fbpx

Các phẩm chất nền tảng của một nhà lãnh đạo bền vững

Thế giới hiện đại với những thay đổi chóng mặt xung quanh ta luôn là một thử thách cho bất cứ ai, trong cuộc sống, trong công việc, và sau cuối là trong việc tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình.

 

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chia sẻ các phẩm chất cốt lõi mang tính nền tảng của một nhà lãnh đạo mà tôi rút ra được từ chính hành trình của bản thân mình. Nó không chỉ giúp tôi trong việc tự phát triển bản thân, mà còn giúp tôi trở thành một nhà lãnh đạo có sức ảnh hưởng lớn và truyền cảm hứng đến trên dưới 1.000 đồng nghiệp của tôi tại Công ty KMS Technology Vietnam, là công ty mà tôi đã đồng sáng lập, xây dựng và phát triển hơn 10 năm trước trong cương vị Tổng giám đốc.

Nguyễn Việt Hùng – Sáng lập & nguyên CEO KMS Technology Vietnam.

Sự chính trực được thực hành trên nền tảng đạo đức

Thành công luôn đến từ những đội nhóm gắn kết chặt chẽ với nhau. Sự gắn kết thì lại được khởi nguồn từ các mối quan hệ tích cực và tương hỗ đi cùng với một văn hoá đội nhóm dựa trên nền tảng niềm tin. Nếu ai nắm vững công thức này và kiên trì theo đuổi thì tôi chắc chắn kết quả cuối cùng không có gì khác ngoài thành công.

Tất cả đều khởi nguồn từ nhà lãnh đạo của tổ chức. Vậy các phẩm chất nào là nền tảng, là cốt lõi một nhà lãnh đạo cần có để có thể hoàn thành tốt vai trò “chim đầu đàn” của mình, ngắn hạn cũng như dài hạn – mà tôi gọi là bền vững, vượt thời gian?

Phẩm chất đầu tiên mà tôi đúc kết được, và cũng là điều kiện tiên quyết cho một nhà lãnh đạo giỏi, là sự chính trực được thực hành trên nền tảng đạo đức. Chính trực vốn là một khái niệm không dễ để diễn tả. Theo tôi, chính trực chính là sự nhất quán trong suy nghĩ, hành động và lời nói. Có nghĩa là nói điều gì thì làm điều đó. Giữ được lời hứa của mình đưa ra, thay vì nói một đường làm một nẻo. Và khó hơn nữa là việc duy trì được sự nhất quán này ngay từ trong suy nghĩ ra đến hành động và lời nói, thể hiện ra bên ngoài.

Đạo đức lại là một khái niệm rộng lớn khác và cũng không dễ để giải thích và định nghĩa. Đối với tôi, có đạo đức nghĩa là không làm hại ai, kể cả chính mình. Mà một cách để dễ hình dung hơn là bạn làm sao để đêm về có thể có một giấc ngủ ngon mà không hề bị dằn vặt. Hay tôi thường gọi là làm người đàng hoàng.

Như vậy, giá trị và nguyên tắc nền tảng đầu tiên cho một nhà lãnh đạo mà tôi học được đó chính là sự nhất quán trong suy nghĩ, hành động, và lời nói dựa trên nền tảng làm người đàng hoàng. Sự chân thành, trung thực và tính nhân văn chắc chắn đã được bao gồm trong phẩm chất đầu tiên này rồi. Không phải ai cũng có thể duy trì được điều này một cách toàn diện và hoàn hảo.

Chúng ta chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc phạm phải các sai lầm. Đó là lúc chúng ta “học bài” và rút ra các bài học cho bản thân mình cũng như cho tổ chức. Sau đó, cần cam kết với bản thân không lặp lại các sai lầm đó trong tương lai. Sau một thời gian kiên trì và liên tục rèn luyện như thế, bạn dần có thể sống một cách tự nhiên với giá trị chính trực và đạo đức này. Khi tuyển chọn cộng sự, phẩm chất này là điều kiện tiên quyết. Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể thoả hiệp với việc thiếu chính trực và đạo đức.

Từ nền tảng của việc thực hành phẩm chất chính trực này, những gì chúng ta thu được sẽ là vô cùng lớn lao. Ví dụ, những ai có dịp tiếp xúc với tôi lần đầu sẽ thấy rằng có vẻ như những lời nói của tôi là đáng tin cậy. Tuy nhiên, sự tin cậy đó chắc hẳn mang nhiều cảm tính chủ quan. Nếu mọi người tiếp tục có cơ hội quan sát những gì tôi nói cùng với những việc cụ thể tôi làm liên tục trong suốt 6 – 12 tháng và thấy rằng tôi nói những gì tôi làm và tôi làm những gì tôi nói thì chắc chắc niềm tin mà mọi người dành cho tôi sẽ tiến lên ở một mức mới cao hơn. Khi đó, lời nói và sự ảnh hưởng của tôi chắc chắn là có trọng lượng hơn, chắc thật hơn đến mọi người.

Nếu mọi người lại có thêm thời gian làm việc nhiều hơn với tôi để thấy được rằng, những hành động và lời nói của tôi đều xuất phát từ các suy nghĩ tích cực, vươn lên trong cuộc sống, đóng góp cho thành công chung và không làm hại ai, kể cả chính mình, khi đó tôi chắc chắn rằng mọi người sẽ đặt trọn vẹn niềm tin vào tôi và sẽ lắng nghe ý kiến của tôi. Đó chính là 3 mức độ của khả năng lãnh đạo mà bạn có thể đạt được.

Một cách đơn giản thì kỹ năng lãnh đạo được định nghĩa là khả năng ảnh hưởng đến người khác một cách tích cực. Hay nôm na là mọi người đồng ý với sự dẫn dắt của bạn, đồng ý với các quyết định và đường hướng mà bạn lựa chọn cho đội nhóm, công ty. Để có được sự đồng ý đó, bạn cần có được niềm tin từ những người xung quanh. Mức độ niềm tin mà những người xung quanh dành cho bạn sẽ định nghĩa mức độ khả năng lãnh đạo của bạn có được đối với mọi người.

Ở tầng mức cuối cùng, khi mọi người thấy được sự nhất quán của suy nghĩ, hành động và lời nói thì khi đó bạn không cần đến chức danh để ảnh hưởng đến người khác nữa. Mọi người lắng nghe lời đề nghị hoặc quyết định của bạn đơn giản vì họ tin vào sự hướng thiện và tính chính trực của bạn, mà họ thấy được ngay từ trong sâu thẳm nhất của con người bạn, một sự tin tưởng bền vững. Đó là nền tảng để có thể phát triển được các mối quan hệ tích cực đối với những người xung quanh.

Cởi mở từ trong tâm trí

Phẩm chất cốt lõi thứ hai mà tôi thấy được ngày càng rõ ràng hơn khi tôi càng trưởng thành đó là sự cởi mở, sự cởi mở trong tâm trí. Có một số sự thật mà chúng ta không thể thay đổi được. Nếu chúng ta có thể nhận ra và đồng ý với các sự thật đó thì nền tảng cởi mở của chúng ta sẽ càng dễ dàng phát triển hơn.

Chúng ta sinh ra, lớn lên và sẽ ra đi khỏi cuộc đời này. Chúng ta luôn thật bé nhỏ trước Mẹ thiên nhiên, thật bé nhỏ trước sự vĩ đại và vận hành không ngừng nghỉ của các sự vật và hiện tượng tự nhiên xung quanh ta. Thậm chí, hiểu biết của chúng ta vẫn còn rất “khiêm tốn” về chính cơ thể của chúng ta, về các bệnh tật trên thân của chúng ta, chưa nói đến sự phức tạp trong tâm trí chúng ta cũng như về các mối quan hệ giữa con người và con người.

Bạn muốn lãnh đạo người khác hiệu quả, trước hết bạn cần phải lãnh đạo được chính bản thân mình.

Chúng ta chỉ có thể “khá” hơn lên nếu chúng ta chấp nhận được rằng hiểu biết của chúng ta còn quá nhỏ bé. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể cởi mở đón nhận, tò mò học hỏi từ những khó khăn và thử thách xảy đến với chúng ta mỗi ngày. Ngược lại, nếu chúng ta đóng kín tâm trí của mình bởi sự tự tin quá đáng, bởi sự ngạo mạn, bởi trí thông minh mà tạo hoá ban cho chúng ta, điều đó giống như ly nước đã đầy.

Bạn không thể có thêm được sự thông tuệ mà bạn cần có thêm trên bước đường phát triển và rèn luyện bản thân mình. Nói chung là bạn sẽ tự giới hạn mình ở trong sự hiểu biết nhỏ bé của bạn. Nếu bạn nghiêm túc với bản thân mình và mong muốn phát triển bản thân mình, tự bạn sẽ cần phải bứt phá ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó.

Khả năng quan sát, sự tôn trọng, linh hoạt và sáng tạo

Việc có thể thiết lập được một nền tảng cởi mở cho tâm trí cũng là nền tảng quan trọng để phát triển các phẩm chất mấu chốt kế tiếp: khả năng quan sát, sự tôn trọng, khả năng linh hoạt, và khả năng sáng tạo.

Tôi nhận thấy rằng, những người thành công trong cuộc sống là những người có đầu óc quan sát bén nhạy và tinh tế trong lĩnh vực của họ, cũng như cuộc sống nói chung. Cho dù bạn có nhiều kiến thức đến đâu, nhưng nếu bạn không có sự tinh tế trong công việc và trong cuộc sống, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con người và con người, tôi không nghĩ rằng bạn có thể thành công.

Ngược lại, có thể bạn không được đào tạo bài bản và không có quá nhiều kiến thức, nhưng với khả năng quan sát tinh tế, tôi tin rằng bạn sẽ thành công. Chắc chắn rằng bạn chỉ có thể sắc bén hơn, nếu bạn có thể duy trì được một tâm trí cởi mở, học hỏi, tò mò.

Sự thật là mỗi chúng ta được sinh ra với một vài điểm mạnh nhưng đi cùng với vô số các điểm yếu. Do đó, để có thể thành công trong công việc, cũng như trong cuộc sống, đa phần chúng ta sẽ cần có các cộng sự phù hợp với chúng ta. Đó là những cộng sự cùng chia sẻ với chúng ta các giá trị cốt lõi chung, đồng thời có các điểm mạnh bù lại các khiếm khuyết của chúng ta.

Mỗi một con người đến với cuộc sống của chúng ta đều mang một ý nghĩa nhất định. Và chúng ta “cần” có nhau theo một cách nào đó. Đó là lý do vì sao chúng ta cần tôn trọng mọi người theo một ý nghĩa nhân văn nhất. Tôn trọng điểm tốt cũng như điểm chưa tốt của họ và của chính bản thân mình.

Trong công việc và cuộc sống, dường như có quá nhiều yếu tố bất ngờ xảy đến với chúng ta theo một cách… bất ngờ nhất. Chúng ta lên kế hoạch một đường, mọi việc lại xảy ra một nẻo. Chúng ta mong muốn gặp được khách hàng tử tế, đối tác ổn định, cộng sự đáng tin cậy. Chắc chắn là như thế. Nhưng chẳng có gì đảm bảo chắc chắn 100% về điều đó cả. Cần nhớ rằng mọi việc đều vận động và thay đổi, mà không hề đứng yên.

Nếu việc thay đổi này là không tránh khỏi, là liên tục thì tốt nhất chúng ta cần xây dựng cho bản thân một sự linh hoạt, mềm dẻo để có thể đối trị với các thay đổi này một cách hiệu quả nhất. Khả năng linh hoạt của chúng ta luôn gắn liền chặt chẽ với tâm trí cởi mở và khả năng quan sát khách quan. Tôi tin rằng “linh hoạt” luôn là yếu tố sống còn của bất cứ đội nhóm hay cá nhân nào.

Và cuối cùng là sự sáng tạo. Khi chúng ta không ngừng tò mò, học hỏi và khám phá, sự sáng tạo sẽ được xây dựng và phát triển một cách tự nhiên. Một định nghĩa đơn giản nhất của sáng tạo là “làm khác đi”. Nghĩa là chúng ta không theo lối mòn. Cùng một việc nhưng chúng ta có thể làm khác đi, nhưng vẫn thu được cùng một kết quả, với ít công sức hơn và ít tài nguyên cần phải bỏ ra hơn. Mấu chốt là chúng ta cần phải có các ý tưởng mới, khác đi. Và ý tưởng luôn bắt nguồn từ sự tò mò, khám phá không ngừng nghỉ.

Như vậy, với nền tảng của một tâm trí cởi mở, chúng ta có thể xây dựng và phát triển một cách tốt nhất khả năng quan sát, sự tôn trọng, khả năng linh hoạt và sáng tạo.

Sự quan tâm

Phẩm chất nền tảng cuối cùng mà một nhà lãnh đạo bền vững cần có là sự quan tâm. Theo tôi, chúng ta chỉ có thể quan tâm một cách đúng đắn nhất đến những người xung quanh, nếu chúng ta có thể làm được việc đó đối với bản thân mình. Chỉ khi đó, sự quan tâm người khác mới thực sự ý nghĩa hơn và mạnh mẽ hơn.

Vấn đề là chúng ta thường “đánh mất” chính mình trong công việc. Chúng ta quên đi việc chăm lo cho sức khoẻ của bản thân chúng ta, quên đi việc rèn luyện và xây dựng cho mình một tâm trí tích cực, mạnh mẽ nhưng cân bằng. Vậy mà chúng ta lại “dám” vác lên vai trách nhiệm của hai chữ “quan tâm” đến đồng nghiệp và những người xung quanh, trong khi không biết cách chăm lo cho riêng mình. Điều đó thật nguy hiểm. Việc này giống như lời nhắc nhở đeo mặt nạ dưỡng khí mà chúng ta thường nghe trên máy bay. Chúng ta cần đeo mặt nạ cho chúng ta trước khi đeo cho trẻ nhỏ.

Hãy bắt đầu từ việc hiểu rõ bản thân mình, và quan tâm đến chính mình. Khi bạn có thể làm tốt được việc đó thì sự quan tâm người khác sẽ đến một cách tự nhiên, như là một hệ quả mà không cần gò ép.

Bạn có biết được thế mạnh của bạn là gì không? Điểm yếu của bạn là gì? Điều gì sẽ làm cho bạn hạnh phúc? Bạn thích hợp với những loại công việc gì? Bạn thích hợp làm việc với loại người như thế nào? Bạn có giao tiếp và hoà đồng tốt với mọi người xung quanh mà không đánh mất bản sắc của riêng bạn không? Mục tiêu của cuộc đời bạn là gì?

Hai năm trước, tôi đã chủ động rút lui khỏi vị trí Tổng giám đốc để có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc phát triển bản thân mình, mà chủ yếu là theo đuổi con đường phát triển tâm linh. Hai chữ “tâm linh” thường nghe có vẻ bí ẩn và khó hiểu. Nhưng thực tế thì hai chữ đó cũng chỉ đề cập đến việc tìm hiểu chính bản thân mình, hiểu rõ về bản thân mình ngày một nhiều hơn.

Có một câu ngạn ngữ cổ xưa đại khái nói rằng “chiến thắng lớn nhất của bất cứ ai chính là chiến thắng bản thân mình”. Quả thật như thế. Mọi việc đều bắt đầu ở chính bản thân mình. Bạn muốn lãnh đạo người khác hiệu quả, trước hết bạn cần phải lãnh đạo được chính bản thân mình. Bạn muốn giao tiếp với người khác hiệu quả, trước hết bạn cần phải giao tiếp được với chính mình. Bạn cần quản lý người khác hiệu quả, trước hết bạn cần phải quản trị được chính mình. Bạn muốn mang hạnh phúc đến cho những người xung quanh, trước hết bạn cần phải tìm được hạnh phúc cho chính mình. Nên việc tôi rút lui khỏi công việc và kinh doanh có lẽ là một điều tất yếu trong quá trình phát triển của bản thân tôi, đi về phía hạnh phúc.

Tóm lại, theo tôi, các phẩm chất nền tảng của một nhà lãnh đạo bền vững bao gồm sự chính trực trên nền tảng đạo đức, cởi mở, quan sát, tôn trọng, linh hoạt, sáng tạo và quan tâm.

Nếu các bạn là một nhà lãnh đạo có đầy đủ và trọn vẹn các phẩm chất này, chắc chắn các bạn sẽ thu hút được những cộng sự và đồng nghiệp xung quanh tương đồng như vậy. Các giá trị cơ bản này chính là nền tảng cho văn hoá đội nhóm và doanh nghiệp của bạn. Đó là nền tảng của tính nhân văn, của sự gắn kết. Chỉ có những tập thể gắn kết mới là những tập thể có thể làm nên những thành quả vượt trội, tôi tin là như vậy. Nếu một nhà lãnh đạo hiểu và kiên trì thực hành các phẩm chất nền tảng này, thành công cá nhân cũng như thành công tập thể chắc chắn sẽ chờ đợi ở cuối con đường.

May mắn thay, sự thành công đó không chỉ dừng lại ở trong công việc. Mà đó cũng là nền tảng của hạnh phúc khi bạn có thể có và duy trì được những mối quan hệ tích cực và ý nghĩa với những người bạn gặp trong cuộc sống. Chúc bạn được mọi thuận lợi và thành công!

Nguyễn Việt Hùng

Theo theleader.vn

(*) Nguyễn Việt Hùng – Sáng lập & nguyên CEO KMS Technology Vietnam

Link nguồn: https://theleader.vn/cac-pham-chat-nen-tang-cua-mot-nha-lanh-dao-ben-vung-1579582236819.htm

CÙNG CHUYÊN MỤC