fbpx

Đi xem một gánh hát bội

Gánh hát bội Ngọc Khanh không xa lạ với những ai quan tâm đến nghệ thuật tuồng. Gánh hát được NSƯT Ngọc Khanh, một gương mặt kỳ cựu của hát bội, thành lập từ hơn 25 năm trước, dắt díu, gồng gánh nhau qua chừng ấy năm với đủ vui buồn của bộ môn nghệ thuật truyền thống đang hồi suy tàn.

Đoàn nghệ thuật hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh cũng là đoàn hát hiếm hoi còn duy trì hoạt động gọi là khá thường xuyên. Đây cũng là gánh hát tư nhân gần như duy nhất của hát bội vẫn cầm cự được dù phải gượng qua không biết bao nhiêu khó khăn, vì máu yêu nghề vẫn chảy, của chủ gánh lẫn gần 30 nghệ sĩ của nghề.
Bà bầu Ngọc Khanh đang chỉnh lại phục trang cho nghệ sĩ trước khi lên sân khấu. Đã từ lâu, bà lui vào hậu trường, chỉ thỉnh thoảng mới diễn, dành thời gian nhiều hơn cho việc quán xuyến gánh hát.
Đây là người đàn bà từng bán hết gia tài 15 cây vàng để lập gánh hát, rồi lần lượt máy may, đồng hồ treo tường… cũng đem bán để bà xoay sở cho sự sống còn của đoàn hát.
Đây là một buổi biểu diễn trong Lăng Ông, một điểm diễn quen thuộc của gánh hát Ngọc Khanh. Một phần Lăng Ông được dựng thành sân khấu biểu diễn, rất phù hợp và trang trọng, như một nhà hát thu nhỏ. Nơi này cũng được nhiều nghệ sĩ xem là sân khấu biểu diễn đẹp nhất của hát bội. Dù sân khấu ấy vốn là phần tiền điện của Lăng Ông.
Bữa cơm trưa ăn vội với bịch canh chưa kịp đổ ra chén. Vì gánh hát liên tục từ sáng đến chiều, vì lâu lâu mới được bận rộn như thế này, nên nghệ sĩ ai cũng vui.
Mỗi suất hát, đào kép chánh được trả không quá 500.000 đồng/người và cái giá này “bền vững” nhiều năm qua.
Đến ngày thứ hai hát ở Lăng Ông thì gánh hát có lộc. Heo quay người ta cúng Ông được đem chia cho đoàn hát. Vậy là trưa này cả đoàn có món heo quay bánh mì, khỏi phải kêu cơm hộp.
Ôn tuồng, nhớ lại những phân vai trên những tờ giấy viết tay dưới ánh đèn trang điểm di động có ghế làm đế…
Thường thì nam giới ở trần, nữ nghệ sĩ bận áo ôm hai dây cho tiện việc khoác nhiều loại trang phục khác nhau.
Gót hài của một công nương. Thường các nghệ sĩ bị hạn chế về chiều cao sẽ đặt riêng các loại hài, giày diễn cho mình.
Mỗi nghệ sĩ đều mất trung bình từ 1-2 giờ để hóa trang khuôn mặt mình, yếu tố quan trọng trong việc tạo hình nhân vật. Một điều đáng trân trọng là dù ở ngoài có thể họ là một thợ làm móng, xe ôm, bán hàng rong để mưu sinh, nhưng khi đã lên sân khấu, ai nấy đều rất nghiêm túc và say mê với nghề.
Vóc dáng chuẩn về hình thể đôi khi không cần thiết lắm trong nghệ thuật tạo hình hát bội. Thí dụ như nhân vật này.
Nghệ sĩ Phụng Hoàng đã vẽ mặt xong, chờ đến lượt thay xiêm y ra sân khấu.
Nhiều lớp áo của nhân vật cầu kỳ, khi mặc lên luôn cần có người trợ giúp cho ngay ngắn, chỉn chu.
Nghệ sĩ hát bội đều thường dùng các loại son phấn bình dân, rẻ tiền. Điều kiện cuộc sống và thực tế nghề diễn không cho phép họ được xài sang.
Ít ai biết được rằng nghệ sĩ Minh Được lên sân khấu áo mão oai phong thế nhưng ngoài đời anh đang mưu sinh bằng nghề bán rong kẹo chỉ.
Chuyện đời nghệ sĩ gạo chợ nước sông, đi hát đem con theo, tranh thủ những lúc giải lao để chăm sóc con tưởng chừng như đã là quá khứ của nhiều đoàn hát ngày trước, nay vẫn còn, ở đây, trong đoàn hát bội này.
Phút ngả lưng nghỉ mệt của một người mà trước đó ít phút là bà chúa lộng lẫy uy quyền trên sân khấu.
Nghệ sĩ Ngọc Hạnh, 72 tuổi, nhà 4 đời theo nghề. Bà theo cha đi hát khi 5 tuổi, không biết chữ vì không được đi học, tập tuồng bằng cách truyền miệng, theo những người đi trước. Có lẽ bây giờ, bà là trường hợp duy nhất của một nghệ sĩ không biết chữ mà vẫn trụ được theo nghề hơn 65 năm qua.
Bàn thờ Tổ luôn đi theo gánh hát ở khắp mọi nơi. Và nghệ sĩ trước khi lên sân khấu đều thắp hương thành kính cầu khấn Tổ nghiệp.
Thỉnh thoảng khi đoàn được “đặt hàng” tập kịch bản mới gấp theo nhu cầu của những nơi mời, là lúc vai trò người nhắc tuồng được “khai sinh” trở lại. Vì lâu nay hát bội vẫn luôn diễn các tuồng tích cũ vốn đã quen thuộc với các nghệ sĩ.
Đang suất diễn thì trời mưa. Nhưng chưa nơi diễn nào trời mưa mà nghệ sĩ lại an tâm diễn như ở đây. Vì Lăng Ông không bị dột. Họ đã quen với những suất hát trong các đình miếu cổ, hễ mưa là dột.
Khán giả của hát bội đa phần thuộc giới bình dân, người lớn tuổi. Lâu lâu có trẻ con vì chúng đi theo người lớn hoặc đi học về tạt ngang tò mò xem.
Không ít khán giả là người bán vé số. Họ tạt qua lăng xem tuồng coi như vừa tranh thủ được nghỉ chân, vừa tranh thủ mời bán luôn với cả những nghệ sĩ họ vừa say mê theo dõi trên sân khấu.
Một nét truyền thống trong thưởng thức nghệ thuật hát bội, cải lương từ xưa, từng rất quen thuộc nay ít gặp, đó là ném quạt thưởng lên sân khấu.
Việc khán giả ném quạt thưởng lên sân khấu còn tùy thuộc sở thích của họ. Nhưng số quạt thưởng nhiều hay ít còn tùy thuộc vào người khán giả quan trọng của buổi diễn, đó là người cầm trống chầu. Tùy lớp diễn hay, đào kép hát tốt như thế nào mà người cầm trịch gõ trống và… ném quạt thưởng.
Cho nên, không lạ khi cạnh chỗ người cầm trống này luôn bày sẵn quạt. Khán giả có thể đến lấy để nhét số tiền muốn thưởng của mình vào.
Xem tuồng, dù trong bất cứ trích đoạn, lớp diễn nào, trên sân khấu luôn xuất hiện một số quân sĩ có nhiệm vụ ra lượm quạt thưởng vào. Hầu như là ngay lập tức sau khi nó được tung lên sân khấu. Số tiền thưởng được gỡ ra sau cánh gà và cái quạt lại tiếp tục vòng quay thưởng của mình.
Thường thì mệnh giá tiền không lớn lắm. Người ta thường nhét tiền lẻ, hoặc cao lắm là 20.000 đồng, 50.000 đồng vào quạt thưởng.
Nhưng nếu biết được ngoài đào kép chính được lương cao nhất, còn lại các đào kép khác chỉ một, hai, ba trăm ngàn đồng cho một suất hát, mà không phải tháng nào cũng có, thì những tờ bạc lẻ ấy cũng góp phần đáng kể giúp các nghệ sĩ có thêm chút thu nhập, dù nhỏ nhoi.
Bà bầu Ngọc Khanh trong một lúc mệt mỏi, phải nhờ nghệ sĩ trong đoàn làm một số động tác phục hồi sức khỏe cho đầu. Công việc điều hành và nuôi sống một gánh hát bội chưa bao giờ là dễ dàng với bà suốt mấy chục năm qua.
Nghệ sĩ trẻ Khánh Minh, cháu nội của NSƯT Ngọc Khanh, đời thứ ba của gánh hát bội Ngọc Khanh. Khánh Minh cũng đang là kép chánh trẻ nhất của đoàn.
Và đây là thế hệ thứ 4, chắt nội của NSƯT Ngọc Khanh. Cậu bé vẫn được gia đình cho theo chơi với gánh hát. Cậu thường đứng lấp ló sau cánh say sưa xem các tiền bối diễn tuồng. Cậu cũng được bà cho tập thử vài lớp kép võ. Ánh mắt say mê ấy cũng cho NSƯT Ngọc Khanh một niềm tin về những lớp kế thừa mai sau. Cho dù nghệ thuật hát bội có thế nào!

Bài & ảnh: Lê Minh Hạ

CÙNG CHUYÊN MỤC