Doanh nghiệp và câu chuyện chuyển đổi số trong thương mại điện tử
Đây là chủ đề thú vị mà Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa tổ chức trong chương trình Cafe Doanh nhân HUBA lần thứ 54 tại Rex Hotel.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng phát biểu tại chương trình: “TP.HCM đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Từ nay về sau, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM sẽ quan tâm nhiều đến hoạt động giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công”.

Cafe Doanh nhân HUBA lần thứ 54 có sự góp mặt đặc biệt trong vai trò diễn giả của GS.TSKH Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) và Viện John Von Neumann (JVN), Đại học Quốc gia TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2020 – 2030.

GS.TSKH Hồ Tú Bảo nhận xét: “Thu thập dữ liệu giúp chúng ta có thể quyết định chính xác khai thác trong kinh doanh. Trong đó trí tuệ nhân tạo là then chốt đối với doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nói một cách nôm na dùng dữ liệu một cách hiệu quả và thông minh, là công nghệ then chốt của việc chuyển đổi số.” GS.TSKH Hồ Tú Bảo cũng cho hay, không có lộ trình chung mà mỗi doanh nghiệp phải xây dựng một lộ trình riêng, đánh giá chi phí (chuyển đổi và không chuyển đổi), việc dễ nhưng hiệu quả thì làm trước (chatbot chăm sóc khách hàng); ưu tiên đầu tư trước các phân hệ giúp tích lũy các dữ liệu có giá trị cao; ưu tiên các phân hệ tạo ra dịch vụ mới, tái đào tạo và điều chuyển nhân sự dôi dư từ các quy trình đã tự động hóa.

Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp đã và đang tiếp cận chuyển đổi số trong thương mại điện tử, đại diện nhiều doanh nghiệp đã có những chia sẻ cụ thể về quá trình này. Bà Tô Tuệ Lang – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q.5 cho biết: “Hội viên của chúng tôi đều gặp khó khăn về việc bán hàng trong dịch Covid-19, đã lập tức chuyển qua giao dịch thương mại điện tử, bán hàng không tiếp xúc, mà thí dụ cụ thể chợ phiên online Chợ Lớn. Thực hiện trong thời gian rất ngắn, chúng tôi còn hỗ trợ thiết thực cho hội viên tham gia sàn điện tử bằng cách không thu phí gian hàng, đơn hàng, phí vận hành”.

Đại diện Công ty CP Công viên nước Đầm Sen, ông Vũ Ngọc Tuấn tỏ ra rất thực tế trong việc chuyển đổi số hóa vì mối lợi rõ ràng trước mắt. Ông Tuấn kể: “Dịp cao điểm, trong vòng 3 tiếng đồng hồ, có đến 10.000 khách vào công viên nước. Thiết bị kiểm soát vé ra vào cổng dù thế vẫn hoạt động tốt. Hẳn nhiên khi chuyển đổi số, giải pháp đường truyền cũng phải tốt, thông suốt. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến tới một bước số hóa nữa là khách hàng vào chỉ sử dụng chip, sử dụng bao nhiêu dịch vụ thì khi ra sẽ tính tiền.”

Sự tiện ích của chuyển đổi số là điều có thể nhìn thấy, nhưng liệu các doanh nghiệp có mặn mòi duy trì? Ông Nguyễn Đức Hưng – CEO của Napoli Coffee, là một đơn vị quyết tâm trong việc chuyển đổi số cho hay: “Chuyển đổi số giúp nhanh, hiệu quả trong vận hành của đơn vị mình. Các công ty công nghệ cung cấp cho mình nền tảng số, trang thiết bị, chúng ta giảm rất nhiều chi phí đầu tư của nhà đầu tư, cũng như các đối tác của Napoli”.
Bà Tô Tuệ Lang nói: “Chúng tôi có 4 tiêu chí đặt ra khi làm giao dịch thương mại điện tử: sức hút của phiên chợ online, bao nhiêu doanh nghiệp bán được hàng trên chợ phiên online, số lượt giao dịch thành công trên hệ thống, số lượng thanh toán thành công. Chúng tôi cũng đang xây dựng làm sao để năm 2021 tăng thêm sự thu hút của chợ phiên online, dự kiến sẽ đạt 1.200 doanh nghiệp tham gia chợ phiên này”.
Sử dụng chuyển đổi số hóa không có nghĩa là mọi việc đều suôn sẻ trơn tru. Vấn đề quan trọng của việc an ninh bảo mật trên không gian mạng, khả năng mất thông tin, mất khách hàng của các hệ thống số cũng là vấn đề mà ông Nguyễn Chí Nhân – Giám đốc Trung tâm GPCNTT Miền Nam – Tổng Công Ty Giải Pháp Doanh Nghiệp Viettel đưa ra. “Nhưng nếu sợ không triển khai thì sẽ không có gì cả, doanh nghiệp phải lựa chọn đơn vị uy tín để đồng hành”, ông Nhân nói.

Trả lời băn khoăn của nhiều doanh nghiệp, rằng sau này khi doanh nghiệp lớn lên, phát triển quy mô có còn tiếp tục được không hay phải bỏ kinh phí thực hiện lại từ đầu, ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu khẳng định chắc chắn: “Kinh phí chuyển đổi số quan trọng nhất giải pháp đưa ra phải phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, cả tài chính lẫn khả năng hấp thu các ứng dụng đó. Giải pháp phù hợp trong hôm nay nghĩa là luôn đồng hành với doanh nghiệp trong tương lai. Quan trọng xây dựng nền tảng chung chứ không phải giải pháp rời rạc. Những ứng dụng của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM với Hội Tin học TP.HCM sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian rất dài, nên hãy tin tưởng”.

Ông Vũ Ngọc Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty CP Công viên nước Đầm Sen thừa nhận, khó khăn thường gặp ở doanh nghiệp là lựa chọn nhà cung cấp và giải pháp cung cấp. Cũng cùng suy nghĩ, bà Lâm Thúy Ái – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Mebipha phân tích cụ thể hơn ở trường hợp doanh nghiệp mình: “Hai năm trời ròng rã để lựa chọn, làm việc với đơn vị giải pháp phần mềm, lựa chọn bộ sậu để chuyển đổi áp dụng. Phải lựa chọn thực hiện từng bước một, từ thủ công đến nhập liệu dữ liệu sản xuất. Hiện chúng tôi đã xong phần sản xuất, kế toán, các phần khác thì đang tiến hành, thí dụ như nhân sự. Nếu chấm điểm chuyển đổi từ công nghệ 0.4 qua 4.0 thì doanh nghiệp chúng tôi đang ở thang điểm dưới 60/100 điểm. Công cuộc chuyển đổi số không hề đơn giản, vẫn còn đang tiếp diễn, chuyển đổi từ chính con người là quan trọng, chuyển đổi từ chính bản thân, phải đồng bộ từ Ban giám đốc, những người từng cộng tác với nhau, đến cả đối tác, đại lý mới có thể ngồi chung một chiếc xuồng…”
BTV