fbpx

Thành phố không thông minh

Tôi sinh ra ở Nhà Bè. Đoạn đường dài hơn 18 km từ nhà đến cơ quan ở Quận 1 những năm qua vốn chẳng là bao so với công việc phải di chuyển liên tục. Mỗi ngày, tôi chỉ mất 30-40 phút đến cơ quan.

Còn bây giờ, cũng đoạn đường ấy, thời gian di chuyển là một hay một tiếng rưỡi, và cực nhọc hơn rất nhiều. Bảy giờ sáng một ngày bình thường, nắng đã xối rát mặt, chúng tôi – những công dân tội nghiệp thi nhau rồ ga xe từ ngã ba Tân Quy nhích dần lên trong cầu Kênh Tẻ, một trong ba cây cầu huyết mạch nối toàn bộ sinh hoạt của cư dân phía Nam với thành phố.Tôi thường xuyên chứng kiến cảnh ai đó cố gắng chặn đầu những chiếc ô tô để chửi bới, yêu cầu tài xế trả lại làn đường cho xe máy khi hai chiếc ô tô xếp hàng ngang chặn kín chiều ngang mặt cầu; hay những chiếc xe máy hì hục để leo lên một vỉa hè, vốn đã có hàng bánh mì và sạp cây cảnh khống chế, chỉ còn kẽ hở đủ một chiếc xe máy lách qua.

Thời gian nhích trên cầu đủ để tôi nghe trọn cuộc cãi vã của đôi vợ chồng trẻ về tiền bạc từ chiếc xe hơi, hay hứng trọn liên khúc hơn 10 bản nhạc xuân từ một chiếc xe khác. Một lần, có việc gấp, tôi liều bám theo một số người quẹo vào con hẻm nhỏ hòng thoát thân, nhưng thực ra chỉ là để biết rằng: không có lối thoát nào ở đây cả. Hôm nào may mắn, chúng tôi vượt qua cây cầu khoảng 500 m trong 15 phút, hôm nào xui xẻo mất nguyên nửa tiếng đồng hồ bị vùi lấp trong tiếng còi, tiếng máy nổ và khói xăng, dưới cái nắng có ngày lên tới 40 độ C, dính vào yên chiếc xe đã bỏng rát, mồ hôi bò từ mang tai xuống má, nghe tiếng la mắng, và tự nhủ đừng để những âm thanh bực bội ấy làm hỏng một ngày có biết bao việc đang chờ.

Bạn sẽ hỏi rằng “ai bảo biết kẹt mà còn lao vào chỗ đó”, xin thưa vì chẳng còn đường nào. Bạn lại bảo rằng vì cây cầu đang được nhà chức trách cải tạo để nới rộng thêm 2m chiều ngang nên mới thế. Đúng là nó đã được đem ra sửa từ giữa năm ngoái với lời hứa sẽ hoàn thành cuối năm đó. Gần một năm so với lời hứa, dự án vẫn đang thi công. Và việc sửa cầu chỉ làm nạn kẹt xe nặng hơn. Những dòng người bất động mỗi sáng trên những cây cầu huyết mạch chính là hình ảnh cụ thể hóa của những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, cũng là điểm nghẽn của nền kinh tế. Tình trạng ùn tắc giao thông thì đã thành đặc sản của các con đường từ phía nam tới quận 1 từ vài năm qua và ngày càng nặng.

Tháng 10/2017, tôi hân hoan khi hay tin nơi mình đang sống bắt đầu chuyển mình trở thành một đô thị thông minh dù TP HCM bị xếp hạng chót trong 12 thành phố Đông Nam Á về tính cạnh tranh và chất lượng sống. Trong đề án này, một trong 10 bài toán cần giải trên con đường hướng đến “thông minh” là cải thiện mạng lưới giao thông.

Tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định rằng vùng kinh tế này đã xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Một nguyên nhân quan trọng là trở ngại hạ tầng, giao thông của vùng. Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, “việc phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông của khu vực là không ổn”. Ông dẫn chứng, hiện ở thành phố cứ một cây số vuông thì có 2,1 km đường trong khi theo tiêu chuẩn phải là 10 km đường, “cứ 5 năm, thành phố thêm một triệu dân, lượng xe máy cũng tăng tương đương khiến giao thông trở nên khó khăn”. Còn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thì đồng tình giao thông đô thị đang là “điểm nghẽn nghiêm trọng” của vùng kinh tế trọng điểm này.

Bởi đáng ra, những con đường vành đai, cầu bổ trợ cho giao thông từ quận 7 sang quận 2, quận 4, quận 8 phải có trước khi hàng trăm dự án bất động sản mọc lên ở khu vực này. Bởi nếu những lời hứa xây cầu và xây đường giải cứu khu Nam thành phố – đã được đưa ra từ gần chục năm trước – mà được thực hiện, sự tình đã khác.

Tuần trước, khi đang nhúc nhích trong dòng người, tôi chợt nghe giọng cậu bé gần bên: “Sao ba không chạy lên vỉa hè đằng kia?”. Lần đầu tiên tôi cảm thấy phẫn nộ về một việc không phải của mình. Vì đâu mà việc chạy xe trên vỉa hè được một học sinh tiểu học ghi nhớ như giải pháp để “tư vấn” cho cha mẹ chúng? Chắc chắn đó không phải một bài học từ sách giáo khoa.

Trước khi thành phố trở nên thông minh theo cái nghĩa các nhà xây dựng chính sách đang dùng, thì các công dân của nó đã “thông minh” lên theo cách của họ. Thành phố thông minh phải chăng là khi một đứa trẻ biết bảo ba nó leo lên lề mà đi?Bởi vì với hạ tầng như hiện nay, phải có rất nhiều sự thông minh kiểu ấy con người ta mới tồn tại được trong thành phố này?

Phong Vinh
Theo VnExpress

CÙNG CHUYÊN MỤC