Cơ hội cho Việt Nam từ các gói hỗ trợ kinh tế của Mỹ
Với gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ đang triển khai, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 2,6 tỷ USD, qua đó giúp GDP Việt Nam 2021 tăng trưởng thêm 0,8 điểm phần trăm.
Trong năm 2020, Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 với gần 20 triệu người nhiễm và gần 350 nghìn ca tử vong (đến hết ngày 21/4/2021, Mỹ có 32,6 triệu người nhiễm và 583 nghìn người tử vong).
Các hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập của người dân giảm mạnh; buộc chính phủ Mỹ và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Đối với chính sách tài khóa, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, Mỹ đã ban hành các gói hỗ trợ tổng giá trị 3.503 tỷ USD, chiếm 16,7% GDP năm 2019 của quốc gia này, trong đó chủ yếu là các biện pháp tăng cường chi tiêu (cho lĩnh vực phi y tế là 3.000 tỷ USD, chiếm 85,5%).
Đối với chính sách tiền tệ, Fed duy trì lãi suất ở mức thấp 0 – 0,25%, hỗ trợ thanh khoản (mua trái phiếu, bảo lãnh vay vốn) với quy mô 510 tỷ USD, tương đương 2,4% GDP.
Nhờ đó, kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi và chỉ giảm 3,5%, tốt hơn so với dự báo trước đó là giảm 4,3% vào năm 2020, trong đó hồi phục mạnh trong hai quý cuối năm.
Chân dung các gói hỗ trợ
Ngoài các gói hỗ trợ dưới thời Tổng thống Trump nêu trên, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất ba gói hỗ trợ lớn, trong đó một gói trị giá 1.900 tỷ USD đã được thông qua, còn hai gói lớn khác đang xem xét.
Cụ thể, gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD mang tên Kế hoạch giải cứu nước Mỹ (American Rescue Plan – ARP) bao gồm năm khoản mục chính, trong đó gần 800 tỷ USD trợ cấp trực tiếp tới các hộ gia đình, với 1.400 USD bổ sung cho khoản trợ cấp 600 USD trước đó và khoản 400 USD trợ cấp thất nghiệp bổ sung; 415 tỷ USD cho việc kiểm soát dịch bệnh, sản xuất và tiêm vắc xin.
Gói này cũng bao gồm 150 tỷ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ; 176 tỷ USD hỗ trợ giáo dục để mở lại các cơ sở trường học cộng đồng và 360 tỷ USD tài trợ chính quyền các tiểu bang.
Theo Viện Brookings, gói ARP có thể giúp GDP của Mỹ tăng thêm 4 điểm phần trăm năm 2021 và thêm 2 điểm trăm năm 2022. Trong khi đó, theo CNBC, cứ 1.000 tỷ USD chi tiêu thêm sẽ giúp GDP của Mỹ tăng thêm 2 điểm phần trăm trong hai năm tiếp theo, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và gia tăng lạm phát sát mức mục tiêu 2% đề ra.
Gói thứ hai là kế hoạch đầu tư 2.300 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và việc làm (Kế hoạch việc làm Mỹ – American Jobs Plan – AJP) đang được nghiên cứu, bao gồm năm phần chính là 621 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng giao thông; hỗ trợ trực tiếp 400 tỷ USD cho chăm sóc người già và khuyết tật; 311 tỷ USD cải thiện cơ sở hạ tầng về nước uống, mở rộng Internet băng thông rộng và nâng cấp lưới điện; 328 tỷ USD xây nhà ở xã hội và trường học và 590 tỷ USD cho sản xuất – nghiên cứu và phát triển, đào tạo việc làm.
Kế hoạch trên dự kiến được giải ngân trong 10 năm (2022 – 2031).
Gói thứ ba là Kế hoạch hỗ trợ các gia đình Mỹ (American families plan – AFP) đang được đề xuất. Kế hoạch này ước tính trị giá 400 tỷ USD trong vòng 8 năm để đầu tư vào các dịch vụ y tế và xã hội, hỗ trợ các cá nhân và các hộ gia đình có người tàn tật, người phụ thuộc.
Hiện tại, kế hoạch trên chưa được Tổng thống Biden công bố nội dung cụ thể.
Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, để đối phó với dịch Covid-19, nước Mỹ đã có ba gói hỗ trợ lớn (bao gồm hai gói dưới thời Tổng thống Trump) với tổng giá trị khoảng 5.400 tỷ USD, tương đương khoảng 25,5% GDP năm 2020.
Nếu hai đề xuất còn lại (AJP và AFP) được Quốc hội Mỹ thông qua, tổng giá trị các gói hỗ trợ và đầu tư của Mỹ sẽ lên tới 8.100 tỷ USD trong giai đoạn 2020 – 2029, tương đương 38,3% GDP năm 2020.
Để bù lại và có tiền cho các gói hỗ trợ, Chính phủ Mỹ đã quyết định tăng thu bằng biện pháp tăng thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 21 lên 28% từ năm 2021) với hy vọng thu về khoảng 2.000 tỷ USD trong 15 năm.
Theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, chưa thể đánh giá ngay tác động của chính sách này, nhưng mặt trái là có thể khiến hành vi trốn thuế gia tăng hoặc đầu tư chưa chắc đã quay về Mỹ như mong muốn (để né trả thuế cao).
Tác động của các chính sách và gói hỗ trợ
Thứ nhất, các gói hỗ trợ của Mỹ (trước mắt là gói 1.900 tỷ USD) sẽ thúc đẩy tiêu dùng, cầu hàng hóa – dịch vụ, từ đó tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Khu vực châu Á được đánh giá là hưởng lợi khá nhiều từ các gói hỗ trợ của Mỹ.
Theo Citi Research, kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong quý II/2021 và tiếp tục tăng mạnh trong ba quý kế tiếp nhờ các gói hỗ trợ này.
Điều này sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu của Mỹ tăng lên, đồng nghĩa hoạt động xuất khẩu của các nước châu Á được hưởng lợi, trong đó Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất.
Nhóm tác giả BIDV dự kiến, nếu tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 7,7% năm 2021 (như dự báo của Bloomberg Economics) thì GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm 1,085 điểm phần trăm hay ít nhất là 0,517 điểm phần trăm.
Với mục tiêu trọng tâm của gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD là hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và hộ gia đình Mỹ, dự kiến đã và sẽ làm tăng nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng giày dép, quần áo, đồ nội thất, điện thoại di động và thiết bị điện tử, hải sản – các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ, chiếm khoảng 76% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2020.
Trong năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng 25,6% so với năm trước và quý I/2021 tiếp tục tăng 38,9% so với cùng kỳ, giúp Việt Nam trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 6 của Mỹ.
Theo ước tính của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, với gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ đang triển khai, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 2,6 tỷ USD (so với không có gói hỗ trợ), qua đó giúp GDP Việt Nam năm 2021 (sau đánh giá lại) tăng trưởng thêm 0,8 điểm phần trăm (so với không có gói hỗ trợ).
Thứ hai, các gói hỗ trợ của Mỹ có thể khiến dòng vốn vào thị trường châu Á bị thay đổi.
Citi Research nhận định kinh tế Mỹ hồi phục nhờ các gói hỗ trợ sẽ tạo áp lực tăng lạm phát và kinh tế Mỹ phục hồi tăng trưởng mạnh, điều này có thể khiến cho lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ cùng giá trị đồng USD tăng lên, kéo theo dòng vốn đầu tư quay lại thị trường Mỹ, khiến cho thanh khoản thị trường tài chính tại các nước châu Á trở nên căng thẳng hơn.
Thứ ba, các gói hỗ trợ của Mỹ có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng, gây áp lực tăng lạm phát và lãi suất đối với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Thứ tư, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng cùng chính sách tài khóa mở rộng với quy mô lớn khiến tình trạng đầu cơ vào thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số tăng lên, khiến bất ổn trên thị trường tài chính – tài sản toàn cầu gia tăng.
Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam
Thứ nhất, mặc dù ngày 16/4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ, song chính sách thương mại của Việt Nam cần tiếp tục được điều hành theo hướng cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ.
Bên cạnh việc tiếp tục tận dụng cơ hội xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Mỹ, Việt Nam cần xem xét tăng cường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ, đặc biệt là nông sản, sản phẩm năng lượng, máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị y tế, vắc xin phòng chống Covid-19, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đề xuất.
Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với Mỹ trong việc trao đổi thông tin về chính sách tiền tệ, tỷ giá, thương mại và các vấn đề khác mà phía Mỹ quan tâm (như an ninh mạng, thuế dịch vụ trực tuyến).
Đồng thời, các cơ quan chức năng, địa phương cần kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lợi dụng những ưu đãi từ hợp tác Việt – Mỹ, cũng như những hành vi trốn thuế.
Thứ hai, cần tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Theo đó, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu.
Cùng với đó, xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi kế hoạch tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế – giáo dục) một cách nhịp nhàng, hiệu quả, tránh giật cục; tăng cường truyền thông cùng các biện pháp bình ổn giá nhằm giảm thiểu tâm lý lạm phát và hiện tượng “té nước theo mưa”.
Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, hoàn thiện chính sách ưu đãi nhằm gia tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ tư, chú trọng tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, thị trường tài chính – tiền tệ đối với các cú sốc bên ngoài.
Theo đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính – tiền tệ; quan tâm hơn đến việc xây dựng mô hình quản lý – giám sát rủi ro hệ thống, mô hình ổn định tài chính – tiền tệ và cơ chế xử lý khủng hoảng tài chính.
Bên cạnh đó, khẩn trương, quyết liệt xử lý những tồn đọng, bất cập về cổ phần hóa, thoái vốn, về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, nợ xấu; tăng năng lực tài chính (nhất là vốn điều lệ) cho các tổ chức tín dụng; tăng dự trữ ngoại hối phù hợp; phát triển cân bằng hơn, minh bạch hơn thị trường tài chính.
Thứ năm, cần tăng cường giám sát nguồn vốn, kiểm soát tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản (nhất là hiện tượng sốt đất gần đây), thị trường chứng khoán, tiền kỹ thuật số nhằm giảm thiểu rủi ro bong bóng tài sản, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và cũng là để các thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững hơn; đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới.
Kiều Mai
Theo theleader.vn
Link nguồn: https://theleader.vn/co-hoi-cho-viet-nam-tu-cac-goi-ho-tro-kinh-te-cua-my-1620115983355.htm