fbpx

Số hóa chuỗi cung ứng

98% doanh nghiệp Việt Nam đang lên kế hoạch số hóa chuỗi cung ứng.

Theo báo cáo mới nhất của TM Insight, số hóa chuỗi cung ứng là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp nhằm hướng tới tính hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng và góp phần xây dựng mô hình kinh doanh đón đầu. Ông James Christopher, Chủ tịch TM Insight khu vực châu Á, nhận định: “Số hóa không chỉ giúp mang đến cái nhìn toàn diện về những gì đang xảy ra trong chuỗi cung ứng mà còn giúp doanh nghiệp dự đoán chính xác những thách thức, thay đổi, từ đó chuẩn bị và tránh được phần nào các cú sốc trong tương lai”.

so-hoa-chuoi-cung-ung
Hơn 82% doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á đã lên kế hoạch ứng dụng số hóa vào chuỗi cung ứng. Ảnh: TL

Hơn 82% doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á đã lên kế hoạch ứng dụng số hóa vào chuỗi cung ứng. Ở Việt Nam, con số này là 98%. Hình thức số hóa được nhiều doanh nghiệp chọn là bán hàng đa kênh (online và offline). Theo Deloitte Việt Nam, sau đợt bùng phát dịch COVID-19, mua hàng đa kênh trở nên phổ biến hơn.  VinMart, Bách Hóa Xanh…, chẳng hạn, đều tổ chức dịch vụ đi chợ hộ và tổ chức bán hàng linh hoạt qua ứng dụng, website. Grab cũng đã triển khai dịch vụ GrabMart. FPT Retail hợp tác với nhiều đối tác như Xiaomi, Honor, Realme… để bán hàng phân phối qua kênh điện tử, kết hợp cùng Nguyễn Kim để cung cấp danh mục sản phẩm mới, hay hợp tác với Fado để mua sắm xuyên biên giới…

Để gia tăng số hóa chuỗi cung ứng, theo TM Insight, đầu tư vào kho phục vụ thương mại điện tử (dark store) theo hướng tự động hóa cũng rất quan trọng. Mới đây, BEST Inc. đã đưa vào vận hành trung tâm phân loại hàng hóa tự động với tổng đầu tư 8 triệu USD. Đây là trung tâm phân loại hàng hóa thứ 7 của BEST Inc. tại Việt Nam và là trung tâm có quy mô lớn, hiện đại nhất của Tập đoàn tại Đông Nam Á. Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Tổng Giám đốc BEST Inc. tại Việt Nam, cho biết: “Với trung tâm này, BEST Inc. có thể đạt tổng công suất xử lý lên đến hơn 1,3 triệu kiện hàng/ngày, rút ngắn đáng kể thời gian xử lý hàng hóa của dịch vụ chuyển phát nhanh BEST Express”.

Trước BEST Inc., Giao Hàng Nhanh (GHN), Giao Hàng Tiết Kiệm (GNTK), ViettelPost cũng tăng đầu tư hệ thống phân loại hàng hóa tự động. Theo đại diện GNH, “các hệ thống này giúp tiết kiệm 2-3 giờ khi xử lý và tăng tỉ lệ giao hàng thành công trong ngày lên 85-90% so với khoảng 60% trước đây”. GHTK cũng đã triển khai thử nghiệm hệ thống xử lý hàng hóa tự động Cross Belt, giúp tăng công suất chia chọn bưu kiện trong ngày lên gấp 3 lần so với xử lý thủ công.

ViettelPost đã manh nha chuyển đổi số từ 3-4 năm trước. Đến nay, ứng dụng ViettelPost thu hút khoảng 1 triệu người dùng. Công ty cũng đã triển khai hệ thống SAP trên toàn mạng lưới. Trong khâu chia chọn, ViettelPost đầu tư hệ thống băng chuyền tự động, tăng năng suất và rút ngắn thời gian xử lý từ 4-6 giờ, tiết kiệm 86% nhân lực và giảm 48% chi phí nhân công. Ở khâu giao hàng chặng cuối, ViettelPost có ứng dụng MyGo. Công ty cũng áp dụng phần mềm quản lý giám sát hành trình xe tải, phần mềm quản lý kho hàng eFulfillment…

Cuộc chạy đua chuyển đổi số trong lĩnh vực chuyển phát, logistics đang diễn ra mạnh mẽ. Trong cuộc đua này, ông James Christopher lưu ý: “Chuỗi cung ứng cần ngày càng linh hoạt hơn và cần được bảo vệ trước nhiều rủi ro tiềm ẩn trong dài hạn”.

Đáng chú ý, nhiều công ty đầu tư cho mảng phân tích dữ liệu nhằm hiểu biết kịp thời về hiệu năng chuỗi cung ứng, phân tích dữ liệu, mô phỏng, tối ưu hóa, xác định các thách thức trong chuỗi cung ứng, từ đó định ra những giải pháp hiệu quả, nhất là để duy trì tính cạnh tranh nhờ tận dụng dữ liệu lớn (Big Data). The Coffee House, Grab, Topica, VNG… đều tìm cách thu thập dữ liệu giao dịch, từ đó đưa ra các chiến lược marketing, bán hàng cá nhân hóa cho từng nhóm, từng sản phẩm, thời điểm.

Dù vậy, Việt Nam thiếu nhân sự để đáp ứng nhu cầu khoa học dữ liệu. Các startup cung cấp giải pháp trong lĩnh vực này như Holistics, YouNet, Kompa, InfoRe, Beehexa cũng rất ít. Còn Tableau, Qlik, PowerBI, Supermetrics, Google Data Studio… là của nước ngoài và có giá rất đắt. Ông Đinh Trường Anh Hào, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của RS Components, cho rằng trở ngại lớn nhất trong số hóa chuỗi cung ứng là nhận thức của doanh nghiệp. Phần lớn chỉ mới chú trọng sản xuất tinh gọn, phân phối đúng lúc hơn là quan tâm khả năng phục hồi, trong khi đây là 2 yếu tố cần song hành.

Theo ông Hào, để số hóa chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cần xác định loại công nghệ mới nào cần thiết và phù hợp với mình. Những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (A.I) có thể thay thế con người trong xử lý công việc thủ công với độ chính xác cao hơn, còn Big Data giúp hỗ trợ dự đoán hành vi người tiêu dùng, để doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất phù hợp, giảm thiểu lãng phí, tiết kiệm chi phí… Riêng tự động hóa giúp doanh nghiệp giảm nhân lực, tăng năng suất, đảm bảo an toàn. Để nhân viên có thể thích nghi với chuyển đổi số, doanh nghiệp cần giáo dục những lợi ích của chuyển đổi số, công nghệ mới, vận hành mới.. Sự giúp sức của các chuyên gia, đối tác trong lĩnh vực này sẽ giúp doanh nghiệp đỡ bối rối, gia tăng hiệu quả thực hiện trong giai đoạn đầu.

Theo hãng tư vấn BCG, một khi công ty đẩy mạnh quản lý chuỗi cung ứng kỹ thuật số, sản phẩm sẵn có sẽ tăng lên 10%, thời gian phản hồi nhanh hơn 25%, tỉ suất lợi nhuận cao hơn 40-110%.

Ngọc Thủy

Theo nhipcaudautu.vn

 

Link nguồn: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/so-hoa-chuoi-cung-ung-3339129/

CÙNG CHUYÊN MỤC