fbpx

Dịch bệnh virus corona: Phép thử của lòng nhân

Nhiều bộ phim về đề tài dịch bệnh được nhiều người tìm xem thời gian qua sau cơn bùng nổ thông tin về dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra.

Cảnh trong phim Children of men.

Cùng với Contagion (Truyền nhiễm, 2011) của đạo diễn Steven Soderbergh vừa được nhiều người tìm xem là các phim The flu (Đại dịch cúm), World war Z (Thế chiến Z), Deranged (Ký sinh trùng), Outbreak (Bùng phát), Children of men (Đứa con của loài người)…

Đáng sợ nhất là phim không khác gì đời

Trong Contagion hay The flu đều có cảnh người dân hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau trong siêu thị hay cửa hàng tạp hóa để tranh giành đồ ăn, hòng giúp bản thân và gia đình cầm cự qua thời dịch bệnh.

Giữa đám đông đó, nhiều người đã nhiễm bệnh, họ ho hoặc nôn ra máu, ngã vật ra sàn trong bộ dạng kinh khủng khiến những người xung quanh khiếp đảm.

Người phụ nữ mang thai trong Contagion thất bại trong việc giành giật thuốc với đám đông, đành cầu xin một người bán cho mình và tuyệt vọng khi bị anh ta từ chối.

Cảnh trong phim Contagion.

Trong The flu, một bệnh nhân phẫn nộ và tuyệt vọng vì bị cách ly và bỏ đói, đã giằng co với một cảnh sát khiến mũ bảo hộ của anh ta rơi ra, rồi ấn mặt viên cảnh sát xuống bãi máu do chính bệnh nhân đó vừa nôn ra để truyền bệnh cho anh ta.

Những bộ phim này đáng sợ không chỉ vì hình ảnh và tình tiết. Chúng đáng sợ vì chúng chẳng khác gì đời thực cả” – một khán giả bình luận khi xem The flu.

Khi một dịch bệnh đạt mức độ hủy diệt cao nhất, con người đối diện với câu hỏi: “Liệu chúng ta là sinh vật bậc cao với trí tuệ cao siêu hay cũng chỉ là một sinh vật nhỏ nhoi có sinh mệnh phụ thuộc vào sự sắp đặt của vũ trụ?”.

Nếu những bộ phim về dịch cúm dừng lại mức “thiệt hại nghiêm trọng về người và kinh tế” cho nhiều quốc gia thì Children of men nâng mức độ thảm họa lên cao hơn khi hình dung ra một dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhân loại: dịch vô sinh.

Cảnh phim Outbreak.

Ánh sáng của niềm hy vọng

Giữa lúc dịch bệnh luôn có rất nhiều thông tin tiêu cực, hỗn loạn và gây hoang mang.

Trong hầu hết phim đều có những chính khách bưng bít thông tin về dịch bệnh vì lo cho sinh mệnh chính trị của bản thân, có những bác sĩ bị bịt miệng dù muốn cảnh báo cộng đồng, có những hãng dược ém thuốc để tạo ra cơn sốt ảo nhằm thu tiền tỉ, có những blogger tung tin giả để kiếm tiền dựa trên nỗi sợ hãi.

Có lúc, những kẻ đó thắng thế trước những con người đại diện cho tri thức và lòng trắc ẩn, khiến phim chìm vào bi quan và tuyệt vọng.

Cảnh trong phim The flu.

Children of men của đạo diễn Alfonso Cuarón khái quát thứ đáng sợ nhất ở các dịch bệnh chính là tước đi niềm hi vọng của con người.

Những cá nhân tuyệt vọng làm nên những quốc gia tuyệt vọng. Và khi đó, chỉ có lòng nhân ái mới mang lại cho chúng ta ánh sáng của niềm hi vọng, như tiếng cười ngây thơ của đứa trẻ vang lên lúc cuối phim. Như vị tổng thống trong The flu đã phải đấu tranh không khoan nhượng để cứu người dân ở quận Bundang.

Cảnh phim World War Z.

Đó là khi các nhân viên cứu hộ và y tế hi sinh thân mình, ở lại vùng dịch để cứu chữa và giúp đỡ người bệnh dù công việc vô cùng khó khăn, gian khổ. Đó là khi con người nhường nhau miếng ăn, không gian sinh hoạt hay bảo vệ lẫn nhau dù chính tính mạng của họ cũng bị đe dọa.

Không chỉ là nhường nhịn khẩu trang hay chai nước rửa tay, khi đứng trước nghịch cảnh, sự hi sinh của con người trở nên lớn lao và cao đẹp hơn rất nhiều.

Cảnh phim Deranged.

Anh nhân viên cứu hộ Ji Goo của The flu hi sinh cơ hội thoát khỏi thành phố để ở lại cứu trợ người dân, tình nguyện chăm sóc mẹ con nữ bác sĩ In Hae. Khi bị người bạn trêu là có tình ý với In Hae, Ji Goo nổi nóng vì trước chuyện sống chết, ý nghĩa hành động của anh cao xa hơn những mưu cầu cá nhân.

Giữa những hoang mang và cả sự tha hóa vì dịch bệnh, mỗi chúng ta hãy tự nhắc mình nhân hậu hơn.

Mi Ly

Theo Tuổi Trẻ Online

 

Link nguồn: https://tuoitre.vn/dich-benh-virus-corona-phep-thu-cua-long-nhan-20200203220032832.htm

CÙNG CHUYÊN MỤC