Chạy xe từ miền Tây, TP.HCM… về trồng thông cho Đà Lạt xanh
Hai ngày cuối tuần, hơn 50 bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh thành hẹn nhau tại đồi Bồng Lai, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) xắn tay trồng gần 3.000 cây thông trong dự án Xanh lại Đà Lạt ơi.
Mỗi cây thông là tâm huyết, tình yêu của người khởi xướng dự án và tình nguyện viên, mong muốn vùng đất này luôn được mảng xanh bao phủ thay vì bị bêtông hóa mỗi ngày. Chưa đến ngày trồng cây nhưng các tình nguyện viên đã rộn ràng nhắc nhau cái hẹn ở đồi Bồng Lai.
Cuối tuần, người ở miền Tây, miền Trung bay về, người ở TP.HCM, Đồng Nai đi xe khách lên, người ở gần tự chạy xe máy đến…
Hai ngày trồng gần 3.000 cây thông
Sau đêm tá túc tại chùa Huệ Quang, sáng hôm sau từ rất sớm, tất cả “hành quân” lên đồi – cách đó 2km, để trồng thông.
Người khởi xướng dự án Nguyễn Hữu Lộc (28 tuổi, làm việc tại TP.HCM) cho biết đồi Bồng Lai thuộc quản lý của chùa Huệ Quang. Sư cô trụ trì chùa là người rất yêu thiên nhiên và có tâm nguyện muốn phủ xanh quả đồi nhưng tiền bạc, sức lực có hạn. Quả đồi rộng 20ha nhưng mới trồng được một phần rừng. Hai phần còn lại đã thành đồi trọc, bị lấn chiếm làm đất nông nghiệp. Do đó, Lộc và các tình nguyện viên chọn đây là nơi trồng cây, mở đầu dự án Xanh lại Đà Lạt ơi.
Hai ngày lăn lộn, áo quần, giày dép lấm lem bùn đất, các tình nguyện viên đã trồng xong 3.000 gốc thông. Dù mệt bơ phờ, ai cũng rộn ràng niềm vui.
Nguyễn Thanh Thành (33 tuổi, TP.HCM) cùng người bạn bắt chuyến xe đêm lên để được tự tay trồng cây. Anh nói bản thân là một người yêu Đà Lạt, năm nào cũng đi Đà Lạt vài lần. Anh khá buồn khi thấy mấy năm gần đây Đà Lạt bị bêtông hóa rất nhiều, đặc biệt mảng xanh không được quan tâm, giữ gìn. Vì thế, anh rất lo sợ một ngày Đà Lạt không còn những mảng xanh có thể phóng tầm mắt ra xa.
Sau hai ngày miệt mài trồng thông, Thành mong mỏi hành động nhỏ của mình và các tình nguyện viên có thể lan tỏa tới các bạn trẻ cũng như các cấp chính quyền địa phương để có thêm nhiều dự án cải thiện môi trường cho vùng cao nguyên này.
Tương tự, dù bận rộn công việc, chị Nguyễn Anh Đào (họa sĩ Gấu Ú, 36 tuổi, TP.HCM) vẫn dành thời gian lên Lâm Đồng trồng thông.
Khi đi xuyên qua những đồi trọc, chị biết sức mình và các tình nguyện viên có hạn nhưng nếu không hành động thì chẳng có một thông điệp nào được lan tỏa. “Mỗi người chỉ cần trồng một cây quanh nhà cũng tốt rồi. Lâu dài, mình mong sẽ có những dự án hỗ trợ người dân địa phương để họ có thể kiếm sống chính đáng, thậm chí làm giàu mà vẫn không tổn hại rừng”, chị Anh Đào bày tỏ.
Ngoài tham gia trồng cây, chị còn nán lại vẽ tặng mỗi tình nguyện viên một bức ký họa bookmark chibi với mong muốn các bạn có thêm niềm vui, tiếp tục tham gia những dự án ý nghĩa về môi trường.
Tâm huyết của Lộc
Để có được gần 3.000 cây thông, địa điểm trồng thông cũng như sự góp mặt của các tình nguyện viên, đó là một hành trình gian nan của Nguyễn Hữu Lộc.
Hai năm trước lên Đà Lạt chơi với bạn, Lộc thấy thành phố nhỏ phải gồng mình đón du khách đổ về ngày một đông, mảng xanh bị phá bỏ để làm các dự án, kẹt xe khói bụi… Nghĩ đến một ngày Đà Lạt không còn lạnh, thành phố chỉ còn lại nhà và nhà, chàng trai 9X rất lo lắng. Không muốn góp phần tổn hại đến Đà Lạt, Lộc tự hứa không đi Đà Lạt nữa.
Khi làm nhân viên cho một công ty về marketing, được giao quản lý một trang fanpage Đà Lạt để kích cầu du lịch, Lộc thẳng thắn viết bài chỉ trích những việc làm tổn hại đến Đà Lạt. Đi ngược lại với mục đích của công ty, doanh thu công ty không đạt như kỳ vọng nhưng Lộc vẫn mạnh mẽ và tin tưởng việc làm của bản thân.
“Mình dừng việc yêu Đà Lạt bằng cách không đi Đà Lạt, thay vào đó phải hành động. Những fanpage dưới sự kiểm soát của mình có nhiều bài viết chỉ trích hành động phá vỡ linh hồn của thành phố sương mù” – Lộc nói.
Bên cạnh đó, Lộc đau đáu về một dự án để tác động đến ý thức của người trẻ lên môi trường, thiên nhiên. Dự án Xanh lại Đà Lạt ơi ra đời như thế.
Khi còn là ý tưởng đến lúc thành hiện thực, Lộc trải qua không ít gian nan. Ba tháng trời, chàng trai 9X này một mình tự bỏ tiền túi, thời gian lặn lội giữa TP.HCM – Đà Lạt liên hệ khắp nơi tìm vị trí trồng cây, giải quyết các vấn đề pháp lý, tìm nhà tài trợ… 20 bản giới thiệu dự án gửi đi xin tài trợ không một ai hồi âm. Nhiều người nghe dự án của Lộc đều lắc đầu, nói rất khó thực hiện.
Có lúc tưởng như tuyệt vọng thì Lộc lại dặn bản thân phải cố gắng. Không ai đồng ý tài trợ, cậu bạn chọn cách kêu gọi đóng góp từ cộng đồng thông qua fanpage. Và điều bất ngờ là chỉ trong vòng một tuần, Lộc cùng 4 bạn trẻ hỗ trợ dự án đã huy động đủ số tiền để thực hiện dự án.
Sau những nỗ lực và cố gắng vì tình yêu Đà Lạt của mình và các tình nguyện viên, nhìn quả đồi với những cây thông non, Lộc vẫn ngỡ đây là một giấc mơ.
Bạn bè ngoài nước cũng ủng hộ Theo tính toán ban đầu sẽ cần 75 triệu đồng để trồng 3.000 cây thông nhằm thực hiện dự án Xanh lại Đà Lạt ơi. Tuy nhiên, nhờ lặn lội tìm hiểu và may mắn, Nguyễn Hữu Lộc đã gặp được chỗ bán cây, chỗ thuê người đào hố trồng cây với giá rẻ hơn nên chi phí giảm xuống chỉ hơn 40 triệu đồng. Cộng đồng những người yêu Đà Lạt đã cùng đóng góp số tiền này. Không chỉ bạn bè trong nước mà cả nước ngoài cũng ủng hộ tiền để mua cây con, thuê người đào hố để trồng cây trên đồi Bồng Lai. |
Minh Phượng
Theo Tuổi Trẻ Online
Link nguồn: https://tuoitre.vn/chay-xe-tu-mien-tay-tp-hcm-ve-trong-thong-cho-da-lat-xanh-20201005092812318.htm