Mùng 5 tháng 5 ai cũng nhớ nhưng chẳng mấy người về!
Đã bao lâu rồi bạn chưa về quê ăn mùng 5 tháng 5? Câu hỏi khiến nhiều bạn trẻ ngậm ngùi, ấp úng không nên lời khi đã 5, 7 năm vẫn chưa về.
Cuộc sống mưu sinh đã kéo chúng ta dần xa quê, nên Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5, dù ai cũng nhớ, nhưng chẳng mấy người về!
Năm trước con hứa năm nay sẽ về, thế mà…
Hôm vừa rồi đã quả quyết sẽ về quê ăn mùng 5 tháng 5 với gia đình, vì năm trước tôi đã hứa với nội năm nay sẽ về. Thế nhưng, cuộc sống, công việc lại cuốn tôi đi. Và rồi, đó chỉ còn là lời hứa. Nội ở quê nhà vẫn mỏi mắt ngóng chờ cháu về. Giờ nội già yếu, không còn nấu được những mâm xôi chè hay lá mùng 5 để chờ cháu về. Nội chỉ ngồi đó, ngóng ra cửa và cứ hỏi đi hỏi lại “sao con bé chưa thấy về?”. Nội tôi đã lẫn rồi, cái lẫn của tuổi già dù cho mọi người có bảo năm nay con bé bận không về được, nhưng rồi lát sau nội lại hỏi: “sao chưa thấy con bé về?”…
Ở thành phố, mùng 5 tháng 5 mờ nhạt lắm nội ạ. Mọi người vẫn đi làm, vẫn hối hả như mọi ngày. Vài nhà lại mua lá về treo trước cửa, các loại bánh ú tro, hay xôi chè cũng không ai còn mặn mà bỏ công sức rồi hì hục thổi lửa nấu như ở quê mình, ai cũng ra chợ là có thể “khuân” cả cái tết mùng 5 tháng 5 về nhà nội à.
Sự khác biệt càng làm con nhớ, nhớ miên man nồi nước lá mùng 5 tháng 5 nội nấu cho tụi con tắm, nhớ cái “nước tiên” nội vắt từ trái điều vào đúng giờ ngọ ngày mùng 5 tháng 5 và bảo cứ đau bụng uống vào là hết ngay…
Cũng may, cô chủ nhà là người miền Trung nên mùng 5 năm nào cô vẫn treo nắm lá trước cửa để xua đuổi những điều xui xẻo. Cô cũng mua vài loại lá để về nấu nước tắm, tự tay nấu xôi chè rồi cho mỗi đứa ở trọ vài chén ăn đỡ nhớ nhà. Thế nhưng, vừa nhìn thấy chén chè mắt tôi đã giọt ngắn giọt dài vì nhớ quê.
Nhiều bạn trẻ xa quê khác cũng bảo nhớ da diết mùng 5 tháng 5 nơi quê nhà nhưng do bận bịu mưu sinh nên dù có nhớ cũng chẳng mấy người về.
Có những ký ức chẳng thể nào quên
Phan Hoàng Đăng Khoa (cựu sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM) bồi hồi: “7 năm rồi mình chưa được về quê ăn mùng 5 tháng 5 cùng gia đình. Hôm nay ra đường thấy mọi người bán lá mùng 5, bán xôi chè, lòng mình lại thấy nao nao. Nhớ nhà”.
Khoa kể: “Mỗi ‘loại’ tết ở quê nhà đều có những món ăn đặc trưng, chỉ ăn thôi đã cảm được 50% không khí tết trong lòng. Nếu Tết Nguyên đán là bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, dưa hành; Tết Trung thu không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo; thì Tết Đoan ngọ trong ký ức là món bánh ú tro mộc mạc”.
Miên man với miền cảm xúc của bánh ú tro nơi quê nhà, Khoa chia sẻ: “Bánh ú tro ở quê mình được làm từ bột nếp ngâm qua nước tro, khi chín tạo nên màu vàng đặc trưng, ăn kèm với đường cát hoặc mật ong. Bánh ú tro ở quê thường nhỏ, kết thành chùm vài chục chiếc, nhìn rất thích mắt. Đặc biệt, bánh này thường không ăn một mình, mọi người trong gia đình ngồi lại vừa ăn vừa trò chuyện rôm rã, vài chục chiếc bánh không mấy chốc cũng hết. Cứ như thế, Tết Đoan ngọ trôi qua với mình, nhẹ nhàng nhưng ấm áp không khí gia đình”.
Nhật Linh, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng ngậm ngùi khi đã 11 năm chưa về quê ăn mùng 5 tháng 5.
Ký ức mùng 5 tháng 5 trong Linh là cả một khoảng trời bình yên và đẹp lạ lùng, để giờ đây dù xa nhà nhiều năm, Linh vẫn làm một mâm cỗ cúng.
Rồi Linh kể: “Trong mùng 5, mọi người thường dẫn nhau đi tắm biển cho sạch sẽ để cuốn trôi đi bệnh tật, trong mâm cỗ có bánh ú tro với các món vịt là chính”.
Nhưng có lẽ, ký ức mùng 5 khiến Linh nhớ nhất vẫn là năm đầu tiên xa gia đình vào TP.HCM học tập. “Lần đầu mình xa gia đình có ba vào cùng đi làm kiếm tiền lo cho các con ăn học. Mùng 5 đầu tiên ở xứ người, ba bảo mình muốn ăn vịt không, tối ba mang qua. Thế nhưng đến chiều ba gọi ra đưa mình 50.000 đồng nói ‘bữa nay quán đông quá ba sợ tối không đến với con được, cầm tiền tối đi ăn với bạn nha con’. Nhìn ba về mà mình không cầm được nước mắt…”, Linh tâm sự.
Giờ đây, bận bịu với guồng quay công việc nên Khoa không thể về quê trong dịp mùng 5. Khoa nói với tôi: “Giờ chấp nhận ăn mùng 5 qua thế giới ảo. Sáng nay ở nhà ba mẹ cúng mùng 5 xong, đã đăng hình lên Facebook và mình vào đó ‘ăn’ trên mạng”.
Nói vậy nhưng tôi biết Khoa buồn, và nhiều bạn trẻ khác cũng buồn như Khoa, như tôi. Nhưng rồi tôi tự hỏi: “Sao ai cũng nhớ nhưng rồi chẳng mấy người về?”..
Hoa Nữ
Theo thanhnien.vn
Link nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/mung-5-thang-5-ai-cung-nho-nhung-chang-may-nguoi-ve-1243348.html