fbpx

Thế giới ánh sáng mẹ dành cho con gái khiếm thị

Bệnh tật, tai nạn khiến Thu Loan mất đi thị lực. Nhưng bóng tối không khiến cô gái sợ sệt bởi luôn có tình mẫu tử ấm áp vây quanh.

Một tay bám men theo bờ tường, Loan lần đi từ cửa nhà ra đầu ngõ, nơi mẹ dựng sẵn xe máy đứng chờ. Thấy vậy, cô Hương vội gạt chỗ để chân sau, giúp con ngồi lên xe cẩn thận.

Sau câu hỏi “Ngồi chắc chưa?” và cái gật đầu từ Loan, hai mẹ con phóng xe đi, hòa vào dòng người đông đúc lúc tan tầm để kịp giờ học.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

“Phục vụ con mất nhiều thời gian lắm, đi đâu cũng phải lai đi lai về, ở nhà lại lo cơm nước”, người mẹ cười nói.

Gần 10 năm lên trung tâm Hà Nội học, mỗi bước đi của Loan luôn có bóng dáng của mẹ ở bên. Dù không thể nhìn thấy mọi vật xung quanh, em luôn yên tâm vì mẹ sẽ là đôi mắt của mình.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

“Em vẫn may mắn”

“Trong những giấc mơ thuở ấu thơ, tôi luôn ước rằng bản thân có một đôi cánh. Tôi sẽ bay, bay thật cao và thỏa thích ngao du giữa bầu trời xanh thẳm. Khi đã trưởng thành, giữa những cơn ác mộng của cuộc đời bon chen, tôi nguyện đánh đổi tất cả để đôi cánh ngày xưa mãi mãi tinh khiết không nhuốm bụi trần, thanh thuần giống như đôi cánh đẹp xinh của những thiên sứ đáng yêu nơi thiên đường”.

Mỗi câu chuyện trong tập truyện ngắn “Giấc mơ nơi thiên đường” của Nghiêm Vũ Thu Loan đều được mở đầu bằng 1 lời nhắn nhủ.

Với em, “nếu ta nhìn mọi thứ bằng đôi mắt của những thiên thần, ta sẽ thấy cuộc đời đẹp như thiên đường mà ta mơ ước”.

Cô gái sinh năm 1998 hiện là sinh viên năm 2 chuyên ngành Truyền thông, ĐH RMIT, chủ nhân của học bổng trị giá 1,5 tỷ do trường trao tặng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cùng nhiều thành tích khác.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

Sinh ra trong gia đình có 3 chị em thuộc huyện Ứng Hòa (Hà Nội), không may, Loan và chị cả đều mắc bệnh mắt bẩm sinh.

15 ngày tuổi, em đã phải chiến đấu để giành lại thị lực. Sau hàng loạt ca phẫu thuật, Loan nhìn được lờ mờ, đủ để phân biệt được những màu sắc cơ bản dưới ánh sáng mặt trời, còn dưới ánh đèn chỉ phân biệt được đen-trắng.

8 năm đầu đời, Loan coi bệnh viện là nhà, trải qua gần chục ca phẫu thuật để giành lại chút thị lực cuối cùng.

Nhưng rồi, vụ tai nạn năm 11 tuổi đã cướp đi hy vọng nhỏ nhoi của gia đình. Loan vĩnh viễn không nhìn thấy gì. Mọi thứ từ đó chìm vào bóng tối.

“Em đã từng có ước mơ duy nhất là nhìn được. Nhưng rồi, em nhận ra rằng nếu không nhìn được bằng cách này, em sẽ nhìn bằng cách khác”, Loan nói.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

Từ nhỏ, thế giới xung quanh trong mắt Loan chỉ là những đường nét không rõ hình dạng. Khuôn mặt của bố mẹ, người thân, chưa một lần Loan thấy rõ.

Đến tuổi, Loan cũng tới lớp như bạn bè đồng trang lứa. Song, việc học dở dang khi em chẳng thể nhìn ra những con chữ cô giáo viết trên bảng.

“Dù vậy, em vẫn thấy mình may mắn hơn so với các bạn khiếm thị bẩm sinh. Chí ít em đã từng nhìn thấy và những hình ảnh hồi bé vẫn lưu lại trong ký ức”, Loan cười nói bằng giọng chắc nịch.

Không còn đôi mắt, Loan “nhìn” thế giới xung quanh theo cách riêng. Em lắng tai nghe để nhận biết ai đang đến gần, phân biệt mọi người dựa trên khác biệt giọng nói.

Đôi bàn tay mỗi lần di chuyển lại từ từ lần theo từng đường nét, góc cạnh của đồ đạc quanh mình để nhận ra chỗ nào nên tránh, chỗ nào không gặp vật cản.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

Ngay từ nhỏ, biết con gái có tố chất thông minh, lanh lợi, khao khát đến trường, cô Vũ Thị Hương đã năn nỉ một trường tiểu học nhận em vào lớp, nhưng phải chấp nhận ngồi bàn cuối.

Thay vì bút, giấy như học sinh khác, những dụng cụ không thể thiếu của Loan khi học bài là bảng chữ nổi, con cắm, máy tính, tai nghe, máy ghi âm.

Chẳng thể biết thầy cô đang viết gì trên bảng, cũng không thể vừa nghe vừa ghi chép, việc học của Loan tốn nhiều công sức hơn.

Trải qua cấp 1, cấp 2, tới lớp 10, mặc hai mẹ con rong ruổi khắp nơi nộp đơn xin học, chẳng một trường nào dám nhận cô học trò đặc biệt vì “không có chương trình dạy riêng cho người khiếm thị”.

May mắn mỉm cười khi kết quả học tập tốt và hai giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU dành cho trẻ khiếm thị đã khiến hiệu trưởng một trường THPT ở quận Cầu Giấy chú ý tới Loan, nhận em vào học.

Suốt 3 năm, Loan luôn đứng trong top 3 của lớp, điểm trung bình trên 8,5.

Tốt nghiệp THPT, khi gặp khó khăn trong việc đăng ký học ĐH, Loan xin mẹ ở nhà, dành 1 năm gap year. Thời gian đó, em học tiếng Anh, viết sách, dạy ngoại ngữ cho người khiếm thị, tìm cơ hội kiếm học bổng.

Tới năm 2019, công sức của Loan được đền đáp. Em nhận được học bổng toàn phần của ĐH RMIT.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

Chẳng ai dám nhận cuộc đời của mình bằng phẳng và dễ dàng, nhất là cô gái khiếm thị như Loan, khi nhiều người nhìn vào quãng đường em đã phải trải qua. Mỗi bước đi hay thành tựu Loan đạt được đều trả bằng rất nhiều cố gắng, vượt khó và quyết tâm.

“Không ai muốn sinh ra phải chịu cuộc sống mù lòa, cũng chẳng ai muốn lớn lên trong nhiều biến cố. Có thể hiện tại bạn gặp điều không may, nhưng chỉ cần cố gắng bước một bước, sẽ có bầu trời bao la đang chờ đợi. Nên nếu còn được lựa chọn, hãy chọn cách sống tích cực, lương thiện, nhìn mọi sự việc với đôi mắt của một thiên thần”, Loan nói.

Tô son không cần soi gương

Như bao thiếu nữ khác, Loan cũng điệu đà và thích làm đẹp, mê váy vóc bánh bèo. Vừa chỉnh lại vết son cho khỏi lem, Loan nói đùa bản thân tự tin trang điểm đẹp mà không cần soi gương cho chính xác.

Mở cánh cửa tủ để lựa trang phục cho buổi học, tay Loan khẽ lần sờ theo từng chiếc váy treo trên giá, dùng xúc giác lựa chọn cho mình bộ đồ ưng ý.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

“Mẹ mua các bộ không trùng nhau cho em dễ phân biệt, cái tay bồng, cái gắn hoa, cái vải trơn. Mua về xong, mẹ cũng phải ngồi giới thiệu cho em màu sắc của từng cái”, Loan kể.

Ở một góc nhà, nhìn con gái chọn váy áo, cô Hương cười nói: “Điệu lắm, mua váy phải vừa không cố trùng lặp với cái đã có, vừa phải theo đúng màu yêu thích là hồng và trắng”.

Trong lúc con ăn uống, cô Hương tranh thủ kiểm tra lại túi xách của Loan để đảm bảo không thiếu đồ gì.

Luôn tay đổi việc làm

Ngón tay khẽ dò theo nút bấm trên bàn phím laptop, Loan lắng nghe chăm chú từng cụm từ phát ra nhờ phần mềm đọc văn bản. Kế đó, em dùng con cắm, đục từng chữ theo bảng quy tắc chữ nổi vào vở. Cả căn phòng vang lên từng nhịp đục giấy dứt khoát, nhanh mau.

Loan có sở thích viết văn. Ngày bé, em từng mê vẽ tranh, mơ ước trở thành họa sĩ, tung hứng với cây cọ và màu sắc. Khi không còn nhìn được nữa, Loan biến những tượng tưởng của mình vào sáng tác, bay nhảy cùng con chữ.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

Từ những năm cấp 2, Loan đã thích tham gia hoạt động ngoại khoá, từng cùng các bạn lập nhóm sách để chia sẻ sở thích đọc.

Từ năm 14 tuổi, Loan đã liên tục cộng tác với Hội Người mù TP Hà Nội để giúp đỡ những người khiếm thị. Em còn làm trợ giảng tiếng Anh cho Trung ương Hội Người mù Việt Nam trong vòng một năm.

Loan tự nhận mình là người hoạt bát nhưng tham việc. Trong một ngày, em luôn tay luôn chân thay đổi việc làm, từ đọc sách lại chuyển qua tự học, làm dự án hay ngồi viết sách.

Dạo gần đây, hai buổi tối trong tuần, Loan cùng một người bạn khiếm thị khác tham gia lớp học làm MC.

Không ham mê làm người dẫn chương trình chuyên nghiệp, Loan đi học để rèn kỹ năng sân khấu, khả năng nói trước đám đông.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

Buổi đầu, Loan học về cách lấy hơi, ngắt nghỉ. Em cố dựa vào âm thanh phát ra từ lời dạy để phán đoán cách lấy hơi, thắt bụng sao cho bắt chước giống nhất.

Đến buổi học về ngôn ngữ cơ thể, Loan tỏ ra lúng túng hơn khi không biết cử động tay chân, biểu cảm gương mặt ra sao khi không thể quan sát cô giáo thị phạm.

Vừa tự hình dung trong đầu, cô giáo vừa cầm tay chỉnh sửa, Loan cảm thán buổi này khó nhằn hơn khi có quá nhiều thứ em cần phải nhớ.

Ngoài việc lên lớp, Loan còn thành lập và làm chủ nhiệm một câu lạc bộ dành cho sinh viên khiếm thị. Những lúc không vướng bận bài vở, Loan dạy gia sư tiếng Anh, làm MC, diễn giả.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

Buổi tối thứ 6, nhóm bạn của Loan tụ tập ở hàng cà phê. Mấy bữa bận rộn, Loan kể mình mãi mới sắp xếp được thời gian ngồi hàn huyên cùng các bạn. Em hào hứng khoe hội chị em thân thiết có cả người khiếm thị, người sáng mắt.

“Cả đám đa phần không nhìn thấy nhau, nhưng cũng vì thế mà bọn em không sợ cảnh ngồi cùng một chỗ nhưng đứa chăm chú vào xem smartphone, đứa mải chụp ảnh check-in”, Loan cười nói.

Cuộc trò chuyện của các cô gái cứ thế diễn ra rôm rả, kéo dài suốt cả buổi tối.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

Mẹ là ánh dương

“Hơn 20 năm có mặt trên thế gian, em còn quá trẻ để hiểu rõ cái gì gọi là ‘sóng gió cuộc đời’. Nhưng từng ấy thời gian là quá đủ để em cảm nhận thế nào là hạnh phúc chân chính, thế nào là yêu thương ngọt ngào”, Loan viết trong tác phẩm đầu tay.

Những “yêu thương ngọt ngào” cô gái nhận được luôn có bóng dáng người mẹ tần tảo, sẵn sàng hy sinh vì em.

Thương con sinh ra đã thiệt thòi, vợ chồng cô Hương cố bươn chải, giúp con được đến trường như bao đứa trẻ bình thường khác.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

Có thời điểm, người mẹ vừa ở cùng con trên Hà Nội, vừa tất tả chạy đi chạy về quê nhà, phụ chồng làm ruộng, chăn nuôi kiếm tiền cho cả gia đình.

Lên cấp 3, Loan theo học tại trường công lập, cô Hương chuyển hẳn ra trung tâm thành phố, thuê nhà trọ ở cạnh trường để tiện chăm sóc con.

Sau buổi đưa con vào lớp, người mẹ về phòng trọ, mang bộ đồ nghề chạy xe đến khu chung cư cách nơi trọ khoảng 5 km, bày bán trà đá và ít bánh trái, quà vặt.

Có khi là đưa từng can rượu, mớ rau, con cá từ quê ra bán cho người cùng khu trọ, khi là ai gọi gì làm nấy, từ đi nấu ăn thuê đến dọn dẹp nhà theo giờ, cứ thế cô Hương chắt chiu từng đồng cho con.

Biết Loan thích tham gia các hoạt động xã hội bên ngoài, cô chỉ chọn làm công việc tự do, không cố định để tiện theo con đến từng địa điểm, sự kiện, chờ con gái xong việc rồi lại đưa rước về.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

Sau buổi đi dọn nhà thuê ban sáng, tranh thủ chiều rảnh rỗi, hai mẹ con ghé qua hiệu sách mua tập giấy vẽ gửi về cho em gái đang học lớp 8 ở dưới quê. Loan dùng tay cảm nhận độ dày mỏng, trơn sần của chất lượng giấy, còn mẹ sẽ nhìn mẫu mã để chọn cái đẹp nhất cho em.

“Em là chị giữa nhưng được mẹ chăm sóc, ở bên nhiều hơn em út. May mắn hơn các chị, con bé mắt sáng và say mê hội họa. Em không thể thành họa sĩ được, mong em gái sẽ thay em thực hiện ước mơ đó”, Loan kể.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

“Trong hình dung của em, mẹ là người có gương mặt phúc hậu, tươi tỉnh, trẻ hơn tuổi, đảm đang và có tính cách lạc quan”, Loan trả lời khi được hỏi có bao giờ tưởng tượng về khuôn mặt của mẹ.

Cô gái cũng thừa nhận có lẽ sự tích cực của mình thừa hưởng phần nhiều từ mẹ khi không để hoàn cảnh khó khăn “bôi đen” tinh thần.

“Hiện tại, nhà tôi đã bớt vất vả nhiều. Chị cả đã lập gia đình, có cuộc sống riêng. Em út ở quê rất thương mẹ và quấn chị, lâu lâu lại đòi lên chơi với chị Loan”, cô Hương nói với sự tự hào.

the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con

Người phụ nữ kể luôn dặn con không vì khiếm khuyết của bản thân mà tự ti, sợ thua kém hay để mọi người thương hại.

Lo toan vơi bớt phần nào, giờ đây điều người mẹ mong muốn là vẫn đủ sức khỏe để đồng hành đến mọi nơi con muốn.

Còn Loan, ước mơ hiện tại của em là ra trường với tấm bằng loại xuất sắc, kiếm học bổng du học nước ngoài. Khi ấy, em và mẹ sẽ tiếp tục cùng nhau khám phá chân trời mới.

“Em biết ơn những biến cố đã giúp mình cứng cáp. Em cảm ơn gia đình đã luôn đồng hành, dạy dỗ và dìu dắt. Nhiều người nói em không may mắn vì khiếm khuyết, nhưng em lại thấy mình hạnh phúc. Mỗi ngày, khi thức dậy, nếu vẫn thấy mình có thể tận hiến, thì ngày đó vẫn còn đáng sống”.

Phạm Thắng – Trà My

Theo Zing.vn

 

Link nguồn: https://zingnews.vn/the-gioi-anh-sang-me-danh-cho-con-gai-khiem-thi-post1125202.html

CÙNG CHUYÊN MỤC