fbpx

Ngẩn ngơ với “dạ thưa” kiểu Sài Gòn…

Trong giới khoa học, “sư phụ” Vương Ngọc Chính của mình, sống gần cả đời ở Sài Gòn, dù đã U80, nhưng mỗi lần nói chuyện với bạn bè cùng trang lứa, vẫn thường dùng từ đệm dạ, thưa rất lịch sự, sang trọng.

Cà phê vỉa hè Lê Lợi xưa - Ảnh: LIFE
Cà phê vỉa hè Lê Lợi xưa. Ảnh: LIFE

Một người bạn đồng môn của “sư phụ”, GS Nguyễn Kim Phi Phụng bên Khoa học tự nhiên, cựu nữ sinh trung học Nguyễn Bá Tòng, khi nói chuyện cũng vậy, cũng thường dùng những tiếng dạ, thưa. Không chỉ dạ, thưa khi nói chuyện với người lớn tuổi hay bạn bè cùng trang lứa, mà khi nói chuyện với những người nhỏ tuổi hơn, mình vẫn nghe những tiếng dạ, thưa như vậy của thầy.

Ở Bách khoa, ngoài những giảng viên ngày cũ, mình vẫn thấy phong cách này ở những nhân viên. Chỗ phòng đào tạo, có chị Như Hằng, mỗi lần nói chuyện đều “thưa có”, “thưa không”, “dạ”, dù các thầy cô đang nói chuyện đều nhỏ tuổi hơn chị.

Phòng KHCN còn có chị Mai Loan, cũng một dạ hai thưa với các thầy cô, dù người nói chuyện nhỏ tuổi hơn chị. Có một chị lao công thường quét lá ở gần thư viện, sáng nào cũng gặp, mình chào chị trước, lúc nào cũng nhận lại câu chào bắt đầu bằng tiếng “dạ”, trong khi mình nhỏ tuổi hơn chị và chào chị… cộc lốc.

Trong giới văn nghệ sĩ miền Nam, một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của sân khấu cải lương là “sầu nữ” Út Bạch Lan, xem các chương trình trò chuyện trên truyền hình, vẫn thấy bà dùng những tiếng “dạ, thưa” rất lịch sự, dù có khi người phỏng vấn chỉ đáng tuổi con cháu của bà.

Không chỉ trên truyền hình, ở ngoài đời thật, có lần mình cũng nghe bà dạ, thưa như vậy khi nói chuyện. Một nghệ sĩ nổi tiếng khác là ca sĩ Hoàng Oanh, cựu nữ sinh Gia Long, khi trả lời phỏng vấn báo chí, bà vẫn “dạ thưa chị” hay “dạ thưa anh”…

Mà cũng không chỉ trong trường đại học, giữa Sài Gòn, mình vẫn có dịp nghe những người bình dân dạ, thưa theo phong cách lịch sự như vậy. Có lần ghé vào một tiệm tạp hóa ở quận 1, cái tiệm cũ còn hơn cả người yêu cũ nữa. Chị chủ quán có lẽ cũng đã U60, nhưng vẫn một dạ hai thưa với khách hàng.

Cũng phải nói thêm cho rõ, người ta dạ, thưa theo kiểu rất tự nhiên, chứ không phải dạ, thưa theo kiểu khúm núm xum xoe để cố lấy lòng người đối diện hay khi nhờ vả chuyện gì đó…

Ngẩn ngơ với những tiếng dạ, thưa kiểu Sài Gòn dễ thương như vậy…

Nam Phan (ĐH Bách khoa)

Theo Tuổi Trẻ Online

 

Link nguồn: https://tuoitre.vn/ngan-ngo-voi-da-thua-kieu-sai-gon-20191219213926056.htm

CÙNG CHUYÊN MỤC