fbpx

Khu vườn của hồi ức mặn mà

Khu vườn ngoại trong tâm tưởng tôi là một khu vườn lung linh, xanh ngát, xanh rậm rì, xanh đến tận cùng của màu xanh cây cỏ. Trong khu vườn, tôi thương cây bưởi hoa trắng thơm hương lặng lẽ, thương cây khế già bao mùa trái rụng kín chân, cây vú sữa chứa cả bầu trời cổ tích và cơ man nào ổi, cóc, me, đào, hàng dừa, bụi mỏ két trước ngõ… đã nuôi lớn tâm hồn tôi cùng những anh em trong nhà.

Một sớm kia, nắng hồng về đậu trên hàng chè tàu trước ngõ, nhảy nhót cùng bàn chân thơ trong sân đất đầy rau sam và cỏ sữa. Tôi chụm tay vớt nắng rồi đưa về lại không trung, cứ thế chơi với nắng như chú mèo mướp vừa rời giấc ngủ từ bếp ra đương vờn theo bóng mình trong góc sân. Những ngày Hè, nằm bên hiên ngắm mây trắng từng đàn bay về trên núi Ba, tưởng tượng rằng đàn ngựa trời được tiên ông dắt về thăm trần gian. Giận lắm cái nắng tháng Năm làm bao rau màu trong vườn héo úa, vàng vọt như rút ruột cả mùa Thu bày ra không đúng dịp. Thương lắm ngày Đông ủ dột, nhuộm khu vườn im lặng trong tiếng thở dài thao thiết mưa rơi.

Mỗi lần về vườn ngoại, tôi sẽ đi trên con đường đất hai bên phủ đầy cỏ dại, và cạnh đấy là một cánh đồng lúa vàng, dăm ba chiếc ao nhỏ kín chật bèo dâu, đi qua những ngôi nhà ngói nâu giản dị, những hàng tre chạy dài vô tận. Kìa, trước nhà ngoại một hàng chuối mỏ két được trồng ngay bờ rào, cành lá vươn ra ao chuôm xâm xấp nước. Những bông hoa màu cam ấy được các lá bắc cứng cáp hình mũi mác bao bọc y như chiếc mỏ của loài chim két. Cánh hoa hình quả chuối nhỏ dài, xinh xinh cỡ bằng mấy đốt ngón tay và một vệt màu đen nhuộm đầu cánh duyên dáng như điểm nhãn phía trên. Hoa mỏ két có sức sống mãnh liệt và nhân rộng phạm vi sinh trưởng rất nhanh. Mới thấy một cây nhô lên mặt đất, ít lâu đã trở thành bụi rậm rạp, chẳng bao giờ tàn, cứ thế chúng lấn át những cây khác trong vườn. Loài hoa ấy tượng trưng cho một nội giới mạnh mẽ và tình yêu thủy chung, son sắt. Mỗi ngày đi học, đám trẻ tôi lại đi qua bờ bụi nở đầy bông mỏ két, rực rỡ như lửa giữa màu lá xanh đậm, nghịch nhau rứt lá làm đuôi nhét vào áo bạn, tiện tay tuốt thêm một bông cầm lên bập bùng như thể cầm ngọn đuốc đượm mùi nhựa chuối, vị chát chát pha lẫn bùn non. Tháng hai lần, những bông đẹp nhất được các chị cắt gọn, tỉa lá hình trái tim cắm trên bình hoa bàn thờ Phật và tổ tiên. Ngồi học bài trong nhà, trông lên màu hoa hoan hỷ, gương mặt Phật hiền từ nhìn con, lòng trải dài thương yêu vô hạn.

khu-vuon-cua-hoi-uc-man-ma
Hàng chè tàu, ngõ xanh vang bóng Vĩ Dạ xưa. Nguồn: sachhay.vn

Về bên trái bụi mỏ két là phần cổng vào nhà, rộng chừng hai mét ngang nhưng chẳng bao giờ có cánh cửa nào cố định ngoài những khung tre tạm được kéo ngang phòng các chú trâu đi lạc ngoài đồng. Hai bên lối đi là hai hàng chè tàu xanh mướt mát chạy thẳng vào tận sân như hàng tiêu binh đón chào khách thăm nhà. Chè tàu được cắt ngắn độ ngang hông người lớn và với trẻ nít chúng tôi, hàng chè tàu là địa điểm lý tưởng để chơi trốn tìm. Lối đi ấy chếch về phía bên trái nhà ba gian lợp ngói liệt, phần bên phải hàng rào bẻ một góc vuông và cho mọc cao quá đầu người như bức bình phong lớn trước gian nhà chính. Có một bức bình phong bằng chè tàu tương xứng như ý muốn, người chủ nhân phải dụng công, chăm chút kỹ lưỡng, cắt tỉa hướng ngọn thường xuyên. Nếp nhà Huế xưa phải có bình phong, nó thể hiện bản tính sống kín đáo của con người nơi đây, hợp với tư duy phong thủy của văn hóa vùng đất. Hàng chè tàu giản dị, chất phác như một đường viền xanh trang trí khuôn cảnh ngôi nhà nhỏ thêm ấm cúng. Nó là biểu tượng của sự thanh bình, yên ả, cố quên đi cái đói, cái khổ đang vây quanh những mùa giáp hạt. Sướng nhất của tuổi thơ là đi học về, mệt quá không muốn vào nhà, cứ thế vứt bừa cặp sách lên hàng chè tàu xum xúp, rồi chạy nhảy quanh sân, khắp vườn. Đôi chân chạy trên những vồng khoai, lượn mình dưới giàn mướp đắng đong đưa quả chín. Với tay hái một quả, xé vỏ ăn thứ cơm đỏ bọc hạt mướp, ngọt thơm chi lạ. Những ngày ấy, bướm rập rờn bên bông vàng mong manh, cả khu vườn dậy hương đất mới. Chơi chán, ngửa mình ra cho rơi tự do vào trong bụi chè tàu như rơi xuống nệm êm, cứ thế nằm đếm tiếng chim kêu trong khu vườn yên tĩnh.

Sau bức bình phong là khoảnh vườn nhỏ trồng khoai lang với những vồng nhấp nhô đọt non xanh ngút mắt. Giữa các vồng mọc lên cây vú sữa cành lá xum xuê, mỗi mùa đơm trái màu tím pha xanh rất bắt mắt. Lũ chúng tôi thường leo lên cây vắt vẻo ngắm trời ngắm đất, lấy lá xâu vào nhau thành vòng nguyệt quế, hái trái chín bỏ đầy bụng làm quà cho bạn bè. Và khi vào lớp Bốn được cô giáo dạy bài Sự tích cây vú sữa, càng yêu quý cây hơn nữa. Tôi vẫn nhớ như in trong đầu câu chuyện: ngày xưa, có cậu bé ham chơi bỏ nhà đi lang thang. Ngày ngày mẹ ngồi trên bậc cửa ngóng cậu về, vì buồn bã, mỏi mòn nhớ con quá mà mất đi. Khi cậu trở về không thấy mẹ đâu nữa, quanh sân nhà chỉ còn lại một cái cây với loại quả cho dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ khi cậu đói quá, gọi mẹ. Cậu òa lên khóc. Mẹ đã không còn nữa. Cây vú sữa ra đời đầy mất mát, đau buồn và chia ly như thế đó. Ngày hôm đó, ngồi trên cây vú sữa nghĩ về câu chuyện cô dạy, tôi nhớ thương mẹ vô cùng, cứ sợ mình là cậu bé ngỗ nghịch trong câu chuyện để rồi không còn được thấy mẹ nữa. Chi tiết ám ảnh và xúc động nhất là chiếc lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu bé kia ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây, cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về. Đến đoạn đó, tôi không cầm được nước mắt nữa, cứ sực đợi mẹ về đón lên nhà nội. A mẹ về rồi, tôi la lên và chạy ra ôm mẹ, khóc lóc, sợ mẹ tôi đi mất như cậu bé đáng thương kia. Tôi không còn muốn leo lên cây vú sữa nữa, đứng dưới tán cây nhìn lên quả chín, nghe lũ chim khuyên ríu rít chuyền cành, lòng biết ơn trìu mến.

Ở cuối vườn, tôi rất nhớ và thương cây khế già trồng từ thời ông ngoại tuổi còn bé như tôi đã bao mùa mưa nắng, bao vết đạn cày vẫn cho quả mỗi mùa qua. Cây khế già với tán sà gần sát mặt đất, đi giữa mùa hoa nở, đầu nhuộm tím cánh hoa rơi. Thân cây xù xì, khô khan là thế, ấy vậy lại cho ra những chùm hoa hình sao tím li ti, duyên dáng và cả những quả vàng ngọt miên man đầu lưỡi. Đi tới đi lui, chỉ nhón chân một chút là hái cả chùm vàng rụm đầy rá, đầy rổ vào hít hà tê lưỡi với đĩa muối trộn đầy ớt bột. Khế nhà ngoại ngọt không thể tả, ngọt hơn bất cứ cây nào khác trong vùng. Nhiều ngày không ra vườn, trái chín rụng đầy dưới gốc, mùi nồng lừng lựng. Mỗi bước chân đi, đám ruồi nhặng đột ngột bay lên, vo ve hàng đàn. Đêm hè ngủ, cơn mơ rụt rè dâng lên tặng vật chùm khế chín vàng, thơm lựng tuổi thơ và cánh phượng hoàng “may túi ba gang” lượn lờ trong tiếng cười của mộng. Cạnh cây khế, cây bồ quân khẳng khiu tội nghiệp sống qua bao năm tháng hững hờ. Cây một gốc nhưng phân ra ba thân mọc ba hướng khác nhau rất vững vàng. Bao quanh gốc cây vô vàn những gai nhọn tua tủa, khiến ai trông thấy cũng không dám lại gần. Nhưng trên mớ gai một chút, lúc lỉu hàng trăm trái màu đỏ thẫm, phơn phớt hồng, xanh dìu dịu đu bám vào nhau từng chùm từng ổ. Mới ngắm thôi, người đã tê mê, chỉ muốn leo lên, nhảy lên vơ cho kỳ hết. Cả tuổi thơ tôi chỉ ăn được một mùa bồ quân duy nhất. Số là trái nhiều quá, trẻ con trong xóm rủ nhau tới hái trộm, bị gai chích, nguy hiểm. Người nhà liền chặt cây phần thân có nhiều trái, lạ thay các nhánh còn lại về sau không còn ra trái nữa. Tiếc quá, dường như bồ quân sợ rồi, không dám ra trái nữa, biết làm sao giờ. Những cây trái huyền thoại ấy đã sống cùng tuổi thơ, vui cùng tuổi thơ và đi vào những ký ức ngọt lành nhất của tuổi hồng mênh mông.

Khu vườn ấy thêu vào tâm hồn bé dại bao mộng ước ban sơ hiền hậu, là nơi trú ngụ của tuổi thần tiên, miệt mài tìm những đóa thơ nở trong mộng lành. Cứ đi và nhớ khu vườn đọng ướt những bờ mưa, đong đầy nắng mật, thêu tiếng yêu thương mặn mà hồi ức. Bây giờ, tôi đã lớn, chỉ tâm niệm trong lòng rằng đừng vội niêm phong ký ức, đừng khép chặt tâm hồn và rao bán giấc mơ xưa. Nếu lỡ khu vườn đã kém màu xanh, xin cho tôi mở toang hy vọng ngày mai ánh sáng, cho loang đi màu xanh đậm đà trong cơn khát từng ngày sống giữa phố thị bộn bề nhà cao.

Châu Phù

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

CÙNG CHUYÊN MỤC