Đảm bảo công bằng trong chuyển dịch điện than sang năng lượng sạch
Qua phân tích, so sánh tác động của ba kịch bản phát triển nguồn điện đến năm 2030 của Việt Nam về việc làm, môi trường, các khía cạnh xã hội, an ninh năng lượng, chi phí đầu tư và chi phí sản xuất điện, thì kịch bản chuyển dịch sang năng lượng sạch mang lợi cơ hội nhiều hơn cho cả nền kinh tế, xã hội và môi trường.
Nội dung nêu trên được thể hiện trong kết quả nghiên cứu Phân tích các yếu tố đảm bảo công bằng trong chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam do Viện Friedrich- Ebert- Stiftung (FES) và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thực hiện và được công bố tại hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng: cơ hội và thách thức cho Việt Nam” diễn ra ở Tiền Giang vào hôm 28/6.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID – đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, ba kịch bản được phân tích trong nghiên cứu gồm: kịch bản cơ sở (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), có tổng công suất lắp đặt được dự báo tăng lên 60.000 MW vào năm 2020, 96.500 MW vào năm 2025 và 129.500 MW vào năm 2030; kịch bản năng lượng tái tạo (B&RE) có tổng công suất dự kiến sẽ tăng từ 38.900 MW vào năm 2015 lên 123.480 MW vào năm 2030, tức tăng 84.580 MW trong 15 năm, tương đương 5.640 MW mỗi năm; kịch bản kết hợp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (EE&RE), đến năm 2030 tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 21% lên 30%, tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ 14,7% lên khoảng 22,8% và giảm nhiệt điện than từ khoảng 42,6% xuống còn 24,4%.
Kết quả nghiên cứu các kịch bản nêu trên cho thấy, chuyển dịch năng lượng từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang ứng dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo “hứa hẹn” mang lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam về cả kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo đó, đối với an ninh năng lượng sẽ được đảm bảo tốt hơn, mà cụ thể hai kịch bản B&RE và EE&RE có tính ưu việt hơn so với kịch bản cơ sở trong việc đảm bảo an ninh năng lượng xét ở các tiêu chí mức độ đa dạng của nguồn năng lượng. Cả hai kịch bản B&RE và EE&RE, mà đặc biệt là kịch bản EE&RE có mức độ đa dạng hóa nguồn năng lượng tốt hơn do cơ cấu giữa các nguồn cân bằng hơn so với kịch bản cơ sở.
Đối với việc giảm tác động môi trường và sức khỏe cộng đồng, thì kịch bản dịch chuyển sang năng lượng sạch có đóng góp quan trọng vào cải thiện môi trường không khí và nguồn nước, cho nên, có đóng góp rất lớn đối với giảm thiểu rủi ro sức sức khỏe của cộng đồng.
Theo đó, tổng phát thải các loại bụi (TSP, PM10 và PM2.5) vào năm 2030 của kịch bản EE&RE ước tính giảm đến 48% so với kịch bản cơ sở và giảm 17% đối với kịch bản B&RE so với kịch bản cơ sở. Trong khi đó, phát thải TSP, PM10, PM2.5 của kịch bản EE&RE vào năm 2030 tăng 8% so với 2020, còn kịch bản cơ sở phát thải các chất này vào năm 2030 tăng 115% so với năm 2020.
Về nhu cầu sử dụng nước, phân tích cũng chỉ ra, trong tất cả các kịch bản, nhu cầu sử dụng nước chủ yếu cho việc làm mát, đặc biệt với nhiệt điện đốt than chiếm khoảng 63% trong tổng nhu cầu nước. Năm 2030, tổng nhu cầu nước kịch bản cơ sở là 103,3 tỉ mét khối, trong khi kịch bản B&RE là 87,7 tỉ mét khối và kịch bản EE&RE là 61,2 tỉ mét khối.
Ngoài ra, kết quả phân tích cũng chỉ ra, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch giúp tạo động lực phát triển mới và giúp thu hẹp khoảng cách cho các địa phương có tiềm năng ở vùng sâu, xa; tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu, xa và hẻo lánh.
Nhu cầu vốn đầu tư theo kịch bản chuyển dịch sang năng lượng sạch ít tốn kém hơn so với kịch bản cơ sở, mà cụ thể, mức chênh lệch tổng nhu cầu đầu tư giữa kịch bản cơ sở với kịch bản B&RE và EE&RE lần lượt là 5,294 tỉ đô la Mỹ và 3,625 tỉ đô la Mỹ. Chi phí sản xuất điện của hai kịch bản dịch chuyển sang năng lượng sạch thấp hơn so với kịch bản cơ sở; tạo việc làm mới; cải thiện chất lượng việc làm và chuyển dịch năng lượng không dẫn đến mất việc làm cho người lao động của ngành than hay của các nhà máy điện than…, cũng là những kết quả được chỉ ra.
Tuy nhiên, theo bà Khanh, chuyển dịch sang năng lượng sạch cũng đối mặt với bốn thách thức, gồm nhu cầu sử dụng đất lớn có thể dẫn tới xung đột đất đai, nếu không có giải pháp căn cơ; việc đảm bảo sinh kế, việc làm cho người dân của các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án điện; việc đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình chuyển dịch, nhất là ở các địa phương còn chậm; và cuối cùng là việc đảm bảo chế độ phúc lợi và quyền cơ bản ở nơi làm việc cho người lao động trong các doanh nghiệp năng lượng ngoài nhà nước cần có nhiều cải thiện hơn.
Trung Chánh
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn