fbpx

Khi thân phận người đồng tính được “khai thác phong phú” hơn trên phim

Phim Chị chị em em oanh tạc phòng vé thời gian qua, công chúng bị hút vào bản thân của chính các vai chính, cảnh nóng, doanh thu phim rồi MV nhạc phim sớm lọt top trending của YouTube mà suýt nữa thì người ta quên, bộ phim vốn là câu chuyện về thân phận người đồng tính nữ, đề tài ít được chuộng của điện ảnh Việt.

Nhân vật chính Thiên Kim với cuộc sống giàu sang cùng vẻ ngoài hạnh phúc mà ẩn chứa những khao khát đặc thù giới tính, có lẽ không là chuyện lạ trong xã hội, nhưng là của hiếm trên màn bạc Việt vì lâu nay ít có bộ phim nào khai thác vấn đề này thành đề tài chính mà không gây phản cảm.

Thanh Hằng và Chi Pu trong Chị chị em em, bộ phim mới nhất về đề tài đồng tính của điện ảnh Việt được phát hành.

Chủ đề được ưa chuộng và sự “lệch pha”

Điện ảnh Việt khai thác phim có yếu tố đồng tính từ rất lâu, rất nhiều, nhưng phần đông gần như chỉ mua vui hoặc góp phần làm cho công chúng có thêm cái nhìn… méo mó thiên lệch thậm chí định kiến về cộng đồng LGBT trong một thời gian rất dài. Những nhân vật mang yếu tố đồng tính chỉ là nhân vật phụ, có số phận không có gì gọi là đặc biệt ngoài việc phải gây cười hoặc thậm chí phải làm lố trên màn ảnh. Thậm chí có lúc, những vai diễn đồng tính đồng nghĩa với việc mời các nghệ sĩ hài, nhất là các danh hài ăn khách, thủ diễn. Và có thể nói không quá lời rằng hầu như các nghệ sĩ hài nổi tiếng ăn khách hiện nay đều từng thủ vai người đồng tính để gây cười. Mãi đến gần đây, các nhân vật thuộc cộng đồng LGBT mới có đất diễn nhiều hơn nhưng điều đó cũng không có nghĩa là họ được nhìn nhận một cách đúng đắn, chủ yếu vẫn khai thác để… hy vọng bán được vé, như một bữa tiệc phim Việt đã quá quen nay cần thêm một vài gia vị khác.

Thưa mẹ con đi không chỉ tạo thiện cảm cho công chúng mà còn là đà để đẩy 2 tên tuổi mới của làng điện ảnh: Gia Huy và Lãnh Thanh.

Số lượng phim khai thác đề tài này ngày một nhiều và rộ lên khoảng 5 năm trở lại đây. Hầu như năm nào cũng có phim về đề tài đồng tính ra rạp. Trong đó, một số phim có cái nhìn lệch lạc, thiển cận về người đồng tính như Nàng men, chàng bóng, Cảm hứng hoàn hảo. Nội dung hai phim này nhận định như bỡn cợt rằng đồng tính là một… căn bệnh và có thể chữa khỏi, bằng cách cho tiếp cận xác thịt!

Cũng may, bên cạnh những bộ phim có yếu tố câu khách rẻ tiền, vẫn còn những bộ phim có nhiều cái nhìn nhân văn, đa chiều, khai thác nhiều góc cạnh khác nhau hơn trong cộng đồng này. Cuối năm 2014, dòng phim về đề tài LGBT có dấu mốc khi Để mai tính 2 là bộ phim đầu tiên cho nhân vật chuyển giới (chị Hội) trở thành nhân vật trung tâm. Nhiều bộ phim được làm tử tế không chỉ tạo thiện cảm cho giới truyền thông, mà còn đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như Lô Tô, Song Lang… hay tạo hiệu ứng tốt cho công chúng như Thưa mẹ con đi. Thậm chí, khá thú vị là với nhiều đạo diễn, bộ phim đầu tay của họ lại chọn đề tài khá gai góc này để thể hiện như Leon Quang Lê với Song Lang, Trịnh Đình Lê Minh với Thưa mẹ con đi, Kathy Uyên với Chị chị em em

Song Lang đoạt khá nhiều giải thưởng điện ảnh ngoài nước, cho thấy nếu một bộ phim đề tài đồng tính được thực hiện nghiêm túc, sẽ nhận được sự ủng hộ của công chúng.

Tuy nhiên, phần lớn các bộ phim đã ra rạp đều ngả hẳn sang đối tượng người đồng tính nam, chuyển giới… Một vài bộ phim có khai thác đề tài đồng tính nữ nhưng không nhiều lắm. Khai thác hẳn riêng về đề tài đồng tính nữ thành số phận, thành nhân vật chính cho phim như Chị chị em em thì hầu như rất hiếm. Mà phim do một lính mới toanh trong làng đạo diễn như nữ diễn viên Kathy Uyên thực hiện thì lại càng hiếm. Trước đây, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng cho biết phim Mỹ nhân kế của mình cũng là phim đồng tính nữ, với diễn viên nữ chính Thanh Hằng, nhưng anh thừa nhận: “Tôi đã chọn cách nói nhẹ nhàng khi làm phim này chứ không quá lộ để cho người ta thấy đó là phim đồng tính”.

Mọi chuyện trên phim sẽ nhân văn nhiều hơn?

Câu chuyện Thiên Kim, hay thân phận một người đồng tính nữ mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân với người chồng phải chọn trong Chị chị em em là điều không phụ nữ nào muốn. Lại mắc kẹt trong giới tính không thể được thừa thận, không thể bộc lộ, sống thật của mình, sự mắc kẹt ấy càng bế tắc gấp bội. Và càng kinh khủng hơn khi giới tính của mình trở thành miếng mồi ngon của sự dối lừa từ người chung chăn gối. Câu chuyện không lạ, nội dung không mới, nhưng với một bộ phim về người đồng tính nữ, thì Chị chị em em đang lãnh ấn tiên phong trong việc khai thác đề tài này. Và một chuyện quan trọng tế nhị khác mà nhiều phim có khai thác đề tài LGBT dễ mắc phải: sự dị ứng của người xem.

Mỹ nhân kế – đằng sau câu chuyện các mỹ nhân là bóng dáng của chuyện tình đồng tính nữ, nhưng đạo diễn không mạnh mẽ tuyên bố ồn ào.

Đã từ lâu, có rất nhiều ý kiến phản hồi về những vai diễn đồng tính trên phim, không phải chỉ để mua vui hay lấy nước mắt. Một bộ phim về tình yêu giữa những người đồng tính không nhất thiết phải quá gai góc, bi kịch, chỉ một màu mua vui hoặc khơi gợi sự thương cảm từ khán giả. Bởi một chuyện tình giữa hai người con trai/con gái có nhiều thứ đáng để nói hơn thế. Và số phận của họ cũng vậy. Hẳn nhiên điều này còn tùy thuộc một phần vào cái nhìn, nhận thức của những người làm phim, hay nói cách khác, chính bộ phim sẽ phản ánh quan điểm của đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch… về vấn đề này.

Những số phận người đồng tính của cộng đồng LGBT đã bắt đầu được khai thác hợp lý, nhân văn và… “sòng phẳng” hơn so với người dị tính? Không hẳn, nhưng nhìn những số phận này trên màn bạc Việt thời gian gần đây, đã có thể tin.

Sơn Trà

CÙNG CHUYÊN MỤC