Cán bộ lấy hàng từ thiện của người già và trẻ khuyết tật
Tám cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật lợi dụng trời nhá nhem tối, tuồn bánh Trung thu, sữa, bim bim qua hàng rào mang đi.
Theo Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội), ngày 8/9 có 3 đoàn từ thiện đến đơn vị tặng quà. Đó là gia đình bà Mạc Thị Vương (Hà Nội) tặng 218 chiếc bánh Trung thu; Câu lạc bộ thiện nguyện Hương Sen tặng 334 hộp sữa có ống hút, 334 chiếc bánh tẻ, 263 hộp bánh bông lan; Hội thiện nguyện Thu Hiền tâm linh tặng 257 chiếc bánh nướng, 334 hộp sữa có ống hút, 334 gói bim bim.
Trung tâm cử cán bộ dẫn các đoàn từ thiện đi phát quà trực tiếp cho người già và trẻ khuyết tật. Khi các đoàn từ thiện ra về, hai nhân viên Đào Thị Phương, Nguyễn Thị Liên (Phòng Phục hồi chức năng) mang một số hàng như sữa, bánh Trung thu, bim bim, kẹo ra bên ngoài. Hành vi này đã được một số phóng viên ghi lại, phản ánh trên báo chí.
Hai cán bộ Phòng Phục hồi chức năng giải trình, số hàng hóa trên do người già, trẻ trong trung tâm ăn không hết nên cho. Nhưng ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật, cho rằng nếu cho thì sao không mang ra ngoài bằng cổng chính đàng hoàng, “việc gì phải chờ nhá nhem tối, lúc bảo vệ không kiểm soát, người trong người ngoài chuyển hàng ra“.
Ngày 23/9, trung tâm đã họp, cảnh cáo Đào Thị Phương và Nguyễn Thị Liên; khiển trách ông Trịnh Văn Hậu, Tổ trưởng bảo vệ. Hai cán bộ Phòng Phục hồi chức năng đã công tác ở trung tâm được 20 năm và hiện vẫn đi làm bình thường.
Tiếp tục rà soát, ông Hồng cho biết đến chiều 27/9 có 12 người liên quan tới việc tuồn hàng từ thiện ra ngoài, trong đó có tám cán bộ trung tâm. Số này sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Ngoài ra, cán bộ ban, phòng chức năng, ban giám đốc, giám đốc cũng phải kiểm điểm trách nhiệm, nghiêm túc rút kinh nghiệm.
“Tuồn ra hàng rào như thế là hoàn toàn vi phạm quy định của ngành và đạo đức nghề nghiệp”, ông Hồng nói, nhưng cho rằng không có chuyện việc ăn chặn hàng xảy ra thường xuyên ở trung tâm, sự việc vừa qua chỉ mang tính “bột phát” của một số cá nhân.
Cũng trong ngày 27/9, đoàn công tác của Sở Lao động Thương binh và Xã hội do Phó giám đốc Hoàng Thành Thái dẫn đầu đã làm việc với trung tâm. Ông Thái cho rằng việc cán bộ trung tâm ăn chặn hàng từ thiện là “rất đáng tiếc, từ xưa đến nay chưa xảy ra” và có thể làm mất lòng tin của nhà từ thiện.
Sở sẽ kiểm điểm rút kinh nghiệm, đồng thời thiết lập hệ thống giám sát ở các trung tâm, xây dựng quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng hàng hóa từ thiện. Với Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật, Sở yêu cầu xử lý đúng người, không bao che, dung túng để làm gương cho cán bộ, nhân viên khác.
Do đặc thù của trung tâm là đi chung đường với Trung tâm chăm sóc người tâm thần nên khó kiểm soát. Sở yêu cầu ngày 28/9 lắp barie đầu đường vào, cán bộ làm việc ở hai trung tâm và khách ra vào sẽ phải trình thẻ. Ngoài ra, trung tâm sẽ lắp đặt thêm 6 camera, thêm hệ thống chiếu sáng để kiểm soát.
Trước đó ngày 25/9, báo chí phản ánh việc nhiều cán bộ, nhân viên trung tâm thường xuyên tuồn hàng từ thiện do các cá nhân, tổ chức trao tặng ra ngoài. Một ngày sau, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giao thanh tra thành phố chủ trì kiểm tra, làm rõ thông tin nêu trên, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm với các tập thể, cá nhân liên quan.
Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật (xã Thụy An, huyện Ba Vì) đang nuôi dưỡng 330 người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 165 người già và 165 trẻ em. Trung tâm cũng là nơi đã tiếp nhận một số trẻ em chuyển tới từ chùa Bồ Đề (Long Biên) vào năm 2014, khi có nghi vấn mua bán trẻ em tại ở ngôi chùa này. Trung tâm đang thực hiện 3 chế độ ăn mỗi tháng: Đối với người già cô đơn, người tàn tật dưới 60 tuổi thì chế độ 1.050 triệu đồng; người già trên 60 tuổi và các cháu trẻ trên 5 tuổi là 1,4 triệu đồng; trẻ dưới 5 tuổi là 1,7 triệu đồng. |
Bài & ảnh: Võ Hải
Theo VnExpress