“Chiều mưa biên giới” ở hai đầu Tổ quốc
Có lẽ không tác phẩm nghệ thuật nào có một cuộc đời, một số mệnh hy hữu như nhạc phẩm “Chiều mưa biên giới” của Nguyễn Văn Đông (1932-2018).
Tác phẩm được sáng tác năm 1956 khi nhạc sĩ là trung úy Quân đội Việt Nam Cộng hòa dưới thời Ngô Đình Diệm, đang đóng quân tại biên giới Việt – Miên. Ít ai biết rằng qua bao thăng trầm của cả nhạc phẩm và nhạc sĩ, Chiều mưa biên giới ra đời ở miền Tây Nam của đất nước đã làm ấm lòng người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam ở chiến hào lạnh lẽo miền cực Bắc đang anh dũng chống quân xâm lược Trung Quốc tháng 2/1979.
Riêng tôi có một kỷ niệm khó quên về nhạc phẩm này. Một buổi chiều giữa năm 1963 lúc đang học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) tại trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn, Quảng Nam), xe đạp thủng lốp, phải dắt đến tiệm sửa xe của người anh họ. Đúng lúc người anh đang bận sửa xe cho một thanh niên nên tôi đứng đợi. Anh thanh niên, khoảng 35 tuổi, hát luôn miệng một nhạc phẩm mà cả điệu nhạc và ca từ làm tôi nghe say mê: “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu? Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu?… Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang, trăng còn khuyết mấy hoa không tàn… Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay? Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng, Ðường rừng chiều cô đơn chiếc bóng, người tìm về trong hơi áo ấm, gợi niềm xa xăm…”.
Ca từ và điệu nhạc cuốn hút tôi, lúc đó tôi chỉ mong xe đạp của anh thanh niên chưa sửa được ngay để tôi được tiếp tục nghe anh ấy hát. Sau đó ít lâu, hỏi thăm các bạn học tôi biết được đó là nhạc phẩm Chiều mưa biên giới, và cuối cùng mượn được bản nhạc về chép lại trong tập vở dành để ghi chép những bài thơ hay, những bản nhạc ưa thích. Tôi vẫn không quên cái cảm giác vui sướng, cảm động khi cầm trên tay nhạc phẩm nầy.
Nhạc phẩm ghi lại tâm tình, những cung bậc rung cảm của một quân nhân ở nơi biên giới vào một trời chiều gió lộng, mưa nhiều. Đối với người nghệ sĩ lãng mạn và ở tuổi đang yêu, ngoại cảnh gây cảm xúc càng làm nhớ nhung da diết về người yêu ở phương xa:
“Ðêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi, vẫn in hình bóng một người
Xa xôi cánh chim tung trời, một vùng mây nước, cho lòng ai thương nhớ ai?…”
Ở đây Nguyễn Văn Đông mượn ý của Nguyễn Du: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi, Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”. Đây là những câu thơ thuộc loại hay nhất trong Truyện Kiều. Nhưng “vầng trăng xẻ đôi” trong Chiều mưa biên giới làm ta xúc động hơn, có lẽ vì trong Truyện Kiều vầng trăng xẻ đôi là hình ảnh người thứ ba tưởng tượng về hai chủ thể khác, còn trong Chiều mưa biên giới, chính tác giả là người trong cuộc đang tha thiết nhớ về người yêu.
Là một quân nhân đang làm nhiệm vụ ở quân trường nhưng tác giả Chiều mưa biên giới không nói về chiến tranh, không có một tình cảm về thù hận, ngược lại chỉ mong đất nước thanh bình, mong mọi người sống hiếu hòa, nhường nhịn để thế gian không còn giông bão:
“Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều…”
Trong một nhạc phẩm khác Nguyễn Văn Đông cũng mong ước một mùa xuân hòa bình: “Nếu xuân về tang thương khắp lối, thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi” (Phiên gác đêm xuân).
Nhạc phẩm Chiều mưa biên giới vừa phát hành đã được đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt qua tiếng hát của nghệ sĩ Trần Văn Trạch, lời ca và giai điệu của tác phẩm đã lan tỏa nhanh. Chỉ trong vòng hai tháng từ ngày phát hành, nhạc phẩm đã được tái bản tới sáu lần, phá kỷ lục phổ biến cho đến thời điểm đó. Tháng 7/1961 Trần Văn Trạch còn được mời sang Paris để trình diễn Chiều mưa biên giới trên Đài truyền hình Pháp.
Nhưng ca từ lãng mạn, phóng khoáng, gói ghém ước mơ thanh bình, lại làm chính quyền Sài Gòn lo ngại sẽ ru ngủ người lính, giảm tinh thần chiến đấu của quân đội. Vào tháng 11/1961, Bộ Thông tin ra thông báo cấm lưu hành và trình diễn hai bài Chiều mưa biên giới và Mấy dặm sơn khê của Nguyễn Văn Đông.
Sau năm 1975, dưới chính quyền mới, thể chế mới, Chiều mưa biên giới lại thuộc đối tượng bị cấm lưu hành. Chẳng những thế, tác giả của bản nhạc còn phải đi học tập cải tạo tới 9 năm (chức vụ cuối cùng của Nguyễn Văn Đông trong quân đội Sài Gòn là đại tá).
Tối ngày 27/2/2018 tôi từ Tokyo về Hà Nội. Sau khi check-in ở khách sạn, mở internet thì được tin Nguyễn Văn Đông vừa qua đời hôm trước. Tự nhiên tôi thấy xúc động, cảm thương người nghệ sĩ tài hoa và nhớ lại lần đầu tiên nghe Chiều mưa biên giới 55 năm trước. Qua youtube tôi nghe Thanh Tuyền hát lại bản nhạc nầy, thấy rất nhiều ý kiến của thính giả ghi phía dưới. Thường tôi ít xem các ý kiến này nhưng hôm đó thấy có một ý kiến viết rất dài nên đọc thử, rất ngạc nhiên khi biết đó là tâm tình của một chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam khi nhớ lại những ngày chiến đấu chống quân xâm lược phương Bắc đầu năm 1979:
“Tôi có hơn một ngàn ngày sống trên chiến hào xứ Lạng thời đánh Tàu. Trong cái giá rét thấu xương, hai hàm răng luôn trong trạng thái đánh đàn làm nhịp cho tôi nhẩm hát thành tiếng, thành lời thường đứt quãng những câu ca bất hủ Chiều mưa biên giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Tôi thuộc lời bài hát này là nhờ mẹ tôi mua được một đĩa nhạc bị cấm rất ngặt hồi đó. Những ngày về phép ít ỏi, tôi được mẹ tôi mở máy hát quay đĩa cho tôi nghe bài hát này. Lời bài hát này đã giúp tôi đứng vững trên chiến hào cho đến khi cởi áo lính trở về với đời thường. Ai đã từng làm lính biên cương mới thấy thấm cái hay cái đẹp của ca khúc bất hủ này. Tôi nói nó bất hủ là có lý bởi sự thật là dù một thời nó bị cấm thì người yêu thích bài hát này vẫn hát thầm, hát lén hoặc hát thật to như tôi khi đứng một mình trên sườn núi biên cương. Rồi đến khi không thể cấm được nữa thì người ta phải bất lực trước sức sống kì diệu của bài hát Chiều mưa biên giới của Nguyễn Văn Đông. Tôi chưa biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, nhưng tôi kính phục ông. Cho tôi gửi đến ông lời chúc an lành” (nguyên văn của người ký tên Trường An Vina Nhựt, tôi chỉ sửa một lỗi chính tả).
Các thể chế chính trị đều cấm đoán Chiều mưa biên giới, nhưng nhạc phẩm đã đi vào con tim của mọi người Việt Nam dù ở thể chế nào. Tính nhân văn làm tác phẩm vượt thể chế, vượt không gian và sẽ sống mãi với thời gian.
Trần Văn Thọ (Tokyo, Xuân Tân Sửu 2021)
Theo nguoidothi.net.vn
* Bài viết đã đăng trên Giai phẩm Người Đô Thị Tết 2021
Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/chieu-mua-bien-gioi-o-hai-dau-to-quoc-27306.html