fbpx

Bản sao và dấu thời gian

Ở ngôi làng nhỏ Saint-Maurice-de-Rémens thuộc tỉnh Ain (Pháp), người ta đang có kế hoạch trùng tu “lâu đài của Hoàng tử Bé”. Nói cho đúng là trùng tu tòa lâu đài, nơi mà tác giả của Hoàng tử Bé, nhà văn Antoine de Saint-Exupéry đã trải qua thời thơ ấu của mình.

Chẳng là, vào tháng Hai vừa rồi, vùng Auvergne-Rhône-Alpes (tỉnh Ain thuộc vùng này) đã quyết định mua lại ngôi nhà vốn đã bị rơi vào quên lãng lâu nay để biến nó thành nơi lưu niệm tác giả của Hoàng tử Bé.

Ngôi nhà rộng lớn của gia đình nhà văn, nay trông như một trại lính bỏ hoang hơn là lâu đài của một nhà quý tộc thế kỷ XVIII, là nơi Saint-Exupéry từng trải qua những ngày hè dài, những giây phút hạnh phúc nhất cũng như vài bi kịch. Nó từng được ông nhắc nhớ trong các thư từ của mình, và đã để lại dấu ấn chỗ này chỗ khác trong các tác phẩm của ông. Nhưng ngôi nhà mà ông từng so sánh với “một con tàu đưa các thế hệ từ bờ này sang bờ kia”, từ nhiều thập niên qua trông xuống cấp chẳng khác nào một con tàu mắc cạn.

ban-sao-va-dau-an-thoi-gian
Ngôi nhà thơ ấu của Hoàng tử Bé Saint-Exupery

Báo Pháp Le Monde (10/7/2020) cay đắng than: “Và một sự hờ hững đến thế từ quê hương ông – ông chào đời tại Lyon, cách Saint-Maurice chưa đầy 50km – quả là một sự ngạc nhiên đáng buồn. Saint-Exupéry được yêu thích từ Seoul, Hàn Quốc đến Tarfaya, Maroc; Buenos Aires, Argentina. Có một bảo tàng về ông ở Nhật Bản, trong công viên Hakone có dựng lại mặt tiền lâu đài Bugey của ông. Người ta tự hỏi, làm sao mà nơi chốn yêu thích nhất của tác giả Pháp được đọc nhiều nhất ở nước ngoài, với cuốn Hoàng tử Bé đã được dịch ra 300 ngôn ngữ, lại bị bỏ cho tàn tạ như vậy mà không nghĩ ngay cả đến việc có thể thu ít đồng ngoại tệ từ đó?”.

Người Pháp đã nhận ra thiếu sót, vùng Auvergne-Rhône-Alpes đã nhận ra thiếu sót của mình và quyết sửa chữa. Hẳn rồi “Lâu đài của Hoàng tử Bé” sẽ trở thành điểm tham quan thu hút khách du lịch trong và ngoài nước Pháp, làm người ta thêm yêu mến Hoàng tử Bé, yêu tác giả của nó và văn chương Pháp.

Nhưng đó là chuyện ở Pháp. Ở Việt Nam, những ngày qua nhiều người, không cứ là người có đạo, quan tâm và cảm thấy tiếc nuối trước việc nhà thờ giáo phận Bùi Chu được/bị “hạ giải”.

ban-sao-va-dau-an-thoi-gian
Nhà thờ Bùi Chu trước khi “hạ giải”. Ảnh: TL

Báo Tuổi Trẻ ngày 20/7 đưa tin: nhà thờ Bùi Chu đang được phá dỡ để xây trên đó một nhà thờ mới. Gạch lát sàn và ngói của nhà thờ cổ được gỡ cẩn thận để bảo quản, nhưng chúng và những vật liệu khác của ngôi thánh đường này sẽ không được đưa vào công trình nhà thờ mới. Linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang – cha chánh xứ Bùi Chu – cho biết ngói, gạch hoa và những vật liệu được tháo dỡ từ nhà thờ Bùi Chu tạm thời sẽ được bảo quản, các linh mục chưa có kế hoạch sử dụng những vật liệu này. “Vật liệu đó chúng tôi hẵng cứ để đó đã rồi sắp xếp sau”, linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang nói.

Như vậy, nhà thờ Bùi Chu sẽ hoàn toàn kết thúc số phận của mình sau khi phá dỡ, chứ không phải nó sẽ tiếp tục được “tái sinh một đời sống khác” trong ngôi thánh đường mới nhờ vào việc đưa một số vật liệu cũ vào nhà thờ mới như thông tin được lan truyền trước đó.

“Nhà thờ mới sẽ được xây dựng trên nền nhà thờ cũ, theo hình dáng bên ngoài giống nhà thờ cũ nhưng kích thước lớn hơn và vật liệu thì mới hoàn toàn”, linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang nói.

ban-sao-va-dau-an-thoi-gian
Không gian bên trong nhà thờ Bùi Chu khi đang tháo dỡ… Ảnh: Thiên Điểu

Theo phối cảnh bên trong nhà thờ mới mà các linh mục ở giáo phận Bùi Chu gửi giáo dân của mình, mặc dù có hình dáng bên ngoài tương tự hình dáng của nhà thờ Bùi Chu cổ, nhưng bên trong nhà thờ mới sẽ hoàn toàn khác với nhà thờ cổ. Sẽ không còn trần Baroque lộng lẫy mà thay vào đó là kết cấu vì kèo gỗ giống như trong các đình, chùa của Việt Nam.

Sự tiếc nuối đã đi rất xa, lên tận trên trang báo New York Times của Mỹ.

Nhà báo Richard C. Paddock viết: “Nhà thờ Bùi Chu, ngôi nhà thờ mang tính lịch sử ở Việt Nam, một nhà thờ 135 tuổi được nhiều người xem như một viên ngọc kiến trúc, đang bị phá hủy để nhường chỗ cho một nhà thờ lớn hơn bất chấp những nỗ lực cuối cùng để cứu nó (…)”. “Điều này sẽ dẫn đến một sự mất mát không thể chối cãi đối với Việt Nam, đối với thế giới và đối với chính Giáo hội Công giáo”, ông Martin Rama, nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới, người đã làm việc để cứu ngôi nhà thờ, cho biết.

Thật vậy, nhà thờ cổ Bùi Chu là hiện thân của sự giao thoa tuyệt vời giữa văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Trong số hàng trăm nhà thờ Công giáo ở Việt Nam thì Bùi Chu nổi bật vì sự pha trộn khác thường của kiến trúc Baroque và Việt Nam. Giáo phận Bùi Chu là nơi Công giáo lần đầu tiên bén rễ tại Việt Nam hơn 400 năm trước, rất lâu trước khi Pháp hoặc cộng sản nắm quyền. Khu vực này thu hút rất ít khách du lịch nhưng vẫn là một trung tâm của Công giáo Việt Nam ngày nay”.

Như vậy là nỗ lực của những người đến từ nhiều chân trời, với tất cả thiện ý, muốn cứu lấy một di sản quý giá (dù có được Nhà nước công nhận hay không) cho mọi người, cho đời sau đã không thành công trước chủ định của những người có trách nhiệm của giáo phận là phá bỏ bản chính, ngôi nhà thờ cổ, để xây mới một bản sao của ngôi nhà thờ ấy. Bản sao mới có thể sẽ lộng lẫy hơn, hào nhoáng hơn, nhưng cái quý giá nhất là dấu thời gian gắn liền với bản chính không còn nữa. Người ta có thể làm được nhiều thứ nhưng dấu thời gian, thứ giá trị nhất, thì không.

ban-sao-va-dau-an-thoi-gian
… và trước đây. Ảnh: TL

Nhiều lý do đã được nêu ra cho việc phá bỏ bản chính để làm bản sao và cũng đã được phản biện, trong đó có đề nghị của ông Martin Rama vận động mua đất cho giáo phận xây ngôi nhà thờ mới rộng hơn, an toàn hơn gần đó để bảo tồn ngôi nhà thờ cổ, đã không được chấp nhận. Vấn đề quan trọng nhất được nêu ra như là lý do để không bảo tồn ngôi nhà thờ cổ là phải bảo đảm sự an toàn cho giáo dân, cho việc phụng tự, do sự xuống cấp không thể cứu chữa của ngôi nhà thờ cổ. Điều quan trọng này, sự xuống cấp có phải vô phương cứu chữa không, có lẽ chỉ có những vị có trách nhiệm của giáo phận biết, và Chúa biết.

Dù thế nào, sự tiếc nuối đã xảy ra, như nó đã xảy ra sau khi người ta phá bỏ ngôi nhà thờ cổ và đẹp, Trà Cổ, để thay vào đó một ngôi nhà thờ mới toanh. Và không chỉ có Trà Cổ.

Đoàn Khắc Xuyên

Theo nguoidothi.net.vn

 

Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/ban-sao-va-dau-thoi-gian-24748.html

CÙNG CHUYÊN MỤC