fbpx

Ba cô gái mở ‘hãng thời trang’ từ vải bạt cũ

Tận dụng những tấm bạt mái hiên, bạt xe tải hay banner sự kiện, nhóm bạn của Trần Kiều Anh làm thành những chiếc balo, túi xách bền chắc, thời trang.

ba-co-gai-mo-hang-thoi-trang-tu-vai-bat-cu
Trần Kiều Anh, 38 tuổi, Hoàng Diệu Thảo Trang, 28 tuổi và Ông Tú Quân, 26 tuổi (từ phải sang) ở Bình Thạnh cùng nhau lập một thương hiệu balo, túi xách “made in Việt Nam” từ bạt tái chế vào tháng 3/2020. Kiều Anh và Trang từng làm trong lĩnh vực thiết kế website, ứng dụng di động. Nhiều lần nghe bạn bè “phàn nàn” về việc những tấm bạt hiflex làm banner quảng cáo, băng rôn sự kiện… sau khi sử dụng bị thải bỏ, gây ô nhiễm môi trường nên hai cô gái tìm cách giải quyết vấn đề này. “Do công việc thường sử dụng balo đựng laptop đi làm nên tụi bắt đầu với việc thử nghiệm may balo”, Kiều Anh chia sẻ.
ba-co-gai-mo-hang-thoi-trang-tu-vai-bat-cu
Những tấm bạt mái hiên khi bị bỏ đi, sẽ được tái chế làm thành những chiếc balo như thế này. Sản phẩm có khoảng 80% từ vật liệu tái chế là bạt cũ và một số phụ kiện mua mới như quai đeo, khóa kéo…
ba-co-gai-mo-hang-thoi-trang-tu-vai-bat-cu
Để có nguồn nguyên liệu, nhóm bạn trẻ tìm đến những cơ sở lắp đặt mái che hoặc vựa ve chai. Tuy nhiên, những mảnh bạt cũ ở đây thường bị vò nát, thậm chí chất đống ở một góc trong thời gian dài phải mất thời gian để chọn lựa loại đạt tiêu chuẩn. “Dù sản phẩm làm từ nguyên liệu tái chế nhưng phải đạt chất lượng tốt, bền chắc, đầy đủ công năng và thời trang như những thương hiệu nổi tiếng”, Diệu Trang, thành viên nhóm cho biết.
ba-co-gai-mo-hang-thoi-trang-tu-vai-bat-cu
Sau khi thu mua bạt cũ, nhóm sẽ phân loại, cắt thành từng mảnh nhỏ, vệ sinh bằng banking soda, giấm ăn, cồn sát trùng… Đặc biệt, một số vết sờn, xước cũng được giữ lại để “kể tiếp câu chuyện về cuộc đời của những tấm bạt cũ”.
ba-co-gai-mo-hang-thoi-trang-tu-vai-bat-cu
Tất cả những công đoạn đều được làm thủ công. Từng mảnh vải nhỏ được tính toán để cắt cẩn thận, hạn chế tối đa bạt vụn phải bỏ đi.
ba-co-gai-mo-hang-thoi-trang-tu-vai-bat-cu
Ban đầu, nhóm may balo bằng bạt hiflex in banner quảng cáo, sự kiện. Tuy nhiên, chất liệu này cho ra những sản phẩm không bền. Thử nghiệm với chất liệu từ bạt mái hiên, bạt xe tải, ba cô gái thấy những chiếc balo thành phẩm bền chắc hơn, lại có những màu sắc bắt mắt. Sau hơn 100 lần thay đổi thiết kế bên ngoài lẫn công năng bên trong, nhóm mới tìm ra giải pháp và những sản phẩm ưng ý nhất.
ba-co-gai-mo-hang-thoi-trang-tu-vai-bat-cu
Những chiếc balo được tạo nên từ nhiều mảnh bạt khác nhau phối ghép lại, tùy vào màu sắc của những tấm bạt tìm được. Balo đựng laptop đảm bảo các tiêu chí như: bền chắc, chống sốc, chống nước, nhẹ và có tính thẩm mỹ.
ba-co-gai-mo-hang-thoi-trang-tu-vai-bat-cu
Những mảnh bạt nhỏ không đủ kích thước hay độ bền để may balo được nhóm tận dụng làm thành chiếc ví.
ba-co-gai-mo-hang-thoi-trang-tu-vai-bat-cu
Nếu mảnh nhỏ không đủ làm ví sẽ được chuyển sang làm thẻ đeo bảng tên.
ba-co-gai-mo-hang-thoi-trang-tu-vai-bat-cu
Ba cô gái đặt tên cho thương hiệu sản phẩm từ bạt tái chế của mình là Dòng Dòng. “Dòng dòng là cách phát âm từ ‘vòng vòng’ của người miền Nam. Ngụ ý là những tấm bạt từ mái hiên, trên xe tải hay những bảng hiệu quán xá đi một vòng lại trở thành chiếc balo mang trên vai”, Tú Quân thành viên nhỏ tuổi nhất nhóm giải thích.
ba-co-gai-mo-hang-thoi-trang-tu-vai-bat-cu
Bạt tái chế thường có nhược điểm là không đa dạng về màu sắc, họa tiết. Để chiếc túi bao tử bắt mắt hơn, Dòng Dòng thử nghiệm thêu họa tiết lên bạt trước khi may sản phẩm. “Tuy là một ý tưởng bất chợt để cải tiến sản phẩm đẹp hơn nhưng khi tìm hiểu, mình thấy từ trước đến nay chưa có ai thêu lên chất liệu bạt cả nên thấy rất vui và tự hào”, Kiều Anh chia sẻ.
ba-co-gai-mo-hang-thoi-trang-tu-vai-bat-cu
Mỗi tuần Dòng Dòng sản xuất khoảng 50 sản phẩm các loại. Nhóm cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài. Nhiều đơn vị khi tổ chức sự kiện có sử dụng banner cũng mang đến phối hợp với nhóm để may thành các sản phẩm tặng lại nhân viên trong công ty. “Bây giờ cả ba thành viên đều đã nghỉ hẳn công việc chuyên môn để tập trung làm sản phẩm. Mọi người luôn cảm thấy vui vì vẫn được làm điều mình thích, thỏa sức sáng tạo, góp một phần nhỏ hạn chế rác thải nhựa như câu slogan của Dòng Dòng là: ‘Vòng vòng lại, đỡ hại môi trường”, ba cô gái trẻ cùng chia sẻ.

Diệp Phan – Ảnh: Dòng Dòng

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/ba-co-gai-mo-hang-thoi-trang-tu-vai-bat-cu-4252910.html

CÙNG CHUYÊN MỤC