TP.HCM sẽ tháo dỡ rào chắn, chốt chặn trước ngày 30/9?
Nhiều thông tin thời sự và cần thiết với không chỉ giới doanh nghiệp mà cả người dân TP.HCM đã được chia sẻ trong chương trình tọa đàm trực tuyến “Cà phê doanh nhân HUBA” lần thứ 59 do Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 25/9/2021.
Thông tin tích cực nhất được nhiều người mong đợi và truyền thông nhất loạt đưa tin trong chương trình này là việc đến 30/9, dự kiến các chốt chặn đủ loại… sẽ được gỡ bỏ trên các tuyến đường ở TP.HCM trước khi thành phố bước sang giai đoạn mới từ 1/10. Dù vậy, ở các cửa ngõ ra vào thành phố vẫn sẽ có những chốt, trạm để đảm bảo sự an toàn chung cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thông tin này do PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đưa ra khi tham dự chương trình Cà phê doanh nhân HUBA. PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết là tại phiên họp ngày 24/9 với sự tham gia của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đề cập việc từ nay đến ngày 30/9, thành phố sẽ tháo gỡ ngay các chốt chặn.
“Quan điểm của TP. HCM được lãnh đạo TP.HCM đưa ra hiện nay là sống thích nghi với Covid-19, và những bước đi tới đây phải linh hoạt, an toàn. Các gói hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp và người dân sớm phục hồi là cần thiết nhưng gói hỗ trợ cần nhất là nhu cầu được học tập, đi lại, làm việc, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, an toàn… “– PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.
“Sức chịu đựng của thành phố đã đến giới hạn. TP.HCM là đô thị đặc biệt và cần những tiêu chí riêng, thành phố đã kiến nghị. Đến giờ phút này, kế hoạch của các nhóm nghiên cứu mới ở dạng dự thảo. Chậm nhất ngày 27/9 sẽ phải công bố để người dân, doanh nghiệp biết được kế hoạch từ ngày 1/10 ra sao, nới lỏng thế nào.” – Ông Ngân thông tin thêm.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp đang phải hồi hộp chờ đợi kế hoạch tổ chức hoạt động kinh tế xã hội của TP.HCM, ông Ngân cho biết đến hiện tại, thành phố vẫn đang phải đợi bộ tiêu chí mới về kiểm soát dịch chính thức được ban hành. Hiện tại, so với tiêu chí kiểm soát dịch hiện hành của Bộ Y tế, TP.HCM vẫn chưa đạt để có thể nới lỏng giãn cách. PGS.TS Trần Hoàng Ngân thừa nhận đây là một điểm khó khăn với thành phố để chốt phương án sau ngày 30/9 tới. Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM đã thống nhất quan điểm phải mở cửa xuyên suốt, không thể mở rồi lại đóng, an toàn đến đâu mở đến đó, phương châm nhất quán là sống thích nghi, thích ứng với Covid-19.
Ông Ngân cũng chia sẻ lý do TP.HCM thận trọng, chưa mở cửa nhanh vì phải dựa trên điều kiện y tế, an toàn tới đâu mở cửa đến đó. Ông Ngân cho biết, qua trao đổi với ngành y tế, khả năng điều trị của riêng TP.HCM có thể đảm đương 20.000 ca F0. Trong khi hiện tại, số lượng F0 điều trị tại các cơ sở y tế tầng 2 và 3 vẫn đang ở mức gần 40.000 ca. Do đó, các bước đi mở cửa kinh tế phải hài hòa để vẫn đảm bảo đa mục tiêu.
Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cũng cho biết quan điểm sắp tới thành phố sẽ chuyển sang hậu kiểm nhiều hơn, sẽ kiểm tra ngẫu nhiên, xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên và nếu phát hiện vi phạm của cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp không theo tiêu chí về bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 thì xử phạt. Tinh thần là doanh nghiệp có quyền chủ động trong tất cả các khâu của mình, có thể sẽ tự xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm. “Thành phố cũng đang triển khai thí điểm cho shipper tự xét nghiệm Covid-19. Kết quả được cập nhật trên ứng dụng, tài xế tự chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm này khi hoạt động”, ông Vũ nói.
Các cơ quan của TP.HCM cũng đang thảo luận để thống nhất cách ứng xử mới khi có F0 trong doanh nghiệp. Tinh thần là doanh nghiệp có quyền chủ động trong tất cả các khâu của mình.
Tại buổi toạ đàm, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, cho biết các doanh nghiệp đang rất trông chờ được nắm bắt chính xác kịch bản về lộ trình khôi phục kinh tế của TP.HCM để chuẩn bị tâm thế, điều kiện để tham gia tích cực ngay từ đầu.
Ông Phạm Văn Việt – Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM – nêu ý kiến trong kế hoạch phục hồi và mở cửa kinh tế, TP.HCM cần làm rõ ràng, minh bạch và có lộ trình. Đồng thời, doanh nghiệp cũng rất cần có chính sách đưa người lao động trở về TP.HCM và thành lập tổ kiểm tra, đo lường tiến độ kết quả mà chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Việt cũng kiến nghị: “Cơ quan chức năng cần sớm bình ổn giá test Covid-19 bởi hiện nay giá kit test ngoài thị trường không đồng đều, lúc tăng lúc giảm khiến đơn vị tốn chi phí lớn.”
Ông Đinh Hồng Kỳ – chủ tịch HĐQT Công ty Vật liệu xây dựng Secoin, phó chủ tịch Hội Xây dựng và vật liệu TP.HCM – chia sẻ kinh nghiệm chống dịch từ Canada. Ông đề xuất giãn cách linh hoạt, cần bỏ các hình thức giãn cách cực đoan, phi thực tế, chỉ nên giãn cách ở những khu vực “đỏ”.
Ông Chu Tiến Dũng cho rằng hiện nay thành phố cần xem xét lại vấn đề xét nghiệm cho người lao động tại các doanh nghiệp. “Bởi nếu như 3-7 ngày/lần test sẽ khiến xét nghiệm sẽ trở thành một tảng đá đè chết doanh nghiệp”.
Cà phê doanh nhân HUBA lần thứ 59 được tổ chức ngày 25/9/2021 dưới hình thức trực tuyến trên nền tảng zoom, do Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM tổ chức với chủ đề “Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới”. Chương trình có sự góp mặt của PGS.TS. Trần Hoàng Ngân – Đại biểu Quốc hội, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM.
– Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt – Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM – Đại diện chính quyền, lãnh đạo HUBA, các thành viên và các doanh nghiệp tham dự,… |
BTV