Khi các chuyên gia chia sẻ chuyện khởi nghiệp cùng sinh viên xứ Quảng
Trong khuôn khổ chương trình Vượt thách thức – Hướng tương lai do Hội doanh nhân Quảng Nam phía Nam (QNB) tổ chức, buổi talkshow Tiền khởi nghiệp cho sinh viên đã thu hút khá đông sinh viên xứ Quảng đang theo học tại TP.HCM tham gia.
Tại buổi trò chuyện này, các chuyên gia đã giải đáp những thắc mắc, chia sẻ những am hiểu sâu sắc của mình, phần nào giúp các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường có những định hướng phù hợp cho quá trình khởi nghiệp sau này.
Nghề nào đang cần trong tương lai?
Đứng trước thắc mắc của các bạn trẻ về những ngành nghề nào có thể sống được sau đại dịch Covid-19 để có thể chọn hướng, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có lời khuyên chân tình, rằng trước khi bạn quyết định làm công việc gì, khởi nghiệp như thế nào, cần phải nghiên cứu, xem thị trường cần gì. Hiện nay kinh tế số, công nghệ thông tin là những ngành thị trường rất cần. Tuy nhiên, không có nghĩa là cứ phải dồn hết vào lĩnh vực ấy. Thực sự vẫn còn nhiều ngành nghề cần thiết, nếu bạn tỉnh táo nhận định. Thí dụ, nếu bạn nào thích nghiên cứu, thì có thể nghiên cứu khảo cổ, Hán Nôm…, đấy là những ngành không bị chi phối, quyết định bởi nhu cầu thị trường.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp lời: “Trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng, trong bối cảnh thương mại toàn cầu, thương mại số đang nhảy vọt, năm qua doanh số là 900 tỉ đô la, gấp 3 lần so với trước đó. Bạn nào có năng lực công nghệ thông tin trong tay, sẽ có khả năng lớn, cơ hội lớn.”
TS. Lê Đăng Doanh nhận định, từ đại dịch Covid-19, bên cạnh những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong các lĩnh vực dịch vụ du lịch, lưu trú, vận tải hàng không… thì cũng có cơ hội cho nhiều ngành khác. Đại dịch cũng thúc đẩy loài người tiến lên rất nhiều với kinh tế số, thương mại điện tử, nông nghiệp số… Kinh tế số mở ra cơ hội công khai minh bạch, tạo điều kiện chính phủ điện tử phát triển, thông tin tiếp cận rông rãi… “Có thể các bạn chưa mường tượng hết kinh tế số phát triển thế nào, nhưng cơ hội cho các bạn học công nghệ thông tin, phần mềm, giao thương là rất lớn”, ông Doanh cho biết.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan còn cho rằng ngành công nghiệp thực phẩm rất có tương lai ở Việt Nam. Theo bà Lan, năm 2020 giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam có trị giá 42 tỉ đô, nhưng hầu hết nông sản đều là xuất khẩu thô. Xuất thô nên dễ bị gặp “trái đắng”. Không năm nào nông sản Việt Nam không kêu gọi người tiêu dùng trong nước giải cứu, không mặt hàng này thì cũng mặt hàng khác. “Do chúng ta còn thiếu, yếu ngành công nghiệp chế biến. Theo Tổ chức Lương thực thế giới, Việt Nam đứng thứ 15 trong 15 quốc gia mạnh về nông nghiệp. Nhưng phải đi với công nghiệp thực phẩm mạnh mới tạo thêm nhiều giá trị cho người sản xuất, dịch vụ, bán hàng liên quan… Những công việc liên quan trong chuỗi này rất cần và có tương lai” – bà Lan nhận định.
Bạn trẻ cần trang bị những gì?
TS. Trần Vũ Lê – Chủ tịch QNB có lời khuyên ruột gan với các đồng hương trẻ tuổi của mình: “Khi khởi nghiệp, các em đừng nghĩ tới chuyện tiền vốn ngay, đây không hẳn là điều kiện tiên quyết. Hãy quan tâm rằng mình đang đam mê cái gì, có tài năng gì, thị trường cần gì… Thử hình dung khởi nghiệp như một tam giác, cạnh bên này là sứ mệnh, tầm nhìn mục tiêu, cạnh bên kia là sản phẩm, dịch vụ. Còn cạnh đáy, ê-kíp đồng hành rất quan trọng. Người ta nói tìm người trước khi tìm việc là vì vậy”.
Các chuyên gia đều thống nhất là ai khởi nghiệp cũng cần trang bị kiến thức, ngoại ngữ, công nghệ, kỹ năng. “Hãy học ngoại ngữ tốt, cụ thể là tiếng Anh. Làm sao để có thể nghiên cứu, viết bài được bằng tiếng Anh. Tiếp theo là học tiếng Hoa. Kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Phải hiểu biết để có thể giao tiếp, hiểu doanh nghiệp người Trung Quốc, làm ăn tốt hơn, học giỏi để… không bị người Trung Quốc lừa. Tôi đã từng phát biểu trong một hội nghị khoa học rằng, Trung Quốc có 3 đóng góp lớn nhất cho thế giới: thuốc súng, giấy và… sự dối trá” – TS. Lê Đăng Doanh hài hước nói.
Bà Phạm Chi Lan cho biết, trên thế giới, thành công trong khởi nghiệp ở mức độ trung bình cứ 10 người khởi nghiệp chỉ có 1 người thành công. Thậm chí có những nước có tỉ lệ thành công khá ít, chẳng hạn như 100 người khởi nghiệp chỉ có 1 người thành công. Năm 2020, ở Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập, cũng có khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. “Các bạn cần chuẩn bị tối đa, tranh thủ thời gian còn ở nhà trường mà học thêm các kỹ năng. Sẵn sàng tinh thần đã làm kinh doanh thì việc đầu tiên là phải chấp nhận rủi ro. Phải biết chấp nhận rủi ro, thì mới chuẩn bị cho mình kỹ năng, ý chí, hiểu biết thị trường. Nếu không thì đừng làm kinh doanh.” – bà Lan nhấn mạnh.
Đứng trước tình huống không ít bạn trẻ muốn bỏ học vì phải học ngành nghề không hứng thú và muốn khởi nghiệp, các chuyên gia đều cùng chung lời khuyên rằng nên học tiếp để hoàn thành nốt bằng cấp, có thể bây giờ không cần nhưng lúc khác cần. Vì kiến thức không bao giờ thừa, không nên bỏ.
Bà Phạm Chi Lan chia sẻ, theo thống kê ở Hàn Quốc, trung bình trong một đời làm việc, một người có 4 lần thay đổi công việc. Với tốc độ thay đổi của thế giới hiện nay, khả năng thay đổi có thể đến sớm hơn. Cho nên bạn đừng nghĩ là chỉ có một cái bằng là đủ rồi, có thể dựa vào bằng đó mà sống mãi. Có lúc nào đó, công việc cũ ấy không ổn và phải chuyển sang công việc khác, dự trữ sẵn sẽ không bao giờ thừa. Phải sẵn sàng chấp nhận thay đổi để thích ứng. Làm việc gì thì làm, sự học là suốt đời. Kinh doanh không phải chỗ để chơi, không chỉ là trải nghiệm thực tế, mà nó rất cần học hành bài bản. Nhiều doanh nghiệp khởi đầu vốn không phải là học từ kinh doanh, nhưng trong quá trình làm, những người thành công đều là những người rất chịu khó học để làm kinh doanh.
Không lạ khi buổi talkshow dành cho đối tượng chính là sinh viên, nhưng có không ít doanh nhân đến tham dự. Bởi câu chuyện, thông tin, lời khuyên của các chuyên gia không chỉ dành riêng cho các bạn trẻ tiền khởi nghiệp.
Cơ hội mở ra với nhiều sinh viên xứ Quảng
Dịp này, QNB cũng vừa phát động cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp dành cho sinh viên gốc Quảng. Nói như ông Hứa Phú Doãn – Phó Chủ tịch QNB thì sinh viên xứ Quảng, ngoài sự quan tâm của gia đình, người thân trên bước đường học vấn, còn luôn nhận được sự quan tâm của xã hội, mà cụ thể ở đây là các đồng hương, doanh nhân Quảng Nam, luôn mong muốn có thể hỗ trợ những tài năng khởi nghiệp. Bà Phạm Chi Lan khuyên các bạn sinh viên nên bám lấy những cơ hội như thế này, chúng ta dễ thành công hơn khi có một hội như QNB đỡ đầu, tổ chức hẳn một chương trình hỗ trợ người trẻ thì thật quý. “Quảng Nam là cái nôi phát triển doanh nghiệp rất tốt, từng là nơi xuất phát, đào tạo nên những người giỏi. Các bạn có thể tự hào là Quảng Nam có những tên tuổi nổi tiếng nhiều lĩnh vực. Nếu về nghiên cứu, chúng ta có thể tự hào khi lấy thí dụ GS. Trần Văn Thọ, là giáo sư kinh tế tại trường Đại học Waseda, Tokyo, một trong những trường nổi tiếng hàng đầu Nhật Bản. Năm 1990, ông là một trong ba người nước ngoài đầu tiên được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật. Ông cũng là một thành viên trong các Tổ Tư vấn cải cách kinh tế hoặc trong Ban Nghiên cứu chính sách của các Thủ tướng Việt Nam như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Xuân Phúc. Về doanh nghiệp lớn nổi tiếng ở Quảng Nam, có ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO), người từng được tạp chí danh tiếng Forbes công bố trong danh sách các tỷ phú đô la thế giới.” Bà Lan minh họa cho nhận định của mình và kết luận: “Các bạn cần có khát vọng, để nuôi lớn những giấc mơ như thế và vượt lên, mà các tiền bối đi trước là tấm gương và là động lực”.
BTV