fbpx

Buồn buồn phóng bút xuyên thời gian

Ra đời tại Nhật vào khoảng năm 1330, cuốn tùy bút Tsurezure-gusa (Đồ nhiên thảo) của Urabe Kenko (trong khoảng 1283 – 1350) đến nay đọc vẫn còn mới rợi. Đặc biệt nhất là tinh thần hiện sinh, tư duy vui sống với hiện tại của tu sĩ – ẩn sĩ Urabe Kenko sẽ còn truyền cảm hứng xuyên thời gian.

Với 243 đoạn, từ vài chục chữ đến trên dưới 1.000 chữ, chủ đề riêng rẽ nhau, nên sách này đọc rất thong thả, dễ dàng.

Về mặt chiết tự, Đồ nhiên thảo có thể hiểu thoáng và dịch là Buồn buồn phóng bút. Vì sách này có câu nhập đề như sau: “Những lúc rỗi rảnh đến nhàm chán, từ sáng đến chiều, ta đối mặt với nghiên mực, đang nghĩ chuyện này bắt sang chuyện khác, mặc cho ý tưởng trào ra đầu ngọn bút. Thấy mình thật vớ vẩn”. Có thể nói ẩn sĩ Urabe Kenko – thường được người đời gọi là Yoshida Kenko – là một người viết tùy bút tiền phong, tự do.

buon-buon-phong-but
Bìa cuốn Đồ nhiên thảo vừa phát hành trong tiếng Việt. Cuốn này được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ, nổi tiếng khắp thế giới.

Bài viết này sẽ không tóm lược cuốn Đồ nhiên thảo, do Nguyễn Nam Trân dịch từ cổ văn tiếng Nhật, mà chỉ trích vài đoạn, với ý nghĩ thử cùng độc giả hình dung về một tu sĩ phóng khoáng thời Trung Cổ. Tại các nước Đông Á, xét về tinh thần tự do và kỷ luật, đạo pháp và hiện sinh, truyền thống và cải tiến, thì khó có nước nào so bì được với Nhật Bản. Các thiền sư, đạo sư trào lộng, du hý, vô cố vô chấp của họ cũng nhiều hơn, vì vậy mà để lại nhiều công trạng, hành trạng và tác phẩm lý thú.

Đoạn 8 của Đồ nhiên thảo có tựa Cái làm rối loạn lòng người, toàn văn như sau: “Ở đời, cái làm cho tâm người đàn ông rối loạn là dục vọng của họ đối với phụ nữ. Con người ta quả là ngu muội vậy. Cái hấp dẫn gây ra bởi các giác quan nào phải có thực, ví dụ hương thơm xông quần áo chỉ là cái nhất thời, thế mà khi ngửi mùi lan xạ là không thể nào con tim không bấn loạn. Nhà ẩn tu ở chùa Kume đất Yamato thấy bắp chân trần trắng muốt của người con gái đang giặt đồ mà mất phép thần thông, (đang bay) bỗng rơi xuống đất. Thật vậy, khác với hương phấn (không thực và không lâu dài), tay chân và làn da người con gái có cái đẹp màu mỡ của da thịt thiên nhiên, chẳng trách nhà tu hành kia đâm ra mê loạn”.

Tư tưởng hiện đại của Urabe Kenko là thường nhìn một sự việc ở nhiều khía cạnh, như trong đoạn trên đây, ông không đứng hẳn về phía người đàn ông bình thường, hoặc đứng về nhà ẩn tu. Cũng như không chê bai hoàn toàn hương sắc, không bênh vực hoàn toàn xác thịt, mà tùy tâm cảnh của mỗi người nhìn ngắm.

buon-buon-phong-but
Một trang Đồ nhiên thảo trong tiếng Nhật, được đời sau in lại.

Đoạn 77 có tựa Hồi đó có người thế này, như sau: “Thật không thể nào chấp nhập được là ở đời, vào thời điểm nào đó, có những giai thoại được người ta mang đi nói hết chỗ này đến chỗ nọ, như món quà thời thượng. Kẻ chẳng dính dáng nếp tẻ gì cũng tỏ ra hiểu biết ngọn ngành, không những đem nó ra đàm tiếu với mọi người, lại còn dò hỏi chỗ khác để tiện thêm mắm dặm muối. Đặc biệt có những tăng sĩ đã lánh đời, đem thân gửi chốn thâm sơn cùng cốc, còn hăng hái đi tìm hiểu hành vi của những người thế tục như thể nó dính líu đến mình. Họ phóng ra những tin tức mà ta phải ngạc nhiên tự hỏi làm sao họ lại thông thạo đến thế”.

Có phải Urabe Kenko viết cho thời văn hóa mạng đang chiếm ưu thế này không, sao mà nó gần gũi, xác thực đến vậy.

Đoạn 97 có tựa Vật sống bám theo, như sau: “Lúc nào cũng có một vật sống bám theo một vật khác, làm tiêu hao và gây nguy hại cho vật đó. Chúng nhiều không kể xiết: chấy rận trên thân thể, chuột trong nhà, giặc trong nước. Đối với những kẻ tiểu nhân, đó là của cải, đối với người quân tử, đó là điều nhân nghĩa, đối với nhà tu, đó là đạo pháp”.

Đọc đoạn này, rồi so với phim Ký sinh trùng lừng danh của đạo diễn Bong Joon-ho mới đây, có thể thấy một sự tương liên kỳ lạ. Mà thông thường thì người ta thích chê người xấu, chê phường tiểu nhân, ở đây Urabe Kenko chê cả người quân tử, chê cả nhà tu. Như sách Ma kha chỉ quán chẳng viết đó sao: “Quán pháp tuy chính, trước tâm đồng tà”. Đại ý là gìn giữ đạo pháp là điều nên làm, nhưng để nó ám ảnh tâm tư thì cũng thành bệnh, thành điều xằng bậy.

buon-buon-phong-but
Ẩn sĩ Urabe Kenko trong mắt các họa sĩ đời sau.

Đoạn 187 có tựa Dân nhà nghề, như sau: “Trong lĩnh vực nào cũng vậy, đã là dân nhà nghề thì cho dù có kém cỏi đi nữa, đem so với kẻ tay mơ giỏi giang chắc chắn vẫn được việc hơn. Lý do là người nhà nghề chuẩn bị chặt chẽ, không hành động khinh suất. Trong khi đó, kẻ tay mơ cứ tự nhiên biết sao làm vậy. Khác nhau ở điểm đó. Chẳng phải chỉ áp dụng nó trong lĩnh vực nghệ thuật hay mọi thứ nghề làm ăn sinh sống mà thôi, mọi hành động hay cách xử trí trước các tình huống của con người cũng vậy. Kẻ vụng về mà cẩn trọng thì vẫn thành công, còn như khéo léo mà tùy tiện thì sẽ chuốc lấy thất bại”.

Đọc đoạn này có khác chi đọc các sách dạng mấy bước làm giàu hoặc bí kíp thành công của ngày hôm nay. Dù là tu sĩ, nhưng Urabe Kenko luôn đề cao tính chuyên nghiệp, nó giống như sự trì chú hoặc trì niệm thường xuyên vậy. Nhưng như đã nói, ít khi nào ông rời bỏ tinh thần nhị nguyên, không thích sự khẳng định, mà chỉ đưa ra quan niệm, tùy mỗi người tiếp nhận.

Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: “Đây là tập tùy bút kinh điển, ca ngợi dưỡng chất trần gian và cái đẹp vô thường trong thiên nhiên, trong cõi người ta. Đây là một liên ca văn xuôi đầy niềm vui sống, làm dậy men mỹ cảm tinh tế của người Nhật. Nếu có chút so sánh, thì nó ra đời trong khi Tây phương hãy còn rất hà khắc về tư tưởng. Hiếm có một tu sĩ, một ẩn sĩ nào ở Tây phương thời bấy giờ có tinh thần phóng khoáng, phá chấp giống như Urabe Kenko. Trong tiếng Việt, nhờ hân hạnh được đọc trước bản thảo từ lâu, nên biết bản dịch của Nguyễn Nam Trân rất đáng tin cậy. Bây giờ được cầm sách trên tay, tôi có cảm giác hân hoan như nhìn thấy mưa lành mới đến”.

Hiền Hòa

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

CÙNG CHUYÊN MỤC