Khi “mẹ hiền” là… đàn ông
Người “mẹ hiền” đặc biệt nhất trong danh sách giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 22 do Sở GD-ĐT TP.HCM xét chọn năm 2019 là thầy Nguyễn Phương Bình, Trường mầm non 1, quận 5.
Hơn 14 năm theo nghề, thầy Nguyễn Phương Bình (35 tuổi) là một “điểm sáng” ở bậc mầm non của TP.HCM.
“Xem trẻ như con, cháu trong nhà”
Từ khi còn học THPT, thầy Bình rất thích và yêu những đứa trẻ hàng xóm. Bạn bè trang lứa của thầy thì ít, nhưng bạn là… con nít thì rất nhiều.
“Ngày tôi tốt nghiệp cấp III, gia đình muốn tôi theo sư phạm. Ban đầu cha mẹ mừng vì con trai nghe theo định hướng nhưng tá hỏa khi biết tôi chọn học sư phạm mầm non” – thầy Bình kể lại.
Hai năm học trung cấp sư phạm mầm non, chàng trai gốc Bến Tre năm ấy vẫn nhớ rằng rất ngượng khi cả khóa học hàng trăm sinh viên nữ chỉ có 2 nam. Tuần 1, tuần 2 rồi dần dà thời gian qua đi, thầy cũng tốt nghiệp và ra trường.
“Lúc mới ra trường, tôi nhận việc lớp nhà trẻ từ 24 đến 36 tháng tuổi. Đúng 1 tuần, tôi nói với đồng nghiệp là sẽ nghỉ việc. Nhưng sang tuần thứ 2, ấn tượng với một bé hở ra là gọi thầy Bình ơi, thầy Bình hỡi, trưa ngủ thì đòi nằm kế thầy. Từ đó tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ” – thầy kể lại.
Thầy Bình nói thêm: “Nhà trẻ thì việc chăm sóc nặng hơn mẫu giáo, trẻ chưa tự giác, có khi đứng giữa lớp lại vệ sinh luôn trong quần. Tôi cũng không ngại và thấy đó là điều bình thường, tôi xem trẻ như đứa cháu, đứa con. Rồi sự hồn nhiên vui tươi của trẻ, chính các em đã giúp tôi hòa nhập“.
Bốn năm gắn bó với nhà trẻ và 9 năm có duyên với mẫu giáo, người đàn ông duy nhất trong trường mầm non nhận được rất nhiều sự tin tưởng từ phía phụ huynh, sau bao ngờ vực.
Chị Ngô Thị Lan (P.1, Q.5, TP.HCM) từng gửi con học thầy Bình từ lúc 2 tuổi, không ngần ngại khi được hỏi về thầy Bình: “Hồi đó, tôi thấy ngộ lắm. Nam mà lại dạy mầm non, đàn ông thường vụng trong chăm sóc con nhỏ, mà thầy lại rất trẻ, tôi lo và ngờ vực, rồi theo dõi thầy. Nhưng tôi bất ngờ khi về nhà con hay kể về thầy, sáng ra đi học là cười vui vẻ, rồi ngoan hơn”.
“Cần nhất là sáng tạo”
Hút vào cuộc trò chuyện, thầy Bình say sưa nói về các phương pháp dạy học với trẻ mẫu giáo, mầm non. Với thầy, cái gốc quan trọng nhất khi dạy “búp trên cành” là sáng tạo.
“Nhà trẻ, mầm non thoạt nhìn thì rất đơn giản, đừng nghĩ rằng ăn ngủ, ca, múa, hát là xong. Dạy lứa tuổi này sao cho trẻ phát triển đúng chương trình, để trẻ hứng thú, chú ý, nhớ lâu là điều rất khó. Bởi thế với tôi cần nhất là sáng tạo, mới mẻ trong bài dạy, để kích thích sự sáng tạo của các con” – thầy giải thích.
Thầy dẫn chứng một kỷ niệm về tiết dạy dự giờ cấp TP, thầy quyết định chọn bài “Khinh khí cầu” trước sự lắc đầu, bàn ra của nhiều giáo viên trong trường bởi đây là tiết tạo hình khô khan.
Thường người khác sẽ cho làm tranh và quan sát, nhưng thầy có cách khác. “Mở đầu, tôi tạo khinh khí cầu từ trong bay ra giữa lớp bằng cái ròng rọc, có người điều khiển. Sau đó xuất hiện ông già Noel, học trò bắt đầu hứng thú. Khi bé tiếp cận ông già Noel bất động, tôi sẽ điều khiển cho ra phần quà.
Trẻ nhận quà là quả bong bóng và vẽ trang trí lên đó, tức là để bé cùng hợp tác, tạo ra học cụ. Cả lớp thả cho 20 quả bong bóng bay, nhưng bên trên có tấm ván ngăn lại. Các em ở dưới hào hứng quả này của mình, quả kia của tớ và cùng tìm hiểu vì sao bóng có thể bay được...” – thầy Bình kể.
Ngoài những tiết dạy công phu, thầy còn chú ý đến những bài học, vừa học vừa chơi rất nhỏ nhưng lại bổ ích. Những trò chơi vận động như: lăn bao tải, cáo và thỏ là những trò chơi bình thường nhưng thầy Bình đầu tư rất kỹ để dạy cho trẻ sự linh hoạt, sự vận động để chuyển tiếp từ hoạt động tĩnh chuyển sang hoạt động động, rồi chuyển sang hoạt động khác…
Hay những lúc thầy không quản ngại đưa các em học trên lầu xuống sân vận động, chơi những trò để hiểu, va chạm thực tế.
Nghề nào rồi cũng có những buồn vui, thầy Bình buồn khi có những ánh mắt khác nhìn giáo viên mầm non, khi chứng kiến clip bạo hành; còn niềm vui cực kỳ đơn giản là đến lớp gặp học trò. “Tôi sẽ mãi theo nghề này đến chừng nào không còn sức khỏe. Tôi cũng chưa tính đến chuyện gia đình, mà sẽ sống với niềm vui này” – thầy Bình tâm sự.
Nói về nghiệp vụ của thầy, cô Huỳnh Thị Tường Anh, phó hiệu trưởng Trường mầm non 1, nhận xét: “Thầy Bình là trường hợp đặc biệt của trường. Yêu trò, mến trẻ, dạy học cực kỳ sáng tạo. Nhiều lúc giáo viên cũng rất ngỡ ngàng. Thầy từng đoạt giải nhất giáo viên dạy giỏi cấp TP, bậc mầm non”.
Xứng đáng Bà Lương Thị Hồng Điệp, trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Hiện ở TP có khoảng 5 thầy giáo mầm non, nhưng năm nay trường hợp thầy Bình là “điểm sáng” đặc biệt với ngành mầm non. Thầy yêu nghề, dạy học sáng tạo, được sự tin tưởng của nhiều lớp thế hệ phụ huynh. Thầy hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này”. Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 22 năm 2019 do Sở GD-ĐT TP.HCM xét chọn. Theo đó, có 40 giáo viên và 10 cán bộ quản lý ở các bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GDNN-GDTX, các đơn vị trực thuộc, trường chuyên biệt được trao giải. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh những nhà giáo tiêu biểu, tấm gương “đạo đức, tự học và sáng tạo” của ngành GD-ĐT TP.HCM nhân kỷ niệm 37 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. |
Thảo Phương
Ảnh: Như Hùng
Theo Tuổi Trẻ Online
Link nguồn: https://tuoitre.vn/khi-me-hien-la-dan-ong-20191111073753863.htm