fbpx

Bếp ấm trên đỉnh đồi Tây Bắc

Khi vào trang Tâm An trên facebook, tôi hoàn toàn bị cuốn hút vào những câu chuyện đời thường của cô gái nhỏ tên thật là Phạm Thị Thanh Loan 28 tuổi đang sống ở vùng Tây Bắc.

Quê Đăk Lăk, từng sống ở Hà Nội 5 năm để làm nghề thiết kế và làm chủ một quán chay, khi muốn trở về quê nhà sống thì Tâm An nhận được lời đề nghị làm quản gia cho một homestay ở bản làng Ý Linh Hồ thuộc thị trấn Sa Pa tỉnh Lào Cai. Bên cạnh công việc chính, Tâm An cùng với bạn mở cửa hàng bán quà tặng làm bằng vải dệt nhuộm thủ công và tự làm những video về ẩm thực Tây Bắc mang tên Bếp trên đỉnh đồi.

Tâm An là một cô gái yêu thiên nhiên, hòa nhập với đời sống giản dị của người dân sắc tộc H’Mông ở địa phương với những câu chuyện đời thường đượm tình yêu thương con người. Đọc những câu chuyện em viết và xem các clip Bếp trên đỉnh đồi, độc giả sẽ thấy tâm thái mình bình an và ước muốn có được một cuộc sống xanh giữa thiên nhiên như em.

Tâm An đang nấu cơm lam cho tụi nhỏ.
Tâm An đang nấu cơm lam cho tụi nhỏ.

Sống với mẹ thiên nhiên: cơ hội không thể chối bỏ

Em luôn cổ vũ cho cuộc sống xanh: yêu thiên nhiên, yêu con người và tự tay làm ra những sản phẩm organic không hủy hoại môi trường, những món ăn có đủ chất dinh dưỡng trồng từ đất, điều gì đã thúc đẩy em chọn lựa cuộc sống như vậy?

Điều khiến em lựa chọn cuộc sống như hiện tại vì em yêu thiên nhiên, yêu rừng, yêu làm vườn và muốn được sống nơi không khí trong lành. Cuộc sống ở Tây Bắc nơi em ở rất thú vị: được sống gần người dân trong bản, hằng ngày chơi đùa cùng tụi nhỏ, hàng xóm láng giềng giúp đỡ lẫn nhau, được mọi người trong bản chia sẻ cho những văn hóa, truyền thống của người H’Mông như nhuộm vải từ củ nâu, từ lá chàm và được đi hái rau rừng, hái quả trong rừng.

Em có thuộc nhóm cổ vũ cho việc ăn chay?

Mỗi người có một quan niệm sống khác nhau, hạnh phúc khác nhau, riêng với em, cuộc sống gần gũi thiên nhiên, những niềm vui đơn giản từ tụi trẻ trong bản, từ việc đi rừng hái lượm, rong chơi ruộng bậc thang mỗi chiều… cũng đủ khiến em hạnh phúc rồi. Mà đã hạnh phúc rồi mình cứ tận hưởng thôi, không mong cầu điều gì quá xa xôi nữa (cười). Ăn chay với những thực phẩm mọc từ đất đối với em là điều tự nhiên, không bị gò bó theo tôn giáo nào. Trước khi đến làm việc ở Sa Pa em từng làm chủ một quán chay ở Hà Nội và đó là mối duyên đưa em đến với công việc hiện nay.

Tâm An - cô Lang của những đứa trẻ Ý Linh Hồ.
Tâm An – cô Lang của những đứa trẻ Ý Linh Hồ.

Khi khách đến trú tại nhà nghỉ nơi em làm việc không thích ăn chay thì sao?

Mọi người cứ bảo Tâm An làm món ăn đặc sản người H’ Mông Sa Pa, thú thật ở đây chẳng có mắc khén, cũng chẳng có hạt dổi đâu… Món ăn hằng ngày, hằng bữa không thể thiếu ở đây có lẽ là món ớt nướng, giã ra với muối, rồi hòa nước chấm rau luộc, hoặc xào ớt lên với tí dầu, tí mỡ và ăn với cơm nóng… Người lớn trẻ em ở đây ăn đơn giản như vậy mà vẫn khỏe mạnh.
Người dưới xuôi lên đây cứ đòi sơn hào hải vị, nào là gà nướng mắc khén, hạt dổi… rồi bảo là đặc sản người H’ Mông trên này… không đúng đâu. Nếu đã đến bản làng Ý Linh Hồ chơi, phải tập ăn thanh đạm một tí, hít thở không khí trong lành cho căng lồng phổi, thanh lọc cơ thể. Nếu khách đồng ý ăn chay thì em có rau luộc là rau rừng và rau bờ ruộng ăn cùng muối ớt… như thế là rất thương khách, lo cho sức khỏe của khách. Còn khách nào đòi gà, cá hồi, cá tầm, thịt nướng… thì bếp nhà em không có.

Sống với mọi người: một trái tim ấm áp

Có vẻ như em không nề hà việc gì để giúp người dân trong bản, từ trẻ em đến người già?

Không phải, họ giúp em nhiều đó chứ. Nếu không có tình thương của Pù, mấy đứa nhỏ và các anh chị trong bản, em sẽ khó sống được ở đây. Và những việc em làm chỉ là để cảm ơn họ mà thôi.

Sống với dân bản, em học được ở họ điều gì?

Sự chia sẻ. Nhà ai có việc thì mọi nhà khác đến giúp, như hôm em dời vườn rau ra chỗ mới, mọi người đều đến giúp. Nhà ai có cái gì ngon cũng chia ra mời mọi người. Niềm vui ở bản chỉ giản dị vậy thôi, cho nhau ngô khoai, giúp nhau làm việc rồi ngồi cùng nhau trò chuyện bên bếp lửa hay ngắm nhìn thung lũng ruộng bậc thang xanh mát và nghe gió thổi… Ngoài ra, em còn học được là trao đi tình yêu thương thì sẽ được nhận lại nhiều hơn. Nghe người ta bảo tìm kiếm hạnh phúc khó lắm, em thấy dễ vô cùng, vì chỉ đơn giản là cho đi yêu thương thì sẽ nhận lại được yêu thương. Như Pù hì hụi may khăn đội đầu cho em đi chơi Tết, tụi nhỏ phụ em dọn dẹp, khuân vác củi…

Nếu phải rời Sa Pa và đến nơi khác để sống, điều gì sẽ khiến em nuối tiếc nhất?

Nếu một ngày nào đó em rời Sa Pa có lẽ điều khiến em buồn nhất, nuối tiếc nhất và thương nhất là tụi nhỏ ở đây. Nghĩ đến phải xa chúng thôi là mắt tự dưng ướt rồi…

Có lẽ vì thương tụi nhỏ nhất mà Tâm An nấu đủ thứ món cho tụi nhỏ ăn, từ việc làm đậu hũ đến làm ice-cream, hì hụi may túi – nón bằng vải dệt nhuộm thủ công đem bán để lấy tiền mua máy làm bỏng ngô cho tụi nhỏ, xin mọi người balô cũ – sách cũ cho tụi nhỏ mang đi học…

Hạnh phúc với cuộc sống hiện tại là thành công

 “Nếu có ai hỏi tôi sao lại dũng cảm, sao lại dám buông bỏ 1 công việc thời thượng ở thành phố về rừng. Tôi nghĩ đó không phải là sự dũng cảm hay buông bỏ gì. Chỉ đơn giản tôi trở về nơi tôi đã thuộc về. Đó là rừng, là núi, là nơi tôi có thể hít hà cái không khí mát lành buồng phổi. Những tháng ngày ở thành phố, tôi chưa bao giờ thôi nghĩ về những trưa hè oi ả, bên gốc cây kơ nia, bên dãy Chư Yang Sin hùng vĩ, một tuổi thơ êm ả… Thế rồi tôi lạc trôi lên Tây bắc, có lẽ là đi tiếp hành trình còn dang dở những tháng năm tuổi trẻ của ba tôi… cho đến khi kết thúc để trở về” (trích FB Tâm An)

 Nếu việc bán những sản phẩm organic và sống thuận tự nhiên không thành công, em còn dự án nào khác trong tương lai?

Em chưa có kế hoạch gì cho tương lai, đối với em cứ tận hưởng và hạnh phúc với giây phút hiện tại ở đây. Quan niệm thành công của mỗi người là khác nhau, riêng với em sự thành công đó chính là cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình, mà hiện tại em đang cảm thấy hài lòng và hạnh phúc thì em đang thành công rồi đấy,  dù tiền chỉ đủ sống, không có nghề nghiệp nào chính thống… Em không hối hận với lựa chọn của mình (cười)

Chị không tìm thấy sự tiêu cực và chán nản trong những tớt của em. Làm sao em giữ được tâm thế đó? Mỗi khi có điều gì bực bội hay chán nản, em sẽ làm gì?

Tất nhiên ai cũng có những lúc buồn và chán nản chứ. Em cũng có những lúc như vậy nhưng nó qua rất nhanh. Chẳng hạn như sự coi thường của khách, chẳng hạn như có những người khách tìm đến chỗ em chỉ vì thích những clip em làm nhưng rồi họ chỉ chăm chăm lo chụp hình chứ chẳng ngó ngàng gì đến những đứa trẻ đáng yêu nơi đó. Những lúc buồn hay chán nản việc gì đó em thường chọn cách ngồi yên một mình, khi mình yên mình mới hiểu được điều gì thật sự khiến mình buồn và mới tìm được cách tháo gỡ nó. Mà nếu không có cách gì để tháo gỡ thì mình cứ làm thinh thôi… hoặc chạy ra chơi cùng tụi nhỏ, làm vườn, đi dạo ruộng bậc thang thì một xíu là hết. Năng lượng của thiên nhiên giúp mình chữa lành rất tốt những cảm xúc tiêu cực.

Em thường hay kể về mẹ khi nấu một món ăn, thường kể về sự bao dung thông cảm của ba khi luôn ủng hộ con đường mà em chọn. Em có định trở về sống bên cạnh ông bà nơi quê nhà Đăk Lăk?

Học đại học ngành công nghệ thông tin và nhận bằng, em chẳng thấy hứng thú với mấy thứ mình học, tiền đổ vào đấy cũng chẳng ít. Đúng là chỉ khổ ba mẹ em luôn ủng hộ con gái. Khi bỏ công việc liên quan đến ngành đã học và xin vào Sài Gòn học thiết kế web, ba mẹ cũng đồng ý cho em đi với những lời khuyên chân thành. Lúc nào em cũng cảm ơn ba mẹ đã tin tưởng và luôn ủng hộ một kẻ lông bông như em, dù chẳng biết mai mốt em lại xuất hiện lù lù ở đâu với bản tính lông bông của mình… Trước khi lên Tây Bắc em đã định trở về quê nhà rồi đấy vì chán cuộc sống đầy áp lực ở Hà Nội, nhưng khi nhận được lời đề nghị làm việc ở Sa Pa, em đã nói chuyện với ba và ông khuyến khích em đi vì ông đã từng có những năm tháng rất đẹp ở Tây Bắc.

… Hóa ra cô gái nhỏ mang dòng máu phiêu lưu của ba và cuộc sống xanh ở Tây Bắc của cô hiện nay là bước tiếp nối con đường ba cô từng đi qua lúc trẻ. Chúc cho em luôn giữ được tâm thế trong trẻo để bước tiếp trên con đường mình đã chọn, hiện vẫn đang là mơ ước của nhiều người vốn dĩ hàng ngày phải đối diện với những áp lực của đời sống đô thị nhưng không có can đảm rời bỏ. Sống xanh như em thật không dễ tí nào đâu Tâm An!

Thiên Thanh

Ảnh: nhân vật cung cấp

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

CÙNG CHUYÊN MỤC