fbpx

Chuyện bất ngờ nhưng không lạ ở Kbang

Hè là dịp nhiều chương trình thiện nguyện được nối dài đến những miền xa. Theo chân nhóm Kết nối yêu thương, một trong hàng trăm nhóm từ thiện ở Sài Gòn, chọn miền núi xa xôi ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai làm điểm đến với nhiều trẻ em nghèo ham học, tôi được nghe những câu chuyện dù không lạ nhưng vẫn cứ bất ngờ!

1/ Con đường từ trung tâm thị trấn Kbang về trường Dakrong khá đẹp nhưng cũng có những đoạn xuyên rừng, thi công dang dở, khiến cô Ngọc, cô giáo dẫn đường cho nhóm từ thiện cứ hồi hộp vì sợ sau cơn mưa, đường nhão, xe dễ bị sa lầy. Cô bảo Tây Nguyên đang vào mùa mưa, nhiều khi phải quấn bánh xích xe mà đi. Kbang là nơi sinh sống của người Ba Na, nhưng cũng có người Kinh, hay người Tày, Nùng… ngoài Bắc di cư vào từ những năm 80.

Học trò xếp hàng theo sự hướng dẫn của thầy cô để chờ đến lượt được nhận quà. Một trong những khoảnh khắc nghiêm túc nhất của lũ học trò hiếu động.
Học trò xếp hàng theo sự hướng dẫn của thầy cô để chờ đến lượt được nhận quà. Một trong những khoảnh khắc nghiêm túc nhất của lũ học trò hiếu động.

Người dân tộc ở nhiều xã nơi đây rất nghèo, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy. Nhiều gia đình hầu như vắng nhà quanh năm suốt tháng. Họ thường xuyên đi rẫy, nên sống chủ yếu ở nhà đầm – một cách gọi tên loại nhà sàn giống như cái kho, nhỏ, dựng tạm ở các nương rẫy, rất tuềnh toàng, chủ yếu chứa lương thực thực phẩm. Lũ trẻ con hay theo người lớn lên rẫy vì thế khả năng bỏ học rất cao. Nhà chúng lại xa trường, trường Dakrong là trường cho học sinh người dân tộc trong bán kính 30km, đứa nhà gần cũng cách vài cây số. Mà không phải phụ huynh người dân tộc nào cũng có sự quan tâm đúng mực về chuyện học hành của con cái nên lũ trẻ vì thế, lớn lên tự nhiên và học hành theo kiểu rất tự nhiên. Thích thì đi học, không thì trốn. Đây là chuyện đau đầu của nhiều trường PT dân tộc, đồng nghĩa với việc vận động học sinh người dân tộc đi học của các thầy cô giáo ở đây rất vất vả.

Cơ sở vật chất khang trang rộng rãi là thế nhưng chưa chắc đã níu được chân những đứa học trò quen sống hồn nhiên bay nhảy giữa núi rừng.
Cơ sở vật chất khang trang rộng rãi là thế nhưng chưa chắc đã níu được chân những đứa học trò quen sống hồn nhiên bay nhảy giữa núi rừng.

Nhiều thầy cô than thở, dụ dỗ, khuyến khích, mời mọc chúng đi học đã rất khó khăn, mà đi học rồi chúng cũng có thể trốn học, bỏ học bất cứ lúc nào. Lũ học trò cấp một nhỏ quá không dám trốn một mình thì sẽ nghe theo lời các anh chị lớp trên trốn đi theo. Chúng trốn về làng hay lên rẫy. Chúng trốn không có lý do. Thích là trốn! Các thầy cô nhiều phen cứ phải chạy theo “bắt chúng lại”. Sĩ số lớp học vì thế cũng biến động theo… từng tuần. Cứ mỗi chiều Chủ nhật, các thầy cô lại túa về làng, đi vận động để thứ Hai học trò của mình có thể trở lại trường. Đi vận động không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có hôm đến nhà còn bị phụ huynh… vác rựa đuổi. Mà phải trường nghèo, bàn ghế xuống cấp cho cam, đây là một ngôi trường dân tộc nội trú được nhiều thầy cô cho rằng rộng và đẹp của tỉnh Gia Lai. Ngay hôm nhóm từ thiện Kết Nối Yêu Thương đến phát quà và vui chơi, các thầy cô cũng phải dặn đi dặn lại học trò và phụ huynh, mới tập trung được gần hết học trò của mình đến trường.

Các thành viên của nhóm Kết Nối Yêu Thương đang trao quà cho học sinh trường Dakrong.
Các thành viên của nhóm Kết Nối Yêu Thương đang trao quà cho học sinh trường Dakrong.

2/ Thầy cô giáo ở đây đa năng lắm. Không chỉ dạy học, còn làm bạn, làm tư vấn tâm lý. Trường xa trung tâm thị trấn, phải mất hơn 60 cây số, nên phần lớn thầy cô ở lại trường. Trong giờ học làm giáo viên, ngoài giờ lại xắn tay áo lên trồng rau, nuôi heo, cuối tuần lại túa về các bản làng để vận động học sinh đến trường. Lắm hôm phải kiêm thêm tài xế xe thồ cho các em. Nói vui, nhiều khi các cô giáo biết là không đúng, nhưng phải “tống ba, tống bốn”, thậm chí tống năm học sinh của mình trên chiếc xe máy để đèo chúng đến trường đi học. Có hôm gặp các anh công an giao thông cứ phải xuống xe năn nỉ, vì thực sự thầy cô cũng không biết làm sao để tải hết những em cần quá giang về trường cho kịp buổi học. Chưa kể, có những hôm thầy cô phải đi bệnh xá “giành giật” bệnh nhân với gia đình phụ huynh. Người dân tộc ở đây vẫn còn thói quen cũ, hễ con cháu bị bất cứ bệnh gì, sẽ đem về nhà cúng cho khỏi bệnh. Nếu học trò bị phụ huynh đem về nhà, lại phải gan cùng mình đến tận nơi thuyết phục để được cho học trò mình uống thuốc, đến bệnh viện chữa trị…

Công việc nhọc nhằn, thu nhập không cao, như cô Ngọc tâm sự, một giáo viên mới ra trường 2 năm, trong biên chế như cô, tổng thu nhập khoảng 8 triệu đồng/ tháng. Tương lai có thể tụt xuống còn 6 triệu đồng/ tháng sau khi cô đã qua giai đoạn 2 năm được hưởng trợ cấp trong chính sách “thu hút nhân sự ngành giáo dục” của địa phương, dành cho các giáo viên mới ra trường.

Cô Ngọc đưa các học sinh thuộc diện đặc biệt của trường đi kiểm tra năng lực học tập.
Cô Ngọc đưa các học sinh thuộc diện đặc biệt của trường đi kiểm tra năng lực học tập.

Tôi hỏi, vậy cô có tính đi dạy một thời gian rồi tìm trường gần nhà cho tiện không? Cô Ngọc lắc đầu ngay lập tức: Không đâu thưa anh. Mình thích ở đây hơn. Cực một chút nhưng cũng vui lắm. Nghề này, niềm vui nhiều khi đến từ những việc rất nhỏ, không tả hết được anh ạ. Như những hôm tụi em vào làng xin rau để về cải thiện bữa ăn, xin xong cứ luôn được dúi thêm, chỉ vậy thôi cũng đủ vui rồi.

3/ Bạn đọc có thấy những câu chuyện này quen quen không? Cũng dễ hiểu thôi, về cái sư học, đem con chữ lên vùng sâu vùng xa thường có những vấn đề chung giống nhau, từ bao nhiêu năm nay, dù nơi chốn, nhân vật có khác nhau.

Khó khăn trong giáo dục ở miền xa, vùng núi rừng không mới. Những chuyện tôi nhặt được ở Kbang cũng chẳng có gì lạ lẫm. Nhưng tôi vẫn khá bất ngờ khi đến tận bây giờ, nó vẫn là những câu chuyện đang tiếp diễn ở Tây Nguyên, ngay một nơi dù xa xôi nhưng giao thông không quá cách trở như Kbang, Gia Lai…

L.M.Hạ
Theo Netquang.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC