fbpx

Du lịch Quảng Nam: Bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn

Năm 2019, Quảng Nam kỷ niệm 20 năm Mỹ Sơn và Hội An được công nhận di sản văn hóa thế giới. Nhân dịp này, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đã chia sẻ với ấn phẩm Du lịch xứ Quảng những thành quả và định hướng của ngành du lịch, đặc biệt là phương cách bảo vệ di sản trước áp lực phát triển trong tương lai.

Ông Nguyễn Thanh Hồng (bên phải) – Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam trao cờ lưu niệm cho đơn vị đăng cai.
Ông Nguyễn Thanh Hồng (bên phải) – Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam trao cờ lưu niệm cho đơn vị đăng cai.

Thưa ông Nguyễn Thanh Hồng, chuyện trồi sụt hay thay đổi các dòng khách quốc tế đến Quảng Nam hằng năm sẽ ảnh hưởng đến doanh thu ngành du lịch nói riêng, tính bền vững của thị trường khách đến Quảng Nam nói chung. Vậy ngành đã có toan tính ngắn hạn hay dài hạn gì cho điều này, để không phải quá phụ thuộc vào một thị trường khách nào đó?

Sự trồi sụt hay thay đổi dòng khách quốc tế đến một thị trường là điều không thể tránh khỏi, trong đó có Quảng Nam. Vì du lịch là ngành kinh tế mang tính đa ngành, đa lĩnh vực và rất nhạy cảm với những thay đổi, nên chịu tác động và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như biến động về tình hình chính trị, kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu… Mặt khác, tâm lý khách du lịch vốn dĩ luôn mong muốn tìm hiểu, khám phá cái mới, cái lạ, cái độc đáo từ văn hóa vùng miền cho đến sản phẩm du lịch. Chính những yếu tố đó dẫn đến việc dịch chuyển thị trường, thay đổi dòng khách du lịch là điều đương nhiên trong quy luật phát triển. Điều quan trọng của mỗi một địa phương là làm thế nào, đề ra giải pháp làm sao để tạo được ấn tượng với du khách để họ không chỉ đến một lần rồi đi mà giữ chân du khách quay lại lần 2, lần 3. Bên cạnh đó thì tỉnh cũng phải năng động, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút khách du lịch ở các thị trường tiềm năng.

Muốn làm được điều đó thì Quảng Nam cần phải đề ra những kế hoạch, chiến lược định hướng, mục tiêu và các giải pháp đồng bộ để giữ được lượng khách tăng ổn định, đảm bảo được nguồn thu từ ngành du lịch cho tỉnh và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Bên cạnh các sản phẩm du lịch chính, tỉnh tăng cường đầu tư, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Đối với những sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, có thương hiệu thì tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành để nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hơn, tinh tế hơn nhằm mang lại sự hài lòng và ấn tượng cho khách du lịch truyền thống. Song song với điều đó thì cũng phải xây dựng những sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch vệ tinh để thu hút thị trường tiềm năng, việc thu hút khách từ các thị trường tiềm năng sẽ bù lại và tăng thêm số lượng đối với lượng khách truyền thống muốn dịch chuyển sang thị trường mới. Việc tìm thị trường khách du lịch tiềm năng là công việc vô cùng khó, đòi hỏi song hành cùng với việc xây dựng sản phẩm du lịch mới thì công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng phải đặc biệt chú trọng, tăng cường và phải có chiến lược quảng bá để mang lại hiệu quả. Để có giải pháp thu hút khách du lịch, trong thời gian tới Quảng Nam xây dựng chiến lược quảng bá du lịch Quảng Nam đến năm 2025 theo thị trường khách du lịch, trong đó xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; lựa chọn nội dung quảng bá xúc tiến có hiệu quả; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch định kỳ để tạo thương hiệu thu hút khách du lịch; phát huy vai trò của cơ quan truyền thông và sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá.

 

Quảng Nam đã có môi trường du lịch tốt, nhưng dường như sản phẩm du lịch đặc trưng vẫn chưa tạo ra sự đột phá. Việc kết nối du lịch trong nội vùng Quảng Nam, nhất là du lịch kết hợp đô thị ven biển đã được tính đến như thế nào?

Việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cũng đã được tỉnh Quảng Nam tính toán, và phải có lộ trình để từng bước xây dựng sản phẩm, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch để tạo được sự đồng bộ thu hút khách. Ngoài 02 di sản văn hóa thế giới: Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn và Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An ở phía Bắc, thì Quảng Nam đang tập trung thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch phía Nam. Công trình cầu Cửa Đại, tuyến đường 129 kết nối toàn bộ tuyến ven biển dài hơn 125km của tỉnh, Quần thể Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng đã được hình thành bước đầu thu hút khách, thúc đẩy phát triển du lịch phía Nam. Du lịch phía Nam của tỉnh hiện có điểm du lịch Vườn sâm Tăk Ngo của huyện Nam Trà My đã được công nhận năm 2019 và đang xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến đón khách. Để giải quyết bài toán cho du lịch phía Nam thì tỉnh Quảng Nam cũng đã tính toán tập trung thu hút nhiều nguồn lực đầu tư và theo lộ trình để phát triển du lịch. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục đầu tư tuyến đường 129 toàn tuyến đường ven biển từ Đà Nẵng đến sân bay Chu Lai. Tuy nhiên, việc quy hoạch, đầu tư một vùng cần phải được tiến hành hết sức bài bản, có thời gian, lộ trình và gắn với từng nhiệm vụ cụ thể. Do đó, Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở, là định hướng quan trọng để tính toán, nghiên cứu thu hút được nguồn lực đầu tư vào ven biển phía Nam, xây dựng các sản phẩm du lịch tiềm năng phía Nam để tạo điểm nhấn: Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Quần thể hồ Phú Ninh, địa đạo Kỳ Anh, Công viên địa chất Tam Hải (Núi Thành) tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch kết nối. Đó chỉ mới tính toán kết nối phát triển du lịch bằng đường bộ. Để du lịch phía Nam thực sự trở thành điểm đến, sản phẩm du lịch có thương hiệu thì cần phải đa dạng hóa đường tiếp cận cho khách du lịch như đường biển, đường hàng không. Để hiện thực hóa vấn đề này, tỉnh Quảng Nam đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai trở thành cảng hàng không quốc tế, đầu tư cảng hành khách tại khu vực cảng Kỳ Hà để đón tiếp tàu biển du lịch quốc tế.

 

Là địa phương có những di sản nổi tiếng thế giới và cũng đối diện với nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn, theo ông cần phải làm gì để bảo vệ và phát huy giá trị các di sản?

Trước áp lực phát triển của tương lai, tỉnh cũng đã nghiên cứu đề ra nhiều giải pháp để bảo vệ và phát huy giá trị các di sản, cụ thể:

  1. Tập trung nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch gắn với việc quản lý, bảo vệ tài nguyên du lịch tại các di sản văn hoá thế giới. Việc khai thác và bảo tồn các di sản là vấn đề hết sức quan trọng cả trong nhận thức và hành động “Bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn“. Trong những năm qua, Quảng Nam đã tập trung nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển du lịch và công tác bảo tồn, khai thác hợp lý tài nguyên di sản trong cán bộ, nhân dân và đã đạt được kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho hoạt động phát triển du lịch tại các di sản văn hóa, thiên nhiên nói riêng và các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh nói chung. Phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch của cả nước với chủ trương phát triển du lịch phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với văn hoá, thiên nhiên và con người. Đặc biệt là bảo tồn giá trị các di sản văn hoá và di sản thiên nhiên thế giới, gắn phát triển du lịch với trùng tu tôn tạo và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể để quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch Quảng Nam.
  2. Xây dựng cơ chế chính sách về phát triển du lịch nhằm huy động tốt sự tham gia, ủng hộ của xã hội trong phát triển du lịch. Ngành du lịch Quảng Nam đã tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho từng giai đoạn phát triển cũng như trách nhiệm của các cơ quan hữu quan đối với phát triển du lịch. Đồng thời thực hiện việc phân cấp cho địa phương quản lý, khai thác và bảo tồn các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.
  3. Phát triển du lịch tại các di sản phải đặt trong mối quan hệ với lợi ích cộng đồng cư dân địa phương, phát huy vai trò của cộng đồng, dựa vào cộng đồng để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và phát triển du lịch. Đây là cách làm hợp lý và có tính bền vững nhất trong hoạt động du lịch. Quảng Nam đã thử nghiệm thành công về việc tham gia của người dân trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng tại Hội An, gắn lợi ích và nghĩa vụ người dân địa phương vào quá trình phát triển du lịch nhằm thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, trong đó cộng đồng dân cư vừa là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch vừa là chủ thể của hoạt động du lịch, mang lại lợi ích cho người dân, điều này đã huy động cộng đồng cư dân địa phương tham gia bảo vệ di sản một cách tích cực.
  4. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các di sản thế giới cũng được quan tâm, chú trọng. Năm 2003, Quảng Nam đã phối hợp với các địa phương có di sản thế giới tại miền Trung như Thừa thiên Huế, Quảng Bình thực hiện chương trình liên kết Con đường di sản miền Trung trong phát triển du lịch và đạt được kết quả cao, hình thành các tour tuyến du lịch gắn với các di sản và các điểm du lịch các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Từ năm 2007, Quảng Nam đã phối hợp với các địa phương có di sản văn hoá thế giới như Angkor Wat, Siem Reap (Campuchia), Wat Phou (Champasak), Luang Phrabang (Lào), Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tổ chức lễ hội Hành trình di sản với chủ đề Hội ngộ các Di sản Văn hoá Đông Dương, khởi đầu cho sự liên kết hợp tác phát triển du lịch của các địa phương có di sản văn hoá tại khu vực. Trong vài năm gần đây, ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế có nhiều chương trình liên kết quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch ra nước ngoài.
  5. Phát triển du lịch phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với văn hoá, đặc biệt là giá trị các di sản văn hoá thế giới. Trong những năm qua, Quảng Nam đã phát huy tốt lợi thế văn hoá đất Quảng trong hoạt động phát triển du lịch, quảng bá giới thiệu hình ảnh du lịch Quảng Nam đến với du khách, các công ty lữ hành, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước bằng việc tổ chức các sự kiện văn hoá du lịch gắn với di sản văn hoá thế giới như lễ hội Quảng Nam – Hành trình di sản 2003, 2005, 2007, 2009… Năm Du lịch quốc gia – Quảng Nam 2006, Tháng du lịch Hội An – Cảm xúc mùa hè, Đêm Mỹ Sơn huyền ảo… Đồng thời, tỉnh đã tranh thủ huy động các nguồn lực cho đầu tư, tôn tạo các giá trị di sản văn hoá thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn để tìm hướng đi và cách làm tốt nhất cho công tác bảo tồn giá trị văn hoá các di sản gắn với khai thác du lịch trong thời gian tới. Qua đó, chúng ta thấy được sự lan tỏa và sự ảnh hưởng của các di sản văn hóa cũng như di sản thiên nhiên đối với phát triển du lịch là rất lớn. Các di sản được công nhận luôn được đánh giá cao và được định hướng khai thác để phát triển thành các khu, điểm du lịch tạo thành điểm đến hấp dẫn du khách. Với những định hướng trong công tác quản lý các di sản văn hoá thế giới gắn với việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chúng tôi hy vọng sẽ phát huy các kết quả đạt được trong công tác quản lý di sản văn hoá thế giới với phát triển du lịch cũng như khắc phục những tồn tại nhằm hướng tới phát triển văn hoá – du lịch bền vững.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hoàng Diễm (thực hiện)

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

 

CÙNG CHUYÊN MỤC