Cần có một cuộc đối thoại giữa con người và đô thị
Những thành phố trôi dạt đẩy con người đến chỗ chứng kiến tất cả sự rạn nứt và đứt gãy của thế giới về không gian, thời gian, về văn hóa, bản thể và lý tính.
Một bài báo từng ví đời văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên như cuộc rèn sắt mài dao của một người thợ kim khí lão luyện. Sinh ra ở Khánh Hòa, được hun đúc ở xứ nóng Ninh Thuận, nơi có nhiệt độ trung bình hàng năm cao bậc nhất Việt Nam, anh lại vượt đèo đi về chốn lạnh mù tăm để trở thành cử nhân khoa Văn Đại học Đà Lạt rồi tiếp tục quăng mình vào mài giũa không ngừng nghỉ giữa phố thị Sài Gòn đầy thử thách gian nan.
Gần nửa đời rèn sắt ấy đã cho ra một lối văn riêng rẽ, sắc bén và trầm ổn của kim loại. Vậy nên, nếu như nhà báo có so sánh chính Nguyễn Vĩnh Nguyên với một con dao đi rừng, thì cách ví von ấy cũng vẫn chính xác và hợp nghĩa vô cùng: Một con dao phạt ngang rẽ dọc những bụi cây lùm cỏ trước mặt để mở một lối mới đi riêng cho mình.
Chính bởi khát khao đi tìm cái mới trong văn chương mà anh liên tục dấn thân vào trải nghiệm tất cả thể loại văn chương: Thơ, truyện ngắn, tạp văn, du khảo… Nguyễn Vĩnh Nguyên không ngừng lạ hóa thói quen, lạ hóa thể loại, tựa như nhà văn đang thực hiện một cuộc trình diễn biến ảo, liên hoàn những lần phục sức cho văn chương và các cuộc khảo sát nội tâm, cật vấn đời sống xã hội. Đọc Nguyễn Vĩnh Nguyên, có thể nói, là đọc những đoạn gấp khúc chuyển nét liên tiếp của ngòi bút trong cuộc “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của anh.
Cũng như thế, Những thành phố trôi dạt biểu hiện một lối viết gấp khúc rõ ràng khi đẩy con người đến chỗ chứng kiến tất cả sự rạn nứt và đứt gãy của thế giới về không gian, thời gian, về văn hóa, bản thể và lý tính. Xuất bản và ra mắt độc giả năm 2017, cuốn sách lấy cảm hứng từ Những thành phố vô hình của Italo Calvino vẫn thầm lặng trôi dạt tới thì hiện tại.
Từng xuất hiện trên nhiều mặt báo và các trang review sách trong suốt vài tháng sau khi ra mắt, nhưng không ồn ào dư luận như Ở lưng chừng đám đông nhìn xuống (2011) hay nổi tiếng lành hiền dịu êm kiểu Đà Lạt – Một thời hương xa, Những thành phố trôi dạt tìm đến với những ai thật lòng sẵn sàng quăng mình vào một trải nghiệm đọc đầy trắc trở và ám ảnh, sẵn sàng ngồi lại để đối thoại cùng những dòng chữ.
Hành vi rũ bỏ danh xưng và từ chối các trình tự
Sau rất nhiều thể loại văn học từng được tác giả thử nghiệm… đến Những thành phố trôi dạt, cuốn sách đã rũ bỏ những danh xưng, chỉ giữ lại một mô tả: “chuỗi chuyện rời của 50 lữ khách”. Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng từng bày tỏ rằng, bản thân sự đọc hay sự viết đã là một trong cuộc du hành dạt trôi của con người; danh xưng không có ý nghĩa gì dan díu với những bước du hí như thế trên trang giấy hơn là một ám thị huyễn hoặc của đời sống.
Bởi thế, hiếm khi nào người đọc bắt gặp những cái tên được đặt cho những câu chuyện hay nhân vật trong sách. Tất cả đều vô danh: mang trên mình thân phận lữ khách xa lạ và bàng quan, 50 lời kể thuật lại 50 cuộc du hành ly kỳ của mình qua 50 thành phố.
Không còn danh tính, Những thành phố trôi dạt cũng cởi bỏ cả trình tự thời gian tuyến tính, phá vỡ chiều kích không gian hiện thực và đảo lộn luôn cả các ngôi xưng. Mốc thời gian của các câu chuyện khi thì giật lùi về trên những trang Kinh Thánh Cựu Ước, lúc lại nháo nhào vươn tới đời sống công nghệ vi tế của Tương Lai. Trong lúc ấy, không gian của chuyện được dựng lên bằng viễn tưởng và phi lý, hiện thực chỉ còn đóng vai trò một bộ khung xô lệch và lộn xộn cho lời kể tiếp biến.
Nguyễn Vĩnh Nguyên mô tả một đô thị nhập nhằng những tòa nhà cao thấp lớn bé đủ cỡ để biếm họa về một bản sắc bị mai một và bất nhất, trong khi ngay chính ngôi xưng và lời kể trong chuyện cũng thiếu nhất quán: vừa dùng ngôi thứ ba, thoắt cái đã chuyển về xưng “tôi”, lúc mượn giọng một cuốn sử, khi mạo danh một bức thư,… Chính điểm này làm dấy lên nghi vấn: 50 câu chuyện này của một người hay 50 người lữ khách? Nhưng, có lẽ cả hai, vì giữa ta ở thành phố này và ta trong suy tưởng về một thành phố nào đó là mấy người?
Bằng sự chối bỏ danh tính và trình tự được đưa ra trong cuốn sách, người đọc bị ném vào một vũ trụ hỗn mang nơi các đô thị đồng hiện và biến động trong tất cả các chiều không gian và khoảng thời gian. Con người “phải bị” trôi dạt trong vũ-trụ-đô-thị cùng với cảm thức về sự bất định và mất mát.
Sự mất mát, sự tự hủy, sự chết…
Nhưng cái gì mất mát? Con người mất mát? Đô thị mất mát? Đời sống mất mát?
Gã nhà văn mơ mộng nuôi dưỡng ám thị về tòa thư viện ngày sinh viên (đã không còn nữa); một du khách mọc cánh bay lên trong một thành phố dần bốc hơi; Italo Calvino đang vô hình dần trong các thành phố ông ấy tạo ra; ba thế hệ đạo quân đã đối xử rất khác nhau với sách nhưng đều chung một mục đích hủy diệt thành phố…
Cây thông cuối cùng bên bờ hồ tuyệt vọng; sách bị giam trong những thư viện rồi mục ruỗng; thành phố kem tan chảy và xây dựng mỗi ngày; đô thành bị loài khỉ đột xâm chiếm, những u linh kêu khóc đến ngàn năm…
Tất cả sẽ biến thành sự vô hình (mất mát) dưới mọi hình thức khác nhau: bị đốn hạ, bị hóa ếch, bị mọc cánh, bị tan chảy, bị thiêu rụi, bị tận diệt… trong cách loài người hình dung và vun đắp đô thị. Đô thị tự hủy nó qua những lớp nghĩa chồng chất cứ mục ruỗng dần ra và sụp đổ dần xuống. Còn con người trượt khỏi đô thị bằng cách đánh mất tất cả quá khứ và hiện tại của thành phố, chuồi mình theo một ảo tưởng huyễn hoặc trong đời sống.
Một cuộc đối thoại và một cuộc giải thoát
Không nêu ra một giải pháp nào cho quá trình tự hủy ấy, Những thành phố trôi dạt đòi hỏi cuộc song thoại cùng 50 đô thị để nhìn nhận lại về căn tính con người và bản thể của các thành phố hiện đại. Liệu đô thị có mang sẵn trong mình một bản chất nhất định hay không? Hay trong một vũ trụ đô thị, tất cả những gì con người tìm thấy là sự hỗn loạn và thay đổi tiếp biến.
Truy về nguồn gốc đô thị, con người bắt đầu nhận ra một khoảng rỗng của căn tính. Đô thị không tự nó mang nghĩa. Đời sống không tự nó xác định ý nghĩa. Mà nghĩa được đem lại bởi con người. Loài người vận hành các thiết chế xã hội bằng cách đổ nghĩa vào đời sống và dựng nghĩa cho đô thị, như một cố gắng để neo đậu đời sống và neo đậu đô thị lại. Nhưng càng nhiều lớp nghĩa được đắp bồi thêm lên tức là càng nhiều nghĩa phải bị xói mòn, trượt lở đi mất và tức là càng nhiều mâu thuẫn rạn vỡ chồng chéo xuất hiện.
Chính thế mà lữ khách mới chứng kiến thấy sự hủy diệt của thành phố, sự sụp đổ của những căn tính vốn rất “chân lý”.
Chừng nào con người còn quên rằng mình đang phải dạt trôi giữa vũ trụ, chừng ấy họ còn cố gắng thả neo ghìm giữ kiếp sống này, chừng ấy những đô thị còn liên tục mất hút vào một vùng khuya của tâm tưởng con người. Cần thiết một cuộc nhổ neo đào thoát khỏi ý nghĩa và danh xưng, để con người sẽ nương theo dòng trôi dạt tìm về với bản thể uyên nguyên của đời sống.
Những điều trên không bao giờ xuất hiện trên những trang văn, mà nằm im ở tầng sâu giữa các kẽ chữ, ở một miền vô ngôn không bao giờ muốn nói. Hãy gõ lên cánh cửa ba tiếng và lặng thinh bước vào.
Lịch sử các thành phố là một lịch sử trôi dạt. Hay nói cách khác, sự thay đổi của đô thị là một cuộc ly tâm trùng trùng đối với cái gọi là căn tính của chính nó”. Nguyễn Vĩnh Nguyên |
Trần Minh Tâm
Theo Zing.vn