Lập liên minh tái chế bao bì PRO Việt Nam
Chín doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì tại Việt Nam đã chung tay thành lập Liên minh tái chế bao bì PRO Việt Nam, vừa ra mắt hôm 21/6/19. Mục tiêu trước mắt của PRO Việt Nam là tái chế toàn bộ bao bì của các doanh nghiệp thành viên vào năm 2030.
Việt Nam hiện đang nằm trong tốp 5 quốc gia tạo ra nhiều rác thải nhựa đại dương nhất thế giới, theo báo cáo của Jambeck. Trong khi đó, lượng rác thải rắn tại các đô thị của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 38% trong giai đoạn 2016-2030, tương đương mức từ 11,6 triệu tấn lên tới 15,9 triệu tấn. Đây là mức tăng nhanh thứ tư châu Á, theo báo cáo What a waste 2.0 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2018. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam vẫn đang tồn tại nghịch lý: các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu tái chế lại dùng 80% lượng phế liệu nhựa và 57% nguyên liệu giấy tái chế nhập khẩu từ nước ngoài.
Chín công ty tiên phong sáng lập PRO Việt Nam bao gồm: Coca Cola, FrieslandCampina, La Vie, Nestlé, NutiFood, Suntory PepsiCo, Tetra Pak, TH Group và URC Việt Nam. Chia sẻ về mục tiêu tạo dựng PRO Việt Nam, ông Matthias Riehle, CEO của La Vie nói: “Tuy đều là lãnh đạo của những doanh nghiệp theo đuổi tăng trưởng và lợi nhuận, chúng tôi vẫn chỉ là con người, có gia đình, con cái và đều lo lắng cho thế hệ tương lai.”
Đồng tình với quan điểm này, chủ tịch PRO Việt Nam – ông Phạm Phú Ngọc Trai nhấn mạnh: “Để phát triển một doanh nghiệp bền vững, chúng ta phải luôn có trách nhiệm với xã hội và môi trường.”
Đích thân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi thư đến PRO Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ dành cho sự ra đời và các hoạt động sắp tới của liên minh: “Tôi mong PRO Việt Nam sẽ đồng hành cùng chính phủ và nhân dân Việt Nam để phòng chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa nhằm thu gom, tái sử dụng, tái chế bao bì tại Việt Nam,” thủ tướng viết.
Mục tiêu của PRO Việt Nam là hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, trong đó toàn bộ bao bì của các doanh nghiệp thành viên sẽ được tái chế vào năm 2030. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI giải thích: “Mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và các hậu quả của biến đổi khí hậu mà còn là động lực phát triển của kinh tế hiện đại, bởi nó có thể tạo ra thị trường trị giá 4.500 tỉ USD và hàng triệu việc làm cho người lao động.”
Trước mắt, PRO Việt Nam sẽ khởi động thí điểm nhiều phương thức thu gom bao bì tại TP.HCM, sau đó là Hà Nội và sẽ dần mở rộng quy mô. Sau đó tập trung vào việc tái chế và bắt đầu một vòng đời mới cho bao bì sản phẩm, trong đó các doanh nghiệp sẽ phải tìm ra phương thức hiệu quả nhất để tối ưu hóa giá trị của rác thải bao bì.
Hành trình biến mô hình kinh tế bền vững trên thành hiện thực sẽ gặp nhiều thách thức, một trong số đó là nhận thức và khả năng tiếp cận với tái chế bao bì của cộng đồng. Ông Jeffrey Fielkow, CEO của Tetra Pak Việt Nam cho rằng “Để vượt qua chướng ngại này, cần sự chung tay của người tiêu dùng, doanh nghiệp, giới truyền thông và toàn xã hội chính là phương thức hiệu quả và đem lại hiệu quả nhanh hơn hẳn những nỗ lực riêng lẻ và rời rạc như trước đây.”
Giang Lê
Theo Forbesvietnam