fbpx

Hãy cứ tin ở Tết!

Tết là văn hóa. Văn hóa thì sẽ biến chuyển theo sự phát triển của thời gian và không gian. Chỉ cần ta có niềm tin vào những điều tốt đẹp thì sẽ mãi tìm thấy Tết trong mỗi người.

Cuốn sách Tết đoàn viên là tập hợp những bài viết, chia sẻ, cảm nhận riêng của các tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học, nghệ nhân ẩm thực, họa sĩ, blogger, MC, nhà hoạt động xã hội về ngày Tết cổ truyền của Việt Nam.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống dịp Tết

Ngày Tết là khoảng thời gian đoàn tụ, khi gia đình sum vầy tụ tập lại suốt một năm dài làm lụng vất vả. Tết đánh dấu sự luân chuyển thời gian, trong mọi cộng đồng đều dành cho Tết những ứng xử tốt đẹp nhất. Con cháu trong nhà dọn dẹp bàn thờ tổ tiên và bày hoa quả, thức quà bánh ngon nhất, trẻ em tôn trọng người già, còn người lớn thì yêu thương trẻ em, những người đủ đầy thì trợ giúp những số phận kém may mắn, tình làng nghĩa xóm bền chặt.

Sách Tết đoàn viên.
Sách Tết đoàn viên.

Tết không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn mang nhiều giá trị văn hóa. Người Kinh Bắc đón xuân với những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm. Người Huế coi trọng lễ nghi cúng bái tổ tiên và thực hiện suốt trong cả tháng Chạp. Người Tây Nguyên chọn ngày ăn Tết là một ngày tốt để làm lễ tuốt những hạt lúa đầu tiên chứ không đi theo lịch Tết của người Kinh.

Đó là những tục lệ truyền thống lâu đời mà người dân Việt Nam gìn giữ trong suốt nhiều thế hệ. Nhiều hình ảnh đẹp về ngày Tết cổ truyền xưa vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của các tác giả sách.

Với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, đó là thú chơi hoa thủy tiên ngày Tết của bác Hai Phụng hàng xóm. Cứ mỗi dịp Tết đến là người hàng xóm già lại tỉ mẩn và thong thả gọt khoảng 30, 4 củ thủy tiên, đem cho nhà, cho anh chị em họ hàng thân thiết và cả cho gia đình nhà thơ để thắp hương cúng ông bà tổ tiên.

Hay với nhà văn Y Phương thì ký ức đó là những món ăn truyền thống của người Tày như nải cuối vải (tức chuối trâu), các loại bánh khỏa, bánh khẩu sli thúc théc, pẻng phạ lau cau, món nựa lảp (giống thịt hun khói), món phúng xàng lạp xưởng ngon nổi tiếng, hay món huyết lình kỳ công, bánh lăng goòng cúng thần Sấm. Rồi cả những nghi thức đặc biệt quan trọng như “đi lấy nước” và “tắm cho tổ tiên” diễn ra vào sáng mùng một.

Có những tục lệ dần bị mai một đi mà giờ đây chỉ có thể tìm lại được trong sách báo cũ, những bức ảnh xưa hay trong trí nhớ của mỗi người với sự tiếc nuối đầy hoài niệm.

Nhưng Tết cũng phải thay đổi

Tết cũng là một văn hóa. Văn hóa thì sẽ thay đổi, sẽ biến chuyển theo sự phát triển của thời gian và không gian. Tết thời chiến tranh sẽ khác với Tết thời bình, Tết phố thị khác với Tết nông thôn, Tết du lịch khác với Tết hồi hương. Đó cũng là nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ khi quan sát Tết dưới góc nhìn lễ hội.

Tết thời hiện đại hướng tới xu hướng tối giản. Những nghi thức rườm rà trước khi dần được thay thế bởi các tiện ích có sẵn. Nếu như ở nông thôn vẫn có thể gói bánh chưng và luộc xuyên đêm những ngày giáp Tết thì ở thành phố lại khó khăn trong việc thực hiện cả về không gian cũng như thời gian, bởi vậy nhiều người tìm đến những chiếc bánh chưng đã được gói sẵn, vuông vức trong những chiếc lá dong xanh.

Các tác giả Tết đoàn viên gặp nhau trong một ngày tháng Chạp.
Các tác giả Tết đoàn viên gặp nhau trong một ngày tháng Chạp.

Hay những bữa tiệc đầy ắp thức ăn, mâm trên mâm dưới cũng dần được bớt lại để giảm áp lực nấu nướng cho các bà, các mẹ, các chị những ngày lễ Tết. Những cuộc vui chơi, rượu chè bí tỉ lại càng cần được kiểm soát để vui thôi đừng vui quá mà ảnh hưởng đến những người xung quanh và chính tính mạng của mình khi tham gia giao thông trên đường ngày Tết.

Tục lệ lì xì cho trẻ con vẫn là một trong những nét đẹp đáng quý của Tết, nhưng cũng có thể đổi mới, cải tiến bằng cách lì xì sách để các em bớt quan tâm đến tiền bạc mà chú trọng đến tri thức và văn hóa.

Những chương trình giải trí ngày Tết, rạp chiếu phim mở xuyên Tết, điện thoại thông minh, máy tính bảng bùng nổ mang đến nhiều chương trình hấp dẫn trong những ngày Tết, kết nối bạn bè trong dịp nghỉ lễ dài ngày này.

Tin ở Tết

Tết truyền thống hay Tết hiện đại đều có nét thú vị của nó. Chỉ cần trong lòng vẫn luôn hướng về nguồn cội, về những giá trị tốt đẹp của Tết thì dù đổi thay thế nào, con người vẫn sẽ tìm thấy Tết trong chính mình.

Ký ức Tết xưa.
Ký ức Tết xưa.

Nhà báo, nhà thơ Lữ Mai tin rằng các giá trị của Tết có thể trở đi trở lại, nó có thể đứt gãy ở thế hệ này nhưng chắc chắn sẽ trở lại ở một thế hệ khác trong tương lai. Còn nhà văn Uông Triều thì khuyên mọi người hãy để mọi thứ phát triển tự nhiên trong ngày Tết, theo thời gian, điều gì hợp lý thì sẽ ở lại.

Tết cho ta món quà giá trị, đó chính là thời gian để nghỉ ngơi để quây quần với gia đình bạn bè. Hãy cứ thoải mái để tận hưởng Tết, hãy “vui như Tết” và tin ở Tết.

Tết đoàn viên là cuốn sách được tuyển chọn bởi nhà văn Nguyễn Quang Thiều với các bài viết về chủ đề Tết với sự góp mặt của nhiều cây viết nổi tiếng như nhà văn Y Phương, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Đỗ Phấn, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn Trung Sỹ, nhà văn Uông Triều, nhà văn Nguyễn Trương Quý, nhà báo Nick M., nhà báo Lữ Mai, nhà báo Hồ Viết Thịnh,… cùng nhiều tranh minh họa của các họa sĩ Thành Chương, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn, Kim Duẩn, Đặng Hồng Quân và Phạm Ngọc Điệp.

Thu Hoài

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://news.zing.vn/hay-cu-tin-o-tet-post1033470.html

CÙNG CHUYÊN MỤC