fbpx

Hiện thực hóa cơ hội từ EVFTA

Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, một năm sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi, kết quả thương mại và đầu tư giữa hai bên đã đạt được những kết quả tích cực với những con số ấn tượng.

Những con số biết nói

Vụ Chính sách thương mại đa biên dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu tính riêng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 18,3% so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong số đó, tỷ lệ tận dụng mẫu C/O EUR1 đạt 29,09% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU là điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng giày dép (tỷ lệ tận dụng C/O là 99%), hàng dệt may (tỷ lệ tận dụng C/O là 16,26%), thủy sản (tỷ lệ tận dụng C/O là 73,5%), túi xách và ví (tỷ lệ tận dụng C/O là 62,46%).

Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể như: (i) sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD tăng 56,91%; (ii) gạo đạt 5,2 triệu USD tăng 3,73; (iii) sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 70,5 triệu USD tăng 33,75%; (iv) rau quả đạt 63,8 triệu USD tăng 12,5%.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU 6 tháng đầu năm 2021, đạt 8,2 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ EU là linh kiện, phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc, hàng điện gia dụng và linh kiện v.v…

Còn về đầu tư, với những cam kết về quản trị minh bạch từ Hiệp định EVFTA và những cam kết tạo môi trường thương mại đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của hai bên, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư có chất lượng và được học hỏi, hấp thụ khoa học và công nghệ tiên tiến từ EU, tạo ra những giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai bên.

Tính đến tháng 6 năm 2021, EU có 2.221 dự án (tăng 142 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD (tăng 449 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020), chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam và chiếm 6,57% số dự án.

Điều đó cho thấy, doanh nghiệp của cả hai bên đang hiện thực hóa được những cơ hội và lợi ích mà Hiệp định này mang lại.

hien-thuc-hoa-co-hoi-tu-evfta
Ảnh minh họa

Bên cạnh những kết quả tích vực về thương mại đầu tư song phương, vẫn còn tồn tại một số khó khăn và thách thức trong việc thực thi Hiệp định này khiến cho việc tận dụng Hiệp định còn có những hạn chế nhất định như việc tận dụng các cam kết ưu đãi chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, doanh nghiệp chưa sự quan tâm tới việc tìm hiểu và tận dụng cơ hội từ Hiệp định này hay hoạt động phổ biến tuyên truyền về Hiệp định chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tận dụng Hiệp định EVFTA còn chưa được như kỳ vọng là do bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới và Việt Nam, khiến cho các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chuỗi phân phối bị gián đoạn, nền kinh tế toàn cầu phải chống chọi với những đợt sóng suy giảm nặng nề.

Ngoài ra, công tác dự báo, sự quan tâm và đánh giá đúng mức phạm vi tác động của hội nhập và thực thi FTA của một số cơ quan, địa phương còn một số hạn chế, chưa có tính hệ thống và kịp thời. Nhiều địa phương chưa thực sự chủ động vào cuộc trong việc xây dựng định hướng, chiến lược tận dụng FTA cho các doanh nghiệp tại địa phương mình.

Đồng bộ giải pháp, tận dụng tối đa cơ hội

Mặc dù vậy, theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Hiệp định EVFTA tiếp tục được kỳ vọng là động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), cũng như là động lực cho tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về kết quả triển khai Hiệp định CPTPP và EVFTA, trong đó đã đề xuất các giải pháp đề thúc đẩy hiệu quả việc thực thi các Hiệp định này. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý với các kiến nghị được đề xuất.

Do đó, cơ hội để thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA đã trở nên rõ ràng hơn. Cụ thể:

Cộng đồng doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về Hiệp định EVFTA thông qua các hoạt động tuyên truyền tăng cường của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, từ đó thúc đẩy việc tận dụng Hiệp định EVFTA; Mặc dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung trong việc kiểm soát đại dịch sẽ tạo cơ hội hồi phục tăng trưởng kinh tế, giao thương, giúp cho Hiệp định EVFTA phát huy hiệu quả; Với quyết tâm của Chính phủ thông qua các biện pháp tăng cường kết nối giữa các tỉnh, thành, cơ quan…, cùng sự quan tâm của các tỉnh thành đối với việc tận dụng và hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết của Hiệp định EVFTA sẽ là yếu tố quan trọng giúp cho việc thực thi Hiệp định được hiệu quả hơn.

Bên cạnh những cơ hội, một số thách thức cũng được nhận diện cho giai đoạn thực thi sắp tới. Trước hết, phải kể đến bối cảnh khách quan đó là tình hình dịch bệnh có khả năng diễn biến phức tạp, kéo dài, từ đó làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lực của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc đối mới công nghệ, cải thiện chất lượng sản phẩm, năng suất lao động…, từ đó làm cho việc tận dụng hiệu quả các cam kết của Hiệp định trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, nhiều bộ, ngành, tỉnh thành, cơ quan còn đang chú trọng vào công tác phòng chống dịch, chưa thể dành sự quan tâm vào việc thúc đẩy việc thực thi và tận dụng các FTA, do đó ảnh hưởng đến việc hiệu quả thực thi Hiệp định. Trong phạm vi thế giới, tình hình thị trường và phát triển kinh tế còn bấp bênh, khả năng tái thực hiện các biện pháp phong tỏa còn hiện diện, do đó sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu và đầu tư…

Trong bối cảnh đó, việc thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA cần sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp. Trong đó, các Bộ, ngành cần phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc bố trí đủ và linh hoạt kinh phí cho các cơ quan thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để có cơ chế thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các khoản tín dụng để nâng cao khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA.

Liên quan đến công tác tuyên truyền, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương, là cơ quan đầu mối trong việc thực thi Hiệp định EVFTA, trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lặp, lãng phí. Đồng thời, cần đổi mới hình thức tuyên truyền, nghiên cứu các mô hình hội nghị, khóa học, ấn bản phẩm trực tuyến nhằm phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đồng thời tối giản kinh phí thực hiện.

Các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng và tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật cho phù hợp với các cam kết đã có trong Hiệp định; Về phía địa phương, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, Hiệp hội có liên quan để tăng cường việc định hướng các doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tăng cường tận dụng cơ hội từ thị trường các nước EU.

Để có cơ sở phân tích các vấn đề tồn tại, khó khăn, đánh giá hiệu quả tận dụng cơ hội từ các FTA nói chung và EVFTA nói riêng, từ đó xây dựng giải pháp tháo gỡ một cách thực chất, khoa học, hiện tại, Bộ Công Thương đang nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số đánh giá tình hình thực thi các FTA nói chung và EVFTA nói riêng ở các cấp (FTA Index). Dự kiến khi đưa vào vận hành, FTA Index sẽ là công cụ hiệu quả để đẩy mạnh việc thực thi và tận dụng các FTA nói chung, EVFTA nói riêng.

Các Bộ, ngành, địa phương cũng cần tăng cường kiện toàn, nâng cao năng lực cho bộ phận phụ trách về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực hiện Hiệp định EVFTA nói riêng. Đồng thời chú trọng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng và doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định.

Các doanh nghiệp cần nêu cao ý thức chủ động về mọi mặt, trong đó có việc chủ động tìm hiểu các cam kết của Hiệp định, chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến, phân phối, có như vậy mới đảm bảo được chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định và tiêu chuẩn cao của EU.

Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của mình, chú trọng trong việc thực hiện các quy định về phát triển bền vững của Hiệp định như các tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học… do đây là những vấn đề mà EU quan tâm. Bên cạnh đó, cần chủ động và chuẩn bị đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, điều kiện giao thương.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã khai trương và đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử về các Hiệp định Thương mại tự do (FTAP), trong đó có Hiệp định EVFTA. Đây là một công cụ rất hiệu quả để giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin về các cam kết của Hiệp định, nắm bắt thông tin thị trường để từ đó tận dụng hiệu quả Hiệp định.

Nguyễn Hường

Theo Bộ Công thương

 

Link nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hien-thuc-hoa-co-hoi-tu-evfta.html

CÙNG CHUYÊN MỤC