen sinh hoạt văn hóa hằng ngày, nhưng khi được phép thoải mái tí là không bỏ qua được nhu cầu giải trí nghệ thuật, họ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua lại niềm vui cho tinh thần mình, không cầu cạnh xin xỏ ai, rồi khi chung quanh đó đây dân tình có gặp hoạn nạn thì cũng sẵn sàng sẻ chia bát cơm mình đang có, đồng bạc mình đang chắt chiu… Vậy nên khi sân khấu sáng đèn thấy khán giả yêu thương mình vẫn ngồi kín rạp, ta thấy xúc động, ta thấy biết ơn điều nghĩa tình ấy và tình yêu con người, yêu công việc trong ta cứ như vậy mà vẹn nguyên, ta giữ gìn, ta tâng tiu…
*
Ngồi cùng hoá trang gần nhau, thằng em hậu bối hôm nào khóc lóc vì sợ phải buông nghề hát mà theo nghiệp bán buôn tự dưng dúi vô tay thằng anh tiền bối của nó một cái bao thư lấp xấp tiền rồi nói nhỏ: “Anh giữ để tiêu xài chuyện trong nhà, nhờ Trời thương khán giả thương nên em bán hàng được, chừng nào anh có nhiều thì đưa lại em cũng được, hay lúc nào anh cần thì anh cứ báo em một tiếng nha anh…”.
Người ta thường hay nói có những thứ không thể mua được bằng tiền vì nó thật sự vô giá là đây, cái nghĩa cử của chú em nó thật sự quý giá hơn xấp tiền trong bao thư chú đưa anh, giá trị ấy được đong đo bằng thời gian thâm niên của tình bạn, tình đồng nghiệp, tình người, đó cũng là thử thách của cuộc đời. Cái chữ tình quả không dễ mua bằng tiền nhưng cũng không khó kiếm khi cái tình ấy luôn đầy ắp trong lòng mỗi người, tự nó sẽ tìm thấy nhau mà sanh sôi nảy nở và lan tỏa đến nhau khi lòng mình cùng sống thật.
*
Năm 2020 thoáng cái đã trở thành quá khứ, sẽ có người sợ đến mức không muốn nhắc đến nó nữa, vì nó ám ảnh quá! Nhưng cũng có người xem đó là một bài tập thử thách của Thượng đế dành cho con người nên nó có một giá trị riêng biệt cho việc rèn luyện kỹ năng sống, một giáo trình lớn lao cho ta bài học làm người.
Ta khó quên hình ảnh các tình nguyện viên nằm la liệt ở bất cứ nơi đâu trong hành lang các bệnh viện, chỉ để tranh thủ ngủ lấy sức mà thay ca cho nhau trong những ngày đầu còn náo loạn vì dịch bệnh hoành hành.
Ta khó quên được hình ảnh những thiên sứ áo trắng phải xa gia đình riêng của mình mà lao vào những nơi có tâm dịch, để chiến đấu với nó khi cả thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị nào. Sự ra đi của họ – bác sĩ, y tá và – hoàn toàn không hứa hẹn sẽ có ngày về, họ thật sự sống trong một trận chiến giữa thời bình, những tâm hồn cao thượng.
Ta cũng không quên đây đó các nghệ sĩ cùng bạn hữu đứng ngoài đường phố phát không khẩu trang cho người dân, sau đó lại còn động viên người dân dùng khẩu trang vải để nhường khẩu trang y tế đang rất khan hiếm cho những người tại tuyến đầu chống dịch.
Ta lại càng không thể quên khi mùa bão lũ về, tang thương bao nhiêu thì các doanh nhân đã cùng nhiều nghệ sĩ và bà con tiểu thương từ khắp nơi càng nhiệt tình lao vào vùng khốn khó, để góp sức gánh đỡ phần nào, giúp người chịu nạn bớt đi khó khăn trong tất cả khả năng có thể…
Tất cả những điều đó chính là lòng tử tế, chỉ lòng tử tế của con người mới có thể giúp con người vượt qua mọi khó khăn của hiểm nguy, gian khổ, có cả của đố kỵ và thị phi để đem đến cho nhau niềm vui tỏa sáng từ tấm lòng thiện tâm bác ái.
Sống được hết qua năm 2020 thấy mình thật hạnh phúc, may mắn thọ ơn được từ biết bao người chung quanh mình, trong ký ức và trái tim người nghệ sĩ chắc chắn nó sẽ tồn tại mãi, biết đâu đó sẽ chính là chất liệu để sau này nhiều tác phẩm sẽ được ra đời, kể lại cho thế hệ mai sau hiểu về một khoảng thời gian sóng gió của thời đại mà họ đã không có dịp trải qua, đó cũng là lịch sử mà mình là nhân chứng.
*
Canh Tý đã trở thành sau lưng, ta mong đợi gì ở Tân Sửu trước mặt?
Mọi sự xui rủi của năm trước mong ước sẽ không quay trở lại, vẫn sẵn sàng với những thử thách mới. Cuộc sống luôn phải vận hành và chỉ có thế mới trưởng thành, nghệ thuật mới có sức sống thật của nó khi cuộc sống không chỉ toàn thuận lợi mà còn phải có trắc trở, có gian nan. Ai sống nhiều rồi cũng sẽ hiểu như vậy.
Sáu mươi mùa xuân trôi qua đời mình thoắt cái chỉ như một cái chớp mắt, ta thấy mừng vì đến giờ vẫn còn đeo đuổi được nghiệp với nghề, đó là hạnh phúc. Mới hôm qua có anh làm truyền thông hỏi câu khó và… ác: “Anh nghĩ sao nếu có người nhận định thời của anh đã qua?”.
Quả là đã có một thời đã qua mang tên 2020 mà ta sẽ không bao giờ quên được!
Ừ thì… ta vẫn cứ “hít thở, mỉm cười và bước tới” đây thôi, để thấy rằng ta vẫn tồn tại cùng cuộc đời, cùng vũ trụ này, cùng chung tay làm cho cuộc sống chúng mình đẹp hơn, sạch hơn, từ lòng biết ơn của chính ta.
Thành Lộc
Theo nguoidothi.net.vn
* Bài viết đã đăng trên Giai phẩm Người Đô Thị Tết 2021
Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/nghe-si-thanh-loc-lam-gi-co-thoi-ma-da-qua-27316.html