Khám phá nơi Van Gogh vẽ tác phẩm cuối đời
Nhiều tác phẩm của danh họa người Hà Lan Vincent Van Gogh nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất và cũng đắt nhất trên thế giới. Mới đây, một nhà nghiên cứu tuyên bố đã tìm ra địa điểm nơi ông vẽ bức tranh cuối cùng trước khi tự sát.
Được biết, tác phẩm cuối cùng của Vincent Van Gogh là bức Tree Roots. Ông bắt đầu thực hiện bức tranh sơn dầu này vào ngày 27/7/1890, khi đang sống ở Auvers-sur-Oise, Paris (Pháp).
Nhờ một tấm bưu thiếp cổ
Đó cũng là ngày mà ông trở về nhà trọ của mình với một vết thương do đạn bắn vào bụng. Khi được hỏi rằng có phải ông đã tự tử không, ông nói: “Vâng, tôi tin là vậy” – một câu trả lời đầy ẩn ý, rất mơ hồ, khó hiểu. 2 ngày sau, Van Gogh qua đời và để lại bức tranh Tree Roots còn dang dở.
Nhờ có cơ hội nghiên cứu một tấm bưu thiếp cổ, Wouter Van Der Veen – Giám đốc Khoa học của Viện Van Gogh (Pháp), đã phát hiện ra triền đồi nơi Van Gogh vẽ tác phẩm cuối đời của mình. Theo các báo cáo, các chuyên gia của Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam (Anh) đã chứng thực những phát hiện này và cho rằng “rất đáng tin cậy”.
Theo New York Times, Der Veen phát hiện sự tương đồng này khi đang nghiên cứu một kho bưu thiếp thuộc đầu thế kỷ 20 mà ông mượn từ một nhà sưu tập tài ba. Trong lúc nghiên cứu, Veen nhìn vào tấm thiệp chụp năm 1905 và cảm thấy chắc chắn rằng mình đã nhìn thấy những gốc cây này ở đâu đó trước đây. “Càng nhìn lâu vào bức ảnh trên tấm thiệp, tôi càng nhận ra tôi đang nhìn vào tác phẩm cuối cùng của Van Gogh” – ông nói – “Đó là một tác phẩm tuyệt vời mang một bí ẩn lớn. Nó đã được vẽ cách đây 130 năm, vì vậy thật bất ngờ và đặc biệt làm sao khi thấy nó ở ngoài đời thực”.
Trong tấm bưu thiếp cổ, một người đàn ông với chiếc xe đạp, đứng cạnh một ngọn đồi dốc phủ đầy rễ cây dày chằng chịt. Nơi này cách nhà trọ mà Van Gogh ở trước khi mất khoảng 150m.
Sau khi Deer Veen cảm nhận được những điểm tương đồng trên, ông đã thông báo tới Bảo tàng Van Gogh và Viện Van Gogh để tới tận nơi và chứng thực. Teio Meedendorp – chuyên gia cao cấp tại Bảo tàng Van Gogh nhận định rằng: “Rất có thể Van Gogh đã đi qua triền đồi này nhiều lần rồi mới quyết định vẽ lại cảnh cây cối”.
Không những vậy, Der Veen thậm chí còn mời Bert Maes – một nhà nghiên cứu chuyên về lịch sử thảm thực vật để đưa ra quan điểm. “Nếu bạn nhìn vào những mắt ở thân cây này, so sánh số lượng thân cây trong đó, kích cỡ, góc cạnh. Tất cả đều rất chính xác. Vì vậy, rất có khả năng đây là địa điểm mà Van Gogh đã vẽ” – Bert Maes nói.
Mở ra một trải nghiệm mới
Lâu nay, người ta vẫn tin rằng danh họa Vincent Van Gogh qua đời do tự sát. Đã có rất nhiều nghiên cứu về cuộc đời của ông được đưa ra. Nhưng hầu hết, họ đều khẳng định rằng trong những ngày tháng cuối đời, Van Gogh đã phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng tâm thần. Thậm chí, ông từng kể về nó là “thời điểm bắt đầu của một trang buồn nhất trong cuộc đời vốn đã trĩu nặng những ưu phiền”.
Thời điểm mà Van Gogh viết những dòng này là ngày 22/2/1890. Khoảng thời gian khủng hoảng tâm thần của ông kéo dài tới tận cuối tháng 4 năm đó. Vào thời điểm này, Van Gogh thậm chí đã không viết thư, viết nhật ký… dù đó vốn là một thói quen ưa thích của ông. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục vẽ tranh.
Nhà phê bình nghệ thuật người Australia – Robert Hughes cho biết trong giai đoạn từ tháng 5/1889 đến tháng 5/1890, Van Gogh liên tục “bị những cú trời giáng của sự tuyệt vọng và bệnh ảo giác hành hạ, khiến ông không thể làm việc. Tuy vậy, giữa những cú trời giáng do căn bệnh tâm thần gây ra, Van Gogh vẫn có những khoảng thời gian làm việc miệt mài trong trạng thái xuất thần, hưng phấn cực độ”.
Qua đó, một tấm biển đã được dựng lên tại triền đồi được vẽ trong tranh của Van Gogh như để bảo vệ một địa danh có ý nghĩa đặc biệt. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng khám phá mới này sẽ giúp khách du lịch và những người yêu thích nghệ thuật của ông hiểu biết sâu sắc hơn về những ngày cuối đời của danh họa người Hà Lan.
“Kết thúc cuộc đời của mình với bức tranh này rất có ý nghĩa” – Der Veen chia sẻ với Times – “Bức Tree Roots khắc họa cuộc đấu tranh với sự sống và cái chết. Đó là những gì Van Gogh để lại. Đó là một lời chia tay đầy sắc màu”.
Hay như Bảo tàng Van Gogh viết trong một thông báo: “Từ ngày hôm nay, những người đến ghé thăm làng Auvers-sur-Oise để theo bước chân của Van Gogh sẽ có thêm một trải nghiệm mới trong cuộc hành trình. Đó chính là mọi người có thể đứng ở vị trí chính xác nơi nét cọ của Van Gogh lần cuối cùng chạm vào khung vẽ”.
Đôi nét về Vincent Van Gogh Vincent Willem Van Gogh (30/3/1853 – 29/7/1890), là nghệ sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện (Expressionism) và có ảnh hưởng rất lớn tới mỹ thuật hiện đại, đặc biệt là tới trường phái dã thú (Fauvism). Ông thực sự trở thành họa sĩ từ năm 1880, ở tuổi 27. Ban đầu, Van Gogh chỉ sử dụng các gam màu tối. Nhưng đến khi được tiếp xúc với trường phái ấn tượng (Impressionism) và tân ấn tượng (Neo-Impressionism) ở Paris, ông bắt đầu thay đổi phong cách vẽ của mình. Chỉ trong 10 năm cuối đời, họa sĩ đã sáng tác hơn 2.000 tác phẩm, trong đó có khoảng 900 bức họa hoàn chỉnh và 1.100 bản phác thảo. Phần lớn các tác phẩm nổi tiếng nhất của Van Gogh được sáng tác vào 2 năm cuối đời, thời gian ông lâm vào khủng hoảng tinh thần tới mức tự cắt bên tai trái vì tình bạn tan vỡ với họa sĩ Paul Gauguin. |
Thành Quách
Theo thethaovanhoa.vn
Link nguồn: https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/kham-pha-noi-van-gogh-ve-tac-pham-cuoi-doi-n20200805062145356.htm