fbpx

Khán giả không muốn mua vé xem ca nhạc?

Khi khán giả có rất nhiều lựa chọn cho nhu cầu giải trí (hoàn toàn miễn phí) của mình như hiện nay, việc ai đó bỏ tiền mua vé để xem chương trình mà không phải quá đặc sắc đôi khi phải cân nhắc.

Câu chuyện những sô diễn ở TP.HCM không bán được vé chẳng phải mới, nhưng việc bầu sô phải bù lỗ gần trọn tiền đầu tư cho sô diễn như chương trình Đêm song ca huyền thoại mới diễn ra gần đây tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) càng khẳng định việc mua vé xem ca nhạc của khán giả ở nơi từng là thị trường ca nhạc nhộn nhịp nhất nước – TP.HCM – đang mất dần.

Xét về chất lượng, chương trình Đêm song ca huyền thoại không phải là thiếu sức hút đối với khán giả yêu nhạc hiện nay. Ê-kíp thực hiện đã xây dựng chương trình nhiều màu sắc, đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng khán giả. Từ nhạc trẻ thịnh hành, có cặp đôi “trăm triệu view” trên YouTube – Jack và K-ICM; nhạc đỏ, có cặp đôi đắt sô Trọng Tấn – Anh Thơ; nhạc âm hưởng dân ca, có Mạnh Quỳnh – Phi Nhung; đến chất nhạc sang trọng, có Tuấn Ngọc – Thanh Hà. Nghĩa là chiều lòng đủ loại khán giả. Nhưng đêm nhạc không có doanh thu như mong muốn của nhà tổ chức, phải bù lỗ nặng.

Ca sĩ Tuấn Ngọc và Thanh Hà trình diễn trong Đêm song ca huyền thoại. Ảnh do chương trình cung cấp.
Ca sĩ Tuấn Ngọc và Thanh Hà trình diễn trong Đêm song ca huyền thoại. Ảnh do chương trình cung cấp.

Cách đây không lâu, chương trình In the spotlight – một trong những chương trình ca nhạc được đánh giá có đẳng cấp về mặt nghệ thuật – đã phải hủy lịch diễn ở TP.HCM vì không thấy cơ hội bán được vé, dù họ đã tốn không ít tiền mời danh ca thế giới về biểu diễn. Trước đó, một ê-kíp tên tuổi của showbiz Việt thế hệ trước (từ đạo diễn sân khấu đến đạo diễn âm nhạc, từ điều phối chương trình đến ca sĩ…) với tâm huyết tôn vinh nhạc Việt bằng đêm nhạc tử tế, đã bắt tay cùng nhau xây dựng nên chương trình Khoảnh khắc vàng. Chương trình quy tụ những giọng ca hàng đầu thời Làn sóng xanh thập niên 1990 – 2000 trong đó có những ca sĩ đang là giọng ca ngôi sao thời nay như Mỹ Tâm, Quang Dũng… tham gia trình diễn. Những tưởng đêm diễn sẽ ăn khách nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, chỉ bán được 1/3 số vé phát hành.

Khi đề cập hiện trạng ế khách này với chuyện “cháy vé” sau 5 phút rao bán của live show Truyện ngắn của ca sĩ Hà Anh Tuấn mới đây, nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu có phải những sô diễn ca nhạc hiện nay ở TP.HCM không đủ sức thu hút khán giả, còn ca sĩ Hà Anh Tuấn quá ăn khách? Chưa kể, vé chương trình Truyện ngắn không hề rẻ. Thậm chí, có thông tin vé chợ đen chương trình này được bán đến 14 triệu đồng/cặp. Chuyện đầu nậu dám gom vé chương trình để bán 14 triệu đồng/cặp cũng khó tin. Lâu nay, thông tin “cháy vé” chương trình đều do nhà tổ chức đưa ra. Chương trình “cháy vé” cũng chỉ là cách tung “chiêu” để tăng độ nóng cho chương trình. Ngay chương trình Đêm song ca huyền thoại, dù vé bán không được nhiều nhưng khán phòng nhà hát vẫn đông chật người. Đây là thực tế khiến các chương trình ca nhạc có thương hiệu trước đây gần như biến mất hoàn toàn, vì thua lỗ.

Khi khán giả có rất nhiều lựa chọn cho nhu cầu giải trí (hoàn toàn miễn phí) của mình như hiện nay, việc ai đó bỏ tiền mua vé để xem chương trình mà không phải quá đặc sắc đôi khi phải cân nhắc. Ngày trước, khán giả đến nhà hát mua vé xem ca sĩ diễn để được nhìn tận mặt thần tượng nhưng nay, “ra đường là gặp ca sĩ”, chỉ cần đến phòng trà, tham gia chương trình quảng bá nhãn hàng, tổ chức dày đặc là khán giả nhẵn mặt thần tượng rồi nên việc đến nhà hát mua vé xem chương trình ca nhạc cũng mất dần từ đây.

Thùy Trang

Theo Báo Người Lao Động (www.ndl.com.vn)

CÙNG CHUYÊN MỤC